04/06/2021 11:45 View: 18337

Làm gì khi người thân đang hấp hối?

Trong lúc người thân cận kề sinh tử, chúng ta khó lòng giữ được bình tĩnh để hỏi xem: "Làm gì khi người thân hấp hối?" hay "Cần làm gì cho người sắp chết?" hoặc "Chuẩn bị cho người sắp chết?"... Vậy hãy nén lại đau buồn, cùng Tamlinh.org xem hướng dẫn của sư thầy Thích Trí Siêu về các công việc cần thiết nhất mà người nhà cần làm ngay để người sắp chết ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. 

lam gi khi nguoi than hap hoi sap chet

Chuẩn bị cho người sắp chết?

Chuyển người sắp chết qua gian phòng chính (trên gác xuống nhà, từ trong buồng ra), thường là quay đầu về hướng đông. Tùy theo điều kiện bố trí sao cho phù hợp.

  • - Đầu quay vào trong nhà, nhìn ra cửa.
  • - Dò hỏi xem người bệnh có trăng trối lại điều gì không, còn mong gặp lại người nào không.
  • - Phân công người thân, con cháu túc trực bên cạnh.
  • - Làm các lễ cầu nguyện (tùy theo tôn giáo), có thể sử dụng băng, đĩa CD,...
  • - Chuẩn bị các vật dụng cần thiết để tắm gội và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người chết khi khâm liệm mang theo: di ảnh, 2 bát hương, ...

Nếu theo đạo Phật hoặc luôn hướng về Phật giáo thì hãy chú ý đến 3 giai đoạn: gần chết, lúc chết và sau khi chết. Những lưu ý này rất Quan Trọng, các gia đình theo đạo Phật hãy đọc và lưu lại khi cần

I/ Gần chết (Khi thần thức vẫn còn tỉnh táo)

Khi thấy người thân sắp chết, do bệnh, già hoặc tai nạn v..v...Người nhà cần phải ở gần bên an ủi 5 điều chính giúp cho họ:

  • 1/ Ðừng sợ chết: vì làm người ai cũng phải chết, và chết không phải là hết, đó chỉ là xả bỏ cái thân già nua, mục nát này mà thôi.
  • 2/ Sanh tâm lìa bỏ, nhàm chán thân tứ đại, già nua, bệnh hoạn, đau đớn, và xem nó như cái áo cũ rách.
  • 3/ Không nên quyến luyến gia đình quyến thuộc, vì sẽ khó ra đi nhẹ nhàng.
  • 4/ Nhắc nhở những điều phước thiện mà họ đã làm trong đời như quy-y, bố thí, cúng dường, giúp đỡ người khác...
  • 5/ Phát tâm nương cầu nơi Đức Phật A Di Ðà và cảnh Cực Lạc.

Lúc này trong gia đình nên giữ thanh tịnh, không ồn ào náo nhiệt hay cãi vã tranh chấp để cho tâm hồn người hấp hối được yên tâm ra đi.

II/ Trong lúc chết (Đang hấp hối)

Khi người bệnh bắt đầu mê man bất tỉnh, chân tay lạnh dần, đó chính là dấu hiệu của sự chết. Lúc này bà con quyến thuộc không nên khóc than hay gào thét, làm như vậy chỉ bận tâm người chết, không được ích lợi gì mà có thể làm hại là đàng khác. Cách tốt hơn hết là bắt đầu tụng một thời Kinh Tịnh Ðộ hoặc Cầu Siêu. Ðến chỗ niệm danh hiệu Phật A Di Ðà thì niệm nhiều và lâu cho đến khi người bệnh hoàn toàn tắt thở thì tụng nốt phần cuối của thời Kinh.

Trong lúc tụng Kinh, tất cả người nhà phải thành tâm cầu nguyện đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn người chết được vãng sanh Cực Lạc.

Sau thời Kinh chính, người nhà hãy luân phiên niệm Phật thêm khoảng 8 tiếng đồng hồ nữa. Trong thời gian này không nên đụng đậy hay xê dịch thân thể như dọn dẹp mền nệm, chùi rửa thay đổi áo quần. Sau khoảng 8 tiếng hãy tắm rửa thân thể (không bắt buộc), thay đổi áo quần và nhập liệm. Nếu muốn thay đổi quần áo mà thân thể người chết co quắp hoặc cứng đơ thì ta có thể xoa và chà alcool hay dầu nóng vào các khớp xương thì nó sẽ mềm ra.

