04/06/2021 11:51 View: 2872

Tại sao đi TU phải ăn CHAY, trai giới?

Không chỉ nhà Phật chủ trương mà thông qua kinh sách Đạo Giáo chư Tiên Thượng Thánh cũng nói rất nhiều về việc giữ gìn trai giới, làm thiện tránh ác, nhân quả báo ứng, cùng tạo lập công đức. Vậy vì sao việc ăn chay, trai giới lại quan trọng đối với các bậc tu hành?

 

com chay

VỀ VIỆC ĂN CHAY, TRAI GIỚI.

Kẻ tu Đạo - đi lên con đường tâm linh nói chung cũng nên ăn chay theo kỳ hoặc ăn chay trường. Có Trai giới được thì mới dễ tu:

  • Ai chưa tu được thì lần lần sẽ lên.
  • Ai sắp chứng vị rồi thì nhanh chứng vị.
  • Ai đã chứng vị thì sẽ dễ lên vị cao hơn.

Hầu như Trai giới là bước đầu tiên của việc tu đạo. 

Tất nhiên không phải cứ trai giới mới tu được, nhưng không có phép tắc rất khó tu. Mà trong quá trình dễ đi vào đường rẽ. Những kẻ tu được thì đi vào Quỷ Thần đạo. Nhưng là hàng Quỷ Thần không được sắc phong. Chỉ có số ít tùy duyên mới được sắc phong. Những người như này đều là căn cơ tu từ các đời trước. Thường là hàng Quỷ Thần đọa xuống tu lại. Kể cả đi vào Quỷ Thần đạo cũng là số ít, tu linh tinh tu sai đường thì đọa lạc lại mang thêm tội. 

Nếu là kẻ bình thường và các hàng linh căn bị đọa, thì tốt nhất nên theo phép tắc mà tu hành. Theo phép tắc mà tu thì dễ lên, dễ chứng vị, cảnh giới sau về cũng an lạc thanh tịnh hơn. Muốn tu được thì phải chịu khó chịu khổ một chút, không bỏ được thì không lấy được.

tu hanh

QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA "TOÀN CHÂN PHÁI" VÀ "CHÍNH NHẤT PHÁI" VỀ VIỆC ĂN CHAY.

Đạo giáo là một tôn giáo đề xướng việc ăn chay. Toàn Chân Phái thì bắt buộc ăn chay, Chính Nhất Phái thì không giống vậy chỉ cần ăn chay theo kỳ hoặc ăn chay trong lúc cử hành pháp hội.

Đạo kinh có nói: "Kẻ ăn chay, để thể xác và tinh thần được thanh tịnh, gột sạch tất cả tà uế". "Thánh Nhân lấy Trai (chay) làm giới,  là cái Đức của bậc Thần minh". Vương Thường Nguyệt Tổ sư cũng viết : "Tâm không giữ giới, thần tính không thể sửa, như vậy bản tâm bất định, tâm đã không định thì Nguyên Thần không chỗ quy hướng, không quy hướng thì chẳng thấy Chân".  

Đạo giáo là một tôn giáo rất coi trọng sinh mệnh vạn vật, cho rằng vạn vật thế gian đều từ tinh khí thiên địa sinh hóa thành. Giống như nhân loại vậy, vạn vật đều có quyền lợi sinh tồn bình đẳng. Chỉ vì sự tham lam cá nhân mà phá hủy môi trường sinh tồn, cùng tàn sát các loài sinh mệnh khác, vì đó mà tạo ra vô biên nghiệp chướng, đánh mất tâm từ bi, ăn chay chính là biểu hiện của giới sát. 

Có câu "Chớ ăn các loài động vật họ nhà rắn, ăn tắc đoản thọ, thần khí bất an, cẩn thận chớ sát sanh". "Trong việc tu Tiên có 10 điều hỏng - Tiên Đạo thập bại, 7 phần đều do ăn thịt".

Hiểu đúng về khái niệm ăn chay trong đạo Phật

Ăn chay có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với các tôn giáo hoặc niềm tin khác nhau. Ăn chay trong đạo Phật được hiểu theo khái niệm "trai giới" (齋戒) được đề cập trong kinh điển và mang nghĩa là thanh tịnh, trong sạch.

Với ý nghĩa này, ăn chay có nghĩa là ăn những thức ăn thanh tịnh, trong sạch, chứ không chỉ đơn thuần là không ăn thịt cá. Tuy nhiên, trước hết và quan trọng hơn hết, tất nhiên là ăn chay phải bao gồm việc không ăn thịt cá, hay nói rộng ra là bất kỳ loại thức ăn nào do sự giết hại mà có.

Một số loại thức ăn không phải do "giết", nhưng do "hại" mà có. Ngành chăn nuôi ngày nay nuôi bò lấy sữa, nuôi gà lấy trứng... tuy không giết những con vật này ngay, nhưng rõ ràng đang làm hại đến sự sống, không để cho những con vật này được sống một cuộc đời tự nhiên, và do đó những thực phẩm có được như vậy cũng không phải là thanh tịnh, trong sạch.

