04/06/2021 11:34 View: 3535

Kỳ ngôn dị truyện: Giải tinh âm thú Phần 1

Nhà tôi vốn ở ngoại ô của vùng Thành Bắc, cũng được gọi là sang. Nhiều người thường nghĩ phải ở Thành Nội thì mới là nhà hào phú. Nhưng này nhé, họ có đất đặt hàng buôn, nhà tôi có đồng cò bay thẳng cánh. Họ có kẻ hầu người hạ, nhà tôi có cả tá nông phu. Họ có của để cho hậu bối, nhà tôi chỉ cần nhắm mắt thì bạc đến không đếm xuể.

giai tinh am thu, ky ngon di truyen, phan 1

Ấy nhưng sự đời luôn nhỏ nhen. Tuy là nhà hào phú, một tiếng bước lên voi, xuống kiệu có người nâng gót, thế mà giờ tôi phải nằm ở đây, dỏng tai mà nghe tiếng chim lợn hú, rồi nhằm hướng nó mà chạy tới. Thế đấy, buổi đêm, nghe tiếng chim lợn là phải tránh xa, vì cửa tử đang mở. Thế mà tôi lại phải chạy theo nó, khác nào tự rước họa vào thân? Nhưng không theo nó, họa ắt tới, đến cái mạng vua chúa còn chẳng giữ được nữa là cái mạng nhỏ của tôi.

Mọi sự xảy ra, âu cũng do cái chuyện từ các cụ tiền bối. Mà đúng hơn là từ ông cố nội của tôi mà ra.

Xem thêm: Truyện ma: Cô Đồng áo đỏ

Chuyện là sao ư?

Thôi thì tiếng chim cũng chưa nghe thấy, nhớ lại chút cũng chẳng sao.

Dòng họ tôi vốn trước đây chẳng biết giàu hay nghèo, bần hàn hay phú quý.

Nhưng đời ông cố nội của tôi thì đúng là cực. Nếu gán vài từ hỗn hào, có lẽ bây giờ họ sẽ gọi ông là loại vô lại, âm binh hồn thần. Ông chẳng có nghề ngỗng gì, suốt đời chỉ biết làm công cho người ta, ai gọi gì thì làm nấy, miễn sao no cái bụng là được. Cuộc sống ấy không khiến ông khá hơn, nhưng nhờ suốt ngày lao động chân tay, ông có cái sức khỏe hơn người.

Cày ruộng nhưng thiếu trâu? Chẳng lo vì cứ đóng cày vào vai ông, chẳng mấy chốc ruộng đã xới. Có xe nhưng thiếu ngựa? Chỉ cần gọi ông, ngựa còn kém xa.

Với sức khỏe ấy, chẳng mấy chốc ông nổi tiếng trong làng.

Mọi việc cần dùng sức, không có ông thì chẳng xong. Mấy lần quan binh đến nhà đòi tòng quân, mấy hào lý trưởng cứ phải ra sức xu nịnh, đút lót mới hòng giữ ông lại được. Họ chẳng sợ thiếu người, nhưng làm tốt mà chỉ cần tiền công nhỏ mọn, chỉ có mỗi mình ông. Ấy là họ nghĩ đến cái lâu, cái dài. Chứ nếu có ai đó ngang sức, họ chẳng đuổi ông đi mau. Vậy tại sao họ lại không ưa ông đến vậy?

Số là ông cố nội của tôi có tật xấu là bao nhiêu tiền cứ đổ vào rượu, đến nỗi nhà không có một cái bát cho ra hồn, nhưng vò rượu lúc nào cũng phải đầy ắp. Đi làm về mệt, ông vốc tay một ngụm rượu, uống cạn, "khà" một tiếng, thế là lại khỏe. Mà hiềm nỗi vốc tay ông to như cái gàu nước, một vốc rượu thoạt nghe thì nhỏ, nhưng đến gần mà ngửi, chắc hẳn mùi rượu cũng đã khiến ai bước qua cũng say.

Và ông cố nội tôi say thật.

