04/06/2021 11:51 View: 3448

Cầu cúng có TÁC DỤNG gì hay không?

Trong văn hoá tâm linh người Việt, một năm có rất nhiều dịp để cầu cúng tại nhà, tại đền chùa miếu mạo. Không chỉ vậy, các nghi lễ cầu cúng như cầu siêu, cầu bình an giải hạn, trợ niệm, cầu may, lập đàn giải oan cắt kết... cũng được tổ chức rất nhiều bởi các sư thầy, thầy cúng, các pháp sư. Vậy việc cầu cúng này có tác dụng thật hay không? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

Cau cung co tac dung khong

Trong kinh điển Tiểu thừa (cụ thể là trong Tăng chi bộ) trong một lần có tang chủ đến nhờ Thích Tôn cầu nguyện cho cha họ sinh thiên, Đức Phật đã phủ nhận việc cầu cúng để được sinh thiên. 

Bài học từ đức Phật

“Một ngày nọ có một thanh niên đến hỏi đức Phật: “Kính bạch Tôn giả, cha con vừa chết. Xin đến cầu nguyện cho ông, vực hồn ông lên để ông có thể lên thiên đàng. Các thầy đạo Bà la môn có làm những nghi thức như vậy nhưng Ngài là Phật có nhiều quyền năng hơn họ. Nếu Ngài chịu làm thì chắc chắn linh hồn cha con sẽ bay thẳng lên thiên đàng.”

Đức Phật trả lời: “Được rồi, con đi đến chợ mua giúp ta hai chậu đất nung và ít bơ.” Chàng thanh niên mừng rỡ vì đức Phật đã chịu làm bùa phép để cứu linh hồn của cha mình. Anh lật đật xuống phố mua những vật được yêu cầu. Rồi đức Phật chỉ dẫn: “Bỏ bơ vào một chậu và bỏ đá vào chậu kia. Xong ném cả hai chậu xuống nước.” Chàng thanh niên làm theo và cả hai chậu đều chìm xuống đáy hồ. Rồi đức Phật nói tiếp:

“Bây giờ lấy một cây gậy và chọc vào hai chậu ở đáy hồ.”

Chàng thanh niên làm theo. Hai cái chậu bị vỡ và chất bơ vì nhẹ nên nổi lên mặt nước, trong khi đá nặng nên vẫn nằm dưới đáy hồ. Đức Phật lúc đó nói: “Giờ lẹ lên, đi mời hết các thầy tu đi. Nói với họ đến đây tụng sao cho bơ chìm xuống đáy và đá nổi lên trên.” Chàng thanh niên nhìn đức Phật sửng sốt. Anh nói: “Kính bạch Tôn giả, bộ Ngài giỡn sao. Dĩ nhiên không ai tin bơ nhẹ thì chìm mà đá nặng lại nổi. Điều đó trái ngược với luật tạo hóa.”

Chúng ta muốn được về cõi lành thì kiếp này phải gắng tu nhân tích đức, bố thí, làm những việc thiện nguyện, sửa đổi bản thân.

Đức Phật đáp: “Vậy con không thấy sao, nếu cha con sống một cuộc đời tốt lành thì các việc làm của ông sẽ nhẹ như bơ. Do đó, bất kể tình huống nào cha con cũng sẽ được chuyển lên cõi thiện lành. Không ai có thể ngăn cản được điều đó, ngay cả chính ta. Vì không ai có thể cưỡng lại luật nghiệp báo. Nhưng nếu cha con sống một cuộc đời xấu xa thì cũng như hòn đá nặng kia, ông sẽ chìm xuống địa ngục. Không có số lượng cầu nguyện nào của mọi giáo sĩ quyền năng trên thế gian này có thể làm ngược điều đó.”

Bơ xuống nước thì nổi, đá xuống nước thì chìm?

Tuy nhiên đọc kĩ lại thì ta thấy, Phật trong kinh ấy nấn mạnh đến sự chắc chắn thăng thiên của người mang nghiệp lành, và đoạ địa ngục của người mang nghiệp ác. Như “bơ xuống nước thì nổi, đá xuống nước thì chìm”. 

