04/06/2021 11:34 View: 1817

Cách thờ ông thần tài để lộc lá ào ào chảy về

Chuyện kể có anh chàng, hàng ngày trước khi đi làm đều cẩn trọng để trên bàn thờ ông thần tài, thổ địa ly cà phê, điếu thuốc và tờ vé số. Mỗi chiều anh ta lắng nghe chăm chú giờ xổ số quay... Thế rồi niềm hy vọng tiêu tan, anh ta lủi thủi tiếp tục còng lưng trên chiếc xe ba bánh kiếm sống qua ngày.

cach tho ong than tai
Cứ thế...

Ngày ngày trôi qua, tiền vé số, tiền ly cà phê và điếu thuốc cứ tiếp tục hao tốn một khoản tiền, gom lại một năm số tiền đó cũng không hề nhỏ. Một hôm buồn phiền, anh giải khuây vài chum rượu vì suốt ngày không có khách. Say xỉn, anh ta đem tượng thổ địa và thần tài vứt tõm xuống ao.

Ngày hôm sau khi tỉnh rượu, đẩy xe ra khỏi nhà, anh phát hiện bàn thờ trống không mà ly cà phê và tấm vé số vẫn còn. Anh hỏi người nhà: Ai lấy cắp ông địa và ông thần tài của anh? Người nhà bảo: Anh vứt xuống ao chứ ai mà lấy. 

Anh ta lội xuống ao đem lên rửa sạch tiếp tục thờ.  

Một trưa hè gió thoang thoảng, anh kéo xe thiêm thiếp nằm trên võng. Đang lơ mơ ngủ, anh thấy ông thổ địa về trách: 

Sao mầy cứ đem tao vứt xuống ao?

Tại sao ngày nào tôi cũng cúng cà phê thuốc lá cho các ông mà ông không hề cho tôi trúng số hay đắt cuốc xe nào?

Vậy mày hãy đi theo tao

Hai người vào một ngân hàng to lớn, từng gói tiền buộc sẵn chất cao như núi. Ông thổ địa quay qua anh và bảo: Mầy vào đó lựa cuộn nào có tên mày thì lấy.

Anh hí hửng chạy vào, lựa suốt ngày mà không tìm thấy cuộn nào có tên mình liền chạy ra thắc mắc: 

"Không có cuộn tiền nào tên tôi" Ông Địa đáp:

Không có tên mày thì lấy gì tao cho? Tao chỉ là người đi cai quản thôi. 

Anh lại hỏi: Thế phải làm sao để tôi có tên trong cái ngân hàng này?

"Mày phải đầu tư vào ngân hàng, có tích lũy mới có lợi nhuận. Đây là ngân hàng phúc lộc, mày phải biết làm phúc, bố thí, cúng dường, giúp người, giúp vật... từ nhân đó mới có quả báo chứ."  

Câu chuyện trên tuy hư mà vẫn thực, cuộc sống không gieo nhân tốt làm sao có quả tốt. Cứ bo bo bảo thủ hưởng thụ xa hoa thì phước lộc mỗi ngày một tiêu hao. Chưa nói, trong cuộc sống vô tình hay cố ý ta làm những chuyện tổn phúc, làm người khác khổ đau, khinh miệt kẻ nghèo kém may mắn, lừa gạt cướp của, dùng quyền lực hà hiếp kẻ cô thế, dùng lời lẽ thoá mạ người khác.... thì cho dù có sống trên khối tài sản kếch xù cũng có ngày sẽ tiêu vong.

Tóm lại tài sản vật chất là của thế gian, không do ta tạo ra khi sanh ta mà ta đến thế gian này với hai bàn trắng. Lúc lìa đời ta cũng không mang chúng theo được. Của cải thế gian đến với ta do phúc báu mà ta gieo trồng trong quá khứ. Quá khứ không gieo phúc thì đời nay sao có lộc mà hưởng. Cho nên, trên cõi trần gian này cũng do con người tham lam vọng cầu. Bỏ 1 đồng cúng thần linh mà đòi lại gấp 100 lần ngay tức thì thì không thể có. 

Vì vậy, nhà Phật dạy rằng: "Dục tri tiền thế nhân kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thi" tức "muốn biết nhân quá khứ hãy xem đời sống hiện tại, muốn biết kiếp sau hãy xem việc làm ngày nay." 

Làm thiện tích đức là gì?

Nếu muốn làm thiện tích đức, chắc chắn không thể tùy theo những điều tai nghe mắt thấy của riêng mình, mà phải xuất phát từ cội nguồn sâu thẳm kín đáo trong tâm, âm thầm tu sửa gột rửa, dứt sạch mọi điều tà vạy. 

  • Nếu chỉ còn duy nhất một tâm nguyện cứu người giúp đời, đó là làm thiện một cách ngay thẳng. Nhưng chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm dối người gạt đời, ắt đó là làm thiện một cách tà vạy. 
  • Nếu chỉ duy nhất một tâm nguyện thương người yêu đời, đó là ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm giận người hận đời, ắt đó là tà vạy
  • Nếu chỉ duy nhất một tâm nguyện cung kính người khác, đó là ngay thẳng, chỉ cần khởi lên một mảy may tâm niệm bỡn cợt, ắt đó là tà vạy.

Những lý lẽ phân biệt như thế đều nên phân tích khảo xét cho thật kỹ lưỡng. 

Như thế nào là tích âm đức khác với tạo phước ở đời?

  • Những việc thiện mà người đời thấy biết được, đó là tạo phước ở đời. 
  • Những việc thiện mà người đời không hay biết, đó là tích âm đức. 

Tích âm đức thì được trời báo đáp, còn tạo phước ở đời thì được hưởng tiếng tốt. Tiếng tốt đó cũng là phước báo vậy. Nhưng danh tiếng vốn là chỗ đối kỵ với lẽ tự nhiên của tạo vật. Người nào được thọ hưởng danh tiếng tốt đẹp mà không thực xứng đáng thì đa phần đều phải chuốc lấy tai họa. Người nào không có lỗi lầm xấu ác gì mà phải oan ức nhận lấy tiếng xấu thì con cháu lại thường được nhanh chóng phát đạt. Sự khác biệt giữa tích âm đức với tạo phước ở đời thật hết sức tinh tế, nhỏ nhặt khó thấy.

Tamlinh.org