Truyện mình kể không ma mị gì lắm nhưng nó xảy ra thật trong gia đình mình.
Ông ngoại mình ở Bình Dương, con trai duy nhất trong gia đình theo phật giáo có 10 người con. Ông ngoại mình giờ 80 tuổi rồi.
Không nói thì các bạn cũng hình dung ra được, quay trở lại 80 năm trước lúc ông ngoại mình được sinh ra thì thời điểm đó con trai được yêu quý như thế nào trong gia đình. Ấy vậy mà ông ngoại mình lại yêu bà ngoại mình, một cô gái theo đạo thiên chúa. Đương nhiên là ông bà cố mình cấm cản không cho hai người kết hôn với nhau rồi.
Vậy nên hai người dắt nhau về đất Đồng Nai, nơi mình đang sống hiện tại để lập nghiệp. Hàng năm giỗ, tết ông ngoại mình vẫn đưa con cháu về thăm ông bà, cha mẹ ở Bình Dương, nói đến Bình Dương mình cũng thấy nhiều phong tục của phật giáo hay lắm mọi người, có dịp mình sẽ kể sau.
Ông bà ngoại mình ở với nhau có mười người con...
Mọi người lần lượt có gia đình và ra riêng. Đến lượt cậu út mình kết hôn thì hai vợ chồng sẽ về ở cùng để chăm sóc ông bà ngoại mình luôn. Trước đây toàn khu mình là nhà gỗ và nhà sàn mọi người ạ, sau này kinh tế khá giả thì mới phá ra để xây nhà tường. Nhà ngoại mình thì được xây sau khi dì chín mình lấy chồng, chủ yếu để sau này ông cậu mười và cậu út mình lấy vợ thì cũng mát mặt và có nhà cửa đàng hoàng.
Bà ngoại mình mất cũng gần chục năm rồi, mất vì ung thư phổi. Lúc bệnh viện trả về thì các con sẽ thay phiên nhau đến canh bà ngoại mình vào buổi tối. Thường thì các con cháu sẽ tụ tập lại thăm bà ngoại mình và ngồi nói chuyện với nhau đến tối tầm 10h thì mới ai về nhà nấy, chỉ còn người canh đêm mới ngủ lại, khi thì 1 người khi thì 2-3 người… Cậu mợ út mình vì ban ngày đã thay phiên nhau canh bà ngoại mình nên đêm đến sẽ ngủ cùng các con trong phòng.
Đầu tiên là bà mợ năm mình...
Tối đó khi mọi người về hết thì mợ năm mình nằm trên cái ghế sofa trong phòng khách vừa canh chừng bà ngoại vừa xem tivi. Bà ngoại mình thì từ khi ở bệnh viện về là mọi người kê một cái giường sát góc phòng khách cho ngoại mình nằm để cho con cái và bà con xa gần tiện bề chăm sóc và tới thăm.
Khi mợ thiêm thiếp ngủ thì thoáng thấy bóng một người phụ nữ tóc dài đi từ ngoài cửa lớn phòng khách đi thẳng vào nhà. Mợ năm lúc đó cũng mệt nên nghĩ chắc là mợ út mình thôi nên không thèm để ý. Nhưng nằm nhắm mắt mà trong đầu cứ thấy có gì đó sai sai liền sợ trộm, bèn ngồi bật dậy đi thẳng từ trên nhà xuống bếp.
Đi ngang phòng ngủ của cậu mợ út mình thì vẫn thấy cả nhà ngủ yên trong phòng. Càng nghĩ càng sợ nên mợ năm mình thức tới sáng luôn, vừa nằm vừa nghĩ không biết người đó là ai mà đi vào không một tiếng bước chân, tóc thì dài chấm mông không như mợ út mình tóc chỉ ngang vai.
Nhà bà ngoại mình gần chợ nên sáng ra con cái có ai đi chợ thì lại tạt qua, mấy chị em nói với nhau vài câu rồi lại tản ra ngay. Lúc đó mợ năm mình mới kể chuyện tối qua thì không ai tin. Mọi người cứ nói ở cái nhà này mấy chục năm có thấy gì đâu, mợ năm mình là mợ dâu lâu lâu về ngủ lại qua đêm nhiều khi yếu bóng vía tự mình nhát mình. Rồi cũng thôi.
