04/06/2021 11:46 View: 3542

Căn đồng số lính: Giai đoạn CHỮNG LẠI của con đồng

Tất cả những người tu theo đạo Mẫu, đạo Phật, đạo Cao Đài hay đạo tin lành... đều sẽ có những giai đoạn thử thách cần phải vượt qua. Nếu như trong đạo Phật, đó là ma chướng thì ở đạo Mẫu - các đồng nhân cũng có 3 năm thử lính, 9 năm thử đồng. Không chỉ vậy, khi đã đạt được một kết quả nhất định, họ còn phải vượt qua một giai đoạn CHỮNG LẠI tưởng như đơn giản nhưng lại rất khó khăn. Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu NHỮNG GIAI ĐOẠN CHỮNG CỦA CON ĐỒNG để biết thêm về quá trình tu tập của các đồng nhân trong đạo Mẫu. 

hau dong, tu dong, giai doan thu thach cua con dong

Tín tâm: Mê muội và hờ hững

Con người ta khi theo đuổi một thứ gì đó mang tính chất niềm tin thì có thể đến mê muội, cũng có thể vô cùng hờ hững. Ví như đồng nhân vậy,

Khi chưa nhập đạo - bị cơ này cơ kia, thậm chí chưa kịp cơ đã có duyên tìm về với đạo, đến khi “thời điểm đến” thì ra trình đồng mở phủ, có người định sẵn sẽ ra lúc đó, có người đơn giản là bị “ép” vào thế không ra thì không được. Nhưng chung quy lại, cái thời điểm sắp ra và vừa ra đồng là tâm lý hồ hởi hồi hộp, nhiều câu hỏi quẩn quanh và nếu ai có chút tín tâm thì cũng là lúc tín tâm hừng hực nhất.

Là khi người ta nghĩ hay nói ra miệng rằng rồi đây họ sẽ “nhất một lòng tòng 1 đạo”, sẽ “sạch sành sanh còn manh áo đỏ”, hay “nguyện phụng sự đến mãn chiều xế bóng”…

Những người ra vì tiền vì danh vì lợi, vì chả hiểu gì mà bị lợi dụng cho ra đồng để các thầy kiếm chác thì chúng ta không bàn đến. Hãy cùng nghĩ về những người chỉ cần có một chút tín tâm với đạo, với cửa đạo Thánh mà họ vừa ra nhập:

Ban đầu, thường là tâm trạng háo hức, vui vẻ xen lẫn hồi hộp, hy vọng đôi khi là lo sợ.

Sau bao nhiêu trăn trở, khó khăn hay những quẩn quanh cuộc sống, những cơ, những mệt mỏi lạc lối…cuối cùng cũng đi đến quyết định và được ra trình đồng mở phủ nhập đạo, ra hầu Thánh. Lần đầu lên sập hầu, được trải qua cảm giác “đóng vai” ông Thánh ban tài phát lộc cho bách gia, được kẻ cúi người tâu muôn phần trọng vọng, trải qua những cung bậc cảm xúc mang tính tâm linh huyền bí chưa từng biết đến…

Ấy là trên sập. Cảm giác đó có thể đến trong chóng vánh nhưng nó lại tạo một dư vị khó quên, và rồi mong được hầu nữa, hầu nữa…

Sau đó là đi lễ, đi trình khăn áo bản mệnh, đi dự hầu…

Rồi được gặp những người “ giống” như mình theo một cách gọi chung là "con nhà Thánh", được vui vẻ, được trầm ngâm, được thấy mình “đặc biệt” chứ không dị thường giữa nhóm cộng đồng cũng “đặc biệt”. Bỗng cảm thấy thế giới cuộc sống ngoài kia lắm xô bồ độc địa, đây mới là chốn ta nên ở, nơi ta nên về… đây mới là nhà là anh chị em của ta…

Cảm giác này cũng hạnh phúc và đáng ghi nhớ, cũng gây phấn khích chỉ kém lên sập hầu mà thôi.

