1994 chợ Đồng xuân nổi tiếng sầm uất đã cháy và tớ đã được VỈA HÈ phố cổ che chở giai đoạn đầu lấn bấn. Rất nhiều vui buồn nhưng cũng từ đó mà kinh tế phát triền, nhưng quý hơn cả là lòng biết ơn và thật nhiều bài học từ cái vỉa hè 5 mét đó.
Ảnh minh hoạ
Nói về sóng thần ở Nhật bản 2013 ( nó xảy ra sau cháy chợ của tớ 19 năm ) Do có truyền thông nên ai cũng khâm phục về yếu tố con người của Nhật Bản. Đừng hỏi sao NGƯỜI TA GIÀU và văn minh bậc nhất :
- - Vì người ta nhân ái thật.
- - Người ta vì cộng đồng thật.
- - Người ta cố gắng vượt thảm hoạ và người vì nhau vượt thảm hoạ.
Rồi người ta cùng nhau CHĂM CHỈ LÀM GIÀU !
Còn bọn tớ, cháy chợ lúc đó cũng gọi là thảm hoạ vì vật chất thời đó khan hiếm. Nhiều người vào cảnh bần cùng ! Phải vật vờ khoác túi, đón khách trên vỉa hè nắng nóng, vẫn ngay bên chợ cháy mà bị xua đuổi hết nhà này sang nhà khác, vì lý do : Đứng chắn cửa hàng !
Có một ”CÂY CAO BÓNG CẢ”...
Tóc búi cao, đeo ngọc lấp lánh (nói thật, người tốt nó hiện ở thần thái chứ không ở đồ trang trí ) đã liên tục đuổi tớ (năm đó chắc bà 57-60; tớ lúc đó 28-29 tuổi, bằng tuổi con gái bà) chưa một lần hỗn hào, dù trong lòng tê tái vì người già cả luôn được gọi là cây cao bóng cả, nỡ đuổi mình:
- Đi ra chỗ khác mà đứng, cháy chợ nhà chúng mày thì ra ám nhà bà à, vỉa hè nhà bà, một phân bà cũng không cho đứng !
Lúc đó, bọn tớ đã biết chọn dùng đồ Nhật xịn, đeo túi Nhật bản Si- cờn - hen. Mua giày mũ, áo, cặp Nhật cho con vì thấy nó tốt lắm. Nhưng chưa biết rằng: Người sản xuất ra nó cũng là một dân tộc rất con người, tiếc rằng đến sau này có nhiều kênh truyền thông nên mới hiểu: Người tốt sẽ sản xuất ra cái tốt cho Cộng đồng từ cốt lõi ! Họ muốn người phải tốt cả khi bỏ rồi vẫn hữu dụng !
Tớ nhẫn nhịn nghe bà đuổi và quả thật vì nơi đó có cây bàng hè phố, giữ nắng cho người da trắng nõn nà. Thời đó chưa có điện thoại nên cây bàng còn là điểm gặp nhau thu nợ, còn là nơi để khách gặp lại mình. Tớ nhẫn nhịn, đang cố thu nợ xong sẽ bỏ tìm việc khác ! Và may mắn có bà bên cạnh gọi :
- Vào đây, các cô vào đây !
Một bà già nhỏ thó, mặc áo phin nõn trắng, tớ chỉ thấy sao mặc ái giống mẹ mình thế và bước vào ! Sau này chính ngôi nhà bà đã cho chúng tớ nhộn nhịp ! Bà nói lúc tớ rảnh rỗi:
- Cô muốn ngồi đến bao giờ thì ngồi, chỉ cô thôi tôi chứ tôi không bao giờ thôi cô nhé!
Có ai lại trả bớt tiền thuê nhà cho tớ như bà không, thật đáng kính trọng: Bà nói mừng tuổi ! Tớ nhận vì Bà rất chân tình !
Lại nói đến bà đeo ngọc !
Khi bên này cưu mang 3-4 con người cháy chợ, hàng ngày nhìn thấy vui vầy sinh ra ứ khí. Bà tức tối ra mặt và cấm cả đi chéo qua vỉa hè nhà nước trước mặt nhà bà ! Bà ra khẩu hiệu một phân không được bước !
