Oai lực và sự linh nghiệm của chú Đại Bi là điều mà rất nhiều người đã được đọc qua hay trải nghiệm. Vậy trì chú Đại bi và niệm Phật thì cái nào LINH NGHIỆM hơn? Có người nghe thấy ai đó nói "niệm Phật không linh nghiệm bằng trì chú" liền chuyển từ tụng kinh niệm Phật sang trì chú để cầu được ước thấy, để thù thắng hơn... Điều này có đúng không? Có tác dụng gì không?
Thường trong thời khóa Tịnh độ tối ở trong các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, đều gồm có đủ ba tông: Thiền, Tịnh và Mật. Và nếu nói rộng ra thì gồm đủ cả. Thiền là khi tụng niệm tâm hành giả không duyên theo ngoại cảnh, chỉ một bề chú tâm vào lời kinh hay câu chú mà mình đang trì tụng. Tịnh là niệm danh hiệu Phật A Di Đà và niệm Tứ Thánh. Mật là tụng chú Đại Bi hoặc các thần chú khác.
84 ngàn pháp ngôn quy tụ lại, tất cả đều bình đẳng
Chúng sinh nhiều bệnh, nên đức Phật tùy bệnh cho thuốc. Ngài đã dạy tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm để đối trị tám vạn bốn ngàn căn bệnh phiền não của chúng sinh. Ngài chỉ muốn tất cả chúng sinh đều được giác ngộ, giải thoát ra khỏi vòng khổ đau, sinh tử luân hồị. Tám mươi tư ngàn pháp môn quy tụ lại thành bốn đại loại: Tham Thiền, Niệm Phật, Trì Chú và Quán Tưởng.
Phật tử nên biết, tất cả các pháp môn Phật dạy không có pháp nào linh nghiệm hơn pháp nào. Vì pháp nào cũng nhằm mục đích đưa hành giả đến chỗ cứu cánh thành Phật cả. Giáo pháp Phật dạy thì không có vấn đề cao thấp hay sâu cạn. Vạn pháp đều bình đẳng như nhau. Sở dĩ có cao thấp, sâu cạn, là do ở nơi căn cơ trình độ nhận thức sai khác của mỗi người.
Mưa thì chỉ có một, nhưng tùy theo các loại cỏ cây, lùm rừng, lớn nhỏ mà hấp thụ sai biệt không đồng. Thuốc thì không có thuốc nào hay hay dở. Bất luận thuốc nào mà trị lành bệnh thì thuốc đó hay thôi. Đức Phật như vị lương y đại tài tùy bệnh mà cho thuốc. Bởi thế, nên mới có câu nói: "Chúng sanh đa bệnh thì Phật đa pháp" là vậy.
Học hỏi nhiều nhưng khi hành thì chỉ nên hành 1 pháp môn
Tùy căn cơ của mỗi chúng sinh, nên không có pháp tu nào hay hơn pháp tu nào mà chỉ thích hợp cho từng cá nhân mà thôị Chư Phật và chư Tổ đều dạy chúng ta nên chuyên tu một pháp môn "nhất môn thâm nhập".
Khi tìm cầu học hỏi, chúng ta có thể tham học nhiều thứ nhưng khi hành chỉ hành một pháp môn. Bất cứ trong kinh nào đức Phật cũng nói "kinh này đệ nhất", ý là muốn chúng ta nhất môn thâm nhập chứ không phải kinh này hay hơn kinh kia.
Hãy giữ vững pháp môn đã chọn
Đối với pháp môn Trì Chú cũng vậy, nếu từ lâu đã công phu trì chú Đại Bi thì thiển nghĩ là pháp môn thích hợp với đạo hữu, nên hãy cứ giữ vững pháp môn đã chọn, không nên nghe theo người khác mà thay đổị.
