04/06/2021 11:51 View: 2149

Trúc Lâm Thất Hiền: Nguồn gốc, hình dạng và thị hiện

Trúc Lâm Thất Hiền thường thị hiện thân ảnh nam tử trung niên và lão niên, nên còn được gọi với tôn danh Thất Lão Thiên Thai Động. Họ luôn tỏa ra minh khí an lạc, khiến cho người, vật tiếp cận luôn cảm thấy an vui, thong dong tự tại. Tất thảy chư vị ấy đều khoác đạo bào trắng tinh khôi, hay mang theo pháp bảo là những vật quen thuộc thường ngày của mình lúc còn sống nơi thế gian

truc lam that hien

Tranh minh họa từ Thần Tiên Trích Lục - HUN

Nguồn gốc

Vào thời Tam Quốc (khoảng năm 220 - 260) bên Trung Hoa có bảy vị danh sĩ vì chán ngán triều đình thế sự mà lên rừng ẩn cư, được gọi là Trúc Lâm Thất Hiền. Trúc Lâm đây chủ yếu chỉ về tính quân tử, cương trực, xem nhẹ phù hoa thế tục quyền lợi của bậc danh sĩ hiền tài. Thất Hiền chỉ về bảy người, mỗi người có những phẩm cách tốt đẹp, thiện lương, tài năng bất phàm.

Hình dạng, tính chất đặc trưng

Lúc còn tại thế, tương truyền họ thường tập hợp về rừng núi tỉnh Sơn Dương, ở đó uống rượu, ngâm thơ, đàn ca hát xướng quên thời loạn thế.

Đa số họ sống theo tư tưởng Lão Trang, Đạo Giáo, một vài người chấp nhận dung hòa tư tưởng Đạo Giáo và Nho Giáo. Vì có những điều không hợp với triều đình đương thời mà có người bị bắt hành hình sát hại, có người phải giả điên, có người phải lưu lạc nơi khác để sinh tồn, không lâu sau cả nhóm tan rã.

Khi kết thúc kiếp nhân sinh phù thế, Trúc Lâm Thất Hiền tiếp tục hội hiệp cùng nhau nơi Bồng Lai Sơn, Thiên Thai Động ở cõi Thiên Giới. Tại đây, chư vị ấy làm công nghiệp tiếp dẫn chư linh vừa tiến nhập từ Trung Giới đến Thượng Giới được ngao du sơn thủy, tịnh hóa tâm ý duyên nghiệp của mình:

  • + Họ giúp cho chân hồn được tiêu trừ tạp niệm, tịnh hóa tâm thức bằng âm nhạc, thi ca, thuyết giảng và tắm nước Cam Lộ Thủy.
  • + Họ đưa cho chân hồn Trường Xuân Sách để tu dưỡng tâm tánh, tham gia các khoa thi nơi Thượng Giới, rồi chân hồn thi đỗ tinh tấn tiến nhập các cảnh giới cao hơn, về sau sẽ gặp được Đức Thái Thượng Lão Quân. Hòa vào ánh sáng thanh nhẹ ở tầng thiên này làm chân hồn nhẹ nhàng an vui, tiếp tục tiến bước trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống.

Trúc Lâm Thất Hiền thị hiện

Trúc Lâm Thất Hiền thường thị hiện thân ảnh nam tử trung niên và lão niên, nên còn được gọi với tôn danh Thất Lão Thiên Thai Động. Họ luôn tỏa ra minh khí an lạc, khiến cho người, vật tiếp cận luôn cảm thấy an vui, thong dong tự tại. Tất thảy chư vị ấy đều khoác đạo bào trắng tinh khôi, hay mang theo pháp bảo là những vật quen thuộc thường ngày của mình lúc còn sống nơi thế gian, cụ thể là:

