04/06/2021 11:47 View: 15246

Sự thật về cậu bé Lệch ở đền Suối Mỡ Bắc Giang

Cậu bé Lệch là 1 trong những thánh cậu được nhắc đến khi nói về Tứ Phủ Thánh Cậu. Cậu cũng là hình tượng nam thiếu niên nhanh nhẹn, xông xáo, hiếu động, mạnh mẽ. Nhưng tại sao khi hầu giá cậu Lệch thì các thanh đồng lại diễn méo mồm, tay khoèo vắt vẻo? Vậy cậu bé Lệch là ai? Thần tích thật sự về cậu bé Lệch như thế nào? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

cau be lech, cau be thoai

12 cậu trong Tứ phủ Thánh cậu

Nếu chịu khó tìm kiếm ta sẽ thấy, hầu như không có tài liệu ghi chép về thân thế của các thánh cậu trong TỨ PHỦ THÁNH CẬU. Tuy có 12 cậu, nhưng không xác định được các cậu thờ chính ở những đền nào cụ thể.

Thông thường thì các cậu ngự tại các lầu cậu tại các đền phủ. Ở lầu cậu, có khi thờ một tượng, cũng có khi thờ nhiều tượng cậu. Tuy nhiên, cậu bé hầu cận ai trong đền thì không có sự tích giống như các cô bé. Vì thế cậu ngự ở bản đền nào thì gọi là cậu bé bản đền đó. Có rất ít đền thờ riêng các cậu bé và so với các cô bé thì hình tượng các cậu mờ nhạt hơn khá nhiều.

Khi hầu đồng, người ta hầu nhiều giá cô hơn giá cậu.  Có thể lí giải điều này là do bị ảnh hưởng từ văn hóa MẪU HỆ từ thời cổ xưa. Các cậu bé là ngôi thấp nhất trong tứ phủ nên ít thấy có có sự tích và cũng hiếm được thờ đền riêng. CẬU BÉ LỆCH được thờ ở cung MẪU tại đền Trần Triều, khu du lịch tâm linh đền Suối Mỡ. 

Cậu bé Lệch là ai? 

Theo một số trang đưa tin thì cậu Bé Lệch là con vua Hùng khi sinh ra miệng cậu bị lệch và tay cũng bị khèo nên nhà vua sợ nên đã thả bè trôi sông. Sau khi mất, cậu ngự về vùng đất Suối Mỡ Bắc Giang. Nghe nói cậu rất linh thiêng. Trước đây, tại ngôi đền cũ chỉ có hai tấm bia thờ trần Hưng Đạo và thờ Cậu. Khi lên chỗ mới, đền trần được Nhà nước xây khang trang còn cung thờ Cậu chưa có.

Cậu bé Lệch được thờ ở đâu? 

Cậu bé Lệch được thờ tại Đền Trần Hưng Đạo bên Hồ Thùm Thùm - Khu Du lịch Tâm Linh Suối Mỡ. Cậu bé Lệch được thờ tại một cung mẫu tại đền.Trước đây, đền nằm dưới lòng hồ Thùm Thùm. Khi Nhà nước cho xây dựng hồ thì Đền được di chuyển xây dựng mới trên đồi cao.

Sau khi đến Đền Hạ, vượt qua Đền Trung, Đền Thượng của khu Suối Mỡ chúng ta đi thêm cỡ 2 km là đến Đền Quan Trần Triều. Đền Quan Trần Triều. Điểm thú vị là đến được Đền thì chúng ta cần tự kéo đò qua hồ mà không phải chèo đò đâu nhé.

Đền tọa lạc trên lưng một quả núi nhìn xuống hồ Thùm Thùm nước trong xanh biếc tạo nên một phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có

Sự thật về tích cậu bé Lệch

Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng thông tin này chưa hoàn toàn chính xác bởi đền thờ (mới) Trần Hưng Đạo bên hồ Thùm Thùm - khu du lịch Tâm Linh Suối Mỡ - Bắc Giang mới được xây dựng cách đây chỉ hơn 10 năm và ngày xưa không ai gọi là cậu Lệch. 