Nếu xúc chạm thân thể quá sớm khi thần thức người chết chưa hoàn toàn rời khỏi thân, họ có thể bị xúc động và cảm thọ sự đau đớn, nhân đó mà sinh ra sân hận có thể đọa vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).

Các công việc cần sắp xếp khi người thân qua đời:

Mọi người trong gia đình cần phải bình tĩnh, nén nỗi đau thương mất mát để sắp xếp công việc.

  • Người thân nên tự tay tắm gội cho người mất. Trường hợp bất đắc dĩ, không có người thân thì nhờ người ngoài (nhân viên của cơ sở). Dùng nước ấm pha chút rượu gừng hoặc nước thơm lấy khăn lau sạch người, cắt móng chân móng tay, gói lại khi liệm cho vào trong áo quan. Sau đó, mặc cho người mất bộ quần áo mà lúc sống người đó yêu thích nhất (hoặc mặc áo Phật, áo Pháp). Đặt thi hài lên giường nằm ngay ngắn, gối cao đầu. Nếu cần thiết thì lấy dây vải buộc hai ngón chân và hai bờ vai sao cho thẳng và ngay ngắn, hai tay để lên bụng. Đối với các gia đình theo Phật giáo thì chuẩn bị thêm một ít gạo, muối, tiền thật cho vào túi nhỏ để trong áo hoặc nắm tay người chết. Với nữ giới thì trang điểm thêm son phấn cho đẹp.
  • Trong lúc chờ nhập Liệm: nên dùng chiếc chăn mỏng đắp, buông màn che phủ người chết hoặc sử dụng lồng kính để chụp tránh hiện tượng "quỷ nhập tràng".
  • Với người ốm lâu ngày hoặc người mất còn chờ con cái, người thân ở xa về, để đảm bảo vệ sinh, gia đình nên mua đá sinh học hoặc thuê buồng lạnh để bảo quản thi hài trong quá trình lễ tang.
  • Để tạm chiếc bàn nhỏ hoặc ghế, đặt một bát cơm úp, vót hai chiếc đũa bông, luộc một quả trứng cắm vào bát cơm, thắp hương, hoa quả và một ít tiền vàng, nến (đèn dầu). Tuyệt đối không dùng nước hoa xịt vào thi thể người chết.
  • Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, bố trí để bàn thờ Phật, Vong, chỗ đặt quan tài sao cho hợp lý.
  • Làm đơn theo phép mai táng. Thông báo với tổ trưởng dân phố, các hội, đoàn thể nơi công tác hoặc địa phương. Nếu người mất không có hộ khẩu trên địa bàn nơi chết thì người thân làm đơn xin giấy báo tử để làm thủ tục mai táng. Sau đó về nơi đăng ký hộ khẩu làm giấy chứng tử sau.

III/ Sau khi chết (Khi đã trút hơi thở cuối cùng)

Sau khi thân thể đã hoàn toàn cứng lạnh, thần thức coi như đã rời khỏi thân xác, giai đoạn này gọi là sau khi chết. Người chết nếu chưa được giải thoát thì phần nhiều phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt trong một thời gian khoảng 3 đến 4 ngày, rồi sau đó mới có cảm giác minh mẫn trở lại, khi đó họ bắt đầu bước vào cảnh giới Trung ấm (là giai đoạn giữa sự chết và tái sinh) và mang một cái thân gọi là thân Trung ấm. Thời gian sống của Trung ấm thân có thể kéo dài trung bình từ 1 đến 49 ngày kể từ khi mới chết.

Thông thường người chết, khi thần thức đã rời khỏi thân, thường hay mê muội không ý thức được rằng mình đã chết, nên hay đắn đo tự hỏi: "Ta đã chết hay chưa chết ?"

Ở trong trạng thái mơ mơ màng màng này, họ vẫn thấy được người thân và gia đình quyến thuộc, mỗi mỗi đều hiện ra trước mắt, nhưng mờ ảo giống như cảnh trong mộng. Trong cảnh giới Trung ấm, cứ sau mỗi 7 ngày là Thân Trung Ấm lại rơi vào hôn mê, mê rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại mê và bị gió nghiệp thổi đi đây đó một cách bất định. Trước mắt họ thường hiện ra những cảnh thiện, ác, sung sướng hay rùng rợn tùy theo nghiệp đã tạo trong lúc còn sống.

Ðặc biệt là bất cứ đang trôi dạt ở đâu, hễ nghe gọi đến tên mình là Thân Trung ấm (thần thức) liền trở về nhanh như chớp mắt. Do đó người nhà, trong vòng 3 ngày đầu (khi thi hài còn để ở nhà) nên luân phiên nhau mỗi ngày tụng một thời Kinh (Tịnh Ðộ hoặc Cầu Siêu), và thường xuyên niệm Phật ở gần người chết. Lại nữa, lâu lâu ngồi gần bên gọi tên người chết khuyên nhủ, nhắc nhở họ:

1/ Lìa bỏ, nhàm chán thân tứ đại:

Tên ...(người qua đời) nghe đây, đừng luyến tiếc cái thân này nữa, vì thân này là nguồn gốc của mọi sự đau khổ, có thân nên có già, bệnh, chết. Vì thân này mà lúc sống đã làm nhiều điều ác. Do đó không nên luyến tiếc thân này nữa. Dù có luyến tiếc cũng không được, vì bây giờ nó đang hư thối mục nát, không thể dùng được.

2/ Không ái luyến gia đình quyến thuộc:

Tên (ông, bà, cha, mẹ đã qua đời) ...... nghe đây, không nên luyến ái, thương tiếc gia đình, vợ chồng, con cái, tài sản... Vì dù có muốn trở lại được sắc thân tứ đại, thì đó chẳng qua trở lại chịu khổ sanh tử, luân hồi. Dù có trở lại đi nữa cũng không thể gặp lại bà con quyến thuộc, vì sẽ phải mang một xác thân khác. Vậy phải nên dẹp bỏ ý muốn được sống trở lại. Hãy yên lòng niệm Phật A Di Ðà cầu Ngài cứu độ cho.

3/ Tất cả cảnh giới đang thấy đều là giả:

(Tên) nghe đây, tất cả cảnh giới đang nhìn thấy, dù sung sướng hay ghê rợn đều là giả, là ảo ảnh, đừng sanh tâm vui mừng chạy theo, cũng đừng sợ hãi bỏ chạy. Vì nó không thể làm hại được (Tên) đâu. Chỉ nên nhất tâm niệm Phật cầu Ngài đến rước.

4/ Nương cầu nơi Phật A Di Ðà:

(Tên) nghe đây, tất cả cảnh giới đều là giả dối đau khổ, dính mắc. Chỉ có cảnh Cực Lạc của Phật A Di Ðà là hoàn toàn sung sướng không bao giờ chết. Vì vậy hãy chí tâm niệm Phật và nhớ tưởng đến Ngài, cầu Ngài đến tiếp dẫn về Cực Lạc. Nam Mô A Di Ðà Phật.

**************************************

Đồng thời, lúc này cũng bố trí họp gia đình, thống nhất cách thức tổ chức lễ tang. Nên cử một người nhanh nhẹn, hiểu biết làm chủ Tang để thống nhất các công việc lễ tang. Cử người đi xem giờ, nhập quan - động quan - địa điểm an táng. Thông thường nên hỏi các nhà sư hoặc thầy Pháp để chọn giờ làm sao cho hợp lý. Cử người thông báo tin buồn, phân công người nhà lo các công việc hậu cần, tiếp khách.

IV/ Cúng thất cho người thân mới chết

Trong giai đoạn Trung ấm, cứ sau mỗi 7 ngày thì thần thức hôn mê rồi tỉnh lại. Nếu có ai cúng cho ăn thì được hưởng (bày đồ ăn mà không gọi tên thì thần thức không được hưởng), vì thế họ được gọi là hương linh (linh hồn sống bằng mùi hương).

Do đó cứ sau mỗi 7 ngày thì người nhà tụng Kinh triệu thỉnh hương linh về (nếu chưa đi thọ thai) để vừa ăn vừa được nghe Kinh. Ðồ cúng cần phải thanh tịnh, tuyệt đối không nên giết heo, bò, gà, vịt, để cúng, nếu làm thế thì người chết phải bị tội thêm. Nên làm đồ chay thanh tịnh, 3 món là đủ không cần nhiều.

Thích Trí Siêu