Với niệm Phật hay tụng kinh cũng thế. Tùy theo mỗi tông hay mỗi pháp môn mà hành giả chọn cho mình có chánh và trợ hạnh khác nhau. Nếu Phật tử đang hành trì theo pháp môn Tịnh độ, thì nên lấy việc niệm Phật làm chánh hạnh và trì chú làm trợ hạnh. Chánh hạnh bao giờ cũng quan trọng mà chúng ta nên tinh cần tu tập hành trì nhiều hơn. Nếu không, thì chúng ta dễ bị rơi vào tạp hạnh. Đã thế, thì Phật tử khó đạt được mục đích cao đẹp mà mình nhắm tới.
Sự linh nghiệm của trì chú hay niệm Phật không nằm trong câu chữ
Chúng tôi kể lại một câu chuyện xưa có liên quan đến trì chú: Một bà lão suốt đêm ngày chuyên tu trì chú. Căn nhà tranh bà ở thường phát ra hào quang sáng rực vào ban đêm. Những người hàng xóm kể lại như thế cho đến khi người con của bà là một tu sĩ đi hành đạo phương xa về thăm mẹ. Người con nói với mẹ là bà trì chú sai chữ, bà nên sửa lại câu chú cho đúng mới có linh nghiệm. Bà nghe lời (vì nghĩ là con mình nói đúng vì hiện đang làm thầy thiên hạ) và kể từ đó đêm đêm căn nhà của bà không thấy phát ra hào quang nữạ.
Tại sao lại như thế? Các thầy xưa kia có dạy, nhất thiết duy tâm tạo, công năng hiệu nghiệm của trì chú không phải nằm trong câu chú hay trong từng chữ mà là trong tâm của hành giả. Nếu công hiệu ở trong câu chú hay trong từng chữ của câu chú thì bất cứ ai niệm trì câu chú đó cũng đều có công hiệu, đâu thể người này có công hiệu, người kia lại không có. Vậy chứng tỏ công hiệu của việc trì chú là ở trong tâm hành giả.
Người nào tâm lực mạnh mới có công hiệu còn tâm lực yếu thì không. Tâm lực mạnh hay yếu, chính là do mức độ tâm thanh tịnh, hễ tâm suy nghĩ lung tung, lan man, vọng tưởng nhiều thì tâm lực yếu, làm sao có công hiệụ
Bà lão già cũng vậy, tâm bà đã được thanh tịnh do lâu ngày nhất tâm trì chú, nay bà phải sửa lại cho đúng chữ đúng câu nên tâm bị chia trí, tâm bị động loạn. Khi tâm bà khởi niệm phải sửa đổi thế này mới đúng, tức là phiền não nổi lên và thế là tâm không còn thanh tịnh nữa.
Nếu người tham thiền còn biết là mình đang tham thiền thì chưa phải là chân tham thiền hay biết tâm mình tịnh rồi thì tâm mình vẫn còn ô nhiễm. Tương tự trì chú cũng thế. Bà lão già trì chú miên mật nhưng không biết mình trì chú miên mật, không biết do mình trì chú mà phát hào quang, nên tâm được thanh tịnh.
Tâm bị động thì trì chú hay niệm Phật, tụng kinh cũng đều không linh nghiệm
Trường hợp các Phật tử đang thắc mắc cái nào linh nghiệm hơn cái nào, có nên đổi từ tụng kinh sang trì chú không? Có nên đổi từ niệm Phật sang trì chú Đại Bi không? ... thì tâm của Phật tử đang bị động như tâm bà lão đó.
Nói tóm lại, tất cả các pháp môn cũng đều là những phương tiện thiện xảo của chư Phật dạy chúng ta tự thanh tịnh tâm. Hễ tâm tịnh được một phần, thì thêm được một phần sáng suốt, khiến cho cái trí tuệ sáng suốt, thanh tịnh, sẵn có nơi tự tánh, tự nhiên hiển lộ. Cho nên người xưa nói rằng "lòng thanh tịnh một ngày, được công đức vô lượng" là thế.
Trì chú đại bi và niệm phật: Cái nào thù thắng hơn?
- Chào ông Hai.
- Xin chào ông Ba, hôm nay chắc ông không phải đến đây chơi mà chắc có việc gì phải không? Trông ông không được vui tươi như mọi lần.