Mỗi lần say, ông lại chửi bới cả xóm làng. Không vừa mắt ai, chưa có rượu, ông nín thinh cho qua. Rượu vào, ông vác cả cuốc đứng trước cổng nhà họ mà chửi. Chửi mãi không thấy ai, ông lôi cả dòng tộc họ ra mà giày xéo. Tuy bụng căm lắm, nhưng chẳng ai dám bước ra. Ra sao được? Họ đã từng thấy ông tay trần hạ cả con trâu mộng từ ngược chạy về miền xuôi, húc chết mấy mạng mà quan binh không làm gì được, phải nhờ ông ra tay. Giờ có thêm cây cuốc, bước ra chẳng khác nào nai dâng đầu vào miệng cọp.

Nhưng cái kiểu phá sức ấy chẳng giữ được lâu. Ông cố nội tôi cứ làm rồi uống, đến một ngày rượu nhập vào thân, đau bệnh nằm một chỗ, rượu chẳng còn mà sức cũng không nâng nổi một cánh tay. Quan binh tới bắt lính, hào lý trưởng cũng chẳng thèm đả động, vì ông còn mang lợi gì cho họ nữa. Nhưng đến nhà, thấy ông vạ vật như vậy, quan binh cũng nản mà thoái lui. Ông cứ nằm chờ chết như vậy, may mà có người thương tình, lâu lâu lại cho bát cháo cầm hơi. Nhưng ăn chẳng được bao nhiêu, còn lại cứ để trong bát đến khô cứng cả lại. Người ta thấy vậy cũng để mặc ông.

Một ngày, mưa đến gây lụt cả một vùng.

Nhà ông vốn ở chỗ cao, nước chẳng vào đến sân, nhưng khốn nạn thay, chỗ ông nằm lại bị dột. Nước mưa cứ rỉ rả thấm qua, dần dần tạo thành lỗ to, nước ào ào trút xuống ngay cạnh chỗ ông nằm. Nước to đến nỗi cuốn văng cả bát cháo khô của ông lăn hẳn xuống ao trước nhà.

Nói về cái ao, nó là một minh chứng cho sức khỏe của ông. Vốn trước đây trong làng chẳng có cái ao nào, không ai nuôi cá cả. Muốn có cá ăn, họ thường ra sông mà bắt, hoặc đến chợ cho bọn con buôn hành hạ. Thấy chướng mắt, ông ngày ngày cuốc đất, đào ao, rồi lại dẫn nước từ sông vào. Lấp lại, thế là cái ao hình thành.

Các cụ trong làng có khuyên ngăn ông không làm vậy, vì con sông ấy vốn nằm lộ tử, nhà ông lại có mệnh dương. Dẫn tử nhập vào dương, ắt xảy ra chuyện kì dị. Nhưng ông nào nghe, ông muốn thì ông cứ làm. Đến khi cái ao thành hình, ông cho cá bột vào. Trắm, chép, trê, quả đủ cả. Nhưng lạ nỗi, thả cá vào chẳng thấy sinh sôi, cứ như bị ai bắt mất. Ông lại thả, nhưng đêm cá còn nhảy tí tách, đến sáng chẳng còn một cái đuôi. Dân làng dèm pha, ông bỏ qua, rồi mặc cái ao ấy không thèm đả động đến.

Lại nói về bát cháo, sau khi lăn xuống ao, ông nghe tiếng "chách" rõ to.

Hẳn là có con cá lớn nào đấy vừa đớp. Ông chẹp miệng, thầm rủa lúc đói chẳng có gì ăn, lúc gần chết thấy ngay trước mắt mà chẳng với tới được. Ông đành than trời rằng:

"Ông trời có mắt, cho con được qua kiếp nạn này, con xin thề thuận theo ông!"

Thế nhưng trời cao không có mắt, ông lại vừa lạnh vừa đói, cái chết cầm chắc trong tay. Thế là ông lại rủa, rồi lại xin:

"Trời không cứu ta, vậy thì đến quỷ cũng bỏ ta sao?". Nói đến đây, dương khí của ông gần tuyệt, ông mê man đi.

