Hai dòng lệ khẽ lăn trên gò má của Vân, ánh mắt của cô và chồng chạm nhau trong tình huống mà Vân lo sợ nhất. Nhìn con dao cắm sâu lút cán vào lồng ngực của gã đã nằm im bất động trong vũng máu, Vân cay đắng nhận ra rằng, chồng cô đã thực sự giết người.
Chạy vội lại, Vân vục tay xuống vũng máu của gã em trai Xuân, Vân bôi máu đó lên người mình, cô nhìn chồng nói :
-- Anh chạy đi, là em….là em giết người….Anh đi đi.
Trong lúc túng quẫn, Vân chỉ nghĩ được đến việc sẽ chịu tội thay cho chồng. Nhưng cô quên mất một điều, Tuấn giết người giữa thanh thiên bạch nhật, giữa hàng chục con mắt chứng kiến từ lúc đầu tiên. Máu ở bụng Tuấn vẫn chảy ra không ngừng, Tuấn nắm lấy bàn tay của Vân rồi nói :
-- Dừng lại đi, em đừng như vậy nữa.
Vân òa lên khóc :
-- Hu hu hu, nhưng rồi mẹ con em biết phải làm sao…?
Tuấn cay đắng nghiến hai hàm răng lại, Tuấn không dám nhìn thẳng vào mắt của Vân, bởi tội lỗi Tuấn vừa gây ra là không thể cứu vãn.
Phía sau, vợ chồng Vũ sợ đến không còn đứng dậy được nữa, Vũ còn bĩnh cả ra quần khi nhìn Tuấn lạnh lùng đâm thẳng con dao vào tim em trai Xuân. Còn Xuân thì bàng hoàng. ả ta ôm mặt sững sờ khi phía trước cổng, thằng em của mình đã bị đâm chết.
Biết không thể chạy trốn, hơn nữa xưa nay, Tuấn là kẻ dọc ngang trời đất, dám làm dám chịu, ngay khi giết người, Tuấn đã nghĩ đến việc mình sẽ bị bắt. Và rồi, công an đến, họ nhìn Tuấn không dám lại gần, nhưng Tuấn nói :
-- Tôi là kẻ giết người, bắt tôi đi.
Tuấn tự đưa hai tay ra đằng trước, người ta giải Tuấn đi trong sự sợ hãi của bà con hàng xóm, của những kẻ tò mò vô tình chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng. Vân cứ thế chạy theo, nhưng bác Dung ngăn Vân lại, Tuấn quay đầu nói với vợ :
-- Chăm sóc thằng Nam giùm anh, hai mẹ con cố gắng nhé. Anh xin lỗi.
Vân gào lên trong tuyệt vọng :
-- Anh Tuấn ơi…...Anh Tuấn ơi.
Bác Dung phải dùng hết sức để kéo Vân lại, Tuấn bị đưa lên xe thùng, xác của em trai Xuân cũng được đưa đi. Vụ án mạng tại nhà ông bà Bắc - Đoan đã gây rúng động trong suốt một thời gian dài. Mỗi khi được nhắc lại ai cũng phải rùng mình.
[.....]
Ông Tuấn nói :
-- Và anh bị kết án 16 năm.
Long hỏi :
-- Nhưng thằng kia đâm anh trước, như vậy thì anh cũng phải có tình tiết giảm nhẹ chứ…?