- Quả có một việc làm tôi hoang mang, muốn ông cho ý kiến.
- Xin ông cứ nói rồi ta bàn luận xem sao.
- Niệm Phật và trì Chú Đại Bi, ông thấy pháp nào thù thắng hơn?
- Pháp nào cũng vi diệu, nhưng pháp nào đưa ông đến an lạc thì pháp đó thù thắng hơn.
- Tôi vào cửa Tịnh Độ, có người nói rằng niệm Phật là pháp môn thù thắng vi diệu trong thời mạt pháp, và khuyên tôi nên chuyên tâm, còn trì chú chỉ là phụ thôi?
- Nói chung thì đúng như vậy, nhưng mỗi người mỗi nghiệp, nhân duyên lại khác nhau mà ta đem trường hợp riêng vào trường hợp chung thì e không đúng.
- Xin ông giải thích rõ hơn về việc này.
- Vậy xin hỏi ông, riêng ông kinh nghiệm về niệm Chú Đại Bi và niệm Phật thế nào?
- Tôi vẫn niệm Phật, đồng thời cũng niệm Chú Đại Bi. Riêng về Chú Đại Bi thì tôi chỉ đọc vài lần là thuộc và mỗi lần niệm chú này là lòng thanh thản an lạc.
- Đọc vài lần mà thuộc là ông đã có nhân duyên vô cùng lớn lao từ kiếp trước với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và với Đại Bi Chú mà Ngài đã truyền cho chúng sanh rồi. Tại sao ông không phát triển cái sẵn có, cái sở trường của ông để tiến lên mà lại hoang mang vì lời nói này, vì lời nói kia? Hơn nữa khi niệm chú này mà lòng ông thanh thản an lạc thì còn gì mà phải nghi ngờ nữa. Phật pháp vô biên, có vô lượng pháp môn cho người lựa chọn, nhưng tựu chung chỉ với mục đích là đem đến cho ta an lạc và giải thoát sanh tử.
- Thế nhưng pháp môn Tịnh Độ thì phải niệm Phật. Tôi vào pháp môn này mà không lấy niệm Phật là chính thì đâu được?
- Một lòng tin Phật, một lòng hướng về Tịnh Độ thì niệm Phật hay niệm chú cũng đều đi tới đích cả mà thôi.
- Tại sao ông nói niệm Phật và niệm chú cũng như nhau? Phật cao hơn chú chứ?
- Thế có người đếm hơi thở mà định tâm được, lại có người niệm Phật mà lại không định tâm được. Có người niệm Phật thì định tâm được, có người đếm hơi thở lại chẳng định tâm, vậy hơi thở và Phật, cái nào cao hơn?
- ….!!!?
- Phàm phu chúng ta cứ dùng tâm phân biệt cho đây là cao, kia là thấp, đây là đúng, kia là sai mà tranh biện rồi bị vướng mắc, rơi vào vòng luẩn quẩn, hại mình lẫn hại người?
- Ông nói vậy là sao?
- Pháp môn Tịnh Độ dùng Tín-Nguyện-Hạnh làm tông chỉ. Tín là tin có Đức Phật Di Đà với 48 lời nguyện cứu vớt chúng sanh. Nguyện là nguyện được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Ngài khi ta rời bỏ thế giới Ta Bà này. Và Hạnh là thực hành bằng cách làm lành tránh dữ, đồng thời phải quán tưởng hình tướng của Đức Phật Di Đà hay thế giới của Ngài, hoặc là niệm danh hiệu Ngài. Như vậy cách thực hành tùy theo hoàn cảnh, sở thích và nhân duyên của mỗi người mà khác nhau.
