04/06/2021 11:40 View: 4203

Những chướng ngại khi niệm Phật ai cũng nên biết

Trong quá trình thực hành niệm Phật, nhiều người cảm thấy khó nhập tâm, không thuộc được, cảm thấy nóng ruột, mệt mỏi, buồn ngủ, dễ cáu gắt, đau đầu... Thậm chí có người khi niệm Phật đến một thời gian nhất định lại tự sinh ra những suy nghĩ phỉ báng Phật mặc dù tâm mình không hề muốn nhưng không thể điều khiển được.. Những vấn đề này làm cản trở quá trình tu tập và nhiều người vì sợ hãi mà bỏ cuộc. Vậy những chướng ngại khi niệm Phật là gì? Cách để vượt qua? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

niem phat, chuong ngai khi niem phat

1. Điều khí khi niệm Phật:

Thông thường hơi thở của chúng ta rất ngắn và gấp, đặc biệt là khi tập trung vào một việc gì đó nhiều khi chúng ta quên thở, kế đó là thở dồn dập (còn gọi là thở gấp). Khi niệm Phật theo Pháp thập niệm: Nếu hơi bạn dài thì niệm liền một hơi 10 câu Phật hiệu; ngược lại thì 5 câu=hai hơi hoặc 3-3-4=3 hơi.

Khi lấy hơi để niệm, nếu chúng ta chỉ hít khí đến lồng ngực, sau quá trình niệm 5-15 phút sẽ rất dễ đuối sức, thậm chí nếu niệm nhanh quá sẽ dễ bị bốc hoả lên mắt, lên đỉnh đầu. Do vậy, các bạn hãy thử ráng thực hành cách lấy hơi thẳng xuống bụng dưới. Để xác định hơi của bạn chỉ vào lồng ngực hay đã xuống thẳng bụng dưới, bạn chỉ cần để ý bụng dưới bạn phồng hay xẹp. Nếu phồng căng là bạn lấy hơi đúng, ngược lại, hơi vẫn chỉ dừng lại nơi lồng ngực.

Khi niệm theo pháp thập niệm, dứt một hơi=tương xứng 10 hay 5 câu Phật hiệu=bụng bạn xẹp xuống=khí đã ra hết bên ngoài; kế đó lại thong thả lấy hơi xuống bụng dưới rồi lại thong thả niệm.

Lợi lạc của pháp điều khí này: các khí hư trong cơ thể, đặc biệt trong vòm bụng sẽ được thải hết ra ngoài.

2. Bị hôn trầm trong quá trình niệm Phật:

Đây là tình trạng chung, ai cũng bị cả, kể cả người tu đã lâu, nếu không để ý cũng dễ bị hôn trầm.

  • Một là do chưa quen (hàng ngày ăn no, ngủ kỹ, thích hưởng thụ…).
  • Hai là thân thể quá no, quá mỏi mệt. Nay gò mình vào kỷ luật, những thói quen, thân thể sẽ có sự đối kháng.

Trường hợp bị hôn trầm (ngủ gật), bạn hãy mở bừng mắt, nhìn thẳng vào tôn tượng hay ảnh Phật, niệm nhanh hơn bình thường một phút, chỉ ít phút sau chứng hôn trầm sẽ được chế phục.

Do vậy khi niệm Phật tốt nhất là nên khép hờ mắt, tầm nhìn khoảng 50-70cm.

3. Vọng tưởng khi niệm Phật:

Ai cũng gặp, đặc biệt là những bước khởi đầu tu học.

Vọng tưởng nói cho đúng là những suy nghĩ, hành động, sinh hoạt… của chúng ta tích tụ từ vô lượng kiếp tới nay và chúng ta vốn quen sống với chúng. Nay tìm cách đi ngược lại, tất chúng sẽ ập tới nhiều khi dồn dập, mãnh liệt hơn bình thường. Đây là cảnh giới bình thường, bạn chớ quá lo ngại.

Chỉ cần nhận biết rõ: Vọng tưởng đó đang tới và đã ập tới; nhưng không chú tâm đến chúng mà dùng pháp thập niệm để khắc chế. Thông thường khi ta quan tâm tới chúng, chúng sẽ vui đùa và khuấy đảo chúng ta; ngược lại chúng sẽ phải tự bỏ đi.

4. Thấy hỉ lạc khi niệm Phật:

Hiện tượng này chỉ xảy ra khi bạn niệm Phật đã có chút thành tựu.

Đây không phải là sự chứng cảnh gì cả, mà thực tế chỉ là nhất thời chúng ta thấy lại được tự tánh của chính mình. Chỉ cần nhận biết có niệm đó xuất hiện, rồi quên ngay (tương tự những niệm vọng tưởng), và tiếp tục niệm Phật tức trong buổi niệm Phật bạn sẽ được an lạc; ngược lại nếu tham đắm trong cảnh đó sẽ dễ rơi vào vọng cảnh, bởi đó là cảnh giới biến hiện của tâm.

Hy vọng đôi dòng chia sẻ thêm này có thể giúp các bạn thêm vững bước trong bước đầu thực hành niệm Phật. Chúc các bạn tinh tấn, dũng mãnh và buông xả để niệm Phật.

Nguồn: Cư sĩ Trung Đạo