"Một người nọ hỏi Phật: “Vì sao con luôn nghèo?”. Ngài đáp: “Vì đơn giản, con chưa bố thí nhiều." Vậy nếu kinh tế ta còn nghèo, ta không có gì để cho người khác thì ta có bố thí được không? Bố thí những gì? Như thế nào để tạo nhiều phước đức nhất? Hãy đọc ngay lời Phật dạy 7 cách bố thí của người nghèo mà ai cũng làm được.
Người siêng tạo phước lành lúc lâm chung đều không lo sợ, vì họ có đi đến đâu cũng đều được bình an.
Này người, đi đâu làm gì cũng nghĩ mình là con Phật
7 cách bố thí của người nghèo
Một người nọ hỏi Phật:
“Vì sao con luôn nghèo?”
Ngài đáp: “Vì đơn giản,
Con chưa bố thí nhiều.
“Bạch Ngài, con thực sự
Không có gì để cho,
Đúng thế, không gì cả,
Ngoài đói khổ, buồn lo.”
“Ta tin lời con nói.
Nhưng có bảy cái này
Con có thể bố thí,
Mà bố thí hàng ngày.
Thứ nhất là Nhan Thí,
Tức bố thí nụ cười.
Thứ hai là Ngôn Thí,
Là nói đẹp với người.
Thứ ba là Tâm Thí,
Tức bố thí tấm lòng.
Thứ tư là Nhãn Thí,
Tức cái nhìn cảm thông.
Thứ năm là Thân Thí,
Bố thí việc ân tình.
Thứ sáu là Tọa Thí,
Nhường chỗ ngồi của mình.
Thứ bảy là Phòng Thí,
Dạng bố thí cuối cùng,
Khi con cho người khác
Tình Yêu và Bao Dung.”
Thơ: Thái Bá Tân
Các Hòa thượng khuyên bảo chúng ta rất nhiều cách để thực hành bố thí chỉ cần dùng tâm là có thể làm được. Ví như trong cuộc sống hàng ngày, mưu sinh kiếm tiền nuôi gia đình, kỳ thực đây cũng là một dạng “bố thí”.
Nếu như bạn đang ở trong mê, cảm thấy mình đang “làm trâu làm ngựa” kiếm tiền trả khoản nợ nào đó cho gia đình. Và vì thế mà trong lòng bạn ôm giữ một nỗi oán giận thì bạn sống sẽ rất khổ!
Chỉ cần bạn thay đổi ý niệm, biết rằng nuôi gia đình chính là bạn đang bố thí cho người khác, bạn đang làm việc tốt nuôi dưỡng gia đình. Khi ấy trong lòng bạn sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng và vui vẻ!
Đừng tưởng rằng chỉ có đến chùa bỏ một chút tiền vào đó thì mới là bố thí. Kỳ thực nhiều người không hiểu rằng, trong cuộc sống hàng ngày, hết thảy việc bạn đang làm đều là bố thí, là nuôi dưỡng! Đơn giản như, bạn sửa sang dọn dẹp lại nhà cửa sạch sẽ khiến cho gia đình sống được thoải mái thì đó cũng là bạn đang bố thí đối với mọi người trong gia đình.
Hay bạn tận tâm tận lực làm việc ở sở làm thì cũng là một cách bố thí đối với công ty và nuôi dưỡng xã hội…Nếu như bạn có thể khởi ý nghĩ này trong tâm thì bạn sẽ sống được tự tại. Hãy tin rằng cho dù những việc làm bố thí của bạn trước mắt không nhận được thù lao đi nữa thì trong tương lai bạn cũng nhận được sự hồi báo kỳ diệu!
Tâm lý bố thí sẽ quyết định phúc báo
Bố thí là đem tài sản sở hữu của mình ra cho người khác, nhưng không phải tất cả trường hợp bố thí đều có giá trị giống nhau. Giá trị cao thấp của sự bố thí tùy vào tâm lý bố thí của người cho.
