04/06/2021 11:51 View: 5314

Tại sao phải làm lễ Hô thần nhập tượng?

Có người cho rằng "Tất cả tượng ở đền, chùa, điện, ban thờ... đều mang giá trị hình ảnh tượng trưng" vậy nghi lễ hô thần nhập tượng để làm gì? Tại sao phải làm lễ hô thần nhập tượng? Hô thần nhập tượng có phải là hô ông thần nhập vào bên trong tượng không? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.

ho than nhap tuongg, an vi tuong, khai quang diem nhan tuong

Tượng chỉ là tượng trưng, không phải là thần phật?

Theo quan điểm của 1 trường phái Phật giáo thì tôn tượng chỉ là một hình tượng vô tri vô giác, đứng trước pho tượng Phật, người phật tử chỉ gián tiếp hồi nhớ lại những đặc tính của Ngài, tri ân Ngài vì đã khám phá chân lý và vạch ra con đường giải thoát cho chúng sinh. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là, sự cúng bái, phụng thờ quan trọng nằm ở đức tin và lòng thành, lòng sùng kính, chứ không phải ở nơi tượng Phật và Bồ Tát. Vậy nên việc tạc tượng, hô thần nhập tượng, khai quang điểm nhãn là hoàn toàn không cần thiết. 

Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng hình tướng trang nghiêm luôn tạo nên sự ái kính. Cho nên tôn thờ Phật tượng đã trở thành một phần không thể thiếu cho trong đời sống tâm linh của con người. Hình tượng Phật Thánh Tiên Bồ tát trở thành điểm gắn tinh thần của con người với các đấng vô hình, có liên quan đến khí vận của mỗi tín đồ. 

  • "Tất cả tượng ở đền, chùa, điện, ban thờ... đều mang giá trị hình ảnh tượng trưng", không phải là thần Phật thật. Thế sao Phật lại dạy tượng pháp là trụ thế Như lai??? 
  • Cổ đức có dạy: "Kính thần như thần tại". Kể cả khi nó là hình ảnh tượng trưng, thì nó cũng có công dụng của mình. Không thì chúng ta tạo tác ra thánh tượng làm gì? 
  • Tượng pháp vốn cũng chỉ là vật vô tri: gỗ, đá, đất, cát, ... , nhưng khi tạo tác thì lại là một biểu tượng linh thiêng: "Để là hòn đất, cất nên ông bụt". 

Thế nên, việc chọn ngày giờ tốt để thỉnh tượng, làm lễ khai quang trấn thần tạo nên linh khí trong nhà, đền chùa là điều không thể phủ nhận. 

Ai mới làm được lễ khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng?

Người Á Đông chúng ta rất tin tưởng vào vấn đề tâm linh, 1 bức tượng, 1 vật thể, nếu gọi đúng tên, đúng lúc thì sự linh thiêng sẽ ứng nghiệm. Sự cầu khẩn đó ứng nghiệm không phải là ngẫu nhiên mà các vật thể đó đã được vị Thầy làm cho trở nên linh vật, huyền bí.

Như vậy, việc khai mở một vật từ vô tri trở nên linh thiêng thì phải có những vị Thầy biết được bộ môn Khai Quang Điểm Nhãn, tức là phải biết mật mã để khai mở (Nếu không có khả năng Khai Quang thì 1 bức tượng chỉ là 1 khối đồng, 1 khối đất mà thôi ). Sự khác biệt giữa vật vô tri và vật linh thiêng là nhờ các Chư Tăng, Thầy Pháp, Pháp Sư... đọc Thần Chú, cộng thêm những nguyên tắc về tâm linh. Đi sâu vào vấn đề này rất phức tạp.

Hô thần nhập tượng để làm gì? 

Sở dĩ có chuyện khai quang hay an vị, hô thần nhập tượng là vì nhiều người tin rằng, nếu không làm lễ, không tiến hành đưa thần lực của Phật an ngự vào tôn tượng thì những loài ma quỷ sẽ nhập vào đó để hưởng hương khói và sự cúng dường. Và như vậy, phật tử quỳ lạy tôn tượng Phật Bồ Tát mà thực sự ra là quỳ lạy ma quỷ.

