04/06/2021 11:44 View: 39959

Bốc bát hương vào tháng nào là tốt nhất?

Trong bài chia sẻ về "Quy tắc bốc bát hương/bát nhang và kiểm tra linh khí" Tamlinh.org đã gửi đến bạn rất nhiều thông tin, tuy nhiên - thời điểm bốc bát nhang tốt nhất trong năm thì không phải ai cũng biết. Vậy nên bốc bát nhang vào mùa nào tốt nhất? Bốc bát nhang lên nhà mới, thay bát nhang...có kiêng kỵ gì không? Tháng 7 có nên bốc bát hương không? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

boc bat huong, ban tho dep

Bốc bát hương vào dịp cuối năm?

Nhiều địa phương thường có phong tục bốc bát hương vào dịp cuối năm vì đây cũng là dịp mọi người thay chân nhang để đón năm mới.

Với quan niệm này, ngày bốc bát hương tốt nhất trong năm thường số đông mọi người chọn ngày 23 tháng Chạp, vì ngày này mọi nhà thường dọn dẹp bàn thờ và cúng Ông Táo về trời. Tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà có thể còn nhiều ngày tốt khác như ngày 24, 26, 27 âm lịch hoặc tự lựa chọn ngày nào phù hợp với tuổi mình nhất. Tuy nhiên, các gia đình vẫn tránh chọn ngày xung với tuổi để tránh gặp phải những khó khăn, trắc trở, kém may mắn.

Bốc bát hương vào mùa nào tốt nhất?

Theo quan niệm các cụ xưa thì thời điểm bốc bát hương tốt nhất là vào mùa xuân hoặc mùa thu. 

Xưa có câu ''Xuân thu nhị kì'', là nói về việc ngày xưa ở bất kì một làng xóm cổ nào trong một năm đều có hai dịp tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng rãi. Đó là tổ chức hội làng vào mùa xuân (xuân hội), và tổ chức lễ tế thần, rước thần thành hoàng làng vào mùa thu (thu tế).
Theo quan điểm triết học của phương đông cổ, mùa xuân thuộc thời ''thiếu dương'', mùa thu thuộc thời ''thiếu âm''. Đây là hai thời có sự giao hòa trời đất, mà trời đất có giao hòa thì vạn vật trong vũ trụ mới sinh trưởng được.

Vào thời thiếu dương ''mùa xuân'', âm dương tương cầu, tương ứng, chính vì thế vạn vật đua nhau đâm chồi nảy lộc, sinh trưởng. Ở thời này, sự tương cầu, tương ứng của âm dương biểu hiện hài hòa: Thần tiên xuống trần gian ăn tết, vui xuân (tượng trưng bằng cành đào, hoa đào, quả đào), còn con người cũng muốn có cuộc sống giống như thần tiên (tượng trưng bằng những ngày vui hội làng). Vì thế, người ta mới gọi là xuân hội.

Còn như vào thời thiếu âm (mùa thu) thì sự giao hòa của trời đất, âm dương chỉ còn là con người hướng tới cõi thần, ngưỡng mộ cõi thần. Vì vậy mới có tục ''vào đám'' tế thần, rước thần thành hoàng, trong đó chủ yếu là phần đạo phần tế, nên người ta gọi là ''thu tế'' tức''tế thần mùa thu''.

Đất trời giao hoà, âm dương tương cầu chính là lý do tại sao các thầy hay chọn mùa xuân và mùa thu để bốc bát nhang.

Có cần chọn ngày để bốc bát nhang không?

Việc xem ngày tốt bốc bát hương có quan trọng hay không? Điều này tùy thuộc vào tâm niệm của mỗi người. Thế nhưng, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Hơn nữa, đây chính là một công việc tâm linh, nên chúng ta cần chọn ngày tốt, ngày đẹp, để có thể tiến hành mọi công việc được suôn sẻ, thuận lợi. Đồng thời đón cát trạch, tránh hung trạch, rước tài lộc về với gia đình trong dịp năm mới.

Để chọn ngày tốt bạn cần đảm bảo 3 yếu tố sau:

Ngày đẹp bốc bát hương

  • Các ngày đẹp phải là có các sao tốt hội chiếu, các ngày đó sẽ là các ngày: Đại An, Tiểu Cát và Tốc Hỷ. 
  • Tránh bốc bát hương vào các ngày: Tam Nương, sát Chủ, Nguyệt Kỵ, Không vong (Đặc biệt không bốc bát hương. 
  • Ngày tốt phải hợp với tuổi gia chủ, là ngày tài lộc, quý nhân theo tuổi của gia chủ

Giờ đẹp bốc bát hương

  • Nên chọn giờ hoàng đạo trong ngày.
  • Nếu bạn bốc bát hương vào giờ hoàng đạo thì càng viên mãn, tài lộc dồi dào. Nếu quý bạn không chọn được ngày tốt bốc bát hương thì có thể chọn giờ hoàng đạo trong ngày để bốc.

(Chú ý sau khi bốc bát hương không được đập vỡ, sử dụng làm vật dụng mà đem thả trôi sông cùng chân nhang mà bạn tỉa. )

Tự bốc bát hương có được không? 

Theo quan điểm của Phật giáo thì chúng ta hoàn toàn có thể tự bốc bát nhang tại nhà mà không cần nhờ thầy. Tuy nhiên, bốc bát hương là việc tâm linh rất quan trọng đối với người Việt nên đa số mọi người thường nhờ nhà chùa hoặc các thầy đức độ bốc giúp.

Nếu có điều kiện các gia đình cũng nên nhờ nhà sư, các thầy đồng... đạo hạnh cao và đức độ làm lễ bốc bát hương giúp vì sau khi bốc còn khá nhiều nghi lễ tâm linh để khai quang, an vị và gia trì..bát hương mà bình thường chúng ta không thể biết để tự làm. 

Đặt bát hương lên bàn thờ

  • Bát hương bốc xong đặt lên bàn thờ thì thắp hương ngay. Nên thắp hương khoảng 1 tuần đầu. Cứ sáng dậy thắp một nén hương, đốt một ngọn nến nhỏ (hoặc đèn dầu), rót một chén nước sạch rồi cầu người được thờ về phù hộ cho. Đa số ngoài Bắc mọi nhà đều phải thắp hương trọn 100 ngày đầu để bát hương thêm linh khí. 
  • Đồ lễ có hay không, nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề là phải có tâm thành. Không cần thắp hương liên tục suốt ngày đêm. Nếu để hương vòng liên tục thì mỗi sáng và tối vẫn phải thay nước và lễ cầu một lần. 
  • Nếu bát hương bốc ở nhà thầy, hoặc ở chùa thì cần trịnh trọng rước bát hương về, không được xô bồ cẩu thả trong việc vận chuyển bát hương. Bát hương trên bàn thờ trọng là cao thấp, không trọng to nhỏ sang hèn.
  • Bát hương thờ Thần linh Thổ công phải cao nhất, rồi đến Gia tiên đại nội, rồi đến bà cô ông mãnh. Số lượng nhiều ít chẵn lẻ đều được. Vấn đề là làm sao để không quá phức tạp mỗi khi thắp hương. Không nên tách ra quá nhiều bát hương sẽ vất vả mối khi thắp hương.

Lưu ý khi bát hương đã bốc xong

– Sau khi bốc bát hương, gia chủ phải đặt nơi bàn thờ sạch sẽ, không nên để uế tạp. Mỗi khi sắp xếp lại ban thờ gia tiên (thường vào 23 và 30 tháng Chạp) phải khấn vái, xin phép và chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn,… còn bát hương, bài vị đã định vị thì không được xê dịch.

– Khi vệ sinh bát hương, bài vị phải lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm, phun rượu cho pha gừng giã nhỏ, nước hoa lau cho sạch.

– Đồng thời, khi chân hương quá nhiều cần rút bớt, nhớ để lại 5 chân. Những chân nhang đã nhổ cần đốt rồi thả tro xuống sông suối.

– Bát hương bỏ đi (ví dụ bát hương của ban thờ vong) cần thả xuống sông suối (tốt nhất là đặt trên miếng xốp nổi), tránh vất nơi uế tạp. Những người xử lý bát hương bỏ đi không đúng sẽ gặp sự không may.

– Mỗi khi cầu cúng cần mở rộng cửa, thắp đèn trước (khởi động), rót nước, rót rượu (dương cầu âm), rồi thắp hương (phát sóng) và khấn cúng (kêu cầu). Chú ý thắp 3 hay 5 nén hương bởi 3, 5 là số lẻ, thuộc Dương mà Dương thờ Âm là hợp lẽ. Nếu thắp quá nhiều hương sẽ mở đường cho Thập loại chúng sinh đến, tạo ra sự lộn xộn, phiền toái cho Thần linh, Tổ tiên mình thỉnh cầu.

– Khi thắp phải để hương cháy đều, dùng tay phẩy nhẹ cho tắt lửa, không thổi. Khi cắm hương cần cắm cho ngay ngắn. Đồng thời không cắm chồng các chân hương lên nhau nhằm tránh tạo ra những lớp thô (cũ) và thanh (mới) và phòng bốc hoả.

– Trường hợp bát hương tự nhiên bốc cháy, dân gian cho rằng báo “điềm” hoá âm là khi chân hương cháy âm ỉ từ trong ra rồi đổ ra xung quanh thường liên quan đến mồ mả, thờ cúng; còn hoá dương là khi cháy từ trên xuống có liên quan đến nhà cửa, cuộc sống hằng ngày. Khi đó cần để hoá hết nhưng nhớ phòng hoả hoạn đừng dùng nước dập tắt tránh “Thuỷ Hoả giao tranh”.

– Nếu đang cầu cúng mà hương tắt cứ để thế mà châm lửa tiếp, đừng nhổ lên đốt lại bởi khi nhổ lên cắm lại thành hương thừa, mất gốc, cầu cúng mất linh nghiệm. Cổ nhân cho rằng, ngoài lý do hương kém phẩm (bị ẩm) thì cần phân biệt:

  • + Hương tắt phần trên là ở Thiên, liên quan đến nóc nhà, ban thờ…
  • + Hương tắt ở đoạn giữa là Nhân, liên quan đến thành viên gia đình
  • + Hương tắt đoạn cuối nghĩ đến Địa, liên quan đến mồ mả, đất cát…

Tamlinh.org (tổng hợp)