Tâm lý bố thí
Có tám tâm lý bố thí (A.IV.236):
- 1- Do thương mà bố thí (chandā dānaṃ deti). Có người vì thương yêu người nào đó nên họ biếu tặng cho người ấy quà phẩm hoặc tiền bạc.
- 2- Do ghét mà bố thí (dosā dānaṃ deti). Có người vì bực bội do bị xin xỏ quấy rầy nên bố thí cho yên; hoặc vì muốn sỉ nhục mà bố thí; hoặc vì ghét người này mà đem cho người khác.
- 3- Do dốt nát mà bố thí (mohā dānaṃ deti). Có người không nhận thức tính thiện pháp của bố thí, không nghĩ đến mục đích gì, chỉ là ai xin thì cho vậy thôi.
- 4- Do sợ mà bố thí (bhayā dānaṃ deti). Có người bị đe dọa, hoặc bị áp bức, hoặc yếu thế nên phải cho tài sản để yên thân.
- 5- Do truyền thống mà bố thí (kulavaṃsā dānaṃ deti). Có người ở trong gia đình truyền thống bố thí, nên người ấy rộng rãi xả tài vì nghĩ rằng ta không nên làm mất truyền thống gia đình.
- 6- Do mục đích sanh thiên mà bố thí (Sugati-upapannatthāya dānaṃ deti). Có người mong được sanh về cõi trời nên bố thí, vì nghĩ rằng sau khi bố thí ta chết sẽ sanh thiên.
- 7- Do mục đích tâm an vui mà bố thí (cittapa-sīdanatthāya dānaṃ deti). Có người thích bố thí vì nghĩ rằng khi ta bố thí đem niềm vui cho kẻ khác thì ta được an vui.
- 8- Do mục đích trang bị cho tâm mà bố thí (cittaparikkhāratthaṃ dānaṃ deti). Có những chúng sanh cầu giải thoát, muốn trang bị cho tâm, làm cho tâm được thuần thục, làm cho tâm trong sáng khỏi cấu uế xan tham nên bố thí.
Trong tám tâm lý bố thí ấy chỉ có sự bố thí vì mục đích trang bị tâm là sự bố thí cao quí, sự bố thí vì mục đích tâm an vui cũng là sự bố thí tốt đẹp.
Sự bố thí vì truyền thống và sự bố thí vì mục đích sanh thiên, cũng được bậc trí trong đời chấp nhận, nhưng không xem là thù thắng.
Cung cách bố thí
Nhìn vào cung cách bố thí mà biết được là người hiền trí hay không phải hiền trí.
Cung cách bố thí của bậc hiền trí có năm (A.III.171), là:
1- Bố thí có tôn trọng (Sakkaccaṃ deti). Tức là khi cho ai thì cho bằng thái độ ân cần.
2- Bố thí có suy nghĩ (Cittīkatvā deti), tức là có chủ tâm làm điều tốt nên mới bố thí.
3- Bố thí tự tay (Sahatthā deti), tức là chính mình làm chớ không sai bảo hay giao phó người khác làm.
4- Bố thí đồ không quăng bỏ (anapaviddhaṃ deti), là cho vật tốt đẹp mà mình đang dùng xài chứ không phải là vật dư thừa hay thối hư.
5- Bố thí có nhìn tương lai (āgamanadiṭṭhiko deti), là bố thí có hướng đến mục đích, như nghĩ đến an vui, nghĩ đến phước báu, nghĩ đến giải thoát.
Cung cách bố thí của hạng phi hiền trí có năm (A.III.171) là:
1- Bố thí không tôn trọng (asakkaccaṃ deti). Nghĩa là hạng phi hiền trí khi cho ai thì cho với thái độ khinh rẻ.
2- Bố thí không suy nghĩ (acittīkatvā deti). Hạng phi hiền trí bố thí thờ ơ, không quan tâm việc mình làm.
3- Bố thí không tự tay (asahathā deti). Hạng phi hiền trí bố thí không tự mình làm mà chỉ sai bảo người khác làm, như thể việc bố thí không đáng để họ làm.
4- Bố thí đồ quăng bỏ (apaviddhaṃ deti). Hạng phi hiền trí bố thí những thứ mà họ đã chán chê, những thứ mà họ không dùng xài nữa.
5- Bố thí không nhìn tương lai (anāgamanadiṭṭhiko deti). Hạng phi hiền trí có bố thí cũng không hướng đến mục đích cao cả, không có nguyện vọng, làm chỉ là làm thôi.
Quả phúc bố thí
Hạnh bố thí thành tựu nhiều lợi lạc cho thí chủ. Nhưng tùy theo hạnh bố thí mà có được những quả lợi ích khác nhau, khó khẳng định được.
Hạnh bố thí có những quả lợi ích khác nhau tùy theo vật thí, tâm lý bố thí, cung cách bố thí v.v...
Quả bố thí tùy theo vật thí (vật thực, hoặc y phục hoặc trú xứ ...), điển hình như bố thí vật thực sẽ thành tựu 5 điều lợi lạc đến thí chủ (A.III.42):
- 1- Hưởng tuổi thọ nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác được kéo dài sự sống.
- 2- Hưởng dung sắc nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác nuôi thân xinh tốt.
- 3- Hưởng an vui nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác ngăn được cảm thọ đói khổ.
- 4- Hưởng sức lực nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác có sức khỏe sung mãn.
- 5- Hưởng biện tài nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác bồi dưỡng trí tuệ.
Quả bố thí thành tựu theo tâm lý bố thí (A.A.257) có 5 sự kiện là:
- 1- Người bố thí vì thương, vì ghét, vì dốt nát, vì sợ thì quả báo về sau rất kém, có tài sản không đáng kể, không thể sanh ở cõi trời.
- 2- Người bố thí vì giữ truyền thống thì thường đạt đến tài sản trong cõi nhơn loại thôi.
- 3- Người bố thí vì mong sanh thiên thì được đạt đến tài sản chư thiên.
- 4- Người bố thí vì để tâm an vui thì có thể đạt đến hai loại tài sản là tài sản nhơn loại (manussa-sampatti), tài sản chư thiên (devasampatti).
- 5- Người bố thí để trang bị cho tâm, làm trang nghiêm tâm, cầu sự giải thoát thì sẽ được tài sản thánh nhân hay thành tựu Níp bàn (nibbānasam-patti), nếu thí chủ chưa chứng đạt Níp bàn mà còn luân hồi sanh tử thì vẫn được tài sản chư thiên và tài sản nhân loại.
Quả bố thí thành tựu theo cung cách bố thí (A.III.172) có 5 điều là:
- 1- Bố thí bằng niềm tin, được quả báo tương lai giàu có và xinh đẹp khả ái.
- 2- Bố thí tôn trọng, được quả tương lai giàu có và nhiều người qui phục.
- 3- Bố thí hợp thời, được quả tương lai giàu có và các nhu cầu được đáp ứng đầy đủ đúng lúc.
- 4- Bố thí tâm không gượng ép, được quả tương lai giàu có và hưởng thụ với tâm thoải mái mãn nguyện.
- 5- Bố thí không gây tổn hại mình và người, được quả tương lai giàu có và giữ vững được tài sản; không bị phá sản bởi lửa, nước, vua, kẻ cướp, hay người thừa kế.
Quả báo thiết thực của sự bố thí (A.III.38) có năm điều là:
- 1- Được nhiều người thương yêu kính mến.
- 2- Được các bậc thiện trí thức giao hảo.
- 3- Danh thơm tiếng tốt lan truyền
- 4- Có tâm dạn dĩ tự tại khi đến giữa các hội chúng.
- 5- Sau khi mạng chung được sanh vào nhàn cảnh cõi trời.
Trích THERAVĀDA
Phật giáo Nguyên Thủy
CƯ SĨ GIỚI PHÁP | Tỳ kheo Giác Giới
(Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn