04/06/2021 11:47 View: 5549

Bí thuật tầm LONG trong phong thuỷ

Từ cổ chí kim thì ông cha ta đã xây dựng và kiến tạo bộ môn phong thuỷ để làm lợi nhà ích nước, từ thời Cao Biền cho đến Tả Ao và kéo dài đến tận ngày nay, có lẽ hai chữ Phong Thuỷ đã trở thành một điều hiển nhiên không thể thiếu đối với dân tộc Việt và Trung. Vậy cách xem mạch đất như thế nào? Cách xác định long mạch? Cách tìm long mạch khu đất tốt?... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

tam long trong phong thuy, long mach dat

Tầm long trong phong thuỷ

Ngày nay từ việc xây nhà đắp mồ, từ việc thiết kế nội thất đồ đạc đến việc công danh sự nghiệp thì đều cần đến phong thuỷ. Nói phong thuỷ thì phân ra thật nhiều chi nhánh lắm, có nhánh chuyên táng huyệt, nhánh tầm long vân vân mây mây, hôm nay Tamlinh.org sẽ giới thiệu cho các bạn biết thêm một số kiến thức nhập môn Tầm Long.

Môn này diệu dụng vô cùng, chuyển dịch địa thế, diễn hoá long mạch đưa về nơi mình muốn, đoạt lấy thiên địa tạo hoá mà làm lợi, nhưng cũng vì vậy mà sát nghiệp nặng nề, dễ gặp thiên phạt.

Long mạch là gì?

Long ở đây là ý chỉ nói đến long mạch hay còn gọi là địa mạch. Long mạch chính là các mạch chạy dưới đất, trong các mạch này có chứa nhiều tinh hoa của trời đất tụ lại.

Hiểu nôm na thì con người có các mạch máu chạy khắp cơ thể, và cái máu trong các mạch đó chạy đến các bộ phận để nuôi dưỡng thì trong mặt đất cũng vậy, cũng sẽ có các địa mạch chạy đến khắp nơi kiến tạo nên rừng núi đồng bằng nuôi dưỡng sinh linh sống trên và trong nó.

Có lẽ là thấy mạch dẫn đi ở trong đất, xuất đột lên những dẫy núi cao, dẫy đồi, hoặc giải đất chạy dài, gồ lên, lún xuống, cong ra, uốn vào, quay đi, vòng lại, ngoằn nghèo, tựa như hình dạng con rồng hoạt động, nên mới gọi là long mạch.

Nguyên lý hoạt động của long mạch đất

Nguyên lý hoạt động của long mạch cũng khá giống mạch máu con người: Người nào khí huyết tốt thì thân thể mập mạp, da, sắc hồng hào, mạnh khỏe, người nào khí huyết xấu, thì thân hình ốm yếu, da dẻ xanh xao, vàng ọt.

Đất cũng vậy

  • Nơi nào long mạch hùng hậu thì cây, cỏ tốt tươi, lắm cành, nhiều nhánh, bông lớn, trái to
  • Chỗ nào khí mạch ít ỏi kém cỏi, thì cây cỏ cằn cỗi, khô khằn, ít lá, thưa cành, nhỏ bông kém trái.

Long mạch xuất phát từ điểm núi cao nhất chạy lại, là xuất phát điểm của tất cả các nhánh long mạch trên toàn bộ địa cầu thì gọi là Thuỷ Tổ Sơn tức núi Côn Luân (còn gọi là Côn Lôn).

Núi Côn Luân cao hơn tất cả, ở về miền Bắc cực, rồi mới phân phối ra Đông, Tây, Nam, Bắc bốn phương.

Thuỷ tổ sơn của đại lục địa Á Châu, cũng phát nguyên từ núi Côn Luân đi xa, qua bao nhiêu rừng núi rộng xa, rồi chìm lặn qua vùng sa mạc, đi về phía Đông là đất Triều Tiên tức là hai nước Bắc Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc ngày nay, rồi phân phái vào Trung Hoa, đến tỉnh Sơn Tây chỉ đi về phương Nam, vào tỉnh Tứ Xuyên; về phía bên tả, là Quan Trung, giữa thì đi về tỉnh Hà Nam, qua đến tỉnh Sơn Đông.

Đại Long mạch, về phía Bắc thì bên tả là giới hạn sông Hồng Hà. Bên hữu là giới hạn của sông Trường Giang tức Trung Cán là giải giữa Trung Hoa rồi phân đi các ngả, là các tỉnh thuộc nước Trung Hoa và đi về phương Nam là nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Điện, Thái Lan...

Xem địa mạch nước Việt Nam như thế nào?

Xem Địa mạch thuộc về nước Việt Nam thì có một số đại long sơn như sau:

1. Đại cán long

Chính là dãy Trường Sơn hay Hoành Sơn vẫn là một phát nguyên từ vùng núi nước Trung Hoa qua tỉnh Vân Nam chạy dài về phía hữu ngạn sông Đà, qua miền Bắc Việt vùng Thượng Lào vào miền Trung Việt suốt đến miền Nam Việt Nam mới đình chỉ. Phía Đông và Nam là biển Đông, phía Tây Nam thì sông Cửu Long là giới hạn long mạch.

2. Dãy núi Ba Vì 

Hay còn gọi là Tản Viên sơn cũng nối liền từ miền núi tỉnh Vân Nam nước Tàu, qua vùng Phong thổ, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn Tây; dẫy núi này một bên là sông Nhị Hà là giới mạch bên tả ngạn, bên hữu là sông Đà và sông Mã ở về miền Bắc Việt Nam, qua vùng Hà Đông, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định v.v...

3. Dãy núi Tam Đảo

Dãy núi này cũng phát nguyên từ tỉnh Vân Nam nước Tầu, qua vùng Bảo Lạc, Nguyên Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Yên v.v... là đại cán long, qua tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định là vùng bình dương Bắc Việt.

4. Dãy núi Huyền Đinh

Cũng phát nguyên từ dẫy núi Thập Vạn đại sơn về nước Tầu, qua vùng Đông Hưng, Móng Cái, Yên Châu, Tiên Yên, Quảng Yên, Hải Phòng. Một chút đi qua vùng Lục Nam, Đông triều, Sùng Nghiêm đến Phả Lại giáp Lục đầu giang, băng qua vào miền bình dương ( đồng bằng) tỉnh Hải Dương v.v...

Những dãy núi kể trên đều là những đại cán long, tức là Thuỷ tổ sơn của các Thiếu tổ sơn ở trong những vùng ấy, đã nẩy ra bao nhiêu chi, phái, tức là Tổ tông sơn, khắp nước Việt Nam.

Các pháp tầm long (tìm long mạch)

Tầm Long có hai pháp:

  • Sơn pháp là phép xem mạch ở miền núi, như miền Thượng du tức gọi là Sơn cốc hay Sơn khê cũng vậy, Xưa gọi là Lũng long ( thung lũng). Ở vùng sơn khê, tuy rừng núi hiểm trở khó đi, nhưng dễ nhận được long hành, vì long mạch đột khởi cao thành núi đồi, ở xa cũng trông thấy, nên rõ được tông tích và dễ định được cục to hay nhỏ v.v...
  • Bình dương pháp, là phép xem mạch ở miền đồng bằng, hay là bình nguyên, vì long mạch phần nhiều là đi chìm lặn xuống đất, ít khi nổi cao lên; xa trông thì bằng phẳng, rộng lớn, ruộng đất bao la một tầm; đến gần mới biết cao, thấp, hơn nhau, thường không nhìn thấy chỗ cuống mạch dẫn đi, nên không rõ tông tích long, vậy phải căn cứ vào giới thủy, là những lạch nước (ruộng trũng) lấy nước làm giới hạn long mạch mà định cục.

Trước khi nhập sơn tầm long, phải am hiểu tinh thần của sơn xuất hiện ( tức tinh phong). Tinh phong không chỉ có một thể, còn biến thể ra nhiều thứ khác như là Ngũ tinh, lão cửu tinh, thiên cơ cửu tinh và lục phủ tinh. Trong đó ngũ tinh là ngũ hành kim thuỷ mộc hoả thổ.