Lo sợ lúc ngủ trưa không canh được, bà khuân thùng gỗ xếp chạy từ trong ra mép cống. Và quả thật tớ phải nằm rạp xuống, không dám để bà nhìn thấy tớ NHÌN THẤY BÀ NGÃ vì chính cái rào của bà !
Bên tớ đông khách, nhà bà ảm đạm ! Con gái bà tranh thủ chợ cháy, khách lạc chủ hàng, mở vội để bán. Nhưng vắng hoe, ai dám mua hàng của người con có mẹ mặt đằng đằng sát khí.
Người mua tinh lắm, dù lúc đó khan hiếm, khách vẫn luôn nhìn mặt chọn mua hàng, đừng tưởng họ cần hàng nhé ! Người tỉnh xa họ mang theo một gia tài nhỏ bên mình, chọn người tin tưởng quan trọng lắm !
Bọn tớ lại ra tay giúp bằng cách cho các đơn hàng nhỏ, chỉ khách nhà mình bớt sang mua ! Tuy nhiên Phúc đức tại mẫu - và bà vẫn cái tính một phân tao cũng không cho đi qua !
Sau này ở lâu bà cũng đôi lần nhờ vả :
- Cháu xem có ai giới thiệu cho cô, ba thằng chưa đứa nào chịu lấy vợ !
Bà lại sai rồi khi không hiểu, chắc các con cũng chẳng dám lấy ai, hoặc ai muốn cũng chẳng dám vào ở với bà. Tuy thế tớ cũng nghe tâm tư và làm một hai đám nhưng không thành mặc dù hết sức cố giúp ! Khổ thân ba cậu trai to đẹp có ngôi nhà mặt phố, trước cửa có cây bàng. Tớ nghĩ chim chóc cũng không dám đậu.
Vật đổi sao rời, chúng tớ phải chia tay vỉa hè đó sau 6 năm vui buồn ... vì mua được nhà mặt phố !
Cũng không thích chuyện ngồi lê đôi mách (năm đó bắt đầu một cụm từ BUÔN DƯA LÊ ), do bà chủ nhà phúc hậu cũng về với Tổ tiên. Do không có tính tư thù nên chào hỏi chia tay khu phố, rồi cuốn vào công việc nơi ở mới, không thời gian qua lại !
Hôm rồi, ông xã rủ đi qua. Phố khác xưa nhiều, khách sạn nhà hàng đón Ngoại quốc mọc như nấm sau mưa. Ẩn mình, định vị lại số nhà có cây bàng, nhà bà ấy vẫn thế, cũ và nhỏ thó, thập thò dưới tán lá bàng một thời che chắn cho những người hoạn nạn.
Nhìn nhà bà biết là không có hậu vì chủ nhân mà mải giữ 1 cm vỉa hè thì làm sao có cơ hội nhìn rộng ra: Của trời vẫn đầy ra đấy, chỉ là cách bạn sống với cộng đồng thế nào để cho con cháu được hưởng phước làm ăn !
Cây bàng đã cao sau 25 năm, bóng đã cả vỉa hè. Nhưng nhà của bà vẫn thế: vắng và lạnh !
Chắc thời gian dài không qua lại, bà có thể đã mất nhưng chắc vong linh khó siêu thoát. Khi sống mà luôn tiếc cái nhà, tiếc cái vỉa hè nhà nước, tiếc đến từng xăng ti mét ! Tiếc cả cái dừng chân của khách bộ hành !
Cây cao - bóng cả, bà đẹp nhưng không sang. Trông bệ vệ nhưng tâm không tốt.
Nếu vai trò là con, thấy bố mẹ các bạn có gì đó giống bà, hãy khuyên nhủ TỬ TẾ để CỘNG ĐỒNG nương nhờ khi hoạn nạn, và để con cháu các bạn được hưởng phước mai sau !
Nếu vong linh bà đọc dòng kỷ niệm này, hãy siêu thoát để ngôi nhà và con cháu bắt nhịp cuộc sống đang rất phồn vinh, nơi cách đây 25 năm, cháu bị bà chặn từng xăng ti mét...
Phạm Kim Oanh