04/06/2021 11:40 View: 12761

Tay quỳnh tay quế: Những quy tắc riêng khi hầu Thánh

Đồng phò là một nhánh của đồng phụng sự (đồng giúp việc), (phò trong từ phò tá, phò trợ), chỉ những người làm hầu dâng, lên khăn áo, lên hương hay còn gọi là tay quỳnh tay quế. Vậy căn cơ, duyên nghiệp và quy tắc riêng dành cho đồng phò khi phụng sự việc Thánh là gì?

dong pho, tay quynh tay que, hau dong, dang khan

Đồng Phò là gì? 

Phò ở đây là Phò tá phò trợ, trợ giúp cho thanh đồng trong việc hầu thánh. Đây là từ nguyên bản các cụ dùng để gọi cho những hầu dâng. Sau có thể còn được gọi thêm tên nữa là Phụ Đồng.

Còn từ Tay quỳnh - Tay quế là mới sử dụng trong khoảng 10 năm gần đây. Tay Quỳnh - Tay Quế có lẽ được lấy nguyên bản từ danh từ để gọi hai vị Chầu hầu cận Mẫu Liễu đó là Chầu Quỳnh và Chầu Quế.

Với tính chất là hầu cận phò tá thanh đồng trong hầu thánh với việc Hầu hạ Thánh Mẫu Liễu Hạnh của nhị vị thánh chầu nên hầu dâng được gọi là Tay Quỳnh - Tay Quế.

Dùng hai từ Quỳnh Quế nghe thì hoa văn hơn và đẹp hơn so với từ Đồng Phò.

Cơ duyên của Đồng phò với nhà Thánh

Các cụ xưa đã có câu: 

Thứ nhất là được ngồi đồng
Thứ nhì hầu cận ung dung nhai trầu

Nói vậy tức là đồng nhân khi hầu và người hầu dâng là được nhà Thánh gia ân rất nhiều. Cơ duyên dẫn đến căn đồng phò cũng chia ra nhiều trường hợp khác nhau như

  • Người trước đây đã có tiền kiếp được theo hầu làm đẹp điểm phấn tô son cho các vị Tiên Thánh
  • Người có gia tiên trước đây có ân duyên được theo hầu cận nhà Thánh
  • Hay trước đây cũng đã có cơ duyên là đồng phò nay kêu cầu tấu đối cho con cháu cũng được ân duyên đó và được nhà Thánh chấp thuận
  • Cũng có người đã ra đồng sau quá trình thử lính được nhà Ngài ghi nhận là phù hợp với công việc sẽ phân công cho làm nhiệm vụ chuyên về hầu dâng làm đẹp cho đồng nhân hầu Thánh.

Trước đây trong bản hội có một vài người được ân điển để được chuyên làm đồng phò vì sự chỉnh chu khéo léo của mình, việc này gần như là những đồng chị đi trước rước đồng em đi sau chứ không phải làm chuyên nghiệp như bây giờ

Công việc chính của tay quỳnh tay quế là gì?

Xét về căn cơ của Đồng phò thì công việc chính của đồng phò là hầu dâng, lên hương, lên khăn áo làm đẹp cho đồng nhân khi hầu, cắm hoa, bày biện đàn tràng chỉnh chu, ngoài ra là kêu tấu và giúp đỡ đồng nhân khi hầu Thánh trên sập.

Những người được nhà Thánh chọn làm công việc này về nguyên tắc phải là những người đã có đồng, có sự chăm chỉ, chu đáo, ham học hỏi, hiểu biết về nghi lễ, lề lối cũng như phép tắc hầu hạ đặc biệt là phải nhanh nhẹn, biết tinh ý, khéo léo giúp đỡ ghế hầu trong canh đàn. Ngoài ra là hướng dẫn cho các tân đồng đi sau thực hiện nghi lễ đúng phép...

