Nếu xét về tu đạo làm người thì phải kể đến Nho giáo do Thánh Nhân Khổng Tử sáng lập ra từ cách đây rất lâu rồi, và cho đến thời điểm hiện tại thì rất nhiều triết lý Nho đều luôn trường tồn với thời gian.
Triết lý của Nho giáo đã quá lỗi thời?
Thực ra mà nói thì có người sẽ nói là Nho đã trở nên cổ hủ, không đúng với ngày nay, không nên còn học nho nữa thì điều này là hoàn toàn chưa đúng. Khổng Tử lập ra gọi là Nho, nhưng cái cốt lõi mà Khổng Tử theo đuổi lại không phải là Nho, mà là Giáo Hóa chi đạo.
Giáo Hóa ở đây nghĩa là dạy dỗ, khai sáng cho tất cả chúng sinh dù giàu sang hay nghèo khó, dù xấu xí hay đẹp đẽ thì đều có thể được dạy dỗ và cưu mang vậy. Thực ra cái triết lý Hữu Giáo Vô Loại (tất cả muôn loài đều có quyền được học tập tri thức) cũng giống như tư tưởng của đức Phật là Chúng Sanh Bình Đẳng.
Nho đạo là đạo phù hợp với thời gian trước đây, nếu cho Nho vào thời này đã không phù hợp hoàn toàn nữa vì nhiều tư tưởng đã không còn phù hợp với con người hiện nay, nhưng cũng xét đến là cho dù chế độ ngày nay mà áp dụng vào ngày xưa cũng chẳng phải điều hợp ý trời. Đại đạo sẽ diễn biến cho phù hợp với thời gian, mỗi chu kỳ đều có cách vận hành khác nhau, lễ pháp cũng sẽ thay đổi theo cho phù hợp. Nhưng nếu nhìn vào hệ thống giáo dục tri thức và đạo đức ngày nay đều dựa trên cốt lõi từ tư tưởng Nho ngày xưa vậy, ví dụ như tiên học lễ hậu học văn, hiếu kính ba mẹ tổ tiên hay chăm chỉ học tập xây dựng đất nước.
Tuy nhiên trong bài viết này sẽ không nói đến những việc đó, mà tác giả sẽ đề cập đến một trong những cốt lõi về cái gọi là Thiên Mệnh trong đạo Trung Dung, cũng chính là cái giúp Khổng Tử được phong làm Thánh Nhân.
Thiên Mệnh trong đạo Trung Dung
Khổng Tử cho rằng thiên đạo tại nhân tâm, muốn tìm được đạo lý của trời đất thì phải nhìn thấu được cái tâm của mình trước đã. Mà thực ra cũng phải nói, phần lớn các chân sư thu nhận đồ đệ hiện nay cũng đều xem xét xem cái Trung Dung trong kẻ mộ đạo như thế nào, vì khi thấy được Thiên Mệnh thì đạo pháp dễ thành, khó bị những thứ xung quanh quấy nhiễu mà làm những điều xấu. Nên bài viết này cũng dành cho những ai muốn tiến xa xin học trong Huyền Thuật sau này.
Khổng Tử viết: "Thiên mệnh chi vi tính. Suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Đạo dã giả bất khả tu du ly dã. Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn. Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi. Cố quân tử thận kỳ độc dã. Hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên."
Con người sinh ra được trời ban cho bản tính hoàn thiện, có đầy đủ tam hồn thất phách, có khả năng học hỏi vạn vật xung quanh, có khả năng cảm nhận đủ hỉ nộ ái ố, có khả năng không ngừng cải tiến bản thân, biến cái của người khác thành cái của mình. Cái tính đó chính là cái gốc của tất cả, là nơi chứa Thiên Mệnh, là cái mà người đời hay gọi là Tâm. Bởi vậy việc tu tâm dưỡng tính là cái bổn phận của con người, là điều mà ai ai cũng nên cũng phải làm.