Trên thực tế, trong vật liệu, không thể tránh khỏi có sự uế tạp, hay có tinh linh ngụ ẩn. Vì vậy, "hô thần nhập tượng", là để tiếp lấy cái linh khí càn khôn, cung thỉnh Phật thánh chứng minh, nhờ công đức và sự gia trì của chư Phật mà đạt đến chỗ "thông phi ngại" - không còn vướng mắc bởi cái trần lao. Từ đó cái tục, biến thành cái chân, cái thường biến thành cái thiêng. Sự cúng dàng từ đó mới trang nghiêm và viên mãn

Cần hiểu "hô thần nhập tượng" chỉ là tên dân gian đặt cho dễ hiểu. Tên đúng của nghi lễ này là: "Khai quang an vị khánh tán nghi."

Nếu không hiểu ý nghĩa của khoa "hô thần nhập tượng" thì rất có thể mọi người sẽ hiểu nhầm ý nghĩa của nghi lễ này là "hô" ông thần đến "nhập" vào tượng như nhập vong vậy. Điều này là hoàn toàn không đúng. 

Khai quang là gì? Nghi thức khai quang? 

Khai Quang theo như chúng tôi được biết là một phần nằm trong Nghi Lễ An Vị Phật. Một số Phật tử khi mới thiết lập bàn thờ Phật trong gia đình, hay khi thỉnh tôn tượng của Phật hay Bồ Tát về thờ, thường mời quý Thầy đến làm lễ an vị Phật, trong đó có Nghi Thức Khai Quang. Cũng có khi Phật tử mang những tôn tượng này đến Chùa để nhờ 1 vị Thầy Khai Quang dùm.

Nghi Thức này bao gồm các điểm chính yếu như sau : Vị Thầy dùng cái Kính đàn (Tức là kính soi mặt mới mua về chưa có ai soi vào đó ), 1 chén nước và 3 nén hương. Tôn tượng đó được phủ bằng 1 tấm vải vàng, sẽ được vị Thầy chủ lễ vừa đọc kinh vừa từ từ kéo ra và làm những công việc cụ thể như chiếu kính vào bức tượng, rảy nước… đồng thời vừa đọc Chú vừa lấy tay vẽ chữ “Án” (OM) bằng tiếng Phạn (Theo người Atlantis : Thượng Ðế là đấng tối cao, ít khi được nói đến tên, mà chỉ tôn xưng là Ngài. Khi cần cầu đến Thượng Ðế thì chúm môi lại tròn như chữ o và phát âm thanh “o” để chỉ mặt trời, và ngậm miệng lại phát âm thanh “om” (Nhiều câu chú trong kinh Phật có chữ “Ôm”, ta thường đọc là “Úm” hoặc “Án”). Nếu được như thế thì đó là căn nguyên của tiếng “Om” trong khi thiền vậy).

Nghi thức “Khai Quang” tựu chung là như vậy và quý Thầy của tất cả các tông phái Bắc Tông, Nam Tông và Mật Tông của VN đều sử dụng Nghi thức này nếu có yêu cầu của Phật tử.

Riêng với các phật tử tu tập tại gia, nơi đặt tượng thờ Phật cũng không nên quá cầu kỳ. Phật tử chỉ cần chọn một chỗ cho là tôn quí nhất trong nhà, rồi với tình cảm thành kính nhất để phụng thờ là được. Tưởng chừng như bất đồng, thế nhưng xem xét kỹ những luồng ý kiến trên thì tựu trung đều thể hiện đường lối hướng thiện, hướng đến giác ngộ thông qua tượng phật. Nói cách khác, khai quang điểm nhãn, an định thần phật là điều kiện cơ sở cho người trần tục bước vào con đường tu hành chứ chẳng phải cầu kỳ, đao to búa lớn.

Tổng hợp