Nếu “chính kiến”, “chính tư duy”, như lời di giáo “đừng vội tin những gì chỉ vì đó là do kinh điển ghi lại, …” thì ta thấy rất đơn giản: Nếu hòn đá có nhỏ đi chăng nữa thì thả xuống nước cũng chìm, thế nhưng hòn đá dù to nhưng đặt lên bè thì lại nổi. 

Cơ hội tạo phúc chuyển nghiệp

Lại nữa, trong Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya – Tập II – Thiên Cung Sự - Phẩm II – Cittalatà - Chuyện Thứ Tư: Lâu Đài của Nàng Chiên-Đà-La – Tạng Pali- Giáo Sư Trần Phương Lan dịch; hay trong Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya – Tập II – Thiên Cung Sự - Phẩm II – Cittalatà - Chuyện Thứ Ba: Lâu Đài của Người Cho Cơm Cháy – Tạng Pali- Giáo Sư Trần Phương Lan dịch. Đức Phật và đệ tử đã nhận sự lễ lạy của một bà lão, nhận thức ăn cúng của một cô gái, để cho họ cơ hội tạo phúc, chuyển nghiệp, sinh thiện niệm cận tử nghiệp, đạt sinh thiên giới. Kinh tăng nhất A Hàm có khẳng định: Đề bà đạt đa – người phạm ngũ nghịch – phá tăng, báng pháp, làm Phật chảy máu, khi gần chết, hoan hỷ phát tâm niệm “Nam mô Phật”, đời sau thành Bích chi hiệu là Nam mô.

Như vậy là trong điều kiện Phật tịch sau này, việc dùng đàn việt, cúng dường vẫn là hợp lý. Việc hộ niệm, niệm lục tự hồng danh cầu vãng sinh cũng đúng với nguyên lí giúp người sắp mất khởi sinh thiện niệm. Như vậy nghi tiết Đại thừa sau này, là phương tiện và vẫn đúng với tinh thần nguyên thuỷ.

Đừng mong mang tiền lên chùa mà chuộc được tội

Nhiều người ngày nay thường lên chùa cúng dường để mong giải được nghiệp xấu, Thượng tọa Thích Tiến Đạt khẳng định ngay điều này là không thể. Bởi nghiệp do mình tạo ra thì tự mình phải hứng lấy nghiệp và phải tự mình tu tập để giải nghiệp. Mà để thay đổi nghiệp thì phải thì phải do chính mình tu tập bằng 6 phương pháp chứ không chỉ nhờ vào mỗi việc cúng dường.

Trong phép đầu tiên của tu tập - bố thí - thì đem tiền cúng dường Tam Bảo chỉ là một phần. Quan trọng không kém trong phép bố thí đó là phải phụng dưỡng cha mẹ, cứu giúp kẻ nghèo người đói, cứu giúp người bệnh tật, người cô quả.

"Tài sản là thứ gắn liền với sở hữu của con người, nó cũng là cái thứ hai của mạng sống bởi không có tài sản thì không sống được. Cho nên việc bố thí chính là bỏ bớt chấp ngã, vì vậy mà có thể là một cách giúp giải nghiệp". Nhưng "Đồng tiền bố thí, cúng dường ấy phải là đồng tiền chân chính, đồng tiền đúng là mồ hôi nước mắt của mình đem đi bố thí, cúng dường mới tạo ra phúc. Còn tiền được tạo ra từ tội lỗi, đem cúng thì không bao giờ tạo ra phúc".

Phép thứ hai của tu tập là chỉ giới, nghĩa là phải sống nghiêm túc, đúng pháp luật, giới luật mà Đức Phật đã chỉ dạy. Ba là phải nhẫn nại trước những khen chê tạo nghiệp, ai tính tình nóng nảy thì tránh chuyện thị phi đi.

Bốn là phải định tâm, kiên định. Năm là phải tinh tiến: luôn nỗ lực sửa mình từng ngày cho trọn vẹn. Phép tu tập cuối cùng là phải có trí tuệ.
Không thể lấy cái phúc này để đổi, trừ cho cái nghiệp kia được. Nếu anh gieo nhân giết người thì anh sẽ phải trả quả báo tội giết người. Đừng nghĩ rằng hôm nay mang tiền đến cúng dường Tam Bảo để tôi chuộc tội giết người là hoàn toàn không có. Cái gì cũng có phúc báo riêng, đừng lẫn lộn về nhân quả.

Tổng hợp