Pháp môn Tịnh Độ tuy dùng Tín-Nguyện-Hạnh làm tông chỉ, nhưng chỉ có Tín và Nguyện là căn bản nhất của pháp môn này, còn hành thì ngoài làm lành tránh dữ ra, ta niệm Phật, hoặc quán tưởng, hoặc trì chú hay hành thiền cũng đều được cả. Niệm Phật là để cho tâm được an định. Trì Chú Đại Bi hay hành thiền … cũng để cho tâm được an định. Tất cả đều gồm đủ giới-định-huệ. Khi nào muốn niệm Phật thì cứ niệm Phật, khi nào muốn trì Chú Đại Bi hay hành thiền thì cứ trì chú, cứ hành thiền, có khác gì đâu mà phân chia cao thấp. Đừng miễn cưỡng và hoang mang mà cản trở việc tu hành của mình.
Cũng nên hoan hỉ với mọi pháp tu đưa người đến an lạc giải thoát, dù cách tu đó không giống cách tu của mình. Nên nhớ rằng càng phân chia cao thấp, càng muốn người làm giống ta mà không biết nhân duyên sở thích của người thì ta đã tạo cho người niềm hoang mang, nỗi bực dọc … và cũng tự tạo cho mình một cái ngã lớn mà không hay.
Chắc hẳn ông cũng đọc sách hoặc nghe giảng về Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài là một vị cổ Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì đại nguyện cứu độ chúng sanh mà thị hiện là Bồ Tát. Ngài cũng đang là trợ thủ của Đức Phật Di Đà tại Tây Phương Cực Lạc, cùng Phật và các thánh chúng giáo hóa, tiếp độ chúng sanh ở mọi nơi về thế giới này nếu các chúng sanh hội đủ nhân duyên. Vì tâm đại bi, muốn giúp chúng sanh được như nguyện trong kiếp hiện tại và vị lai mà Ngài tuyên thuyết Chú Đại Bi. Chính Đức Quán Thế Âm đã bạch với Đức Phật Thích Ca rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các chúng sanh tụng trì Đại Bi thần chú này mà còn sa đọa trong ba đường dữ, tôi thề không thành Chánh giác.
Nếu các chúng sanh tụng trì Đại Bi thần chú này mà chẳng sanh về các cõi đức Phật, tôi thề không thành Chánh giác. Nếu các chúng sanh tụng trì Đại Bi thần chú này mà không được biện tài vô ngại, tôi thề không thành Chánh giác. Nếu tụng trì Đại Bi Thần Chú này, ngay trong đời hiện tại, tất cả mọi mong cầu mà không được kết quả thì bài chú này không đáng được gọi là Đại Bi Tâm Đà-ra-ni. Trừ chăng là những kẻ bất thiện và thiếu lòng chí thành”.
Trì Chú Đại Bi cũng như niệm Phật đều có một công năng vi diệu thù thắng không thể nghĩ bàn, nhưng cả hai đều chỉ là phương tiện đưa ta đến bờ an lạc giải thoát mà thôi. Và đã là phương tiện thì ta có thể dùng phương tiện này hay phương tiện kia cũng được, miễn sao hợp với mình và đi tới đích là được.
- Muốn trì chú có kết quả thì sao?
- Tâm thiện, lòng chí thành và trước khi trì Chú thì phải rải tâm từ đối với tất cả Chúng sanh, mong mọi chúng sanh nhờ nghe chú này mà được an lạc giải thoát.
- Thế còn niệm Phật?
- Tâm cũng thiện, lòng cũng chí thành và trước khi niệm Phật thì cũng phải rải tâm từ đối với tất cả chúng sanh, mong mọi chúng sanh nhờ nghe danh hiệu Phật Di Đà, chí tâm sám hối mà được an lạc giải thoát.
- Thế nhưng đây là thời mạt pháp thì phải niệm Phật mới có kết quả nhanh chóng được. Tôi niệm chú có phải đi chậm không?
