04/06/2021 11:50 View: 3375

Tại sao lại phải Bố Thí?

Theo luật nhân quả, người nào thường hay thực hành hạnh bố thí thì hiển nhiên trong đời này, kiếp này, hoặc đời sau, kiếp sau, người ấy sẽ có một đời sống sung túc về vật chất, hoặc được mọi người tôn kính, hoặc có địa vị cao tùy theo người ấy trong kiếp này tạo nhân bố thí gì.

hanh bo thi

Bố thí là gì? 

Bố là chia bày ra, thí là trao tặng, cho. Bố thí là 

  • Đem năng lực vật chất như của cải tiền bạc của mình hiến dâng chia tặng cho người
  • Hoặc đem trí tuệ như giảng nói các điều hay lẽ phải trong đời sống
  • Đem các chân lý do Phật dạy giải thích lại cho người. 

Bố thí được xem như phương tiện đối trị tính bỏn sẻn tham lam ích kỉ, và thể hiện lòng bác ái từ bi. Đây là: những việc làm để nuôi dưỡng công đức cho người bố thí.

Bố thí như thế nào? 

Bố thí được dùng chung cho mọi người, nó bao gồm: 

  • Sự giúp đỡ những kẻ nghèo đói bệnh tật hoạn nạn, những người cần sự giúp đỡ về một phương diện nào đó, như hành động bố thí thức ăn, tiền bạc vật dụng phẩm vật cho các vị Khất sĩ, các tịnh thất, chùa;
  • Ngược lại Tăng Ni giải thích các lời Phật dạy và hướng dẫn tu hành cho các Phật tử tại gia cũng gọi là bố thí. 

Đối với người tu hành, vì được kính trọng nên bố thí được gọi là cúng dường, cúng dàng Phật, cúng Tam Bảo, cúng dường trai Tăng, cúng chùa v.v…Tất cả các hành động bố thí cúng dàng đều được xem là để nuôi dưỡng phúc đức.

Vì sao nên thực hành hạnh bố thí?

Bố thí, đó là một hành động đẹp, là sự cho đi.

Đối với một người nào đó nói chung, một Phật tử nói riêng thì hạnh bố thí là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng từ bi của cá nhân ấy với đồng loại xung quanh mình.

Theo luật nhân quả, người nào thường hay thực hành hạnh bố thí thì hiển nhiên trong đời này, kiếp này, hoặc đời sau, kiếp sau, người ấy sẽ có một đời sống sung túc về vật chất, hoặc được mọi người tôn kính, hoặc có địa vị cao tùy theo người ấy trong kiếp này tạo nhân bố thí gì.

Theo lời Phật dạy: Bố thí có ba loại:

Loại thứ nhất: Bố thí tài

Có nghĩa là người bố thí sẽ cho người được bố thí về cơm ăn, áo mặc, thuốc men..những thứ nói chung là vật chất.

Ta thường thấy trong các đợt thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh, có nhiều cá nhân, tổ chức, cơ sở tôn giáo.. thường xuyên tổ chức các đợt quyên góp từ thiện, đi cứu trợ khắp nơi, ngõ hầu chia sẻ khó khăn với bá tánh, đó chính là bố thí tài.

Có một số nhà hảo tâm tự mình đứng ra tổ chức những quán cơm chay 0 đồng, những người lao động cần lao, nghèo khó cũng phát tâm đóng góp những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình vào việc cứu trợ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai bão lũ... cũng là đang thực hiện hạnh bố thí.

Ở đây có một lưu ý nhỏ, là những người nghèo khổ, cuộc sống còn nhiều vất vả khó nhọc, mà phát tâm bố thí tài vật thì công đức rất lớn. Sách có kể lại câu chuyện vua Lương Võ Đế, một ngày nọ gặp tổ Bồ Đề Đạt Ma, tổ thứ nhất thiền tông Trung Hoa, vua hỏi ngài đại ý:

- Ngài thấy ta xây chùa, đúc chuông, cúng dường chư tăng như vậy, liệu ta có công đức hay không?

Tổ nói:

- Không có công đức.

Vua đuổi ngài đi.

Lại có một câu chuyện khác: Có cặp vợ chồng người ăn xin nọ, một hôm đi qua một ngôi chùa, gặp lúc trong chùa đang tổ chức lễ cúng Phật, đèn đuốc sáng trưng. Hai ông bà trong lòng thành kính, muốn cúng dường cho buổi lễ ấy một cái gì đó để thế hiện lòng tôn kính Phật của mình, nhưng ngặt một nỗi họ nghèo quá, không có gì đáng giá.. Lần trong túi chỉ có duy nhất một đồng xu là khả dĩ quý giá nhất mà họ kiếm được trong ngày. Họ gặp trụ trì ngôi chùa ấy, ngỏ ý muốn cúng dường đồng tiền ấy vào việc mua dầu đốt đèn cúng Phật.

Vị trụ trì nghe vậy thì hoan hỷ nhận lấy, mua một xu dầu, đốt lên một cây đèn trên bàn thờ Phật. Lạ kì thay, cây đèn ấy cháy sáng nhất trong các cây đèn xung quanh, sáng hơn các cây đèn lớn của các nhà giàu có..cây đèn ấy cháy mãi đến sáng với một xu dầu...

Qua hai câu chuyện trên, ta thấy rằng: Vua Lương Võ Đế sở dĩ không có công đức là vì đồng tiền vua cúng dường chư tăng ấy, thực ra là xương máu mồ hôi của dân đen mà có, vừa bố thí lại với một cái tâm chấp trước, cống cao ngã mạn nên tổ nói không có công đức là đúng.
Còn với ông bà lão ăn mày, đồng xu đó là tài sản đáng giá nhất của họ, lại được cúng dường một cách cung kính nhất nên tạo nên công đức vô lượng.

Một câu chuyện khác:

Thời Đức Phật tại thế, ngài cùng với tăng đoàn du hoá khắp nơi, giáo hoá dân chúng. Một hôm, ngài với các đệ tử đi đến bên một bờ sông, gặp lúc có một vị nhà giàu nọ đang lùa đàn bò của mình qua sông. Vị trưởng giả ấy, mặc dù rất giàu có, nhưng ăn mặc bẩn thỉu, rách rưới, ra dáng một kẻ hạ tiện...

Bầy bò hàng trăm con vừa ra đến giữa sông thì bỗng đâu một cơn lũ ập đến, nước sông cuồn cuộn cuốn trôi cả bầy bò trong chốc lát. Vị trưởng giả kia chứng kiến cảnh ấy thì kêu trời vạch đất, lăn lộn kêu khóc khản đặc tiếng vì tiếc của.

Trông thấy cảnh tượng này, ngài A Nạn vì đại chúng, vạch vai áo bên phải, chắp tay thưa với Phật xin đức Từ Phụ, vì đại chúng mà nói rõ nguyên nhân của sự việc trên. Đức Phật trầm ngâm giây lát, rồi ngài lên tiếng nói về nguyên nhân của sự việc trên: Thì ra, vị trưởng giả này, kiếp trước cũng là một người giàu có, một hôm đi đến một tự viện, gặp lúc nơi đây đang tổ chức một buổi lễ lớn. Thấy những người đến đó phát tâm cúng dường, ông ta vì sỹ diện nên cũng hiến cúng một số tiền. Nhưng sau khi rời đi, ông ta nghĩ đến số tiền vừa cúng dường và hối tiếc về việc ấy.

Do nhân ấy, kiếp này ông đầu thai làm vị trưởng giả giàu có, nhưng do tâm bỏn sẻn, ông có một cuộc sống hạ tiện, dù giàu có nhưng ăn mặc rách rưới, không dám ăn tiêu.. Cái nhân tiếc nuối khi đã bố thí ấy đã khiến cho ông phải tận mắt chứng kiến của cải của mình mất ngay trước mặt.

Bố thí thứ hai: Bố thí Pháp

Là đem đạo lý, lời dạy của Đức Phật chia sẻ với mọi người, nhất là tuyên lưu luật Nhân quả, khiến cho mọi người tin sâu, sống tốt đời, chuyên tâm tu tập..

Bố thí Pháp là bố thí quý báu nhất, hơn hẳn cả bố thí Tài, vì dạng bố thí này góp phần chuyển đổi thân tâm của người ta, xây nền tảng đạo đức, hiểu biết về luật nhân quả, thứ luật bao trùm cả trời đất, vũ trụ bao la, bao gồm cả tam thiên đại thiên thế giới.

Người thực hành bố thí Pháp có thế đem sách, kinh Phật đến cho mọi người học hỏi, tự mình chép kinh, ấn tống kinh sách.. hoặc đem kinh sách đến đọc cho những người già, người mù, người không biết chữ nghe để họ biết được lời dạy của Phật... Đó chính là tạo công đức.

Một dạng bố thí nữa là: Vô Uý Thí.

Tức là người bố thí đem lại cho đối tượng sự vững tâm, an ổn trong hoạn nạn khó khăn, giúp cho họ có đủ bản lĩnh, dũng khí, yên tâm vượt qua sóng gió của cuộc đời...

Người có hạnh bố thí là người giàu lòng trắc ẩn, từ bi, bố thí, ví như mình đang ăn quả của một cái cây, mà lại biết vun đất, bón phân cho cái cây ấy, để mùa sau tiếp tục được hưởng hoa thơm trái ngọt.

Trong thực tế, có những người giàu có nhưng tâm của họ nhỏ hẹp, keo kiệt, họ chỉ biết thâu vào mà không biết đến việc cho đi, đó là họ đang ăn quả mà không biết vun trồng cho mùa vụ mãi sau. Những người này khi hưởng hết phước, kiếp sau sẽ đầu thai làm ngạ quỷ, hoặc làm người hạ tiện, nghèo khổ...

Còn những ai trong đời này, dù cực khổ vất vả đó nhân xấu kiếp trước giờ phải trả, mà biết thực hành bố thí, thì theo luật nhân quả công bằng, đời này hoặc đời sau, họ sẽ trở nên giàu có sung sướng.

Kinh Phật cũng nói đến công đức phước báu không thể nghĩ bàn của người bố thí cho các vị A la hán, Bồ Tát, các vị cao tăng... Người đó trong nhiều kiếp liên tiếp (chín kiếp) sẽ luôn có một cuộc sống vật chất no đủ, sung sướng.

Thêm nữa, nếu ai đó mà thấy người khác thực hành hạnh bố thí, mặc dù bản thân không có để cho, nhưng trong lòng vui vẻ, hoan hỉ theo việc làm ấy thì công đức cũng ngang với người bố thí.

Vậy nên: Chúng ta hãy siêng năng thực hành hạnh bố thí, và vui với việc bố thí của người khác nhé mọi người.

Tuỳ hỷ

Việc vui với sự bố thí của người khác ấy - đó gọi là Tùy hỷ - lại có thể mở rộng ra thành Cúng dường...vô cùng thiện cát. Tùy hỷ tức là vui cùng niềm vui & Thiện hạnh của người khác. 

Mở rộng ra thì cúng dường ở đây là: Khi ta gặp thứ gì hay việc gì hay cảnh vật gì, dù ta không sở hữu nó, ta thấy nó tốt đẹp & thanh tịnh, ta vẫn có thể hoan hỷ cúng dường lên Tam Bảo với Tâm trí thành kính ái.

Lại nữa Bố thí Ba la mật thì Tâm bố thí là quan trọng nhất, hãy bố thí bằng Tâm yêu thương dâng hiến & với mong cầu duy nhất là tịnh hóa Tham chấp & Vô minh của chính ta.

Tri ân tác giả Hiếu Giang