Cái Tính cái Tâm mỗi người đều khác nhau, nên các bậc thánh hiền như Chúa - Tiên - Phật muốn dạy con người cách để khai thác cái tâm đó, khám phá cái bản nguyên cái nguyên thủy nhất của chính mình, và họ dạy cho chúng ta phương pháp để làm điều đó bằng việc học hành chăm chỉ, giữ gìn lễ phép, suy nghĩ trước sau, hành thiện tích đức.
Tại sao nói bản tâm đều là cái nguyên thủy mà mỗi người lại khác nhau, bởi vì cái đạo của mỗi người đều khác nhau. Nếu nhìn vào các vị Phật đi, chẳng có vị Phật nào mà hoàn toàn giống nhau cả, có vị thì chọn nghề thuốc làm phương tiện cứu giúp chúng sinh như Phật Dược Sư, có vị thì lấy việc tiếp dẫn về cõi an lành làm phương tiên của bản thân phổ độ muôn loài như Phật A Di Đà, lại có phật dung khổ hạnh làm tấm gương để ngộ đạo như Phật Thích Ca, còn phải kể đến có vị dụng vô số pháp bảo thần thông làm phương tiên cứu độ như Phật Chuẩn Đề. Bởi vậy Phật mới nói Phật ở tại tâm, chúng sinh đều có thể thành Phật, không phải vì họ ở trong chúng sinh, mà khi mỗi người tìm được cái Tâm cái Tính hay cái Mệnh thì đều sẽ có thể tự đắc quả mà thành Phật vậy.
Tuy cùng là hiệu Phật nhưng lại muôn sắc muôn vẻ, chẳng ai giống ai, mỗi một đường chỉ có thể có một vị Phật, như một núi không thể có hai hổ, muốn làm hổ thì phải qua núi khác tự khai thác mà làm hổ. Cái này cũng là điều rất căn bản của Hoàng Cơ Chân Giáo, tuy tụ mà lại tán, mỗi người đều tự ngộ tự xây dựng cho mình một lối đi riêng, chẳng ai giống ai vậy.
Trời chẳng xa người, mà con người toàn tìm loạn đâu để tìm trời vậy?
Trời đất có âm dương ngũ hành, con người cũng vậy, bản thân cấu tạo của con người chính là một tiểu vũ trụ thu nhỏ như ngũ tạng tim gan tỳ phế thận đều ứng với ngũ hành kim thủy mộc hỏa thổ, tương sinh tương khắc hỗ trợ lẫn nhau, mỗi huyệt đạo mỗi cung địa trong cơ thể đều tương ứng với một ngôi sao hay một cung trời các nhau. Các vị chân sư ngày xưa dùng việc tìm hiểu bản thân trời đất tìm cách vận hành vạn vật mà sáng tạo ra bùa chú ra đông y khoa học đó thôi. Muốn tìm được cái huyền bí của trời đất thì phải hiểu được cái bản thân nên làm gì và không nên làm gì, như đức Thiên Chúa từng nói rằng:
“Ta để luật ta trong tầng sâu bản thể chúng, và sẽ viết luật ta trong đáy lòng chúng”.
Đừng học phép học thuật khi triết lý sống đơn giản nhất cũng chưa tròn
Có nhiều người xin học phép học thuật, nhưng có cái triết lý sống đơn giản là việc lễ nghĩa hiểu được những triết lý sống đơn giản nhất làm không xong thì sao mà học phép học thuật được. Nói ác miệng hơn thì là việc nhỏ làm không xong thì đừng đòi làm việc lớn.
Việc nhỏ ở đây là gì? Là giữ lễ phép, là chăm chỉ, là không ngại làm bất cứ việc gì dù có buồn tẻ dù tưởng là thừa thãi không có tác dụng, là biết chăm lo cho gia đình, là biết thế nào là thực thế thế nào là ảo tưởng. Người học đạo của ẩn phái ai cũng cần làm những việc buồn tẻ vô cùng như tụng đi tụng lại vài cái câu chú vài tháng nửa năm liên tiếp không ngừng nghỉ mà không học thêm cái gì. Rồi sau đó thiền định mỗi ngày trong nửa năm để định thần tâm xét bản thân. Nên cho dù đệ tử của ẩn phái lắm người học những thứ căn bản như cúng bái thiền tụng có khi vài năm trời mới chính thức học bùa học thuật, nhưng họ dám làm, họ nhẫn nhịn vì họ biết chẳng có gì là dễ dàng cả, họ phải tạo lập cho cái nền đất vững chắc trước thì mới có thể trồng cây được.
Lắm người cứ tưởng mấy thầy không chịu dạy phép dấu nghề mà toàn bắt học những thứ không đâu, nhưng thực ra về lâu về dài họ mới nhận thấy người được lợi không phải ông thầy, mà là chính bản thân họ. Thầy thử thách bạn nhưng thực tế là bạn đang tự thử thách chính bản thân mình đó. Tự thua cuộc trước bản thân mình thì sao đòi thắng được ma quỷ.
Con người luôn phải nhìn nhận đúng đắn, xem xét cái tâm hồn mình, đừng để tà dục làm bẩn đục, đừng làm cái gì cho bản thân phải hối hận. Sai có thể một hai lần, nhưng đến lần thứ ba thì chẳng ai có thể biện lý do chính đáng nữa, vì chính bản thân mình còn không tin mình làm được thì chẳng ai tin mình cả.
Con người sinh ra vốn chẳng thiện chẳng ác
Thực tế con người sinh ra vốn chẳng thiện chẳng ác, sau này vạn vật môi trường và giáo dục tác động vào mới phân hóa thành cái tính tình. Thế nên gọi cái Bản Tính ban đầu lúc mới sinh là hoàn thiện, là hoàn mỹ, là cái Thái Cực, là phần người; sau này cái hỉ nộ ái ố cái chăm chỉ cái lười biếng mới diễn hóa ra, tức là ngũ hành bát quái, là phần con.
Phần lớn con người hiện nay vẫn còn mắc ở chữ Con, chỉ có một số ít là chạm được đến chỗ Người, và lại chỉ có lác đác dùng cái Người ấy mà tìm được Trời.
Robert Spencer có nói: “Vạt vật đều tiến hóa, sự tiến hóa của vạn hữu là do sự chuyển động không ngừng từ bản thể xã hội. Sự chuyển động này làm cho bản thể ấy đi dần dà từ trạng thái không hoàn bị thành trạng thái hoàn bị, để cuối cùng đạt tới trung hòa nờ sự hoàn thiện và hạnh phúc của toàn thể. Cho nên điều hay là điều mang lại cho ta và cho người thêm sống động, hạnh phúc và bổn phận của mọi người là phải trở nên những người cộng tác minh tri và hữu hiệu vào các cuộc tiến hóa tâm thần”.
Tu hành là việc đi ngược dòng về cái bản Tâm cái Thiên Mệnh của tự mình
Thuyền đi trên sông còn muốn đi xuôi nước, nào mấy ai đi được ngược dòng đâu. Nhưng khi tìm đến gần cái Thiên Mệnh ấy thì vạn vật trong thế gian này đều rõ ràng ở trước mắt, thấy được cái nguyên lý cốt lõi nhanh chậm, như cả thế gian bừng sáng trước mắt. Thế gian như một bài toán khó, ta tìm đúc phương pháp thì ta sẽ hiểu được cách nó hoạt động ra sao, cảm giác thấy bản thân tự nhiên có thành tựu và giá trị đó thôi.
Nhìn chung lại, thời nay nếu cứ nói Trung Dung rồi Tu Tâm, thì hàm nghĩa hơi thái quảng, thậm chí có thể thành nói xuông không có ý nghĩa. Nên mọi sự đều tụ lại ở hai chữ “Ngăn Được” – tức là một cách nói khác của chữ Nhẫn, ngăn được bản thân làm điều xấu, ngăn được bản thân làm chuyện hại người khác thì tức là đã đi đúng đường rồi.
Ngay cả tên của cõi này: Ta Bà vốn có nghĩa là nhẫn nhịn, là chịu đựng, là “Ngăn Được”. Mong bạn đọc thấu hiểu mà có thể ngộ đạo. Ngày vui vẻ!
Tiêu Diêu Tử (Huyền thuật và Đạo pháp)