  • 1. Kê Khang, tôn danh là Thúc Dạ Tử, luôn mang theo bên mình một cây cổ cầm, phong thái trầm mặc u nhã.
  • 2. Nguyễn Tịch, tôn danh là Tự Tông Tử, Tửu Cuồng Tử, thường thị hiện với dáng vẻ nửa tỉnh nửa say, tiêu sái chẳng vướng thế tình, đôi tay cầm chén rượu, hoặc bầu rượu và quyển kinh thi.
  • 3. Nguyễn Hàm, tôn danh là Trọng Dung Tử, Thần Giải Tử, thường mang theo bên mình một cây đàn tỳ bà bằng tử đàn hương có khảm nạm rất đẹp, trông gần giống chiếc đàn nguyệt ở Đại Việt.
  • 4. Hướng Tú, tôn danh là Tử Kỳ Tử, thường mang theo bên mình quyển kinh thi, dáng người hoài cổ, thanh tao phong nhã, thâm tàng bất lộ.
  • 5. Sơn Đào, tôn danh là Cự Nguyên Tử, phong cách tự do tiêu sái không gì vướng bận, ăn mặc mát mẻ, thích hòa mình vào thiên nhiên, thường suy tư trầm mặc.
  • 6. Lưu Linh, tôn danh là Bá Luân Tử, thường say sưa với hương rượu thơm ngọt mê đắm lòng người, tiêu sầu vô ngại, hay mang theo bên mình vò rượu hoặc bầu rượu.
  • 7. Vương Nhung, tôn danh là Tuấn Xung Tử, thường mang theo bên mình một cây gậy, dáng người nho nhã, thần thái đậm nét chuẩn mực lễ nghi nghiêm nghị.

Trúc Lâm Thất Hiền trong các nền văn hóa, tín ngưỡng

* Trong các thư tịch lưu lại

1. Kê Khang (223 - 262) tự Thúc Dạ, người ở Tiếu Quận Kê Thị

Ông là danh sĩ nổi tiếng về văn học, âm nhạc và triết học. Ông theo tư tưởng Lão Trang, đề cao lẽ thuận tự nhiên của vạn vật, chú trọng dưỡng sinh, vang danh bốn phương với cầm nghệ siêu phàm, thơ tứ ngôn tuyệt cú.

Các tác phẩm tiêu biểu ông để lại cho đời gồm: Minh Đảm Luận, Dưỡng Sinh Luận, U Phẫn Thi, Tặng Tú Tài Nhập Quân, Dữ Sơn Cự Nguyên Tuyệt Giao Thư, Thanh Vô Ai Nhạc Luận, Quảng Lăng Tán, Cầm Phú.

Khi bị Tư Mã Chiêu xử tử, lúc lâm hình ông vẫn ung dung khải khúc Quảng Lăng Tán. Ông không dạy ai khúc này cả, khi ông mất cũng là lúc thất truyền. Khúc Quảng Lăng Tán cổ cầm do đời sau biên soạn mượn âm hưởng, điển tích của ông mà tạo nên sắc thái chứ không phải là khúc của Kê Khang đánh năm xưa lúc bị xử tử. Đại thi hào Nguyễn Du có bài Kê Khang Cầm Đài nhắc về tích này như sau:

Cầm đài cổ tích ký Kê Khang

Nhân tử cầm vong đài diệc hoang

Văn vũ thất huyền chung tịch tịch

Đông Tây lưỡng Tấn diệc mang mang

Chí kim bất hủ duy đồng tính

Thử hậu hà nhân đáo túy hương

Thán tức Quảng Lăng huyền tuyệt hậu

Tỳ bà tân phổ bán Hồ Khương.

2. Nguyễn Tịch (210 - 263) tự Tự Tông, người ở Trần Lưu Nguyễn Thị

Ông là danh sĩ nổi tiếng về thi phú văn chương, xuất thân trong gia đình quan văn. Ông có đời sống thanh liêm, không thích chính trường, thích ngao du sơn thủy, nghiên cứu kinh điển.

Các tác phẩm tiêu biểu ông để lại cho đời gồm: Vịnh Hoài Thi, Tùy Thư Kinh Tịch Chí, Tấn Thư Nguyễn Tịch Truyện, Nguyễn Bộ Binh Tập, Thanh Tư Phú, Thủ Dương Sơn Phú, Cưu Phú, Mi Hầu Phú, Đại Nhân Tiên Sinh Truyện, khúc đàn cổ cầm Tửu Cuồng.