Trong cơn mê, ông thấy từ ao có hai đốm sáng, rõ là từ dưới ao.

Hai đốm sáng ấy nhìn xa thì nhỏ, nhưng nếu ước cũng to ngang quả dừa. Hai đốm sáng ấy từ từ vươn lên khỏi mặt ao. Ông thất kinh nhận ra đó là đôi mắt của con vật nào đó. Đốm sáng ấy cứ từ từ tiến lại gần, bò đến sân. Thình lình sấm chớp giật qua, hiện rõ hình con giải khổng lồ, đen nhẻm đang tiến tới. Ông rú lên kinh hãi rồi ngất lịm đi, không biết gì nữa.

giai tinh am thu, ky ngon di truyen

(Ảnh minh hoạ)

Đến nửa đêm, bỗng dưng ông cố nội tôi tỉnh dậy.

Ông thấy mình tràn đầy sức lực, khác với vẻ hom hem bệnh tật trước đó. Nói không ngoa, ông cảm thấy mình còn khỏe hơn lúc trước. Định mở miệng cảm ơn trời phật, ông chợt lạnh sống lưng khi nhớ lại con giải lúc nãy. Ông quay lại nhìn ra sau, tối đen như mực, chẳng biết con giải đang ở đâu.

Thế là ông vội chạy lại, đóng chặt lại hai cánh cửa thường vẫn mở toang.

Khép được cửa lại, ông vội chạy xuống mà nấp dưới gầm thờ. Bên ngoài, phát ra những tiếng lục cục kì dị. Ông nín thở nhận ra đó là tiếng con giải đang thả bùn ra. Nhưng nhìn ra, vẫn tối đen như vậy, con giải chẳng biết ở đâu, nhưng tiếng lục cục ấy mỗi lúc một to.

Tầm một canh giờ trôi qua, không còn nghe tiếng lục cục ấy nữa, ông vẫn tiếp tục nằm chờ. Thêm nửa canh trôi qua, ông mới lấy lại dũng khí mà bò ra nhìn hé qua lỗ cửa. Vẫn chẳng có gì. Rồi ông nghe thấy tiếng chớp nổ đanh gọn, ánh sáng lọt qua cả những lỗ trên mái, sáng choang một góc.

Thầm nghĩ con giải ấy đã đi, ông định hé mở chút cửa để xem, rồi lựa thời mà báo xóm làng. Tuy ghét họ bỏ mặc ông, nhưng tính ông vẫn khí khái như vậy, không nề hà chuyện giúp kẻ khác. Nhưng lúc định mở cửa, ông nhận ra mùi tanh quái dị bao trùm cả nhà. Cái mùi tanh ấy ông đã nhận ra lúc đầu nhưng không để ý đến vì hình ảnh con giải vẫn còn ám ảnh. Chột dạ, ông lại nhớ lúc sấm chớp đánh xuống, nhà thì sáng một góc, nhưng ngoài cửa vẫn tối om.

Bất chợt tiếng lục cục lại phát ra, rõ mồn một như bên tai.

Chớp đánh "ầm" một cái. Lúc này ông bủn rủn, tay chân không cử động nổi. Ngoài cửa, cái đuôi con giải thòng xuống, lắc qua lại như con rắn to, đung đưa phía trước. "Nó ở trên mái!" Ông thầm nhủ rồi ngước đầu lên trên.

Người bình thường thấy cảnh ấy chắc kinh hãi đến vỡ tim mà chết, còn ông cố nội tôi không hiểu sao vẫn còn sống. Trên mái, con giải đã đục hẳn một lỗ to, nó chui đầu xuống. Cái đầu gớm ghiếc gắn với cổ dài kinh dị đong đưa, nhả những bãi nhớt xuống gần chỗ ông nằm. Ông nín thở ngồi xuống, lết lại vào gầm bàn thờ. Cái đầu tiếp tục nhả nhớt xuống. Rồi nhận ra không có ai ở dưới, cổ nó quay xung quanh, đưa cái đầu đi lùng sục khắp nhà. Quang cảnh tựa hồ con rắn đang rúc đầu vào lồng chuột. Nó cứ lùng sục mãi, rồi tiến đến chỗ ông cố nội tôi đang trốn.

