04/06/2021 11:34 View: 31721

Truyền thuyết Cao Biền trấn yểm nước Nam và cái kết

Cao Biền trấn yểm nước Nam và cái kết: Đừng bao giờ coi thường người Việt! 

Vốn Cao Biền là một tướng lĩnh giỏi triều Đường, thuộc dòng dõi thế gia, giỏi văn chương lại có tài võ nghệ.

cao bien

Ảnh minh hoạ  (Lake Hurwitz | DeviantArt)

Vốn Cao Biền là một tướng lĩnh giỏi triều Đường, thuộc dòng dõi thế gia, giỏi văn chương lại có tài võ nghệ.

Nhờ có công bình giặc Nam Chiếu vốn nhiều năm phá hại Giao Châu mà Cao Biền được vua Đường bổ nhiệm chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ đầu tiên, cai quản đất ta từ năm 866 – 868. Chỉ cai trị nước ta có vài năm, cũng làm được vài việc có ích như đắp thành Đại La (Thăng Long sau này) nhưng bấy nhiêu là đủ cho Cao Biền lưu lại “tiếng xấu muôn đời” trong những câu chuyện dân gian huyền hoặc mà dân ta kể lại.

Rằng Cao Biền thấy đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương nên thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy bay đi xem xét, dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sông núi đẹp, chặn đất long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu.

Tương truyền đắp thành Đại La hay bị lở bên sông Tô Lịch nên hắn đã cho trấn yểm, chặn long mạch, khiến con sông giờ ra “nông nỗi” này. Tuy nhiên Cao Biền thường bị “phản bùa” khi liên tục bị các thần linh đất Việt dằn mặt: từ thần sông Tô Lịch, thần Long Đỗ (đã kể ở bài viết trước), đến Cao Lỗ hay Tản Viên Sơn Thánh…

Truyền thuyết Cao Biền bị Cao Lỗ dằn mặt:

Ngay sau khi dẹp giặc Nam Chiếu trở về, tức là còn chưa lên chức Tiết độ sứ, qua châu Vũ Ninh bỗng nằm mộng thấy một dị nhân mình cao chín thước, diện mạo cương nghị, búi tóc, mặc áo đỏ, tự xưng là tướng Cao Lỗ từng giúp An Dương Vương chế nỏ thần liên châu, giết giặc lập công, do bị Lạc hầu gièm pha mà trừ bỏ.

Sau khi chết được thượng đế thương tình phong làm Quản lĩnh Đô thống Tướng quân ở quê cha đất tổ Vũ Ninh; nay qua đây nếu không cáo tạ là trái lễ. Cao Biền giật mình tỉnh dậy, bèn cho lập đền tại Vũ Ninh thờ Cao Lỗ tướng quân.

Cao Biền bị Tản Viên Sơn Thánh dằn mặt:

Cao Biền thấy núi Tản Viên cao lớn hùng vĩ, thế núi hiểm trở, lại có thần Sơn Tinh linh ứng, liền trấn yểm bằng cách mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc quần áo vào rồi đặt ngồi trên ngai, tế bằng trâu bò.

Cao Biền đã dùng thuật này để yểm nhiều nơi, đánh lừa nhiều vị thần tiên, hễ thấy thần linh hiện ra nhận lễ thì vung kiếm mà chém đầu, đào hào chôn kim khí để trừ long mạch. Nhưng đến núi Tản Viên thì thấy Tản Viên Sơn Thánh cưỡi ngựa trắng trên mây, nhổ một bãi nước bọt ngay trước mặt hắn rồi thản nhiên bỏ đi. Biền hú hồn than:

“Linh khí phương nam không thể lường được. Vượng khí đời nào hết được”.

Cao Biền bị… người dân dằn mặt:

Cao Biền cưỡi diều giấy bay qua đất Hoa Lư xem long mạch thì bị một đạo sĩ cùng dân chúng ở đây dùng tên bắn. Cao Biền trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó gọi là núi Cánh Diều (Ninh Bình).

Cao Biền bị Tả Ao phá yểm:

Đi vào những giai thoại dân gian là kẻ được coi như “kỳ phùng địch thủ” của Cao Biền – bậc thầy phong thủy địa lý đất Việt: Tả Ao. Tả Ao sống ở thế kỷ XV thời Lê sơ. Vốn ông tên thật là Huyền, sinh ở làng Tả Ao rồi lấy đó làm nghệ danh. Được một thầy địa lý người Tàu truyền nghề, Tả Ao trở về Đại Việt như một bậc thầy phong thủy.

Ông được cho rằng đã phá yểm cũ của Cao Biền tại nhiều nơi như núi Hàm Rồng, núi Tản Viên. Có cả những giai thoại Tả Ao và Cao Biền thi thố tài năng, nhưng xét về mặt “timeline” cách nhau mấy trăm năm trời thì hơi vô lý.

Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non:

Truyền thuyết kể rằng Cao Biền có phép “tản đậu thành binh”. Khi cần quân lính chỉ cần gieo đậu vào đất, ủ kín một thời gian, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu sẽ hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thiếu thần chú, mở ra những hạt đậu thành binh nhưng còn non, không đủ sức nên đi lẩy bẩy.

Một truyền thuyết khác lại kể Cao Biền có nuôi 100 âm binh. Lúc mới sang nước Nam trọ nhà bà hàng nước, nhờ bà thắp mỗi ngày một nén hương để gọi dậy một âm binh. 100 ngày thắp 100 nén sẽ gọi dậy đủ 100 âm binh. Bà lão phá mưu của Cao Biền, giả vờ quên, thắp cả 100 nén hương cùng một ngày (có truyện lại kể do con rể của hắn hiểu nhầm mà thắp cùng lúc 100 nén hương).

Kết quả cả 100 âm binh của Cao Biền đã dậy đủ nhưng dậy non, chẳng được tích sự gì. Câu thành ngữ “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” được ông cha ta dùng để nói về người nào sức yếu, tay chân run rẩy.

Truyền thuyết mả Cao Biền:

Trong bài về chuyện Cao Biền bị thần Long Đỗ dằn mặt, sau đó hắn cho rằng ở nước Nam lâu tất hại thân và có ý định rời đi. Cuối cùng hắn rời thật, sau vài năm hắn được triệu hồi về phương Bắc, rồi tiến cử người cháu họ là Cao Tầm lên thay chức Tiết độ sứ ở Giao Châu. Song từ một tướng giỏi đánh đâu thắng đấy, vừa trở về từ nước Nam, hắn trở thành bại tướng, thất bại trong việc đẩy lui loạn Hoàng Sào, rồi bị thủ hạ nổi dậy chống lại chính mình. Cao Biền bị Tần Ngạn giam cầm rồi sát hại.

Dù vậy, ở vùng Phú Yên lại có truyền thuyết rằng những năm cuối đời Cao Biền đã trốn về sống tại đây, giúp dân xem đất dựng nhà, để mồ mả. Sau đó nhờ lại dân làng chôn cất hắn khi chết vào huyệt đất đã chọn trước. Vậy nên ở Phú Yên vẫn có một ngọn đồi mà người ta tin rằng đó là mả Cao Biền.

Vợ Cao Biền – bà Tổ nghề dệt lụa Hà Đông:

Vợ của Cao Biền là bà Lã Thị Nương, người Trung Quốc, theo hắn tới Giao Châu. Sau khi Cao Biền về phương bắc, bà vẫn ở lại đây, sống ở trang Vạn Bảo (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), truyền nghề dệt lụa cho dân. Sau khi mất bà được phong làm Thành hoàng làng và được tôn làm bà Tổ nghề dệt lụa.

Baldur (Epic)