Ông Tuấn cười :
-- Cũng có thể là vậy, nhưng bố mẹ anh không ai đứng lên xin cho anh dù chỉ một câu. Công an họ điều tra, lấy lời khai của những người xung quanh đó, căn cứ vào vết thương của anh nên anh mới thoát khỏi án tử hình. Vợ anh khi đó đã đi khắp các nơi, tay cầm tờ đơn có chữ ký của bà con hàng xóm, trong đơn viết sự việc bắt đầu do em trai Xuân đến nhà ăn trộm đồ, sau đó còn dùng dao đâm anh trước nên việc anh giết người chỉ là ngộ sát. Cô ấy cầm tờ đên đến trước cổng nhà anh quỳ gần 1 ngày chỉ mong sao bố mẹ anh ký tên vào đơn và viết vài dòng, cô ấy hi vọng có lời nói của bố mẹ, anh sẽ không chịu án tử hình. Vậy nhưng ông bà ấy đánh tát cô ấy rồi đuổi về. Hai vợ chồng thằng Vũ còn đệ đơn xin xử anh mức án cao nhất, ngày đó không tiền, không quyền, anh cũng nghĩ mình sẽ bị xử bắn. Nhưng rồi, đơn của vợ chồng thằng Vũ bị bác bỏ, nhìn thấy vợ anh đi đến từng nhà, từng người có mặt ngày hôm đó xin họ đứng ra làm chứng, may mắn họ đã đồng ý, hôm xử anh, bố mẹ và vợ chồng thằng Vũ lúc tòa tuyên án anh 16 năm tù, bọn họ đứng lên phẫn nộ. Hành động của họ khiến chủ tọa còn phải thốt lên một câu mà anh nhớ mãi.
Long hỏi ;
-- Câu gì vậy anh…?
Ông Tuấn đáp :
-- Chủ tạo nói “ Các người đang cố giết con trai của mình sao “ . Nói xong ông ta đi vào bên trong, bà con hàng xóm phẫn nộ, có người đã không ngại mà chửi vào mặt bố mẹ anh là loại rắn độc, con mình mà cũng muốn bức cho nó chết. Con vợ thằng Vũ còn định xông vào đánh vợ anh ngay khi tòa xử xong, nhưng nó bị ngăn lại. Đời anh chỉ hận mỗi một điều, phải đi anh đâm chết cả hai đứa chúng nó ngay lúc ấy. Khốn nạn nhất là những món đồ thờ chúng nó chối bay, chối biến, vu hết cho thằng em đã chết. Người chết không thể nói được, và anh vào tù nhưng cũng không thể đòi lại được di vật của thầy Nguyên.
Long hỏi :
-- Nhưng sao hôm đó em con Xuân lại ở trong nhà bố mẹ anh…?
Ông Tuấn trả lời :
-- Anh cũng không rõ, nhưng chắc nó đến để bàn bạc về vụ ăn cắp. Không may anh cũng đến tầm đó, do sợ hãi nên chúng nó chui vào trong buồng bố mẹ anh, còn thằng Vũ khóa cửa bên ngoài. Anh không muốn giết nó, lúc đó anh quá chủ quan, anh nghĩ chỉ cần tóm được nó thì anh sẽ lấy lại được mấy món đồ thờ. Nhưng thằng khốn ấy lại rút dao đâm anh. Nó ở Thủy Nguyên cũng là hạng đầu trộm, đuôi cướp, ngông cuồng. Sau khi con Xuân đến nhà anh và nhận ra giá trị bộ đồ thờ, nó đã gọi thằng em trai đến rồi lên kế hoạch ăn trộm. Bởi khi đó, vợ chồng nó biết anh sẽ không bao giờ bán mảnh đất đang ở cho chúng. Em trai con Xuân lảng vảng ở khu vực nhà anh khoảng 5 ngày, dẫu sao thì nó cũng chết rồi.
Long tiếp :
-- Vậy chị dâu sau đó thế nào ạ..?