Quy tắc riêng của Phụ đồng khi hầu Thánh

Các bạn hãy nhớ, đồng phò cũng có những quy tắc riêng:

Nguyên tắc của các cụ xưa người lên sập làm hầu dâng phải là người đã trình đồng mở phủ. Như các cụ xưa quy định thì đến những người chắp táp trong đền cũng đều phải có đồng nữa là người hầu dâng là trực tiếp lên sập làm việc. Nhưng thực trạng hiện nay có nhiều người chưa ra đồng cũng lên làm hầu dâng, những người đó nếu do không hiểu biết phép tắc của các cụ xưa để lại mà xem nhẹ phép nhà Thánh hay người không có đồng mà lên hầu dâng với mục đích kiếm lợi, thấy được ngân xuyến mà ham không những không được lợi lạc mà còn sinh nghiệp cho bản thân, con cháu, gia đình, gia tiên mình.

Nhưng nếu do họ không hiểu hay không biết về quy tắc là đồng nhân mới được làm hầu dâng, nhưng nay đã có duyên lên sập làm việc và lại làm việc với hết tâm sức của mình, luôn đặt kính Thánh trọng đồng lên hàng đầu, làm việc nỗ lực khéo léo và hoàn thành tốt công việc, không tham tiền hám bạc ham danh làm ẩu làm sai thì cũng được nhà Ngài ghi nhận và gia ân ban công thưởng lộc. Những người này dù kiếp trước chưa có cơ duyên với nhà Thánh nhưng coi như là đã gieo duyên với cửa Thánh từ kiếp này.

Còn về cung cách quy tắc của người đồng phò khi bước lên sập hầu dâng là phải sạch sẽ từ thân đến tâm, thân sạch là cơ thể sạch sẽ, dù ko phải ăn chay như ghế hầu nhưng người hầu dâng cũng phải kiêng việc quan hệ nam nữ một ngày trước vấn hầu để giữ cho cơ thể được sạch, quần áo phải chỉnh chu kín đáo; tâm sạch là không mang tâm tham lam vọng cầu, sân si, một khi bước lên làm việc hãy gạt hết hỉ nộ ái ố đời thường sang một bên để chỉ tập trung làm cho tốt công việc của mình.

Vậy nên hầu dâng không phân biệt đồng giàu đồng nghèo, tiền nhiều tiền ít (người nhiều tiền thì làm chỉnh chu người ít tiền thì làm qua loa hời hợt), đừng nghĩ cái lợi trước mắt thấy được tiền ban khen nhiều mà ham rồi sinh tâm so sánh, sân si. Nên nhớ các cụ có câu “lộc nhà Thánh có gai”. Làm việc hầu Thánh mà không có cái tâm thì chỉ nghiệp thêm chồng nghiệp thôi các bạn ạ. Một khi đã bước lên sập thì chỉ có sự nhất tâm và tập trung để làm tốt công việc được giao.

Lễ nghĩa và ứng xử trên sập của người hầu dâng

Lễ nghĩa và ứng xử khi làm việc hầu dâng không phức tạp nhưng cũng không được xem nhẹ vì lỗi càng thông thường càng dễ phạm phải.

Trước khi vào vấn hầu các bạn đừng quên chắp tay xin phép chư Tiên Phật Thánh cho con bắt đầu vào làm việc, sau khi kết thúc canh đàn cũng phải cúi đầu cảm tạ chư vị Tiên Thánh đã gia ân cho canh đàn mình làm việc đã được hoan hỉ và trong canh đàn mình có sơ mơ lầm lỗi gì xin chư vị Tiên Thánh cho con được thành tâm sám hối.

Khi ghế vào hầu Thánh bắt đầu khoác lên chiếc áo Công Đồng là từ lúc đó yêu cầu các đồng phò phải giữ được sự tôn nghiêm và kính trọng vì hầu dâng cũng là đang gián tiếp hầu Thánh, hầu dâng không được phép nói to quát tháo trên sập hay nói năng bất kính với ghế, không làm việc riêng. Khi đó hầu dâng ngồi quỳ, nếu mỏi thì ngồi quỳ nghiêng không được khoanh chân xếp bằng.

Ngày xưa: Một cái kẹo hầu dâng cũng không được nhặt

Ngày xưa các cụ hầu Thánh khắt khe hơn thời giờ, thời đó các cụ hầu trên sập cao chỉ có ghế được ngồi trên sập còn hầu dâng đứng bên dưới, khi lên khăn áo mới được quỳ trên sập rồi lại xuống đứng bên dưới, như bây giờ là dễ nhiều rồi và cũng thay đổi nhiều.

Các cụ khi xưa làm hầu dâng chẳng bao giờ dám tự ý châm thuốc hút hay tự ý ăn trầu cau, có thèm lắm cũng chỉ dám xin lại phần thừa của ghế hầu, mà xin cũng phải được ghế cho phép thì mới được dùng; lộc mưa khi ghế tung mà rơi trên sập hầu dâng cũng chỉ gạt xuống dưới để ghế không dẫm vào chứ đến một cái kẹo hầu dâng cũng không được nhặt về trừ khi được cho tận tay vì khi làm việc là người hầu dâng đã được tiền ban khen rồi, lộc mưa đó là để cho bách gia, chớ có tham lam mà bị nhà Ngài quở trách.

Cách lên khăn áo của các cụ cũng không giống bây giờ đâu các bạn ạ:

Đồng già lính lão như thầy thì vẫn thích lên khăn áo có nét gì đó theo lối cổ. Vậy nên nhiều nhà đồng có dòng người thầy họ vẫn thích dạy cho con nhang làm khăn áo để làm theo đúng ý mình.

Đồng có dòng thì các cụ dạy làm sao thì đồng thầy lại dạy lại đệ tử làm như vậy, vì mỗi nhà mỗi nếp, mỗi dòng đồng mỗi phép nên mới gọi là “cơ cánh ông đồng” là như vậy.

Khi xưa người đệ tử được thầy dạy cho để làm hầu dâng phải thường xuyên lên điện bao sái thay hoa lọc nước, trước mỗi vấn hầu đều phải chuẩn bị sắp xếp đồ hầu đầy đủ, là lượt xông hương lại khăn áo trước khi hầu đồng thời hầu dâng có nhiệm vụ quán xuyến bảo quản đồ hầu của đồng thầy cũng như ghế hầu.

Thời nay hiện đại hơn nhưng bản thân các hầu dâng cũng đã được đồng thầy dạy cách làm sao cho dù có theo cái mới nhưng vẫn giữ được lề lối như các cụ xưa để lại, vậy cố gắng phát huy và gìn giữ để có đổi mới nhưng hãy giữ trong phạm vi cho phép, khăn áo không được biến tấu, không được lố lăng và học đòi theo những kiểu đi chệch ra khỏi lề lối, những quy tắc và nhiệm vụ cần phải làm thì các bạn hãy thực hiện cho đúng cho tốt.

Người hầu dâng: Không được động tâm nổi ý niệm tính dục

Có một điều hơi nhạy cảm nhưng thầy vẫn phải nhắc nhở các đồng dâng: Khi đồng nhân hầu Thánh, vì được ân duyên nhà Thánh giáng bóng ghế hầu được ban diện tươi tốt đẹp đẽ hơn thường. Người hầu dâng tuyệt đối không được mảy may động tâm nổi ý niệm tính dục, nếu để xảy ra thì ngay lúc đó sẽ bị ghi tội vì đàn tràng luôn có các vị hành sai của bản đền giám sát và ghi lại công hay tội của con đồng. Vậy nên bất kể người hầu dâng cũng như con đồng phạm phải lỗi gì nhất là trong đàn tràng đều bị các cụ hành sai giám sát và ghi lại.

Để bị nhà Ngài ghi sổ một lần hai lần mà vẫn không biết nhận ra lỗi lầm để nhất tâm sám hối và sửa lỗi, không mắc lỗi nữa thì sẽ phải chịu phạt theo nhiều cách như: sinh cơ hoặc gặp nhiều chuyện không như ý muốn, trắc trở trong cuộc sống cũng như gánh nghiệp hành đạo.

Các hầu dâng hãy nhớ: LÀM TỐT VIỆC CỦA MÌNH

Người hầu dâng: Không phán xét, dèm pha ghế hầu

Khi làm việc không phán xét ghế hầu ra sao, hầu đẹp hay hầu xấu; không được có lời nói hay tâm ý dèm pha.Tuy nhiên, việc của hầu dâng là giúp đỡ ghế hầu nên nếu thấy rằng ghế hầu đang không theo đúng lề lối phép tắc thì phải có trách nhiệm khéo léo nhẹ nhàng nhắc nhở ngay lúc đó để ghế hầu tự chỉnh sửa lại và không bị phạm lỗi nữa.