  • Lão cửu tinh là Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm trinh, Vũ khúc, Phá quân, Tả phụ, Hữu bật.
  • Thiên cơ cửu tinh là: Thái âm, Thái dương, Kim thủy, Tử khí, Thiên tài, Thiên cương, Cô diệu, Táo hỏa, Tảo đãng.
  • Lục phủ tinh là Thái dương, Thái âm, Tử khí, Nguyệt bột, Kế, La. Còn gọi là Lục diệu, Tam thai cũng thế.

Ngũ hành thuộc âm dương, trong ngũ hành, thì ba hành: Kim, Mộc, Hỏa thuộc dương. Hai hành: Thổ, Thủy thuộc âm.

Ngũ hành cũng có tương sinh tương khắc.

  • Tương sinh thì Thổ sinh Kim – Kim sinh Thủy – Thủy sinh Mộc – Mộc sinh Hỏa – Hỏa sinh Thổ.
  • Tương khắc thì Thổ khắc Thủy – Thủy khắc Hỏa – Hỏa khắc Kim – Kim khắc Mộc – Mộc khắc Thổ.

Viên cục có viết:

Bắc thần nhất tinh thiên trung tôn Thượng tướng, thượng tướng cư tứ viên Thiên ất, Thái ất mình đường chiếu
Hoa cái, tam thai tương hậu, tiên
Thử tinh vạn lý, bất đắc nhất
Thử long bất hứa thời nhân thức
Thức đắc chi thời, bất dụng tang
Lưu giữ tinh triều, trấn gia, quốc.

Giải nghĩa

  • - Một cái tinh phong tôn nghiêm đứng giữa trời, như ngôi sao Bắc cực.
  • - Bốn cái tinh phong cao lớn ở bốn bên viên cục ví như bốn vị thượng tướng.
  • - Hai cái tinh phong ở hai đầu tả, hữu chầu soi vào Minh Đường, được gọi là Thiên Ất và Thái Ất.
  • - Những tinh này, muôn dặm chẳng có được một.
  • - Long cục đất này, chẳng được cho người đời biết đến.
  • - Nếu đã biết rồi, không được giấu diếm dùng làm của riêng.
  • - Phải để cho Quốc gia lập kinh đô, triều chấn, cung điện.
  • - Đấy là nơi ví như ngôi Tử vi, là Đế tinh ở giữa vòng Viên tinh. Hết thẩy chúng tinh đều chấu vào, rất là tôn nghiêm. Ví như văn võ, bá quan, thần dân hộ vệ ở ngoài ngôi Hoàng đế ngự.

Cục đất này là huyệt đế Vương, ít chỗ có. Nên mới nói là: “Vạn lý bất đắc nhất”.

Nếu ở vùng Bình Dương (ý chỉ miền đồng bằng, không phải tỉnh Bình Dương) rộng rãi thì phải nhường để làm Kinh đô, cung điện. Nếu ở vùng sơn khê chật hẹp thì là nơi cấm địa; thời xưa nước Trung hoa, triều đình nghiêm cấm.

Vậy, các sách Địa lý không dám bình luận đến, chỉ có kinh Triết thiên cơ nói rõ thôi. Đặc biệt có Tam viên: Tử vi viên, là đệ nhất, Thái vi viên là thứ hai và Thiên vị viên là thứ ba; đại khái cũng tương tự gần như Tử vi viên đều là hạng Đế vương địa cực cả. Ba viên cực này, chỉ có Hoàng triều được dùng; còn tất cả các thần dân đều không được ngó đến!

Các triều đại ở Trung Quốc đều độc tài ngiêm cấm, nên không có kinh nào dám bàn đến, tam viên kể trên, đến cả những sách có nói đến nhiều kiểu cách quý, như bộ Bích ngọc cấm thư, Hồng vũ cấm thư, mà các danh sư gọi là Cẩm nang, cũng giấu diếm lẫn nhau, không cho phổ biến. Mãi về sau, mới có số ít người tò mò tìm kiếm ra.

Đến đây chắc là nhiều bạn đã nản chẳng muốn đọc nữa rồi, chúc bạn đọc ngày vui vẻ!

Nguồn: Huyền thuật và Đạo pháp