04/06/2021 11:34 View: 6546

Sự tích đền vua cha Bát Hải Động Đình

Theo “Hán tự cổ sự tích Bát Hải Động Đình” hiện lưu giữ tại Viện Thông tin - Khoa học, Xã hội Việt Nam và các nguồn khảo luận, truyền thuyết về vua cha Bát Hải Động Đình chỉ có ở đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ.

su tich den vua cha bat hai dong dinh, son thuy bach than

Nhang thành kính đôi lời giãi tỏ
Trước điện tiền lễ độ phục uy
Thoải đình Thánh Đế uy nghi
Quyền cai chính ngự ngọc trì bể Đông
Truyền thừa mệnh Long Cung Bát Hải
Thái Ninh từ chính đại quang minh
Ấy nơi tụ khí chung linh
Quyền cai thống lĩnh chư dinh thoải tề
Các cửa bể cửa sông Nam quốc
Một mối thông sau trước một nơi
Quy về long mạch chính ngôi
Đền Vua Bát Hải ở nơi Động Đình
Tòa thoải quốc nghê kình cai giữ
Tướng tam đầu cửu vĩ đôi bên
Long xà rẽ nước hiện lên
Thỉnh mời chư Thánh ngự đền Thủy Cung
Mở hội yến tòa trong chính điện
Ra lệnh truyền thủy tộc chư dinh
Bài sai các tướng thủy đình
Trấn an cửa bể giữ lành giúp dân
Thu bão táp ân cần tế độ
Dẹp an loài thủy quái yêu ma
Độ cho phong thuận vũ hòa
Dân an quốc thái nhà nhà an vui
Đội ơn đức muôn đời hằng nhớ
Gốc Lạc Hồng muôn thủa không phai
Hương thơm dâng trước đan đài
Vua cha ban phúc ban tài ban ân
Độ cho sở nguyện tòng tâm
Đa tài đa lộc thiên xuân thọ trường

Tương truyền, nhân lúc Vua Hùng 18 già yếu...

Các nước lân bang như Ai Lao, Vạn Tượng, Chiêm Thành hợp sức cùng quân phương Bắc phối hợp thôn tính Lạc Việt. Được các bộ lạc ủng hộ, Hùng Duệ Vương cho tập hợp trăm vạn binh mã chia làm 5 đạo quân phong tỏa tám cửa biển Lạc Việt, cả lục thủy hợp chủng các đạo quân cùng tiến đánh giặc xâm lăng. Nghe lời tấu của Tản Viên sơn thánh, Hùng Duệ Vương cho lập đàn cầu Long Cung Hoàng Thái Tử đã thác sinh đang náu thân tại “Đào Hoa trang” ra giúp nước.

Vua cha Bát Hải Động Đình chỉ có ở đền Đồng Bằng

Theo “Hán tự cổ sự tích Bát Hải Động Đình” hiện lưu giữ tại Viện Thông tin - Khoa học, Xã hội Việt Nam và các nguồn khảo luận, truyền thuyết về vua cha Bát Hải Động Đình chỉ có ở đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Truyền thuyết này cùng với truyền ngôn dân gian cho rằng nhà nước tập quyền phong kiến sơ khai Lạc Việt xuất hiện ở Đào Hoa trang bên Động Đình Hồ (biển Đông ngày nay). Bằng chứng về nhà nước phong kiến cổ xưa của Lạc Việt ngoài đền vua cha Bát Hải Động Đình là đền Quan Điều Thất (nguyên bản chữ Hán là Điều Thất linh từ nguyên tự cổ). Hiện ngôi đền nằm trên địa phận giáp ranh giữa xã An Quý và xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Đền còn lưu giữ bức đại tự của vua Lê Thánh Tông ban tặng: “Đế Đức Quảng Vận”, nghĩa là “Thay vua điều hành đất nước”. Theo truyền thuyết “...Vĩnh Công lập đàn cầu, trời điều Tam Thái Tử xuống đầu quân...” - đó chính là Quan Điều Thất.