- Như tôi đã nói, Tín và Nguyện là chính, còn niệm Phật hay trì chú, hành Thiền … chỉ là phương tiện mà thôi. Mau hay chậm là do mình có theo đúng chính pháp hay không, có tinh tấn và có biết dùng phương tiện nào hợp với mình hay không? Bây giờ là thời mạt pháp, nhưng không phải là chánh pháp không còn. Mạt pháp vì lòng người quá hướng ngoại, chẳng chịu quay về, để mặc cho tham sân si chi phối. Mạt pháp vì tà sư, tà pháp quá nhiều, do thiếu trí tuệ, lười biếng và tham cầu vật dục mà bị sa chân rơi vào bẫy vực. Ông nên tỉnh táo để nhận chân sự việc, rồi cứ thẳng đường mà đi, đừng hoang mang hay sợ hãi mà chậm bước tiến của mình.
- Cám ơn ông Hai, nhưng tôi vẫn còn một thắc mắc vì có người nói là niệm Phật hay trì Chú thuộc về hình tướng, chưa phải là pháp rốt ráo, xin ông giải nghi cho.
- Mọi pháp đều là phương tiện, dù đó là thiền tông. Đã là phương tiện thì đều thuộc về hình tướng. Nương theo tướng để nhập tánh. Tánh tướng viên dung, sự sự vô ngại, tùy duyên mà hiển tướng, tâm vô quái ngại như “gió thổi nhà trống”, như “lửa đốt hư không”.
- Thiền tông chủ trương “không một pháp trao người”, thế mà ông lại nói thiền tông cũng là một pháp phương tiện thì có phải là nghịch lý không? Và thế nào là nương tướng để nhập tánh?
- Đối với các bậc thượng căn trong Tổ Sư thiền thì chẳng có một pháp cố định nào cả. Phật, Tổ tùy bệnh cho thuốc, chỗ nào kẹt thì nhổ chốt nơi đó, nên “không một pháp riêng trao người”. Dù là nhận ra các pháp đều là huyễn hóa để buông xả, dù nhận ra tánh giác qua tánh thấy, tánh nghe … để nhân đó trở về cội nguồn chân thật, và khi chưa thực sự trở về được, thì đó cũng là có pháp để nương, có nguồn để tiến. Tuy nhiên loại này thì chúng ta khó nhận biết khi người thực hành.
Riêng về nương tướng để nhập tánh thì mỗi tông phái đều có nhiều cách đi riêng của mình. Ông niệm Phật và trì chú thì tôi dùng ngay phương tiện này để nói cùng ông. Niệm Phật hay trì chú như tôi đã nói thì trước hết tâm phải chí thành, mong mọi chúng sanh đều được lợi ích từ những gì mình đang thực hành, sau đó áp dụng ngay phương cách “phản văn văn tự tánh”, tức “nghe trở lại tánh nghe của chính mình” do Đức Quán Thế Âm chỉ dạy. Điều này có nghĩa là khi niệm Phật hoặc trì chú, dù ra tiếng hay không ra tiếng, thì âm thanh phát ra ngoài hay ở bên trong cũng phải rõ ràng, đó là không mê; cùng lúc lắng nghe không sót một chữ, thì đó là giác. Khi ông tỉnh giác là đang trở về với tự tánh thanh tịnh của chính mình, hay còn gọi là Di Đà tự tánh. Thực hành như vậy lâu ngày đi tới chỗ nhất tâm, vọng tưởng không còn, rồi cuối cùng tới vô niệm viên thông, tâm thể thênh thang, tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, lúc đó còn gì phải nói phải bàn, chính là vô ngôn vậy.
Trong kinh Phật nói, dù là phàm phu nhưng nhất tâm và chí thành niệm Phật Di Đà cầu vãng sanh, được mười câu trước khi chết thì cũng được như nguyện. Thầy tôi lại nói: “Nếu một niệm rơi vào Phật trường thì tức khắc đã vào Tịnh Độ”, mong ông hãy suy ngẫm lại lời nói này.
- Xin cám ơn ông thật nhiều.
- Phật học của tôi còn non kém, ông có lòng hỏi thì xin thưa vậy thôi. Xin hãy tham vấn cùng chư tăng ni, thiện tri thức để vấn đề được thêm sáng tỏ. Xin chư Phật và Đức Quán Thế Âm luôn gia hộ cho ông phá được vô minh, bước vào biển Đại Giác.
Từ Phong