Ông cố nội tôi vớ được cây cuốc mà ông vứt lăn lốc trên nền nhà, thủ thế.

Con giải vẫn từ từ tiến lại. Khi nó đến cách chỗ ông cố nội tôi vài phân, ông hét lớn rồi lao ra, vung cuốc đánh thẳng vào đầu nó. Con giải rú lên vài tiếng rít rít ghê rợn rồi rút đầu lại. Nó lăn xuống phía trước sân rồi bò tới, húc mạnh vào cửa làm nó vỡ toang. Nó xộc vào nhà nhưng ông cố nội tôi đã nhanh chân đạp vào mai nó mà thoát ra.

Ông cứ chạy mải miết, quên cả việc báo cho dân làng. Đến vùng trũng, ông lội qua rồi bị nước lũ cuốn đi. Đến khi tỉnh lại, ông thấy mình đã dạt đến gần cuối làng. Lúc này, vài nhóm người đang vây lấy ông, họ cứ tưởng ông đã chết đuối, thấy ông đứng dậy, họ kinh hãi mà chạy ra xa. Vài người nhận ra ông còn sống liền bạo gan tiến lại. Nhưng khi nhận ra ông, họ lại còn kinh hãi hơn. Sao lại vậy?

Đọc ngay: Bùa yêu 1: Cưới chạy tang

Số là khi trời sáng, con nước đã trôi đi, dân làng gọi nhau ra tìm lại đồ đạc bị mất. Họ nghĩ ông cũng đã chết trong cơn đói lạnh nên kéo đến nhà ông hòng chia chác chút đồ còn lại, hoặc chí ít là cắm cọc cướp đất hương hỏa của ông. Nhưng khi đến gần vùng cao, họ đã kinh hoàng khi thấy trâu bò mỗi thứ chỉ còn một nửa, cứ như chúng bị đá núi nghiến qua.

Ba căn nhà sống gần ông với hơn mười chín khẩu còn thê thảm hơn, chẳng ai toàn thây. Họ đều bị cắn đứt phần thân trước, chỉ còn phần thân sau nhầy nhụa trong máu và ruột. Duy chỉ có cô Chi đang mang bầu hơn tám tháng là còn giữ được chút xác, chỉ có phần từ bả vai đến sườn trái bị cắn đứt nham nhở, nằm chết gục tại bẹ chuối cạnh nhà. Trên khuôn mặt cô, ai cũng thấy sự kinh hãi chiếm trọn, cứ như cô thấy gì đó ghê tởm lắm.

Biết vì chọc giận con giải mà xảy ra cớ sự trên, ông cố nội tôi chẳng dám nói gì.

Lấy cớ vùng đất đó giờ có vong, ông lẳng lặng dựng một cái chòi ngoài đồng mà ở tạm. Nhưng miệng đời nào tha cho ông. Tuy không biết vì về chuyện con giải, nhưng ông từ người sắp chết lại khỏe mạnh, thêm nữa lại là người duy nhất còn sống, họ cho là ông đã dùng bùa phép hại chết ba nhà kia để cải tử hồi vong. Chuyện đến tai hào lý, chúng cho là phải, liền sai hạ bộ đến bắt ông chịu tội. Biết nếu nói ra cũng chết, mà không nói cũng khó toàn mạng, ông chống trả làm đám hạ bộ kia đứa vong mạng, đứa bươu đầu.

"Đã lấy mạng người, kiểu gì cũng chết!"

Nghĩ vậy ông liền về nhà, dự chết ở đây còn hội vong được với thân thích. Thế là đám hào lý lại hô hào dân chúng vây lấy nhà ông. Chúng tuy đông nhưng hèn, không đứa nào dám xông vào, chỉ đứng ngoài nghênh giọng chiêu hàng. Nhưng ông chẳng nghe. Chúng lấy củi rơm định đốt nhà, nhưng mưa mấy ngày, củi rơm ướt cả. Thế là chúng chạy vạy đi nhờ quan Tây.

