04/06/2021 11:44 View: 8794

Cách khảo cây ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5

Tiết trời đã vào hạ, người dân chuẩn bị sắm sửa đón Tết Đoan Ngọ. Ngoài những món ăn không thể thiếu, sắm lễ và bài cúng mùng 5 tháng 5 thì trong ngày Tết này còn có một tục lệ cực kỳ độc đáo mà các cụ xưa truyền lại: Tục khảo cây ra quả. Vậy cách khảo cây ngày Tết Đoan Ngọ như thế nào? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

khao cay ra qua, tet doan ngo

Khảo cây là một trong những phong tục rất đọc đáo ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ và những phong tục độc đáo

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mồng năm tháng năm (âm lịch) hàng năm, còn được gọi là Tết Đoan Dương hay Tết trừ sâu bọ. Người xưa thường lấy lá móng nhuộm đỏ các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ từ đêm hôm trước, chỉ trừ ngón tay trỏ và ngón chân trỏ. Sáng sớm hôm Tết, mọi người trong gia đình cùng ăn rượu nếp, trứng luộc, bánh đa, kê, đào, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa. Người lớn có thể uống rượu hòa cùng tam thần đơn, hồng hoàng bởi các vị thuốc ấy được tin là có thể giết được sâu bọ ký sinh trong cơ thể. Trẻ em sau khi ăn xong thì được bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực và rốn để trừ trùng.

Cũng có nhiều cha mẹ mua bùa chỉ (còn gọi là bùa tua, bùa túi) đeo cho con trẻ. Bùa chỉ được kết bằng kết bằng chỉ ngũ sắc, những mẩu vải lụa hoặc the được kết khéo léo thành hình hoa sen, quả đào, quả khế, quả ớt,... Ngoài ra, cha mẹ có thể may áo lụa đem đến cửa chùa xin dấu xin bùa rồi đem mặc cho trẻ, nhằm trừ tà đuổi quỷ cho trẻ bớt quấy khóc.

Giữa trưa, các gia đình làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm - không cố định là những loại lá gì - thường là lá ích mẫu, lá cối xay, lá muỗm, lá vối,... đem về ủ rồi phơi khô sau lấy nấu nước uống. Người xưa cho rằng uống nước lá ấy thì lành mà mau khỏi bệnh. Tục hái lá này xuất phát từ điển Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời nhà Tấn: hai người lên núi Thiên Thai hái lá thuốc vào ngày mồng năm mà gặp tiên rồi thoát lốt phàm.

Nhiều người lại hái lá ngải cứu, tùy can chi từng năm mà kết thành hình con vật của năm ấy (như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu thì kết con trâu,...). Khi kết xong thì treo con vật đó giữa cửa để xua đuổi tà ma và sắc lấy nước uống nếu có ai trong nhà chẳng may đau bụng.

 

Khảo cây ngày Tết Đoan Ngọ như thế nào? 

Tục khảo cây ngày Tết Đoan Ngọ là gì? 

Các vùng miền phía Bắc có tập tục khảo cây (còn gọi là đánh cây) trong ngày mồng 5. Qua đó thể hiện ước mong cuộc sống luôn sung túc như cây cối luôn đơm đầy hoa trái.

Khảo cây lấy quả, đúng như tên gọi của nó, người ta sẽ tra khảo cái cây để yêu cầu nó ra quả nhiều hơn. Nghe có vẻ phi lý, nhưng với trí tưởng tượng phong phú cùng với niềm tin mãnh liệt, tục lệ này đã được truyền qua hàng trăm, hàng ngàn năm, từ đời này sang đời khác.

Những cây bị khảo:

Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh.

Theo đó, nếu nhà có trồng cây ăn quả đã lớn mà mãi chưa ra quả, hoặc có ra quả nhưng rất ít, hay ra nhiều hoa nhưng không đậu quả, hay rụng lúc quả còn non, gia chủ sẽ tiến hành tục Khảo cây lấy quả vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.

Thời gian khảo cây tốt nhất?

Mỗi vùng có một cách khảo cây khác nhau nhưng tất thảy đều diễn ra vào đúng 12 giờ trưa.  Chủ nhà sẽ chuẩn bị sẵn 1 cái vồ gỗ, chày hay dao to mang ra vườn gõ vào cây và nói rất to. Lời vấn đáp khi khảo cây cũng rất đa dạng, có nơi có hẳn bài vè để khảo cây, có nơi lại chỉ diễn nôm mà thôi. 

Những cây bị khảo thường là những cây ăn quả trong vườn nhưng ra ít quả, hoặc không ra quả, hay bị sâu bệnh. 

Cách khảo cây như thế nào?

Để khảo cây, cần có hai người. Một người đảm nhận nhiệm vụ trèo lên các cây ăn quả trong vườn để “đóng vai” là cây (chủ yếu là trẻ em). 
Người đứng dưới gốc cầm dao gõ vào thân cây, vừa gõ vừa hỏi tại sao năm nay ra ít quả? Hoặc nếu diễn theo bài vè thì sau khi chú bé đóng vai cái cây trèo lên cây cần khảo, chủ nhà ở dưới sẽ lấy cái vồ hay dao, chày gõ vào cây và nói 

“Dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không thì bà đánh”. - Tên cây có thể tùy ý thay đổi cho phù hợp với tình cảnh

Người trên cây sẽ đáp trả lý do tại sao ra ít quả, hoặc không ra quả, do sâu bệnh hoặc do thời tiết.

Người đứng dưới lại tiếp tục hỏi mùa tới có ra quả hay không, nhiều hay ít quả và “dọa” nếu không cho quả như ý muốn thì sẽ bị đốn hạ. Người trên cây trả lời những câu hỏi với giọng cuống quýt, van xin đừng đốn, đồng thời hứa sẽ cho nhiều quả to vào mùa sau. Hoặc đọc theo câu vè: 

“Xin bà nhẹ tay, năm nảy năm nay, con xin ra quả.”. 

Đơn giản vậy thôi là xong việc Khảo cây lấy quả, 2 người vào nhà dùng cơm, cũng đúng lúc mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ vừa dọn xuống.

 

Kết luận

Đây là cách khảo phổ biến nhất, còn tục Khảo cây lấy quả sẽ tùy theo vùng miền mà có sự thay đổi tùy biến. Có nơi khảo cây bằng vồ gỗ, có nơi lại dùng dao rựa, chày hay cây roi, gậy gộc… Song điểm chung giữa các cách khảo cây đó là tục này sẽ được tiến hành vào đúng giờ Chính Ngọ, tức 12h trưa ngày mùng 5 tháng 5. Người đóng vai cái cây thường là trẻ con trong nhà, cây bị khảo là những cây không sai quả, hay bị sâu bệnh, cho sản lượng không cao. 

Với niềm tin khảo cây sẽ cho nhiều hoa thơm, trái ngọt vào mùa tới, tục khảo cây đã trở thành phong tục lâu đời của người dân miền Bắc, đặc biệt là xứ Thanh. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, chất lượng đời sống ngày càng nâng cao, tục khảo cây trong ngày Tết Đoan Ngọ đã không còn phổ biến như trước.