Ông Tuấn thoáng buồn, thở dài một hơi ông Tuấn nói :
-- Anh đi tù, vợ anh làm sao có thể ở đó được nữa. Mặc cho hàng xóm, cho người đời chửi bới thậm tệ, thậm chí bố mẹ anh có những lúc ra chợ người ta còn không bán hàng cho vì họ quá dã man, tàn độc. Anh đi chưa được 1 tháng, vợ anh, con anh bị đuổi ra khỏi nhà. Bố mẹ anh, vợ chồng thằng Vũ đã đến đòi lại đất. Thằng Nam là máu mủ của họ, nó mới chỉ hơn 2 tuổi, vậy nhưng lũ người đó đã quăng hết quần áo, đồ đạc của hai mẹ con nó ra ngoài. Bác Dung với bố mẹ vợ anh ở xa nên không biết, chỉ khi hai mẹ con Vân dắt tay nhau với cái bọc vải đựng quần áo bước vào sân nhà, bố vợ anh mới biết, con mình bị đuổi. Mẹ vợ anh ôm con, ôm cháu khóc suốt một ngày. Khi vợ anh cùng bác Dung lên thăm nuôi, vợ anh còn giấu, bác Dung thì kể hết, lúc ấy trong đầu anh đã có ý định vượt ngục, nhưng không thành. Giám thị trại giam tại nhà tù đầu tiên anh thụ án là một người rất tốt, sau khi anh bị bắt lại và bị đánh cho nhừ tử thì ông ta đã đến gặp và nói chuyện, anh không bị truy cứu. Những ngày đầu tiên sống trong tù quả thực rất khó khăn. Ma mới, ma cũ, đại bàng, quản giáo…..
Mỗi ngày trôi qua anh đều đấm vào tường để tự trấn an bản thân mình. Đã có lúc anh nổi cơn điên khi quá bí bách, anh trút giận vào những bạn tù chung buồng. Và ở đó, anh cũng không biết mọi người đã sợ anh từ lúc nào. Chẳng ai biết biệt danh của anh lúc còn bên ngoài, nhưng rồi họ cũng gọi anh là Tuấn “ Điên “. Hồi đó 4 năm mới có đợt ân xá 1 lần. Nhưng chắc có lẽ anh may mắn nên trong 4 năm đầu tiên anh được đề xuất ân xá tận 2 lần. Mỗi lần giảm được 1 năm rưỡi. Sau này anh mới biết đó là nhờ bố vợ anh, ở nhà tù đó gần 5 năm mà phải đến khi chuyển trại về Xuân Nguyên, giám thị ở đó mới nói ông ấy và bố vợ anh là bạn chiến đấu cũ. Giám thị đã nghe hết tất cả về anh, những năm trong tù, trừ khoảng thời gian đầu thì sau đó anh chấp hành rất tốt. Được giảm án và chuyển về Xuân Nguyên, những năm tiếp theo đối với anh cũng không còn nhiều trở ngại. Vì cũng là Hải Phòng nên 1 tháng vợ anh với bác Dung lại thu xếp lên thăm anh một lần, đầu tiên họ nói dẫn thằng Nam theo. Nhưng anh không đồng ý, lúc đó nó cũng tầm 6-7 tuổi, anh sợ nó biết nó có một người bố tù tội nên mặc dù nhiều đêm nằm nhớ con đến chảy nước mắt, anh cũng chỉ khẽ bỏ bức ảnh mà vợ chụp thằng bé ra ngắm nhìn. Anh còn dặn mọi người, đừng nói với nó là anh đi tù. Chỉ vài năm nữa thôi, khi nó lớn hơn là anh trở về rồi.
Long cùng mọi người nghe đến đây mà cũng thấy lòng bồi hồi xúc động, Long nói :
-- Nhưng từ 16 năm mà giảm xuống còn 9 năm không phải dễ phải không anh…? Mà những năm đó không nhiều đợt đặc xá như bây giờ, giờ thì cứ 2 năm lại có một đợt.