Còn đến khi hầu dâng đã nhắc nhở mà ghế hầu không nghe không sửa thì đã có các vị hành sai và nhà Thánh chiếu cái tâm của ghế hầu, hầu dâng có nhiệm vụ vẫn phải nhắc nhở khi thấy sai, biết mà lại coi như không biết, thấy sai mà vẫn coi như không thấy thì cũng là có lỗi, hãy hoàn thành tốt đúng công việc của mình.

Tay quỳnh tay quế: Luôn đỡ khăn phủ diện

Thêm một chú ý rất quan trọng nữa: khi con làm hầu dâng luôn phải để ý đỡ khăn phủ diện khi ghế tung khăn vì chẳng may khăn bị rơi xuống sập hay nghiêm trọng hơn là bay ra khỏi sập thì đó là một lỗi lớn, nếu phạm phải thì cả ghế hầu cũng như người hầu dâng đều phải chịu phạt, có thể là bị bắt cơ ngay sau đó, nên con phải đặc biệt chú ý điểm này.

Khi lên hương cũng phải hết sức cẩn thận không được làm cháy khăn áo nhất là khăn phủ diện của ghế đang hầu. Các ghế đồng phò cần lưu ý nữa là người hầu dâng phải đưa khăn phủ diện nhờ đồng thầy của ghế để phủ khăn hoặc đưa cho ghế tự phủ, không được phép tự ý phủ khăn cho ghế lúc xe giá để tránh bị trộn bóng của ghế đang hầu vì chiếc khăn phủ diện chỉ có đồng thầy của ghế mới được phủ cho ghế cũng là phủ bóng cho con đồng của mình vậy.

Khi làm việc các bạn hãy sắp xếp đồ hầu thật gọn gàng hợp lý để khi lấy đồ không quay lưng lại công đồng và ghế hầu, khăn áo đồ hầu cũng phải để gọn gàng sạch sẽ không quăng ném và để bừa bãi.

Nhà Thánh sẽ soi tâm soi tính tay quỳnh tay quế

Những lễ nghĩa ứng xử trên sập là thể hiện sự kính trọng với nhà Thánh với ghế đang hầu Thánh. Khi đó nhà Thánh sẽ soi tâm soi tính người hầu dâng mà ghi nhận và xem có ban công thưởng lộc hay không.

Các Đồng cựu vẫn dạy các con đồng của mình: Mỗi vấn hầu của đồng nhân được gọi là khoá thi kì hội, thì mỗi vấn hầu dâng của đồng phò cũng như một bài kiểm tra vậy. Người nào nhất tâm dốc hết tâm sức để hoàn thành công việc của mình hay người nào lỗi tâm lỗi tính đều được nhà Ngài ghi chép lại.

  • Người nhất tâm hầu hạ làm đúng chức trách của mình sẽ được nhà Ngài chiếu cái tâm mà ân duyên cho được tươi được tốt cuộc sống ấm êm, giải bớt được nghiệp oan gia lại tích được âm phúc trong đường tu của mình.
  • Còn người lỗi tâm lỗi tính, coi ân điển nhà Ngài cắt cử là một cái nghề để kiếm tiền, chỉ chăm chăm vào tiền bạc hoặc không giữ lễ nghĩa phép tắc khi hầu dâng, nhiều lần lặp lại mà không biết sửa đổi và sám hối ắt sẽ bị quở trách và xử phạt nghiêm khắc, từ đó không được sự gia ân che chở của nhà Thánh thì dẫn đến ma tà đeo bám dẫn dắt theo con đường tà đạo lúc nào không hay.

Nên khi làm việc hầu dâng cũng chính là đồng phò đang hành đạo và tu đạo vậy. 

Người hầu dâng có cần phải đi âm và học âm?

Đã có nhiều tay quỳnh tay quế thắc mắc: "Nếu đã làm hầu dâng thôi thì cần gì phải đi âm và học âm" ..Điều này có đúng không? 

Trước tiên cần hiểu: Đồng phò thì cũng là đồng, mà đã là đồng thì đồng gì cũng phải tu.