Bà ngoại mình ung thư giai đoạn cuối nên sức khỏe yếu đi rất nhanh.
Cứ mỗi cuối tuần được nghỉ là con cái ở xa lại về tụ tập đông đủ. Đêm đó mấy bà dì thì ngồi nói chuyện nhỏ nhỏ ngoài hiên cách giường ngoại mình mấy bước chân, còn mấy ông cậu và dượng rể mình thì tụ tập ra tuốt ngoài sân thức đêm đánh bài.
Dì tám mình, tức con ruột bà ngoại mình ngồi chơi với mấy chị em lâu thì tê chân mới đứng lên lại nhìn bà ngoại chốc lát rồi lại bước ra sân chỗ mấy cậu mình đánh bài đứng ngó. Đang tập trung nhìn thì thoáng thấy bóng người đi vào nhà, lướt qua mấy bà chị đang ngồi bệt trước hiên gạch bông rồi đi vô phòng khách.
Lạ là không ai có động thái gì nên dì tám mình mới bước vô hỏi
- “Ủa ai mới tới thăm má hả chị hai, sao mới đó mà không thấy ai?”
Dì hai mình mới trả lời
- “Có ai đâu con này, cả đống người ngồi đây có ai thấy người nào tới thăm má đâu?”
Dì tám mình thì cứ khẳng định rõ ràng có thấy bóng người đi từ bậc tam cấp lên nhà, đi ngang qua mấy bà chị vô phòng khách. Định thần lại thì dì tám mình mới ngộ ra là nếu có người vô thì phải thấy đi vào từ cổng, đằng này lúc thoáng thấy là đã ở ngay bậc tam cấp trước nhà.
Dì tám mình hơi sợ rồi mà nói không ai tin, trong khi dì tám mình còn thức tỉnh táo chớ có phải mớ ngủ đâu mà nhìn nhầm. Dì hai mình và mẹ mình (là con thứ ba ) mới trấn an dì tám mình
“Nhà có người bệnh nặng mày không nên nói bậy bạ để những người khác sợ, nhất là dâu, rể”.
Một tuần sau thì dì hai mình được người ta chỉ cho có một cha xứ trên Đà Lạt có phát thuốc nam cho bệnh nhân ung thư. Nhà có người bệnh thì còn nước còn tát thôi, nên ai chỉ gì cũng đi, mong là phước chủ may thầy.
Lúc tới lượt dì hai mình vào gặp cha, cũng nghĩ là đưa bệnh án rồi xin thuốc thôi. Ai ngờ đâu cha đưa tờ giấy biểu dì hai mình vẻ ra đại khái sơ đồ nhà ngoại mình. Nó gồm một phòng khách, tiếp theo hai phòng ngủ và nhà bếp.
Cha chỉ vào phòng ngủ thứ hai tức là phòng sát bếp, nói là chỗ này có một bộ hài cốt, nói rõ ràng nằm ngay cửa ra vào, đào xuống chưa đầy một mét sẽ thấy. Dì hai mình mới nói là nhà trước đây có xây dựng lại nếu có nằm ngay phía cửa ra vào thì lúc đào móng sẽ thấy, sao lúc đó chả thấy gì?
Cha xứ mới giải thích là nếu tin thì cứ về đào đem chôn cất đàng hoàng.
Người này là nữ du kích, hiền lành, tóc dài và độ tuổi tầm chưa tới 40 đâu. Sau khi về nhà thì dì hai mình mới kể cho mọi người nghe chuyện này. Người tin người không, đủ thứ ý kiến. Cuối cùng thì cũng quyết định đào lên. Đúng như rằng, chưa tới một mét đất, đã thấy bộ hài cốt. Hài cốt tuy chỉ còn xương nhưng chung quanh vẫn tìm thấy một ít tóc dài và 1 mảnh vải rằn ri của lính du kích ngày xưa. Mảnh vải còn sót lại có thể là quần áo do lâu ngày mục nát nên chỉ còn lại chừng đó.
Nói chung sau khi đào thấy bộ hài cốt thì cả nhà bàng hoàng, ở mấy chục năm yên ổn không bị quấy phá cũng cảm ơn người đã khuất nhiều. Vài người lớn tuổi thì phân tích một phần may mắn là bộ hài cốt không nằm trúng đoạn đường nước thải gia đình nên chỗ họ vẫn sạch sẽ không bị ô uế.
Cái nữa là trước giờ không thấy sao bây giờ lại cho một vài người thấy thì chắc là trong nhà có người bệnh sắp ra đi nên âm khí tích tụ nhiều thì mình dễ thấy thôi, hoặc cũng đã đến lúc họ muốn báo cho mình để tìm thấy họ.
Ngày hôm sau thì ông ngoại mình bỏ bộ hài cốt vào quách đem đến nhà thờ nhờ cha xứ làm phép và xin được chôn trong nghĩa địa công giáo của giáo xứ mình. Cha làm phép và có đặt tên thánh để ghi lên bia là Maria (giống như bên phật giáo các bạn khi quy y cũng sẽ có pháp danh í).
Sau đó thì mọi người cùng đi vào nghĩa địa cách nhà thờ chỉ chừng 500m.
Hôm ấy cũng có một gia đình bốc cốt người thân ở xa cũng đem về chôn trong nghĩa địa này. Lúc vào thì có hai cái lỗ nhỏ (mỗi lỗ vừa vặn một cái quách). Mấy cậu mình mới bỏ cái quách xuống lỗ nằm ngoài bìa, đang lắp đất thì có người đi tới. Họ nói chỗ đó là chỗ đặt quách của nhà họ, nhà mình ở phía trong, cha xứ đã chỉ định rồi.
Ông ngoại mình mới nói thôi lỡ rồi mọi người thông cảm, chôn ở cái quách kế bên được không. Họ không đồng ý nên ông ngoại mình mới nói hai cậu mình nhấc lên sang chôn lỗ kế bên. Ấy vậy mà mới bỏ xuống tức thì, mà sức thanh niên trai tráng như hai cậu mình lại nhấc không lên nổi.
Cái quách cũng chỉ to hơn cái thùng đựng gạo một tí thôi, đến mình mà cố thì mình cũng bê được, lạ lùng làm sao. Ông ngoại mình thấy lạ thì hiểu ngay đã động chạm mồ mả, có khi người đã khuất không chịu rời đi, nên ông ngoại mình mới đốt nhan khấn vái và xin lỗi.
Đại loại là con cháu sơ ý đưa cô đi vào nhầm nhà, nhà mình ở kế bên cũng khang trang không kém cô ạ, mong cô bỏ qua (ông ngoại mình gốc là phật giáo nên tin chuyện tâm linh lắm). Nói xong ông ngoại mình nhấc cái quách lên cái một.
Thế là phần chôn cất bộ hài cốt đã xong.
Sau đó mấy tuần thì bà ngoại mình mất, và từ đó thì người nhà mình cũng không thấy sự lạ gì xảy ra. Chỉ có điều là cái chỗ cửa phòng bị đào lên có kêu thợ lắp đất lót gạch lại, mà mấy ông thợ chắc đầm đất không kĩ hay gì, đi ngang đó cứ thấy xục xịch như kiểu viên gạch xắp bong ra hay ở dưới có lỗ hổng vậy đó.
Tuy là không có gì nữa nhưng mình vẫn ám ảnh, mỗi lần tụ tập bị sai xuống bếp nhà mợ mình lấy đồ, phải đi ngang phòng đó mình toàn lấy khí thế, nhắm mắt phóng qua cho nhanh không à,hii.
Tác giả: Mỹ Xuân
Đăng lại hoặc trích dẫn vui lòng dẫn nguồn tác giả & Tamlinh.org