Một số thức ăn thực vật cũng được đề cập đến trong kinh điển như là không thanh tịnh, không trong sạch, vì những tính chất, mùi vị đặc biệt của chúng, cụ thể là những thức ăn cay nồng được xếp vào nhóm ngũ vị tân gồm: hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu. Dựa trên tiêu chí tương đồng, một số thức ăn khác như boa-rô, hành tây... cũng có thể xếp vào nhóm này. Lý do người ăn chay không ăn những món này không chỉ vì mùi vị cay nồng của chúng, mà chính là vì chúng có tác dụng kích thích dục tính rất mạnh nên được xem như không thanh tịnh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng các món này như thuốc men trị bệnh khi cần thiết, vì trong trường hợp đó chúng không được xem là thức ăn.

Sư thầy trên chùa ăn chay hay ăn mặn? 

Ăn chay hay ăn mặn trong giới luật Phật giáo không quy định, bởi thực tế từ xưa tới nay các vị sư tu theo Phật giáo Nam tông vẫn ăn mặn, do các vị sư tu theo hệ phái này phải giữ nguyên truyền thống từ khi Đức Phật còn tại thế. Thời đó do điều kiện sống của xã hội còn nhiều khó khăn, các vị sư thực hiện hạnh khất thực, tín đồ dâng cúng đồ ăn là chay hay mặn, sư đều phải nhận mà không có quyền lựa chọn.

Về sau này khi Phật giáo phát triển trong bối cảnh xã hội có nhiều điều kiện đáp ứng cho việc ăn uống, ăn chay được thực hiện trong Phật giáo Bắc tông, tuy nhiên ở một số vùng do điều kiện sinh hoạt, do hoàn cảnh từ trước tới nay các vị sư tu theo Phật giáo Bắc tông vẫn ăn mặn mà không phạm giới.

Trong kinh điển Nam truyền không nói đến việc cấm ăn thịt cá, và có đề cập đến "ba loại thịt sạch" (tam tịnh nhục) mà vị tỳ-kheo có thể thọ dụng, bao gồm các trường hợp:

  • 1. Không nhìn thấy người giết con vật.
  • 2. Không nghe tiếng con vật bị giết kêu la.
  • 3. Không nghi ngờ rằng người khác đã giết con vật đó vì mình, để có thịt cho mình ăn.

Một số nơi khác còn thấy đề cập đến hai trường hợp khác:

  • 1. Thịt của con thú tự chết.
  • 2. Thịt của con thú khác ăn còn dư.

Tuy nhiên, hai trường hợp sau này thật ra cũng có thể xem như đã được bao gồm trong ba trường hợp kể trên. Như vậy, có một số các tăng sĩ tu tập theo truyền thống Nam tông không ăn chay và họ ăn thịt cá dựa trên ba định nghĩa về "tam tịnh nhục" như được nêu trên.

Trong Kinh điển Bắc truyền, cụ thể là kinh Lăng Nghiêm và kinh Đại Bát Niết-bàn, thì nêu rõ việc người Phật tử vì lòng từ bi nên không ăn thịt các loài vật. Bởi nếu không có sự giết hại, dù là trực tiếp hay gián tiếp, thì không thể có các món thịt cá trong bữa ăn của chúng ta. Bồ Tát giới tại gia cũng quy định rằng người đã thọ giới phải ăn chay, dứt bỏ hẳn việc ăn thịt cá.

Vì thế, mặc dù không có sự bắt buộc người Phật tử phải ăn chay, nhưng trên con đường tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi thì người Phật tử trước hết phải hướng dần đến việc ăn chay. Đó là lý do có những hướng dẫn, khuyến khích người Phật tử ăn chay mỗi tháng 2 ngày, 4 ngày cho đến 10 ngày, hoặc ăn chay một số tháng trong năm...

Như vậy ăn mặn hay ăn chay xuất phát từ chính truyền thống tu tập và điều kiện hoàn cảnh sống của các vị sư ở từng địa phương, giới luật Phật giáo không cấm việc ăn mặn. Tuy nhiên do Phật giáo là tôn giáo từ bi, trí tuệ nên việc ăn chay được khuyến khích.

  • Ăn chay giúp không phạm giới sát sinh đồng thời thực hiện được tâm từ bi của người xuất gia hoặc người tại gia tin theo Phật giáo.
  • Ăn chay còn giúp thanh lọc cơ thể sạch, tốt lành hơn.

Trong giá trị tâm linh, ăn chay không sát sinh thì không tạo ra trường năng lượng xấu ảnh hưởng tới trường năng lượng sống của con người, tạo nên những giá trị đạo đức, tâm linh tốt lành cho cuộc sống con người.

Đừng bao giờ tự ép buộc mình ăn chay nếu trong tâm bạn chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng ngay từ hôm nay, bạn hãy bắt đầu suy ngẫm một cách nghiêm túc về những ý nghĩa của việc ăn chay như đã trình bày trên, và rồi tự thân bạn sẽ có thể đưa ra phán đoán về những ý nghĩa ấy.