Quá trình tu sẽ đi từng bước một, có thể trước đây các đồng phò không biết cảm nhận âm dương, không phải đi âm học âm, nhưng đến một giai đoạn nào đó nhà Ngài sẽ cho họ một chút năng lực dị năng cấp thấp ví dụ như cảm âm, vừa là để hỗ trợ cho công việc của mình tốt hơn, cũng chính là đang thử thách đó.

Mà thử thách thì sẽ đến với tất cả các con đồng, để xem tay quỳnh tay quế này có bị động tâm và sinh tâm vọng cầu nghĩ mình có năng lực dị năng mà vọng tưởng tới những việc ngoài tầm tay của mình rồi xao nhãng công việc chính mà nhà Ngài giao cho hay không. Vì nhiều người không vững tâm khi có được chút năng lực cấp thấp cảm nhận được âm dương đã vội sinh ra tâm kiêu ngạo cảm thấy mình hơn người, có thể mang cả cái tâm kiêu ngạo đó lên sập nghĩ mình biết nhiều hơn ghế hầu sinh ra xem thường không coi trọng ghế hầu. Đó là phạm vào phần lễ nghĩa khi hầu dâng lên sập làm việc như đã giảng ở trên.

Con đồng khi bỗng nhiên được cho năng lực mà không vững tâm thì thường bị sinh tâm vọng cầu vọng tưởng, dần dần tham vọng làm những thứ cao siêu hơn mà xem thường công việc chính mà nhà Ngài giao cho.

Hơn nữa khi cảm nhận được anh linh của đạo sẽ giúp cho các thanh đồng có niềm tin, trách nhiệm và nhất tâm cho công việc mình được giao, vậy cũng chính là giúp đồng phò trong đường tu của mình.

Nhắc lại để các con đồng nên ghi nhớ: Dù là đồng hầu, đồng phụng sự hay đồng âm. Năng lực dị năng cấp thấp ban đầu là để các tân đồng được tinh tấn hơn, nhận định được phải trái, đúng sai, thật giả; nhận định được đâu là tà đâu là chánh nhưng chình họ phải ý thức được dị năng là để hỗ trợ mình đi theo đúng đường đúng hướng, tránh bị vong tà dẫn dắt sinh tâm vọng cầu, vọng tưởng mình có năng lực đi quá nhiệm vụ mà mình được giao.

Và cũng là nhận định về đạo để giúp đỡ dẫn dắt đồng tân lính mới trên sập hầu và ứng biến để cân chỉnh đàn tràng cho tốt nhất.
Cũng như các đồng phò dày dạn kinh nghiệm sẽ tự biết khi đồng cao bóng cả không có mặt ở trên đàn hầu, có những lúc tân đồng hầu lỗi có nguy cơ vỡ đàn thì đồng phò phải biết những pháp để củng cố chấn chỉnh đàn tràng cho không vỡ đàn, thậm chí xua đuổi vong tà hay động viên và củng cố niềm tin cho tân đồng.

Đồng phò tuy đa phần không phải căn sâu quả nặng và không phải tu quá cao đạo như những đồng khác nhưng nếu nhất tâm làm tốt công việc mình được nhà Thánh gia ân cắt cử, tu cho đúng cho tốt thì sau vẫn về được với nhà Thánh, vì trần sao âm vậy, nhà Thánh cũng cần người hầu hạ làm đẹp cho mình!

Vậy nên đồng phò là một nhân tố không thể thiếu trong đạo Mẫu thờ Tam Tứ Phủ. Nay các bạn đã được ân duyên để học và thực hành làm hầu dâng phụng sự cửa Thánh, hãy dốc hết tâm sức, giữ đúng lề lối lễ nghĩa để không phụ lại ân điển nhà Ngài cắt cử, vừa là làm đẹp, xây dựng, giữ gìn lề lối nét đẹp của đạo các cụ xưa để lại, vừa là tu đạo hành đạo đúng với chức trách mà đồng phò được giao phó.

Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Thêm – Tự Tuệ Trần.

Bản quyền thuộc về đồng thầy Trần Thêm - Tự Tuệ Trần (đã được bảo hộ tác quyền theo pháp luật)

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web