04/06/2021 11:38 View: 4950

Bí mật bùa Tịnh Duyên tại Trung Quốc

Trước đây ở Tô Châu, trong các thanh lâu, tất cả các kỹ nữ đều biết một đến một phong tục đã được lưu truyền từ nhiều thế hệ trước. Đó là vào đúng nửa đêm của ngày tết Nguyên Tiêu, ở mé tây của bờ sông Dương Tử, dưới chân cầu Hàm Thành, sẽ có một ông lão dọn quầy ra bán.

Bua tinh duyen trung quoc, tam linh, bua yeu

Trên quầy sẽ bán duy nhất một thứ, chính là loại bùa Tịnh Duyên.

Bùa Tịnh Duyên này có tác dụng giúp các kỹ nữ trước khi bước vào chốn phong trần, sẽ đem toàn bộ số phận tơ hồng tình duyên đôi lứa của mình dồn hết vào bên trong bùa. Để sau này khi giải nghệ, sẽ giải khai nó ra. Như vậy tình duyên vẫn còn, sẽ có cơ hội tìm được hạnh phúc lứa đôi giống như bao phụ nữ khác.

Còn với những người đã lỡ thời, thì yêu cầu sử dụng khắt khe hơn, cần phải giữ nó gần cạnh bên người, đặc biệt là lúc hợp hoan với nam nhân, coi như dùng nó để mượn tạm một chút 'số vận đào hoa' của họ. Cũng không thể quá tham lam, bởi lá bùa có giới hạn của mình, khi đủ sẽ tự động ngừng. Lúc đó thì cứ tùy ý làm như những lá bùa khác là được, công dụng như nhau.

Tuy không đảm bảo sẽ mãn nguyện tuyệt đối, nhưng ít nhất nếu lỡ sau này gặp phải người không ra gì, thì đó là do duyên phận của mình không đủ, chứ không phải là hệ lụy từ quá khứ phấn son kia.

Nếu suy xét kỹ từ các ghi chép, điển tích, điển cố..thì quả thật ở Tô Châu có rất nhiều câu chuyện về các kỹ nữ đã tìm được đấng lang quân như ý. So ra cũng hơn gấp chục lần các nơi khác. Chuyện kỹ nữ lấy chồng trạng nguyên, chỉ duy nhất ở Tô Châu là diễn ra đến ba lần. Muốn không tin cũng không được.

Câu nói: " Đi đến Hàm Thành, uống rượu trạng nguyên ". Chính là từ đó mà ra.

Còn về lá bùa tịnh duyên, cũng có điển tích rằng, là do Nguyệt Lão năm xưa khi chưa thành tiên. Có một kiếp luân hồi là thư sinh nhà nghèo, hàng ngày phải vào rừng lấy củi để gom góp tiền lên kinh ứng thí. Có một lần vì quá đói mà ngất xỉu ở dưới chân cầu Hàm Thành, may sao gặp một kỹ nữ có lòng thương người trông thấy, tặng cho một giỏ đồ ăn, bên trong còn kín đáo để thêm hai nén bạc.

Chàng thư sinh kia nhờ đó mà có cơ hội đến được kinh thành, đậu thủ khoa trở thành trạng nguyên. Sau quay về tìm người thi ân thì mới hay, nàng ta đã bị lừa đi theo một tên sở khanh chuyên buôn người. Sau khi bị hắn gạt hết tiền bạc thì nàng lại bị bán cho một đám sơn tặc. Khi chàng trạng nguyên kéo quân lính đến thảo phạt sơn tặc, thì mới hay nàng ta do quá uất hận nên đã treo cổ tự tử. Đau đớn hơn nữa là, dù xác nàng đã lạnh, nhưng đám sơn tặc kia phần vì thú tính, phần vì tiếc số tiền bỏ ra, vẫn tiếp tục làm nhục trên di hài của nàng. Sau cùng thì vứt xác nàng xuống núi. Khi chàng trạng nguyên cho quân lính tìm kiếm, chỉ thấy một trái tim đã hóa đá, đổi sang màu đen. Chính là trái tim của nàng kỹ nữ, chứa nhiều oán hận tới mức thú dữ cũng không dám ăn.

Chàng trạng nguyên sau khi an táng ân công, vì quá đau buồn mà sinh bệnh, không lâu sau thì qua đời. Trong các kiếp luân hồi trải nghiệm tình ái thế gian của Nguyệt Lão, thì kiếp đó chính là khiến ông bi thương nhất. Vậy nên mới cố tình vào đêm tết Nguyên Tiêu, nơi mé tây bờ sông Dương Tử, dưới chân cầu Hàm Thành, bán ra bùa Tịnh Duyên, như cách để trả bớt phần nào ân tình xưa. Chính là muốn làm phai bớt đi oán khí của trái tim hóa đá kia, lấy hạnh phúc của những phụ nữ mệnh khổ kia làm thuốc chữa.

Còn có một câu chuyện khác về lá bùa Tịnh Duyên ít được lưu truyền hơn.

Chính là có một kỹ nữ kia, sau khi đã gom góp được đủ số tiền chuộc thân, lúc lục lại hành trang thì mới thấy lá bùa Tịnh Duyên của mình đã bị thất lạc đâu mất. Với cô chuyện này còn đau khổ hơn cả mất đi tiền bạc, thậm chí còn hơn cả cái chết. Bởi nếu duyên không còn, thì sống có ít chi, không để người mua vui thì cũng là để người lừa gạt.

Quá đau khổ, cô quyết định vào chùa làm ni cô, để dù không hạnh phúc thì cũng kiếm được cho mình chỗ an tịnh.

Xui xẻo sao vừa bước đến bật thềm cửa chùa thì bị một anh chàng bán nhang từ trong bước ra đụng trúng. Cô kỹ nữ kia ngã xuống, đập đầu vào thềm đá bất tỉnh. Chàng kia hoảng quá liền đem nàng đến chỗ đại phu. Lúc đến nơi thì cô gái đã tỉnh, nhưng thần trí mơ hồ, nói năng bập bẹ như đứa trẻ. Sau khi bắt mạch thì đại phu đành lắc đầu, nói rằng ngoại thương thì không có, nhưng trong đầu lại có nội thương, không thể chữa trị được, tình trạng kia có thể một ngày hết, cũng có thể là một năm, thậm chí cả đời. Không cách nào nắm chắc được, chỉ có thể phó mặc cho ý trời.

Chàng bán nhang kia vô cùng cắn rứt, thế là từ đó chàng đành đem cô gái về nhà, chăm sóc như đứa trẻ lên ba, hằng ngày bón cơm cho ăn, tắm rửa giặc giũ, ru ngủ, mùa đông mặc áo ấm, mùa hạ giữ khô đầu, nửa đêm dắt đi tiểu, trông coi canh chừng như nuôi một đứa trẻ, thậm chí là cực hơn nhiều lần.

Chàng vốn cũng đã có ý chung nhân, nhưng người ta khi thấy những cảnh kia thì nhất quyết không chịu, sau cũng đi theo người khác. Bà mối cũng có ghé qua mấy lần, nói rằng gia cảnh của chàng cũng không tệ, mặt mũi lại dễ coi, chỉ cần chịu bỏ cái 'cục nợ' kia đi thì muốn đám nào mà không được.

Nhưng chắc chắn là chàng trai không chịu rồi, bởi chính chàng là người có lỗi, nếu tiếp tục làm sai nữa thì có khác gì kẻ xấu đâu chứ. Thế là bà mối đành lắc đầu bỏ đi, hứa là sau này sẽ không ghé vào cái nhà xúi quẩy này nữa.

Cứ vậy cho đến hai năm sau. Trong một lần khi chàng trai đang tắm cho cô gái thì:

- Nhà ngươi đang làm gì đó ?

- À, ta đang lau vú cho cô.

- Rồi sao nữa ?

- Thì tắm xong phải mặc đồ rồi đi ngủ chứ sao.

- Ngủ như thế nào ?

- Thì cô trên giường, ta dưới giường hát ru cho cô.

Nói đến đây thì chàng trai mới giật mình, hóa ra là cô gái kia vừa tỉnh.

Nói không ai tin, lúc đó người hét lên hoảng sợ bỏ chạy té u đầu chính là chàng trai chứ không phải cô gái.

Chuyện điên loan đảo phượng kế tiếp lược bỏ. Cơ bản là họ quyết định thành vợ thành chồng với nhau.

Đến lúc bái đường thành thân, khi bái phụ mẫu thì cô gái mới chợt thấy, ngay bên dưới bài vị của mẹ chồng có một tấm bùa, lại chính là tấm bùa Tịnh Duyên cô đánh mất năm xưa.

Hỏi ra thì mới biết, năm xưa khi còn sống thì cha anh làm nhang, mẹ anh làm phấn. Khi cha mẹ qua đời thì anh chỉ kế thừa việc làm nhang, có lần anh đem hết số phấn còn lại của mẹ vào thanh lâu để bán. Lúc về tới nhà lại thấy tự nhiên trong túi tiền có thêm lá bùa này, thấy nó được làm cầu kỳ lại xinh xắn, nên mới để dưới bài vị của mẹ coi như kỷ niệm lần kinh doanh cuối cùng.

Cô gái về sau kế thừa công việc làm phấn của mẹ chồng, nhờ các tỷ muội ủng hộ nên ngày càng phát đạt. Còn người chồng vốn tâm tính thiện lương, chẳng lý gì lại không gặp nhiều chuyện tốt lành.

Hiện nay ở Tô Châu có gia tộc sở hữu cả một con đường rất đẹp bên bờ sông Dương Tử, một nửa bên này đường bán nhang, một nửa bên kia bán phấn. Câu truyện trên chính là lấy từ bản gia phả ghi chép truyền đời của họ.

Quầy hàng năm xưa bây giờ không còn nữa, nhưng bùa Tịnh Duyên thỉnh thoảng lại xuất hiện, vì nó là thứ nếu biết gìn giữ, đừng để xước chỉ, sờn vải, mờ chữ..thì vẫn có thể tái sử dụng mà không mất đi sự linh nghiệm. Đó là việc tốt hữu duyên, là nên tin chứ đừng nói không.

***

Trương Lang Vương.