Khi họ Tư Mã đoạt quyền họ Tào, có mời ông làm quan. Ông chấp thuận làm quan dưới triều Tư Mã nhưng chủ trương bế quan, ít khi tham dự triều chính. Cuối cùng ông phải giả điên, thường say xỉn uống rượu nên còn có danh hiệu Tửu Cuồng, ca hát quên sầu để có thể tiếp tục sống thanh nhàn giữa đời loạn thế.

Tương truyền trong đời sống giao tế, ông có thái độ nhìn thẳng vào đối phương nếu đó là người nói chuyện tâm đầu ý hợp, hay gặp người quân tử lễ nghĩa có đạo đức. Trái lại, nếu gặp hạng tiểu nhân không vừa ý mình thì ông nói chuyện mà nhìn sang hướng khác tỏ ý coi thường.

Từ điểm này, trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có đoạn thơ Từ Hải với Thúy Kiều lần đầu gặp nhau lấy ý tưởng từ tích này như sau:

Đội trời đạp đất ở đời

Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông

Giang hồ quen thú vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo

Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều

Tấm lòng nhi nữ cùng xiêu anh hùng

Thiếp danh đưa đến lầu hồng

Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa

Từ rằng: Tâm phúc tương cờ

Phải người trăng gió vật vờ hay sao?

Bấy lâu nghe tiếng má đào

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

3. Nguyễn Hàm tự Trọng Dung, người ở Trần Lưu Nguyễn Thị

Ông là cháu của Nguyễn Tịch, là một âm nhạc gia lỗi lạc, tinh thông âm luật đặc biệt là đàn tỳ bà, được người đời xưng tán là Diệu Đạt Bát Âm và Thần Giải. Ông có tính tình phóng khoáng, cũng có phần hơi ngông, tưng tửng giống với người chú Nguyễn Tịch. Các tác phẩm tiêu biểu ông để lại cho đời gồm: Luật Nghị, Dữ Cô Thư.

Giai thoại hài hước kể rằng có lần khi đến tham dự buổi uống rượu của thân hữu, vì thiếu chén rượu mà Nguyễn Hàm uống rượu trực tiếp trong vại lớn. Có người người cười nói ông uống rượu như heo, ông nghe vậy, lại cố tình đùa giỡn làm điệu bộ giống heo uống rượu. Rồi ông vừa say xỉn nốc rượu, vừa đánh cổ cầm tuyệt pháp. Từ chuyện ấy, về sau người ta gọi ông với biệt danh đùa cợt là Dữ Trư Hàm Ẩm tức uống rượu như heo.

Ông có đóng góp lớn cho nền âm nhạc chính là việc cải biên đàn tỳ bà thành Tần Tỳ Bà, hay còn gọi là Nguyễn Hàm Tỳ Bà, hay Nguyễn Tỳ Bà mang dáng dấp giống đàn tỳ bà nhưng có thùng đàn tròn hay hình hộp hơi vuông. Về sau, người ta cải biên một chút nữa thành nguyệt cầm, du nhập vào Đại Việt thì gọi là đàn nguyệt, đàn kìm vậy.

Vào thời Đại Đường, trong Đại Đường Bảo Khố của Võ Tắc Thiên vô cùng yêu quý cây đàn của Nguyễn Hàm dùng lúc sinh tiền, là một cây Loa Điền Tử Đàn Nguyễn Hàm, tức đàn Nguyễn Hàm chế tác từ cây tử đàn quý hiếm, chạm khắc khảm vỏ ốc xà cừ tinh xảo.

Lúc bấy giờ, Thiên Hoàng ở Nhật vô cùng yêu thích văn hóa Đại Đường nên cho các sứ thần đến Đại Đường tìm kiếm các bảo vật. Trong số các bảo vật quốc gia được đưa về Nhật giai đoạn giao lưu văn hóa ấy có cây Loa Điền Tử Đàn Nguyễn Hàm. Ngày nay, đàn được cất giữ tại bảo tàng Nhật Bản Nại Lương Thị Chính Thương Viện.

