Thuở trời đất còn hỗn mang, có một số vị thần khổng lồ dời non lấp biển, tạo nên hình thế đất đai khắp đất Việt cổ. Câu chuyện phổ biến nhất là về Thần Trụ Trời, người đã xây cột chống trời, tạo nên những núi non biển cả.
Thuở trời đất còn hỗn mang, có một số vị thần khổng lồ dời non lấp biển, tạo nên hình thế đất đai khắp đất Việt cổ. Câu chuyện phổ biến nhất là về Thần Trụ Trời, người đã xây cột chống trời, tạo nên những núi non biển cả. Ngoài ra còn có những câu chuyện về các thần khổng lồ khác thường đi theo cặp nam – nữ, tiêu biểu có: ông Đùng bà Đà (hoặc bà Đoàng, bà Đùng), ông Lộc Cộc bà Tồ Cô, ông Tứ Tượng bà Nữ Oa…
Dù cho tên gọi khác nhau nhưng tựu chung lại đó vẫn là hình tượng của cặp “titan khởi thuỷ” rất hay xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại khắp thế giới.
Thần tích theo đồng bào Mường kể:
Xưa kia, ở vùng Lạc Sơn, Hòa Bình xuất hiện một người đàn ông khổng lồ gọi là ông Đùng, ông đi khắp vùng núi rừng phía bắc thì gặp được bà Đà – một người phụ nữ tuy không lớn bằng ông Đùng nhưng cũng vô cùng “xứng đôi vừa lứa”. Hai người đem lòng yêu rồi kết nghĩa vợ chồng.
Đêm đó hai vị khổng lồ dắt nhau vào hang “động phòng”, ái ân mãnh liệt tới mức trời đất rung chuyển, bão táp mưa sa, ấy thế mà mưa gió cũng chẳng thấm vào đâu so với… nước chảy ra từ cuộc hoan lạc của cặp vợ chồng son.
Nước mưa làm ngập đất đai sinh ra biển cả, còn “nước bà Đùng” thì tưới ngập các cánh đồng Mường Vang, Mường Vó khiến cho những cánh đồng ở đây luôn trù phú tốt tươi, mùa màng bội thu.
Tục ngữ có câu: “Cơm Mường Vó, ló (lúa) Mường Vang” là vì thế.
Thần tích theo người Việt ở Hưng Yên, Thái Bình kể:
Bà Đà và ông Đùng vốn là hai chị em ruột, sống dưới thời vua Ngô Quyền. Hai chị em đã đứng tuổi mà đều chưa có người cập kê. Mà các bạn biết đấy, những người ế quá lâu thì thường nảy sinh những quyết định nông nổi. Hai chị em quyết phen này đi vòng qua quả núi sau nhà, gặp ai thì cưới luôn người đấy.
Cuối cùng thế nào, họ lại gặp nhau. Cho là số trời nên họ quyết định nên duyên vợ chồng.
Nhưng rồi đến lúc phòng the, bà Đà lại tội lỗi xấu hổ nên trốn sang ngôi đền cạnh nhà. Ông Đùng phải đi đón về. Ngày hôm sau, bà lại đi trốn tiếp và ông lại phải đi đón. Cứ như vậy, đến lần thứ ba, khi ông Đùng đón bà trở về nhà thì gặp một con hổ dữ ra chặn đường.
Ông Đùng to lớn vậy mà đánh đuổi con hổ không nổi. May có mẹ con một bà lão nghèo đang câu ếch ở đấy bèn ra giúp sức và đánh đuổi được con hổ. Lần này về nhà, bà Đà không trốn đi nữa.
Hai người lấy nhau được mấy ngày thì tin đồn lan tới kinh kỳ và đến tai vua. Vua xuống chiếu bắt tội hai người loạn luân và cho đao phủ hành hình lúc nửa đêm. Xác ông bà được vứt xuống một cái ao gần đấy.
Hai ông bà rất linh thiêng nên người dân lập đền thờ phụng và hàng năm mở hội để diễn lại sự tích của ông bà ngày xưa. Trong ngày hội, người ta cho hình nhân của ông Đùng bà Đà sáp lại gần nhau và ân ái, rồi có cả những tích đánh hổ, trảm đầu vứt xác… Tuy nhiên qua thời phong kiến, lễ hội này bị coi là thờ “dâm thần” và đã bị sáp nhập vào phục vụ cho những tín ngưỡng lân cận (thờ Bà Chúa Muối ở Thái Bình), khiến thần tích về ông Đùng bà Đà bị mai một ít nhiều.
Sự tích dãy núi Hồng Lĩnh:
Ở Hà Tĩnh người ta lại kể rằng:
Ông Đùng bà Đùng là hai người khổng lồ thường giúp đỡ dân chúng trong vùng. Ông Đùng thích bà Đùng nên ngỏ lời, bà liền phán rằng trước khi gà gáy mà ông xây được 100 quả núi thì được lấy bà làm vợ. Thế là ông Đùng cả ngày hôm đó xếp núi, quên cả ăn uống nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, bà Đùng tỉnh dậy thấy ông Đùng đã cặm cụi xếp được 99 ngọn núi, liền trêu tức bằng cách giả tiếng gà gáy. Ông Đùng đang bê quả núi thứ 100 tới bờ bắc sông Lam (Nghệ An) bỗng nghe tiếng “gà”, liền bỏ cả núi lại đó mà trở về. Cuối cùng thì bà Đùng cũng chấp nhận đấng phu quân, nhưng do tiếng bà gáy sớm mà dãy núi Hồng Lĩnh chỉ có 99 ngọn núi, còn một ngọn núi đã bị bỏ quên ở bờ bắc sông Lam, chính là núi Quyết.
Câu chuyện này có một dị bản khác:
Về ông Tứ Tượng bà Nữ Oa (còn gọi dân dã là ông Đực bà Cái, thần Nam thần Nữ), cũng kể về bà Nữ Oa thách ông Tứ Tượng thi tài xây núi, thắng bà mới được kết duyên. Bà Nữ Oa xây được núi cao hơn, thắng cuộc, liền đạp đổ cả núi của ông Tứ Tượng, bắt ông xây lại núi khác.
Ông lụi cụi xây hết núi này đến núi nọ mà chẳng khiến bà hài lòng. Cuối cùng sau bao năm tháng dãi dầu bà cũng xiêu lòng, đồng ý kết hôn, còn những ngọn núi mà ông Tứ Tượng xây nên để “tán gái” vẫn còn di tích tới nay, là những đồi núi trải dài từ bắc chí nam.
Baldur
Tamlinh.org