04/06/2021 11:38 View: 4376

Tìm hiểu về tục thờ Mẫu Thượng Ngàn của người Việt

Khi tìm hiểu về Mẫu Thượng Ngàn, chúng ta đã bắt gặp nhiều bài viết về sự tích, truyên thuyết, quyền phép, văn khấn, đền thờ...của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn. Nhưng tục thờ Mẫu Thượng bắt nguồn từ khi nào? Từ đâu? Và tục thờ mẫu Thượng có nằm trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hay không? 

Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.

mau de nhi thuong ngan, tho mau, tin nguong tho tam tu phu

Ảnh: Tranh thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn

“Thượng ngàn tôi tú anh linh
Ngôi cao công chúa quyền hành núi non….”
(Trích văn hầu Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn)

Tục thờ chúa Thượng có từ khi nào?

Tục thờ Thượng Ngàn vốn là tập tục độc lập, tách biệt với Tín ngưỡng Thờ Mẫu mà chúng ta vẫn biết, ra đời từ thời Âu Lạc khoảng 2000 năm trước đây. Dưới thời Vua Hùng, khi đời sống của con người đều phụ thuộc vào thiên nhiên thì tục thờ Mẹ Rừng đã được hình thành một cách rất tự nhiên bởi chính những mong muốn, ước vọng của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc..

Sự biến đổi của những tác nhân trong lịch sử và xu hướng di chuyển về vùng châu thổ để phát triển của các triều đại phong kiến đã tạo nên sự khác biệt trong tín ngưỡng của người dân vùng núi và đồng bằng châu thổ khi đó gọi là “Giao Chỉ”, khi một bên phát triển thành hình thức thờ sơn trang, các vị Chúa Mường, còn ở vùng đồng bằng đã có những nền tảng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ (Thiên, Địa, Thoải).

Sự phát triển của tục thờ chúa Thượng qua các thời kỳ?

Thời Lê được biết đến như giai đoạn cực thịnh của cả đời sống, kinh tế xã hội cũng như đánh dấu sự phát triển có hệ thống của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ với sự xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh. Cũng chính giai đoạn này, tục thờ sơn trang núi rừng mới được nhập một cách chính thức vào với Tam Phủ, sau khi vua Lê Thái Tổ sắc phong Bà Chúa Sơn Trang Sơn Lâm công chúa thành “Lê Mại Đại Vương” để ghi nhớ công ơn của Bà đối với quá trình giành độc lập dân tộc.

Từ đó, thượng ngàn trở thành một trong bốn miền vũ trụ được phụng thờ, với các vị thần được thờ đầy đủ trong các hàng từ Thánh Mẫu, Quan Lớn tới các vị Thánh Cậu, Thánh Cô, đều được đại diện bằng màu xanh đặc trưng của núi rừng.

Khác với Thiên phủ, các vị Thánh của Thượng ngàn rất hay giáng đồng, đặc biệt các vị Chầu Bà, Thánh Cô.

“Ven bên sườn núi bản làng xa xa
Nghe suối chảy chim ca ríu rít
Bộ người nùng đầu chít khăn lam
Dao quai, xà tích ,áo chàm
Cơm lam,muối ống vượt ngàn lên non”

(Văn chầu Chầu Lục Cung Nương)

“Đuốc thiêng sáng tỏ xa gần
Hái hoa lan, hái hoa huệ hoa lan thượng thừa
Hoa hải đường nở trước mùa xuân
Quỳnh hoa đua nở xa gần
Đào tiên thạch lựu thanh tân chơi bời”

(Văn chầu Chầu Bà Đệ Nhị)

Chúa Thượng giáng đồng như thế nào?

Xuất phát không phải là tục thờ của vùng trung châu, nên hình ảnh của các giá đồng thuộc sơn trang thượng ngàn đều mang màu sắc đặc trưng của dân tộc miền núi, từ trang phục tới những hoạt động, dáng vẻ các Ngài khi ngự đồng.

Nhưng thay vì chít nét thì Chầu Bà Nhạc phủ lên khăn củ ấu, khăn buồm, múa mồi chứ không múa khăn, múa quạt như các chầu bà trung châu,….. Chính điều này đã góp phần tạo nên sự độc đáo và khác biệt cho Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ nói riêng và văn hóa dân tộc nói chúng.

Chính vì nền tảng là tục thờ riêng biệt của dân tộc vùng cao, nên ngay cả khi được phối thờ trong Tứ phủ tại các phủ, đền thờ Mẫu vẫn có ban riêng thờ các vị Chúa sơn trang, Chúa Mường bên cạnh các vị Chầu Bà Nhạc Phủ được gọi là Phủ Sơn Trang, gồm 18 vị chúa Bói, 12 vị Chúa Chữa. Tuy nhiên trong nghi lễ hầu đồng thường chỉ thỉnh 3 vị tối thượng là gọi là Tam vị Chúa Mường.

Tam vị chúa Mường gồm những ai?

Hiện nay, ba Bà được biết tới là

  • - Sơn Trang Đệ Nhất Thanh Sơn Đại Vương Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công chúa Lê Mại Đại Vương
  • - Diệu Tín Thiền Sư La Bình Công chúa
  • - Sơn Trang đệ tam Diệu Nghĩa thiền sư Quế Hoa công chúa.

Ngoài ra còn có 3 vị chúa bản cảnh cũng được thỉnh ngự rất nhiều là Chúa Tây Thiên (Được coi là Mẫu Thượng Thiên như của người dưới đồng bằng), Chúa Nguyệt Hồ và Chúa Lâm Thao.

Dù hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh tam vị chúa Mường, song điều đặc biệt là con số 3 này cũng được biểu hiện bằng ba màu xanh khác nhau, hoặc ba màu đặc trưng đỏ, xanh, trắng (với các giá Chúa Tây Thiên, Chúa Nguyệt Hồ, Chúa Lâm Thao), cũng là ba vị thánh bà, làm chúng ta liên tưởng tới Tam toà Thánh Mẫu trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam-Tứ Phủ. Điều này thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa độc đáo giữa các dân tộc, sự kết hợp quan niệm nhưng vẫn giữ nét độc đáo rất riêng của người dân vùng cao.

Qua việc đưa các vị thần của dân tộc thiểu số miền núi phối thờ trong hệ thống Tứ phủ, ông cha ta không chỉ nhớ ơn những người anh hùng, người có công với đất nước, mà qua đó muốn thể hiện sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc anh em, xóa đi ranh giới giữa đồng bằng và miền núi từ địa lý tới văn hóa, đời sống tín ngưỡng, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc Việt.

Bài viết thuộc bản quyền của "Mẫu"

Tamlinh.org