4. Hướng Tú (227 - 272) tự Tử Kỳ, người ở Hà Nội Hướng Thị

Ông là một văn học gia lỗi lạc, yêu thích tư tưởng Lão Trang, thường dành thời gian nghiên cứu huyền học, đọc thi văn, kinh điển. Tuy chơi thân với các bằng hữu là Nguyễn Tịch, Kê Khang, thường đàn ca hát xướng đàm Đạo nhưng ông không thích uống rượu. Mấy lúc Kê Khang đàn tấu thì ông thường làm thơ.

Sau khi Kê Khang bị sát hại, trong hoàn cảnh tâm tình bi thương cùng cực, nghịch cảnh thống khổ ấy giúp ông chiêm nghiệm sâu sắc tư tưởng Trang Tử. Từ đó ông đại ngộ, tiến nhập cảnh giới u huyền của Lão Trang, biên chú giải hoàn tất các kinh điển uyên thâm của Trang Tử.

Các tác phẩm tiêu biểu ông để lại cho đời gồm: Tư Cựu Phú, Nan Kê Thúc Dạ Dưỡng Sinh Luận. Ông còn biên chú thích các sách: Nam Hoa Kinh và Trang Tử gọi chung là Trang Tử Chú, Diệu Tích Kỳ Trí, Đại Sướng Huyền phong, Thu Thủy, Chí Nhạc.

5. Sơn Đào (205 - 283) tự Cự Nguyên, người ở Hà Nội Sơn Thị

Ông là một nhà chính trị yêu thích tư tưởng Lão Trang, thường dành thời gian sáng tác, nghiên cứu văn chương thi phú. Vương Nhung trong nhóm Thất Hiền nhận định về ông:

“Như phác ngọc hồn kim, nhân giai khâm kỳ bảo, mạc tri danh kỳ khí.”

Tạm hiểu là:

Như ngọc quý chưa mài, vàng ròng chưa tôi luyện, vẫn còn nét chất phác mộc mạc, đó là tánh quý của vật chưa xuất thế.

Tuy ông là bằng hữu thân thiết của Kê Khang cùng Nguyễn Tịch, nhưng Sơn Đào không có thái độ rõ ràng trong việc phản đối cường quyền họ Tư Mã lúc bấy giờ, lại cảm thấy Kê Khang có nét cao kỳ khó gần gũi thế tục. Hai người từng tuyệt giao quan hệ một thời gian, Kê Khang có viết một bức gọi là Dữ Sơn Cự Nguyên Tuyệt Giao Thư. Từ đó, những người yêu thích Kê Khang thì thường không thích Sơn Đào và ngược lại.

Sau khi Kê Khang bị sát hại, ông có làm quan dưới triều họ Tư Mã, chủ yếu vẫn là gieo mình giữa dòng tục mà không bị cuốn trôi theo dòng thế sự vậy. Đối với ông, tiếp tục sống và có thể cống hiến tài sức cho đời cũng là việc nên làm.

Suốt hai mươi năm từ khi bằng hữu bị sát hại, chưa bao giờ ông thôi tưởng nhớ cố nhân. Về việc này, ông có nói với con trai Kê Khang là Kê Thiệu trong một bức thư rằng:

“Vi quân tư chi cửu hĩ, thiên đích tứ thời, do hữu tiêu tức, nhi huống nhân hồ!”

Tạm hiểu là:

Việc nhớ bạn trường cửu như thiên địa bốn mùa luân chuyển, như hơi thở hằng ngày, tuy không thể hiện ra mà trong lòng hằng tưởng nhớ.

Các tác phẩm tiêu biểu ông để lại cho đời gồm: Thị Trung Thiếp, Vi Tử Thuần Vưu Từ Triệu Kiến Biểu, Biểu Tạ Cửu Bất Nhiếp Chức, Biểu Khất Hài Cốt, Thượng Sơ Cáo Thối, Khải Sự, Đáp Chiếu Vấn Khích Sân Sự.

6. Lưu Linh (221 - 300) tự Bá Luân, người ở Phái Quốc Lưu Thị

Ông là người phóng khoáng, thích tiêu sái, hướng về lối sống thuận tự nhiên theo tư tưởng Lão Trang. Ông được xem là người bệnh rượu. Nếu so với Nguyễn Tịch và Kê Khang chẳng kém, có thể nói là đời sống gắn liền với rượu còn sâu đậm hơn nhiều phần.