Đào Hoa Trang

Xưa, Hoa Đào trang là vùng đất ven biển phù sa bồi đắp quanh năm cây cối tốt tươi cũng vì thế mà các loại thuồng luồng, giao long... khắp nơi tụ về đây. Người dân hai bên bờ sông Vĩnh thuộc Hoa Đào trang chuyên cần trồng dâu, nuôi tằm, cấy lúa...kết hợp nghề chài lưới. Thuở đó, Hùng Duệ Vương đã vào độ tuổi Kỳ Lão mà vẫn không có con trai nối dõi. Vua buồn rầu. Triều chính cũng ảm đạm. Công chúa Tiên Dung đã kết duyên với Chử Đồng Tử tu tiên biệt tích, chỉ còn công chúa Mỵ Nương luôn ở cạnh vua. Đúng lúc vua kén rể, Tản Viên sơn thánh đem lễ vật cầu hôn, vua liền gả cho Tản Viên sơn thánh, Thủy Tinh cư ngụ ở sông Cái (sông Hồng) đến chậm nổi cơn ghen dâng nước đánh Tản Viên sơn thánh. Được sự ủng hộ của trăm dân muôn họ, Tản Viên sơn thánh đánh bại Thủy Tinh, đất nước thanh bình nhưng chẳng được bao lâu, biết Hùng Duệ Vương già yếu, giặc ngoại bang nhòm ngó nhằm thôn tính. Đất nước đứng trước bờ vực chiến tranh xâm lược của ngoại bang, Hùng Duệ Vương liền cho người đi khắp nơi cầu người tài trí ra giúp nước.

Nghe lời Tản Viên sơn thánh ở Đào Hoa trang có thái tử long cung thác sinh chờ thời cơ giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước. Hùng Duệ Vương cho sứ giả về Đào Hoa trang truyền chỉ. Truyền ngôn rằng, “ngày xửa ngày xưa” có hai vợ chồng ngư phủ là Phạm Túc và Trần Thị, người trang An Cố (huyện Thái Thụy nay) sống phúc hậu, tuổi đã cao mà không sinh hạ được con. Một hôm, ông bà đánh cá ở bờ sông Vĩnh cạnh Đào Hoa trang thấy cô gái nhỏ bơ vơ bên bờ sông Vĩnh. Ngẫm mình muộn mằn con cái, ông bà liền đón cô gái về nuôi, đặt tên là Quý Nương. Quý Nương lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ nuôi, ngày càng xinh đẹp. Tuổi mười tám, Quý Nương như đóa hoa thơm, nhiều quý tử trong vùng để mắt nhưng Quý Nương vẫn nhất quyết ở lại với cha mẹ nuôi. Rồi một ngày, ông bà Phạm Túc lâm bệnh nặng lần lượt qua đời. Quý Nương vô cùng thương xót cha mẹ nuôi, lo hậu sự cho cha mẹ và ở lại chịu tang 3 năm.

Một đêm trăng sáng, Quý Nương một mình ra bờ sông tắm, trời đang sóng yên biển lặng thì mây đen ùn ùn kéo đến che khuất mặt trăng, gió nổi dữ dội, thấp thoáng thấy bóng Hoàng Long lao tới quấn chặt người Quý Nương. Quý Nương về mang thai đúng 13 tháng. Nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng, Quý Nương sinh ra một bọc, khi sinh hạ bọc phát ra ánh hào quang sáng lóa. Sợ hãi, Quý Nương đem bọc vứt ra sông Vĩnh. Đêm hôm đó, một người đánh cá thả lưới ở khúc sông Vĩnh vướng phải bọc, ông cố đẩy bọc ra xa nhưng bọc cứ quấn lấy thuyền của ông. Ông liền lấy dao rạch bọc bỗng có vầng hào quang chói lòa. Ba con hoàng xà “đầu rồng, mình rắn” lần lượt chui ra khỏi bọc. Con lớn nhất bơi vào giếng ngọc ở đền Động Đình rồi trú ở đó. Hai con nhỏ hơn bơi xuôi dòng nước về trang An Cố.

Tương truyền, Lạc Long Quân sau khi trao quyền trị vì đất nước cho Hùng Vương (Lộc Tục) thì trở về Động Đình Hồ (biển Đông bây giờ) vui cảnh thủy cung nhưng vẫn luôn dõi theo vương triều nơi cõi trần thế. Khi thấy Hùng Duệ Vương tuổi đã cao (dân gian gọi là Kỳ Lão) mà vẫn chưa có con trai nối dõi lại bị ngoại bang lăm le cướp nước, Lạc Long Quân vô cùng lo lắng bèn bàn với Ngọc Nữ tìm cách thác sinh cho người con trai của Long Vương với Ngọc Nữ là thái tử Giao Long đầu thai làm con dân đất Việt giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước. Theo truyền ngôn, Ngọc Nữ là tỳ thiếp của Lạc Long Quân, vốn là cung nữ của Ngọc Hoàng trên thiên đình vô ý làm vỡ chén ngọc nên bị đày xuống thủy cung. Ngọc Nữ sinh cho Long Vương một người con trai là thái tử Giao Long.

Đền Đức Vua

Cũng theo truyền ngôn này, Hùng Duệ Vương và thái tử Giao Long là anh em cùng cha khác mẹ và sau này dân gian gọi Long Vương là Cha và đền Bát Hải Động Đình (đền Đồng Bằng) cũng được dân gian gọi là đền Đức Vua. Trở lại với truyền ngôn về Quý Nương vốn là cô gái không cha, không mẹ bơ vơ bên bờ sông Vĩnh mò cua, bắt ốc nuôi thân được ông bà Phạm Túc và Trần Thị đem về nuôi chính là hóa thân của Ngọc Nữ, tỳ thiếp của Lạc Long Quân. Ngọc Nữ đã ký thác nơi trần gian thành cô gái mồ côi cha mẹ (Quý Nương) để giúp thái tử Giao Long thác sinh thành chàng trai tuấn tú (Long Cung hoàng thái tử còn có tên gọi khác là Vĩnh Công) giúp Vua Hùng đánh giặc.

Truyền thuyết về đền vua cha Bát Hải Động Đình vốn linh thiêng và bất tử truyền đời trong dân gian nên rất hiếm có những nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về nhà nước tập quyền phong kiến sơ khai có liên quan đến truyền thuyết này. Truyền thuyết có ghi: “Đất nước trở lại thanh bình, Hùng Duệ Vương triệu Vĩnh Công về triều, phong làm “Vĩnh Công nhạc phủ thượng đẳng thần”, lại có ý muốn giữ lại giúp việc triều chính... Vĩnh Công xin được về Đào Hoa trang khai khẩn vùng duyên hải, chiêu dân lập ấp đồng thời giúp Hùng Duệ Vương giữ yên cửa biển Lạc Việt. Quan Điều Thất về trời ngay sau khi thắng giặc, Vĩnh Công vô cùng thương xót cho lập ban thờ ngay tại dinh Công đồng là nơi Vĩnh Công cùng chư tướng tề tựu bàn việc nước...”. Tưởng nhớ công lao của Quan Điều Thất, nhân dân vùng Hoa Đào trang đã xây dựng đền thờ quan ngài ngay cạnh đền Công đồng trong cụm di tích đền Đồng Bằng ngày nay.

Bát Hải Động Đình (đền Đồng Bằng) nơi Thái tử Giao Long thác sinh thành Giao Long ẩn trong giếng ngọc được Hùng vương phong Vĩnh Công Đại vương giúp vua đánh giặc giữ nước.

Tamlinh.org

Theo Báo Thái Bình