Rồi lại thêm sự lao vào tìm hiểu đạo, đọc cái nọ, xem cái kia, hay tham gia các diễn đàn, các nhóm tâm linh, ngâm nga vài câu hát văn, mấy tích về các vị Thánh, ghi nhớ vài điển tích, các bí mật tâm linh chỉ bản hội mình mới có,… mỗi thứ đọc được 1 ít và bỗng nhận ra thế giới tâm linh muôn màu vẻ, huyền bí... Thật kỳ diệu khi mình là 1 thành phần trong số đó, sự cuốn hút khi cứ đọc nữa đọc mãi về các câu chuyện mà suy ra đều liên quan đến tâm linh cả… Lắm khi bị hút vào đến mức cảm thấy một ngày không lướt các tin trang tâm linh hay nói chuyện về tâm linh là thấy ngày đó thiếu chút oxy để thở. Kỳ lạ nhưng có thật.

Nếu cứ theo “chuẩn cơ bản” thì là sẽ hầu đủ vấn đủ khóa, lễ nghĩa nơi chốn tổ ngày rằm mùng 1, lễ nghĩa nơi đồng thầy cho trọn vẹn, rồi học đạo theo lời thầy dạy, đi lễ nơi cửa nọ phủ kia tín tâm cửa Thánh, rồi lo làm ăn công việc….

Sẽ có khó khăn, có ma chướng, có oan gia ngáng đường, có cơ đủ loại … Nhưng phải rèn luyện, phải vững tâm sẽ vượt qua…

Rồi dần dần đến tạ tam niêm… đến 12 năm …36 năm…

…. dần dần ra làm việc … nhất tâm phụng sự…. chờ đến ngày được về với Thánh

À lí thuyết là như thế. Nhưng thực tế nó cơ man nào là khác.

Khi người ta chưa tạ tam niên thì rất mong đến ngày đó được tạ, là dấu mốc đầu tiên quan trọng chỉ sau lễ trình đồng mở phủ. Họ có quyền hi vọng và thực tế rất hy vọng 1 sự thay đổi hay đơn giản là sự an yên về tâm thức, thần thức và mọi sự khác trong cuộc sống.

Nhưng sau khi tạ xong, không ít người vẫn thấy mình như vậy, tâm họ trống rỗng, họ không biết phải làm gì tiếp theo, tu tập tiếp thế nào hoặc giả chăng có được nói phải làm gì, tu tiếp như thế nào thì họ lại chần chừ, họ suy tính, lo lắng, do dự … họ còn bồn chồn hơn cả lúc vừa ra mở phủ. Phải chăng họ đang ở giữa của sự “lớn chưa hẳn mà trẻ chẳng còn”… , làm gì cũng sợ sai nhưng không dám hỏi và cũng chả dám thừa nhận thì nói đâu đến việc nỗ lực vượt qua nó. Thế là biện pháp an toàn được thực hiện:

Chả làm gì cả… tiếp tục chờ đợi hoặc chịu đựng hoặc than vãn hoặc lo sợ…

Vậy đối với họ, tạ tam niên và sau này là 12 năm hay lâu hơn nữa…. Sẽ là bước tiến hay bước lùi hay là đứng yên ???

Lại nói, khi người ta chưa tìm được thầy đạo, họ cố công tìm và phải tìm bằng được. Đến khi đủ phúc duyên tìm được thì:

  • - Ban đầu kính nể, thậm chí là ngưỡng mộ tôn thờ
  • - Nhưng dần dần họ thấy thầy cũng như họ, cũng phải tu, cũng cơm áo gạo tiền gia đình tục sự, cũng có lúc sân si hỷ nộ như ai…
  • - Đến một lúc nào đó sự ngưỡng mộ tôn thờ không còn, dần dần người ta dựa vào chữ kính
  • - Sau đó lâu nữa là cố giữ cho “đủ” lễ, …. Dù trong tâm họ sóng nổi ầm ầm… tâm họ bị lay động… họ đang hướng đi theo một người “ thầy” mới, họ đang ngưỡng mộ những người khác nữa… Còn việc họ có bỏ người thầy mình đã cất công tìm kiếm nhưng không 100% như ý họ kia hay không, thì …còn tùy.

Lúc này, thầy họ dù có tâm đức thật đấy, có chỉ dẫn cho họ cách tu thật đấy, có giảng giải cho họ đúng sai phải trái thật đấy… nhưng họ có nghe hay không, có nhất tâm thực tín làm theo hay không, và kiên trì làm theo đến đâu… mới là vấn đề.

Thành ra, nhiều trường hợp vẫn có thầy đấy mà như không có.

Không phải vì thầy không thương, không giúp, không dạy dỗ. Mà vì tâm họ bị nhãng, họ đang ở giai đoạn chững của đường tu. Nghe thầy nhưng nghe không triệt để, câu nói xưa kia: “Trên theo Thánh dưới theo Thầy” thành một câu nghe quen quen, chứ thực hành thì …

Hàng ngày người ta lướt web vẫn là các bài viết về tâm linh, vì cơ bản là trước đây đã tham gia kha khá nhóm, nhưng việc quan tâm đến các bài bóc phốt nhau, sự kiện hot, nhân vật gây chú ý, canh đàn bạc tỷ… và các bài viết than thở của những người cơ hành, dở tu... được chia sẻ nhiệt tình. Còn những bài viết về tu đạo, có khi của chính thầy mình đã trăn trở viết ra hướng đạo cho mình chứ đừng nói là bài viết dạy đạo cop nhặt trên mạng, đôi khi like nhanh hơn là đọc, và ít khi đọc lại nhiều lần để ngẫm xem cái gì học được, thực hành được, cái gì chưa và không phù hợp. Vì đã đọc quá nhiều ư ? Không phải. Vì giờ đọc cái gì cũng quen quen, cái gì cũng nửa như biết và nửa như chưa biết… Nửa chừng vậy, thế mới khó…

Lúc này, tiến tu hay không, có bị cơ hay không? Là do ai ???

Và cuối cùng, là hầu hạ, phụng sự.

Đôi khi sau những biến cố, sau những khó khăn thử thách của cuộc sống, sau những nghi lễ cầu xin… cuộc sống vẫn tiếp diễn, không quá đi vào đường cùng nhưng vẫn chẳng có sự vụt sáng như mong đợi… (Ở đây nói đến sự cải biến là CÓ, nhưng đúng như tất cả những mong đợi của đồng nhân thì KHÔNG, mà lòng tham cầu của con người là vô đáy !!!).

Khi đó, ta bắt gặp những bản điện nhang khói ảm đạm, những canh hầu gọi là “cho đủ”.

Và giống như các cụ nói, trăm hay không bằng tay quen, đúng là vậy. Hầu đẹp vẫn đẹp, sang vẫn sang. Chỉ là không thấy sự hồ hởi, không thấy ánh mắt sáng hy vọng và niềm tin tuyệt đối vào chư Thánh khi rước bóng, khi dâng nén hương, bát nước cơi trầu cửa Thánh. Đương nhiên xét từ nhiều mặt, có những khi canh hầu như vậy nhà Thánh vẫn chứng, canh đàn vẫn ổn, nhà Thánh vẫn cười và để yên như vậy… Các ngài chờ đợi điều gì vậy ??? Không phải các ngài làm ngơ trước mọi chuyện, trước sự thay đổi trong tâm thức của con đồng đâu.

Chỉ là có thể nhà Thánh chờ cho con đồng tự nhận ra. Rằng họ đang ở giai đoạn CHỮNG.

CHỮNG không phải là sái tâm.

Đồng nhân vẫn nhất tâm cửa Thánh, vẫn tín Thánh, tín đạo.

Nhưng sự tín tâm này đang dừng ở một mức nào đó, không tăng trưởng lên. Mung lung như đang giữa một ngã ba đường, chẳng biết đi đường nào, hoặc giả chăng, chẳng muốn nỗ lực cất bước đi tiếp.

Và bỗng một chốc ấy, con đồng đặc biệt là đồng nhân vừa ở bước tạ tam niên (dấu mốc đầu tiên sau khóa thi mở phủ), như đang lạc bước giữa đường tu, đi nữa sợ bước sai, đứng yên sợ thụt lùi …

Giai đoạn CHỮNG này không phải cứ đồng nhân sau 3 năm mới có, mà sau 12 năm, sau 36 năm…. Hay trong suốt quá trình tu tập. Bất cứ lúc nào đồng nhân cũng có thể bị lún sâu vào giai đoạn này. Giai đoạn mà bản thân không biết mình sẽ làm gì để thực sự tiến tu hơn nữa, hay kẹt lại giữa tâm trạng làm đúng nguyên tắc và yêu cầu, chứ không với tất cả sự yêu thích, nhiệt huyết và niềm tin.

Nếu cứ mãi ở giai đoạn này, đồng nhân sẽ bị sự uể oải, trì trệ thậm chí sợ hãi xâm chiếm cả cơ thể và tâm thức.

Đó là tiền đề của sự trượt dốc trong tu đạo.

Giai đoạn này NGUY HIỂM vô cùng vì nó diễn ra từ từ, chậm rãi khiến không mấy ai nhận ra hoặc có nhận ra nhưng lại cố tình bỏ qua nó. Bởi vì sao, bởi sự CHỮNG, sự sợ hãi, sự trì trệ, lạc lối này xuất phát từ chính con đồng. Chính những suy nghĩ như:

  • Có phải đồng tân nữa đâu ????
  • Có phải không tín tâm đâu ???
  • Có phải không biết gì về âm dương đâu ???
  • Có phải không tìm hiểu tham khảo kiến thức đạo đâu ???....
  • Có phải không nỗ lực tu tập sau bao nhiêu năm đâu ??? (Với đồng đã ra hành đạo hay nhập đạo nhiều năm..)

Ấy vì lẽ đời cái đã được rồi vượt qua rồi có rồi thậm chí an yên rồi thì thường thoả mãn và thậm chí quên ngay. Và luôn hướng tới cái chưa vượt qua hay những cái nhỏ thỉnh thoảng bị mắc và bị cơ dù không lớn ....

Khi tâm đã không kính và niềm tin vơi cạn vì "gần chùa gọi bụt bằng anh", thấy rằng abc thì lại nhìn vào cái nhỏ chưa vượt qua hay còn mắc đó mà so bì .... và đó sẽ là cái cớ để bám trụ xa thầy xa bạn xa cả đạo. Dẫn đến tâm lý đã đến lúc hết cơ rồi, đến lúc gia đình phải sung túc êm ấm rồi, hay suy nghĩ kiến thức kinh nghiệm tích lũy bấy lâu đã khá đủ rồi, hoặc đến lúc tạm gác lại tu đạo để lo cho việc này, việc kia rồi …. Lúc này oan gia hay ma tà chỉ có tác động ở một mức rất rất nhỏ cũng đủ khiến con đồng tiếp tục lấn sâu vào, để con đồng quẩn quanh trong tục sự gia đình, trong những khó khăn mệt mỏi hiện tại, hay trong sự tự hài lòng về thành quả quá khứ… mà không hiểu rằng:

TU ĐẠO KHÔNG TIẾN THÌ LÙI

Giai đoạn này kéo dài bao lâu?

Một ngày ? Một Tháng ? Một năm hay lâu hơn nữa ??? Tất cả tùy thuộc vào đồng nhân.

Nhưng nếu để giai đoạn này quá lâu mà đồng nhân không thể tự thân vượt qua thì niềm tin tâm linh bị xói mòn, sự nỗ lực tu tập cũng vì vậy mà không còn, nếu có dị năng thì càng dễ bị ma tà lợi dụng, dẫn đến u mê và xa rời đạo.

Giai đoạn này có thể vượt qua hay không?

Chắc chắn có.

Nhưng dựa vào ai? Phần nhiều là tự con đồng phải nhận ra và nỗ lực tự thân vượt qua, một phần bởi sự nhắc nhở uốn nắn của đồng thầy dẫn đạo và một phần nữa, không thể thiếu chính là sự tín tâm nơi cửa đạo Thánh, nguyện được về với Chư Thánh... đó là mục tiêu cuối cùng và là nguồn tiếp thêm sức mạnh của đồng nhân.

Đường đạo muôn ngàn lối, vạn vạn chướng ngại và không đếm xuể những kẻ phá ngang, bao gồm cả chính bản thân ta. Nhưng chỉ cần không quên mục tiêu, không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu đó, người tu luôn có thể tìm ra và bước đi đúng đường.

Điểm chững không biết tu gì làm gì tiếp theo học gì hành gì phải tự ta tìm và ngộ ra chứ không ai tu hộ ta cả .!!!

Phật Hay Thánh cũng không tu hộ cho ai thế nên: Thầy cũng không thể tu và ngộ hộ đồng con được. Vượt điểm chững sẽ là chính ta.

Bản quyền thuộc về Thầy Trần.

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc vui lòng dẫn link từ web