Quan Tây vốn được chúng đút lót, nay nghe có kẻ dám làm loạn đụng đến thuộc hạ mình thì căm lắm, thế là sai một đám lính mũi lõ vác súng đến làng bắt ông. Chúng đi cả ngày, đến đêm thì tới nơi. Lúc này dân chúng thấy lính Tây đến, sợ hãi chẳng dám ra. Chỉ có đám lính đến vây nhà ông.

Chúng bắn một loạt đạn, viên đạn găm cả vào nhà, may mà ông không bị gì. Lúc chúng định lao vào, bất ngờ từ dưới ao, cái mai khổng lồ của con giải trời lên, nó vươn cổ táp sạch bọn lính rồi lôi xuống ao. Cả đám chết sạch.

Việc ấy chỉ có ông thấy, chẳng có ai biết. Cả đêm, ông thủ thế sợ con giải lao vào.

Nhưng có vẻ đã no nê, con giải chẳng đả động gì. Gần sáng, nó phun vài cái sọ người ra, lăn lốc trên sân.

Tin tức ông cố nội tôi giết lính Tây, vứt đầu thị chúng lên tai quan Tây, cho là một người chẳng làm được chuyện ấy. Lại nghĩ đám dân làng đã theo bọn nông dân khởi nghĩa đang làm loạn khắp nơi, nay lừa lọc để hại lính mình, giặc Tây nã pháo, giết sạch cả làng. Còn về ông cố nội tôi, trong lúc chạy đạn pháo bay xuống đầu, gặp được một nhóm nông dân khởi nghĩa đang thủ chiến gần đó, thế là được chiêu mộ, đưa lên vùng núi cao mà lẩn trốn.

Nhưng thoát được một nạn, chẳng thoát được nạn kế.

Do là người từng ở làng, biết địa hình, ông được phó soái trưng dụng mà đưa nghĩa quân đến đánh giặc Tây nay đồn trú tại làng.

***
Nhận được lệnh phải về lại làng, ông cố nội tôi đành nói rõ mọi cho nhóm lãnh đạo nghĩa quân nghe. Tuy vậy, họ cho là ông hèn, kiếm cớ để thoái lui, duy chỉ có viên phó soái là tin ông. Người này nói:

"Tôi tin anh, nhưng lần này về, ngoài giết giặc Tây còn trừ họa cho dân, chẳng phải một công đôi việc sao?"

Ông tôi cho là phải, liền thuận theo, nhưng dặn người này không được tới ao nhà ông. Người này đồng ý và dẫn đoàn nghĩa quân đi theo ông cố nội tôi về làng. Khi gần đến nơi, họ cho một nhóm nhỏ vào thị sát nhưng nhóm này không trở về, nghĩ là giặc đã bắt được họ, phó soái liền cùng ông cố nội tôi vào trong để xem tình hình, đồng thời tìm cách giải cứu họ.

Khi vào bên trong, chẳng thấy giặc đâu, nhóm thị sát cũng mất dạng.

Cho là chuyện chẳng lành, ông tôi liền nói người phó soái trở ra, nhưng người này không nghe mà bảo: " Tôi có người đi theo là vì chữ trung, chữ nghĩa. Nay bỏ mặc mà đi, chẳng phải mất cái nghĩa sao? Vậy còn đi làm việc nghĩa để làm gì?". Biết chẳng lay chuyển được, ông cố nội tôi đành phải dẫn người này đến ao nhà mình. Tới nơi, chẳng ai dọa mà cả hai đã bay mất vía. Giữa sân, con giải to như gốc thụ cổ đang nằm dài, xung quanh nó là hàng chục đầu người cả tây lẫn ta vứt long lóc, la liệt. Do trời đang giữa trưa, con giải có lẽ vừa no nê nên nằm chẳng chút cử động.

Phó soái cùng ông cố nội tôi lén lại gần, người này vung đao, chém mạnh vào cổ con giải. Nhát đao mạnh đến nỗi con giải không kịp tránh, phải chịu một nhát sâu vào cổ. Nhưng nó chưa chết, nó vùng lên định táp người này nhưng ông cố nội tôi lao đến, đạp mạnh vào thanh đao còn cắm trên cổ nó. Con giải đau đớn phì ra một đống nhớt cùng máu trộn lẫn, ngập cả một khoảng sân. Nó quay mình làm người phó soái bị gai quanh mai nó cắt một nhát sâu, máu phun xối xả. Ông cố nội tôi lại đạp mạnh thêm vài phát nữa, thanh đao ngấn vào sâu, chặt đứt đầu con giải ra. Từ trong cái cổ đã đứt của nó, một làn sương đen bốc ra, tỏa đi kèm những tiếng rít ghê rợn. Cả cái xác và đầu nó bỗng co lại, cuối cùng chỉ còn lại cái xác to bằng con vích biển.

Người phó soái lúc này chỉ còn thoi thóp, mạng sống chỉ tính bằng nhẩm.

Do không thể để người này lại đây, ông cố nội tôi kéo ra, vô tình dính phải nhớt của con giải phun ra lúc nãy. Vết thương của người này tự nhiên khép lại, người này dần tỉnh. Biết chất nhớt đó là vị thuốc, ông cố nội tôi lấy bôi vào vết thương người này, lại cho ông uống máu con giải. Thế là người này không những toàn mạng mà cơ thể lại còn tráng kiện. Khi khỏe lại, người này bỗng quỳ lạy ông cố nội tôi rồi thốt lên:

" Ơn cứu mạng, tôi xin dùng thân này đền đáp! Nhưng vì tôi mà anh mất nghĩa, tôi không thể giúp được!"

Ông cố nội tôi thấy lạ, liền gặng hỏi, người này mới giải nghĩa:

" Khi anh gần quy tiên, chẳng phải con giải này đã xuất hiện? Nếu nó muốn hại anh thì đã xông vào, chứ chẳng phải tốn công leo lên mái! Nếu nó không phải đã cứu anh thì còn thứ gì nữa?"

Ông cố nội tôi nghe xong, cảm thấy xúc động đến tột độ.

Đúng là con giải tuy có dữ dằn nhưng chẳng có ý làm hại ông, cái chất nhớt ấy nó còn nhả gần chỗ ông nằm, chắc là muốn cứu ông lúc sắp lâm chung. Cảm thấy mình đã mang tội, ông cố nội tôi tiến gần xác con giải mà nâng nó lên, nhận ra trong bụng nó có gì đang quẫy đạp liền mổ ra xem. Từ trong vết cắt đó, một đàn giải con, mai là những sọ người trắng hếu túa ra, ào ào chạy vào cái ao.

Đừng bỏ lỡ: Truyện ma kinh dị: Oan hồn dưới giếng Phần 1

Sau việc trên, người phó soái và ông cố nội tôi trở về bản doanh, mang theo đầu con giải về mà báo. Ai cũng không tin, cho là bịa. Nhưng người phó soái đứng ra làm chứng, rồi chặt đầu một con gà chỉ còn chút da. Bôi chất nhớt của con giải vào, con gà chạy như chẳng có chuyện gì. Lúc này họ mới tin. Nhưng họ đòi ăn thịt con giải vì cho rằng nó là tiên phẩm, ông cố nội tôi và người phó soái ngăn không được, cho đó là chuyện bất nhân nghĩa, cả hai bỏ đi, mang theo cả đầu con giải.

***

Khi đi đến một làng nọ, trai tráng đã đi chiến trận, đàn bà chỉ còn lại vài người do giặc Tây đã bắt đi phục dịch gần hết, hai người quyết định ở lại đây sinh sống. Ông cố nội tôi lấy một quả phụ chưa con ở đó, sinh ra hai người con trai nhưng đều chết non. Họ cố gắng sinh thêm nhưng thai không thụ được.

Mãi cho đến gần mười năm, ông cố nội tôi mới mộng thấy một chuyện.

Trong mộng, một người phụ nữ gặp ông, trên cổ còn hằn một vết đứt đỏ. Người này giận dữ, chỉ thẳng mặt ông mà rằng:

"Tôi không có oán với ông, tại sao ông lại hại tôi, để con tôi mất mẫu tử?" Biết người này là hồn con giải báo mộng, ông cố nội tôi đáp rằng:

- "Bà có ơn với tôi, nhưng lại hại người làng tôi, việc này có đáng để tôi mất nghĩa không?"

Người này càng giận dữ hơn, dậm mạnh chân xuống đất mà mắng:

- " Thật là giống vô ơn! Những kẻ đó trong đêm muốn hại ngươi, ta đành giết sạch! Lũ lính kia, chúng muốn lấy mạng ngươi, ta cũng phải ra tay cứu! Đến lũ mà ngươi xem là anh em lại muốn hàng, cấu kết với giặc, ta cho chúng yên mồ cạnh nhau! Vậy là ta có ơn, hay có oán với ngươi?"

Nghe xong, ông cố nội tôi biết mình đã sai, liền dập đầu mà tạ:

- "Tôi thực không biết! Xin bà muốn làm gì cứ làm, chỉ xin để vợ tôi được sống!"

Nhưng người này gạt lệ đang ngấn ra, đỡ ông dậy mà nói:

- "Vì ơn của ngươi, trong cơn lũ đói khát đã cho ta một bát cháo khô mà ta được sống, mạng này có trả cũng không báo đáp được! Ta cũng đã lấy đi sinh mạng của hai con ngươi, âu cũng là quá nặng. Nay ân oán coi như đã trả đủ, hãy đứng lên mà nghe lời ta dặn!"

Ông cố nội tôi đứng dậy tiếp lời: " Xin bà chỉ bảo, tôi xin thuận theo!"

Hồn giải đáp rằng: "Ta vốn là con giải sống ở lộ tử, nhờ thụ khí âm mà thành tinh, nhưng chưa gây hại đến ai. Vì có ta án ngữ mà làng ngươi không bị lũ yêu hại. Nay nơi này ngươi đang ở là vùng âm thịnh dương suy, khó mà cải được. Chỉ còn cách để một nơi chỉ toàn khí âm, thu hút lũ yêu đến mà tránh xa chốn này. Ngươi hãy tìm nơi mà chôn đầu ta xuống, lũ yêu sẽ đến đấy quấy phá, tuyệt không được đến nơi ấy mà mưu sinh!"

Nói đoạn, hồn giải lại tiếp: "Riêng phần ngươi, do đã thụ khí của ta, cũng mang âm khí trong người mà truyền cho hậu bối, e cũng khó thoát kiếp nạn. Nhưng đến lúc cần, hãy nói hậu bối của ngươi đào lấy đầu ta lên, sẽ có cách hóa giải!"

Nói xong, hồn giải biến mất. Ông cố nội tôi làm theo, chôn đầu giải ở một vùng hoang vắng không có người. Sau này, ông sinh được bốn người con, sống yên ổn cho đến khi bị pháo Tây nã vào làng. Ông ra trận chống lại mà chết, còn bà cố nội tôi thì dẫn bốn người con đến vùng khác sinh sống.

Khốn nạn thay, vùng đất mà bà cố nội tôi đến, lại là nơi ông cố nội tôi đã chôn đầu giải.

Từ đó, những chuyện liêu trai cứ liên tiếp xảy ra. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài cho đến khi kiếp nạn thực sự đến.

Về phần nghĩa quân, nghe rằng họ đánh đâu thắng đó, chiếm cả một vùng rộng lớn. Đến khi cả đoàn quân vượt sông đánh giặc, cá nhảy vào thuyền đến nỗi chìm cả. Nghĩa quân chết sạch, để lại miệng đời kháo nhau rằng, họ bất tuân mệnh trời nên bị tru sát..

....(còn nữa)....

ĐỌC TIẾP PHẦN 2

ĐỌC TRỌN BỘ KỲ NGÔN DỊ TRUYỆN

Tamlinh.org

CODEZONE - JIN  (Thế giới truyện kinh dị, trinh thám (TGTKD,TT) 

(Đăng lại vui lòng dẫn nguồn tác giả & Tamlinh.org đầy đủ)

Ma