Ông Tuấn cười :
-- Tất nhiên rồi, anh cũng đã phải cố gắng hết sức…...Trại Xuân Nguyên ngoài làm đá ra thì còn có một xưởng mộc, so với nơi này thì ở đó tốt hơn nhiều, bởi cán bộ trại giam họ có đầu óc làm ăn. Cũng như sắp đặt, anh được vào xưởng mộc, đó cũng là một đặc ân được giám thị trại giam trước đề bạt. Như cá gặp nước, tưởng rằng bao năm không động bào đục, vào bào….Nhưng khi nhìn thấy chúng, anh lại nhớ đến thầy Nguyên, mọi thứ cứ như mới xảy ra vào ngày hôm trước. Và cuối cùng anh đã biến xưởng mộc chỉ làm được những món đồ đơn giản, đóng những bộ bàn ghế thô kệch thành một nơi chế tác đồ mỹ nghệ, đặc biệt là tranh gỗ, tượng gỗ. Lúc ấy anh mới hiểu tại sao thầy Nguyên lại bảo anh vẽ hình một con rồng. 5 năm tiếp theo ở trại Xuân Nguyên, anh đã kiếm về cho cán bộ ở đó khá nhiều tiền. Và thành quả mà anh đạt được chính là gần 4 năm giảm án. Như vậy từ án 16 năm, qua 2 trại anh thụ án gần 10 năm trời. Ngày anh ra tù, thằng Nam đã chuẩn bị vào lớp 6. 10 năm không được gặp con, anh bước ra từ cổng trại giam với bộ quần áo của dân công sở, áo sơ mi trắng, quần vải thụng…...Là quà của cán bộ tặng anh khi ra tù, anh không thông báo với ai kể cả vợ. Lúc anh trở về nhà, vợ anh đang vo gạo, mẹ vợ đang quét sân, bố vợ anh ở trong nhà…..Khi ông nghe vợ anh nước mắt gọi “ Anh Tuấn…...về rồi “, ông chạy ra sân mà suýt ngã. Thằng Nam cũng ở nhà, nhưng nó nhìn anh khá lạ lẫm, cũng phải thôi, 10 năm nó chỉ biết là bố nó đi làm ăn xa. Vân kéo tay con rồi cả hai chạy lại ôm chầm lấy anh, nước mắt anh lúc đó cũng tự chảy ra thành dòng. Đó là phút giây thiêng liêng trong cuộc đời anh.
Bất ngờ có tiếng khóc sụt sùi vang lên, lại là Thao Chuột, chẳng hiểu sao Thao nước mắt ngắn dài, đã vậy Thao khóc còn bẩn, nước mũi chảy ra giàn dụa. Khi mà nước mũi chảy thành dòng keo đặc kéo dài xuống gần vành môi thì Thao hít cái
“ Roẹt “
Dòng nước mũi đó lại bị hút ngược trở lại, Thao nức nở :
-- Chuyện của đại ca cảm động quá….Em không cầm được nước mắt….Đại ca đúng là người tuyệt vời.
Nghe câu nói đó ông Tuấn không cười mà khẽ cúi đầu xuống, Long, một kẻ tinh ý, có lẽ Long nhận ra ông Tuấn đang cảm thấy mình không xứng với những lời khen ngợi của Thao. Long chưa kịp nói gì thì ông Tuấn khẽ lắc đầu :
-- Người đàn ông tuyệt vời sao….? Đừng nói như thế khi chú mày mới chỉ nghe được một nửa câu chuyện….
“ Keng….Keng….Keng “
“ Keng…..Keng….Keng “
Có lẽ ông Tuấn đang định kể thêm điều gì đó nhưng lúc này kẻng báo hiệu giờ cơm đã vang lên, ông Tuấn dứng dậy, những người khác cũng đứng dậy theo, ông Tuấn nói :
-- Hôm nay đến đây thôi, đến giờ ăn cơm rồi.
Ông Tuấn bước xuống phản, bước chân của ông hơi hụt, ánh mắt đượm buồn.
Long tự nhủ khi nhìn theo người đàn ông đó :
“ Đại ca, đừng nói với em là chị dâu đã…..”
----------------------------------
ĐỌC TRỌN BỘ: LỬA ĐEN - TRƯỜNG LÊ
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê