04/06/2021 11:33 View: 7030

Xoay khăn, tái phủ tái khoá khi Hầu Đồng

Người Thầy chỉ là phương tiện đưa ta đến với chư Thánh, không phải là người đem họa hay phúc đến cho ta. Mà chính bản thân các thanh đồng phải tự tu với chư Thánh thì mới được các Ngài gia hộ, còn không thì dù có gặp Thầy phước đức thế nào mà không biết tu tập thì không chư Thánh nào độ cho bạn cả. 

xoay khan, tai phu tai khoa khi hau dong

Thanh đồng Phạm Thị Mùi trong giá hầu Chầu Bé Bắc Lệ

Xem thêm: Hầu đồng xưa và nay: Hãy nhớ chữ Hầu trong 2 chữ Hầu đồng

Xoay khăn là gì?  

Xoay khăn là một hình thức nằm trong tín ngưỡng hầu Mẫu. Theo ý kiến của thầy Đồng Âm giải nghĩa về từ Xoay Khăn:

     " Xoay: Là hành động dịch chuyển

      Khăn: Chiếc khăn ở đây không phải là chiếc khăn bình thường, trong tín ngưỡng tứ phủ đó là chiếc khăn phủ diện – một đồ vật không thể thiếu trong quá trình thực hành các nghi lễ tứ phủ, một vật bất li thân và cũng là vật được coi trọng tột cùng của các thanh đồng đạo quan.

Như vậy, xoay khăn theo nghĩa đen là dịch chuyển chiếc khăn từ hướng này qua hướng khác, nhưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu việc xoay khăn lại được hiểu như là một sự chuyển đổi người thầy.. Có rất nhiều lý do dẫn tới con nhang đệ tử quyết định xoay khăn, quyết định quay lưng lại với người đã tái sinh ra họ lần thứ hai, để rồi sau đó họ có thể tiếp tục tái sinh «nhiều lần» nữa vì không tìm được con đường đúng đắn...

Vì sao phải xoay khăn?

Như chúng ta đều biết trong lễ khai đàn mở phủ trình đồng, có rất nhiều yếu tố để có một đàn lễ Chu viên hoàn tất ? Tuy nhiên không phải thanh đồng nào cũng được sở cầu như ý ? Sau khi thanh đồng đã tạ đồng tạ phủ mà thanh đồng đó vẫn chưa được yên căn yên số. Hoặc cuộc sống gặp nhiều chuyện chẳng lành, làm ăn thất bát gia đạo bất an ? Ốm đau triền miên ?  Hoặc vì một lý do nào đó như phải đi xa vài ba năm hoặc phải chịu cảnh khăn trắng áo xám Mà không thể ra hầu cha hầu mẹ khi ấy đồng thầy của mình sẽ chọn cách xoay khăn. 

Nhưng lý do phổ biến của việc xoay khăn là sau khi mở phủ, con nhang vẫn chưa thật sự được cởi trói, cuộc sống, tinh thần, kinh tế hoặc tình duyên không suôn sẻ dẫn tới sự hoài nghi về khả năng của thầy. Cũng có những trường hợp sau khi mở phủ, con nhang mới nhận ra hình ảnh thật của người thầy đáng kính giờ đây là một kẻ tham lam vô độ, cuộc sống của thầy cạn đức và thiếu tâm dẫn đến con nhang mất niềm tin nơi thầy... 

Rồi lại có những trường hợp sau khi khai hồ mở phủ, xuất thủ trình đồng con nhang bị chính mế mình mang con bỏ chợ... Không được sự nuôi nấng, dạy dỗ uốn nắn dẫn đến sự xa cách tình cảm, không có sự truyền dạy tâm đạo để rồi con nhang bị bỏ rơi ngay chính ngôi nhà của Mẫu... Những lý do thì không thiếu, nhưng hiển nhiên bất kỳ ai khi xoay khăn cũng đổ lỗi cho thầy mà không tịnh tâm suy nghĩ, tìm ra lời giải đích thực cho riêng mình...

Chọn thầy để xoay khăn ?

Chọn thầy đóng vai trò tiên quyết trên con đường tu tập, thầy vừa là người tái sinh, nuôi dưỡng và dạy dỗ con nhang trên chặng đường tu thân học đạo, vừa là người truyền dạy những pháp tu, những lề lối theo phép nhà ngài, việc chọn được thầy tốt, thầy có tâm, có phúc là con nhang muốn nương nhờ cái tâm cái đức ấy của thầy để yên căn yên số, nhờ lời kêu tiếng khấn của thầy mà trên tấu đế đình, dưới đệ trình long cung để giải tai, giải ách, cởi trói cho kẻ phúc mỏng nghiệp dày mới bước chân vào cửa đạo.

Việc tìm thầy và gặp được quý thầy tâm đức không phải là chuyện dễ dàng... đối với những bạn tiền kiếp là người nhân nghĩa, có duyên với đường tu và làm nhiều việc thiện thì điều này chắc hẳn không khó, nhưng với những bạn phúc mỏng nghiệp dày, chưa nhất tâm nơi đình thần tam tứ phủ lại không biết kêu cầu gia tiên (đặc biệt bà cô tổ) và bề trên dẫn lối chỉ đường thì trên con đường bái sư học đạo rất dễ bái nhầm ma qủy làm thầy.... 

Xem thêm: Con nhang mà chọn Đồng Thầy

Xoay khăn có thật sự là lối thoát sau khi mở phủ?

Việc xoay khăn xảy ra trong hệ thống đình thần tam tứ phủ khá phổ biến và trở thành một giải pháp đối với những trường hợp con nhang không tìm được lối thoát sau khi mở phủ... điều này đi ngược lại tiêu chí «tôn sư - trọng đaọ» tuy nhiên trường hợp gặp phải thầy thiếu tâm, cạn đức (bái tà ma làm Thầy) thì việc xoay khăn lại là con đường duy nhất nhằm tìm lại đường đi, lấy lại sự cân bằng, và khai đàn mở phủ đúng cung đúng cửa để được tái sinh đúng vị trí được cha nâng, mẹ đỡ... 

Tuy nhiên, nhiều thanh đồng mới hiện nay cho rằng: "Trình Đồng mà không khá giả là làm chưa đúng, như thế thì sẽ phải xoay khăn". Nhưng các thanh đồng cần nhớ: Người Thầy chỉ là phương tiện đưa ta đến với chư Thánh, không phải là người đem họa hay phúc đến cho ta. Mà chính bản thân các thanh đồng phải tự tu với chư Thánh thì mới được các Ngài gia hộ, còn không thì dù có gặp Thầy phước đức thế nào mà không biết tu tập thì không chư Thánh nào độ cho bạn cả. 

Nhiều đồng nhân hiểu được điều này đã quyết định tự tu với Thánh. Tự tìm kinh sách Mẫu để đọc tụng hàng ngày, và nghe theo lời kinh mà hành trong cuộc sống.

Có cậu Đồng chia sẻ: "Thật may mắn là khi tôi muốn kinh sách thì có người đem kinh đến tặng tôi. 3 năm đầu tôi không hề sung sướng, làm mọi thứ mà vẫn không thể nào hài lòng mọi người. Tôi làm ngày làm đêm để kiếm tiền mà không hề quan tâm đến sức khỏe, nhưng nghịch duyên thì luôn đến. Khiến cho tôi nhiều lần muốn bỏ cuộc, không muốn gánh vác trách nhiệm thờ phụng nữa.

Mỗi lần như vậy, Mẫu lại cho tôi gặp một điềm báo để tôi phải quyết chí tiếp tục công việc của mình. Sau 3 năm, mọi đau khổ bắt đầu đi qua và ánh sáng đã đến. Từ đó công việc của tôi lúc nào cũng thuận, gia đình bắt đầu làm cho tôi nhẹ thở hơn. Tuy rằng có những lời kêu cầu của tôi vẫn chưa được chư Thánh chứng minh, nhưng tôi luôn nghĩ có thể đây là điều mà chư Thánh muốn tôi phải hết sức khiêm nhường. Nếu các Ngài cho tôi như ý, e rằng Tâm Tính tôi sẽ thay đổi, sẽ trở nên ngạo mạn, trở nên phụng phí hay dễ tự cao và trở thành người xấu. Chính vì thế mà các Ngài không cho tôi toại nguyện.

Từ ngày được chư Thánh giao cho làm người dẫn đường, đối với bất kỳ ai, dù giàu hay nghèo tôi cũng không bao giờ lấy của họ một đồng, mà còn bỏ ra thêm khi có một đệ tử thật sự khó khăn. Không phải tôi kể lể mà tôi muốn nói rằng: Khi làm con bốn phủ và lần đầu nhận đệ tử, tôi đã phát nguyện với chư Thánh, nếu có thể giúp ai thì con không ngần ngại. Chính vì thế, khi tôi giúp ai thì các Ngài lại ban cho tôi cái khác.

Tôi chỉ có kinh nghiệm trong cuộc sống mà chỉ lại cho đệ tử của mình, nhưng đối với họ, để vượt qua thử thách thì thật là khó khăn. Không phải ai cũng kiên trì tu tập. Hiện nay đúng là tìm một đệ tử để tin tưởng thì rất khó. Đạo có Thịnh hay suy bắt đầu từ các bạn trẻ bây giờ, nhưng xem ra thật sự khó mà Phục Hưng Đạo Mẫu. Nam Mô đại bi Tam vị Thánh Mẫu đại từ tôn."

Đây là một chia sẻ rất đời từ một thanh đồng, hi vọng những đồng tân lính mới, những bạn căn đồng số lính, thờ Tam Tứ Phủ, thờ Mẫu... hãy tự vấn lại mình trước khi quyết định xoay khăn.

Tâm không vững, không tu nhân tích đức thì có bao nhiêu thầy vẫn lận đận như thường

Rất nhiều bạn tỏ ra mất niềm tin vào đạo, vào thầy và trở thành bất mãn khi đứng trước lựa chọn bước tiếp hoặc xoay khăn... nhưng than ôi các bạn phải hiểu rằng, với những gì mình đã gieo của đời đời kiếp kiếp để cho ngày nay bạn phúc mỏng nghiệp dày mà chưa tìm được minh sư, âu cũng là đời có vay có trả, không có gì diễn ra một cách vô tình mà không có lý do!!!

Tìm thầy:

Bạn hỏi tìm thầy ở chốn đâu
Hiền lương đức độ hiểu đạo sâu
Từ bi chẳng thiết tiền, vật chất
Để thỏa tâm tư nỗi cơ cầu.

Khuyên bạn:

Chẳng thầy nào trọn việc tu Tiên
Vì trọn đã nên bậc Thánh Hiền
Vậy nên chấp nhận đâu là đủ
Xét lại bản thân chữ nghiệp duyên.

Tamlinh.org

(Mọi sao chép, chia sẻ vui lòng trích dẫn link từ website. Cám ơn các bạn))