Tuy bên ngoài người ta nhìn vào, có thể thấy ông là kẻ nghiện rượu như quỷ tửu, nhưng thực tại bên trong lại là tinh thần tự do không chịu ràng buộc bởi các phép tắc lễ nghi thế tục, muốn hòa mình vào tự nhiên triệt để.

Về sau, khi nói đến người nào mượn rượu giải sầu đến say mèn quên đời thì người ta ví von kẻ ấy là đệ tử của Lưu Linh vậy.

Các tác phẩm tiêu biểu ông để lại cho đời gồm: Tửu Đức Tụng, Bắc Mang Khách Xá.

7. Vương Nhung (234 - 305) tự Tuấn Xung, người ở Lang Da Vương Thị

Ông nổi tiếng là người thân thiện, sống với tinh thần hòa hợp, dung hòa lễ nghi Nho Giáo và tư tưởng Đạo Giáo. Lúc lâm chung, ông để lại cho đời tác phẩm Hoa Lăng Thiếp, gieo vào lòng thế nhân nhiều giá trị tốt đẹp.

Nhắc về Vương Nhung, người ta ca ngợi nơi ông chữ hiếu tử. Tương truyền lúc thân mẫu của ông qua đời, ông ở cạnh linh cữu tiếp lễ thăm viếng, chẳng màng ăn uống, thân thể suy nhược đến nỗi đi đứng loạng choạng vẫn không muốn rời linh cữu nửa bước. Người ta thường so sánh trong câu thành ngữ:

“Hòa Kiệu sinh hiếu, Vương Nhung tử hiếu.”

Hòa Kiệu được nhắc tới là một người hiếu thảo, khi đối diện với tang lễ thì giữ mực lễ nghi điều độ nên thân thể thần khí không bị suy nhược, vẫn luôn tươi nhuận mà chăm sóc tang sự chu đáo.

Trúc Lâm Thất Hiền thuở sinh thời trong các thư tịch để lại thường có hình ảnh nho nhã, tài hoa, thong dong tự tại chẳng vướng bụi trần. Có mấy vị thì hình ảnh lại gắn liền với chén rượu và thường say sưa quên sầu.

Những giá trị văn hóa nghệ thuật mà họ đóng góp cho đời đến nay vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn. Có nhiều điển tích, thành ngữ liên quan đến họ thường được dùng trong đời sống thường ngày. Trúc Lâm Thất Hiền Đồ được khắc họa rất nhiều trên các chất liệu khác nhau, từ tranh vẽ trên giấy, trên tường, cho đến trên các bình ấm chén trà, rượu.

* Trong thi văn, kinh điển

Trúc Lâm Thất Hiền từng được nhắc đến trong các thi kinh tiêu biểu sau đây.

Trúc Lâm chứa đặng bảy Ông Hiền

Vì bỏ tục trần mến cảnh Tiên

Hồng cấu đã chui thân phải vấy

Hơn thua cười kẻ biết nơi tiền.

 

Đức Chí Tôn

Diễn lược:

Trúc Lâm chứa được bảy ông Hiền.

Bảy ông này vì chán cảnh tục, thích cảnh tu Tiên nên vào rừng sâu.

Sống trong chung đụng thói đời trần tục, thì thân phải vấy bụi trần.

Thói đời thường thích tranh hơn thua, chỉ nghĩ tới danh lợi, tài lộc chứ ít ai nghĩ nó thật vô thường mà lo tu dưỡng tâm tánh, sống đời thanh nhàn vô nhiễm dài lâu.

__

Cửu Thiên Thập Nhị Kinh

Kinh Đệ Tam Cửu

Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng Đảo

Động Thiên Thai Bảy Lão đón đường

Cam Lộ rưới giọt nhành dương

Thất tình lục dục như dường tan

Cung Đẩu Suất nhặt khoan tiếng nhạc

Đệ lệnh bài cánh hạc đưa linh

Tiêu Thiều lấp tiếng dục tình

Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân

Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách

Hội Thánh Minh giao sách Trường Xuân

Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn

Chân hồn khoái lạc lên đàng vọng thiên.

Đức Tam Nương