Nếu về tận nơi tìm hiểu qua các cụ già và thầy đồng trên 60 tuổi tại đây, họ sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện dở khóc dở cười - vì sao có cái tên cậu Lệch. 

Theo các đồng thầy (xin giấu tên) tại Bắc Giang kể lại thì do cô đồng Mai dâng tượng vào đền, ban đầu tượng là cậu bé Thoải, nhưng do thợ tô tượng lỡ tay đã tô hơi lệch một chút ở phần môi. Sau khi hô thần nhập tượng xong, nhìn kỹ lại mới thấy nhưng không thể sửa được nên mọi người buộc phải kêu là cậu Lệch. 

Tích về cậu bé Lệch cũng có người cho rằng đọc lên đã thấy nhiều phần vô lý. Vì Vua Hùng là đấng minh quân, cai quản cả 1 quốc gia Đại Việt. Nhân dân biết đến ông với tài năng, đức độ... liệu có vì một khuyết tật của con mà đem thả trôi sông cho con chết được không ??? Hổ dữ còn không lỡ ăn thịt con, huống hồ là con người? Liệu người đến con ruột còn giết thì đến giờ còn được hậu thế tôn thờ?

Nói vậy để hiểu rằng: Thần tích về một số vị trong Tứ Phủ là do dân gian truyền lại nên có rất nhiều dị bản khác nhau, đời nọ truyền qua đời kia khó tránh khỏi không còn nguyên bản gốc. Khi nhà đền và các thanh đồng tiếp cận với các thần tích này cũng cần có sự nhìn nhận cho thấu đáo. Không thể lưu truyền những thần tích bôi nhọ vua Hùng, vị vua đang được tôn thờ của dân tộc Việt.  

Lật lại tích xưa

Nguyên là văn tích của bà Mị Nương Quế Hoa công chúa (tức Bà Chúa Sơn Tinh): Mị Nương Quế Hoa là con của vua Hùng Định Vương thứ 18. Hùng Định Vương không có con trai mà chỉ có 2 người con gái, đó chính là là vợ của Tản Viên Sơn Thánh và bà Mị Nương Quế Hoa. Mị Nương vì nhớ mẹ, đi tìm và làm bạn với cỏ cây nên có duyên được tu luyện phép tiên. Bà đắc đạo ở Suối Mỡ - Nghĩa Phương, Lục Nam - Bắc Giang.

Theo như các thánh tổ truyền ngôn thì nơi nào thờ bà Sơn Tinh hoặc hóa thân của bà Sơn Tinh mới được thừa nhận là công đồng nên Bắc Lệ và Suối Mỡ mới gọi là công đồng.

Trước năm 1965, khi huyện Hữu Lũng (tức Hữu Thượng tỉnh Bắc Giang, Đạo Trấn Kinh Bắc) chưa bị cắt về tỉnh Lạng Sơn thì Kinh Bắc có Công đồng thờ 4 phủ. Tức câu ca khởi nguồn tín ngưỡng 4 phủ: 

Nam thành phủ
Bắc công đồng

  • Nam = Nam sơn trấn (giờ là Thái Bình, Nam Định, Hà Nam...)
  • Bắc = Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Đông Anh, Sóc Sơn,  Gia Lâm (1 nửa tỉnh Hải Dương) ..

Vậy nên, khởi nguồn tín ngưỡng bốn phủ chỉ cần đọc hai câu khái quát này là tóm tắt hết nguồn cơn của tục thờ nữ thần.

Đền cũ không hề có tượng

Tại ngôi đền có thờ tượng cậu Thoải ( mọi người vẫn kêu cậu Lệch) thì nguyên cung mẫu được xây bên cạnh ngôi đền Quan Binh (đền cũ nằm ở trong lòng đập)

Năm 2012, dự án xây đập giữ nước cho khu vực sinh thái tâm linh Suối Mỡ đã hoàn thành thì đền quan binh lại thấp hơn so với mặt nước hồ 5 mét. Vì điều này mà chính quyền đã trả lại đền Quan Binh sang chỗ khác, tức là đền mới hiện nay (kinh phí quyết toán khoảng 1.5 tỷ thời điểm 2014).

So với nguyên trạng năm 2012 thì đền hiện tại nằm sang hẳn bên kia dòng suối. Đường vào đền cũ khi các bạn qua kè tràn chỗ khúc quanh là đường đi xuống đền quan binh (nhà Trần ) xưa.

Ở đền quan binh cũ, trong đền chính xác chỉ có 3 cái ngai và bát hương, không có tượng như đền được xây trả lại trên núi bây giờ. 

Giá hầu cậu bé Lệch

Như vậy có thể thấy rằng, cậu bé Lệch tại đền suối Mỡ Bắc Giang chúng ta nên gọi đúng tên là cậu bé bản đền hay cậu bé thủ đền, do nhân dân phối thờ vì trên thực tế tục thờ nhà Trần là nhân thần hiển hoá, hoàn toàn có gốc là người thật và thứ bậc rất rõ ràng.

Các cậu bé trong TỨ PHỦ THÁNH CẬU thường được coi là các hoàng tử nơi chốn thiên cung, được vua cha Ngọc Hoàng cho giáng trần để giúp dân an cư, lạc nghiêp hay dẹp giặc cứu nước và được đón về từ khi còn tuổi niên thiếu. Cũng nhiều khi các cậu bé được cử xuống hầu cận vị quan nào đó rồi trở thành vị  thiếu niên anh hùng phò vua giúp nước chứ không cứ phải là hoàng tử thiên cung. Thế cho nên cũng không thể có các giá hầu cậu Lệch mà thanh đồng lệch hết cả mồm miệng, cân tay co quắp như hiện nay. 

Các bạn cứ nghĩ mà xem, đã thành Thần thành Thánh hiển linh thì đều rất oai nghi, từ bi hỉ xả, đẹp và sang bóng. Có ai về đồng lại mồm méo, tay khèo, chân đi tập tễnh thụt thò làm trò cười cho thiên hạ?  Thánh thần không thể nào như vậy, chỉ người trần tự nghĩ ra làm mất uy nghi nhà Thánh.

Cũng không thể nói do Thánh nhập vào nên mới thế, các cựu đồng già hầu thánh 50 năm cũng chỉ nói là cảm nhận được tâm linh của thánh chứ chưa bao giờ bị nhập cả. Bây giờ mọi người cứ nói bị ốp, thánh nhập nên mới thế là không đúng. 

Tổng kết

Dù đúng dù sai thì việc thờ tự là để tri ân công đức, định hướng cho tâm thức, cân chỉnh hành vi, đạo đức của con người. Lộc là do bàn tay lao động mà có! Nếu chỉ ngồi không mà thờ - trên ban bay xuống xấp tiền thì thiên hạ chả còn bà ngồi bán rau ngoài chợ!

Thần tích các vị thánh nhân, câu kinh tiếng kệ... tất cả chỉ giúp con người nhìn vào đó mà vận dụng, hiếu cái ý tứ giáo dục của bậc thánh nhân để thực hành vào cuộc sống. Một thần tích nói xấu vua Hùng, đi ngược lại với đạo lý làm người thì không thể được truyền tụng hết đời này sang đời khác.

Chúng ta cốt sống sao cho đúng đạo làm con với bố mẹ, anh chị em, con cháu với ông bà còn sống, sau là tổ tiên - huyết thống tâm linh gần ta nhất, thế đã là tốt lắm rồi!! Chưa làm tốt việc đó thì mong gì nghĩ xa xôi, mong gì đi lễ đền lễ phủ, xin lộc nhỏ lộc to !

Tamlinh.org

Không sao chép, diễn đọc dưới mọi hình thức