04/06/2021 11:40 View: 18847

Huyền thuật: Bí ẩn tâm linh không thể lý giải

Huyền thuật là gì? Huyền thuật có tác dụng gì? Bùa ngải là gì? Thần chú là gì? Linh căn là gì? Ấn là gì... Tất cả sẽ có trong bài viết tổng hợp này, mời các bạn cùng đón đọc. 

huyen thuat

Huyền thuật là gì?

  • Huyền – Chính là huyền bí.
  • Thuật – Chính là phương pháp, thủ thuật.

Như vậy “Huyền Thuật” tạm hiểu một cách nôm na là phương thức sử dụng các thủ thuật để tạo ra sự liên kết, giao thoa giữa thế giới hữu hình với thế giới Tâm Linh. Huyền thuật có khi là “Lệnh Phù” (còn gọi là Bùa), hay các câu Mật Ngữ (còn gọi là Thần Chú), có khi là Ngải (Các loại động, thực vật có tánh căn), Ấn (các loại linh ấn, thủ ấn để hiệu triệu quỷ thần).

Trong đó các khái niệm sau:

Bùa (hay còn gọi là Linh Phù, Lệnh Phù) là gì? 

Đây chính là những ký hiệu, những hình vẽ được thể hiện trên các loại chất liệu khác nhau như: Nước, mực, hoặc có thể là khói hương, thậm chí có khi là cát, đậu ..v..v, Các nét vẽ của những đạo bùa có nguồn gốc từ ngôn ngữ Đà La Ni (một dạng văn tự của cõi trời và dùng cho tất cả các cõi nước trong Tam Giới), loại ngôn ngữ và văn tự này là một dạng ngôn ngữ của Tưởng Thức (tức thông qua tâm tưởng để giao thức, chứ không phải âm thanh như cõi người chúng ta).

Về sau các loại chữ bùa bị biến tấu thành một số dạng biến thể của văn tự nơi nhân giới như là (Phạn tự, Hán tự, Tích Lan tự, hay Thái tự…v…v), nhưng ở Việt Nam ta đa phần sử dụng biến thể của Hán tự (do chịu ảnh hưởng từ loại văn tự này trong đời sống, học thuật và một phần do sự chuyển biến của những người theo Đạo Giáo (Tiên Gia) của Trung Quốc.

Để vẽ ra một đạo bùa không phải chỉ là việc chú trọng hình vẽ đẹp xấu ra sao hay các nét vẽ có đầy đủ nguyên trạng của khai thủy ban đầu hay không, mà điều quan trọng nhất để làm nên Linh Lực của một đạo bùa chính là Đạo Hạnh của người dụng bùa ấy.

Cùng một nét vẽ, cùng một đạo bùa, nhưng ông thầy vẽ lại có Linh Lực, còn đệ tử mới học vẽ dù rất tỉ mỉ, trau chuốt nhưng lại chẳng có ứng linh.

Linh Lực là gì?

Tức là sự ứng nghiệm tâm linh của một loại huyền thuật nào đó tạo ra sức mạnh, thí dụ khi đệ tử môn phái Thất Sơn họ dụng huyền thuật để gia trì cho thân thể đao kiếm bất nhập, bất xâm thì họ thủ ấn và đọc chú, tâm trí của họ đã đi vào một dạng thức (gọi là Hằng Thức – tức là sự nhận thức theo đường mòn, theo lối rãnh mà chư vị tổ sư hoặc các vị quỷ thần có thể chi phối được.

Khi đó Linh Lực đã được gia trì, cơ thể tuy là xương, là thịt, nhưng đao thương bất nhập, thủy hỏa bất xâm, những điều đó nếu là lúc bình thường chưa hô thần nhập xác thì không thể nào người đó có thể làm được, đó là một dạng của Linh Lực.

Đạo Hạnh là gì? 

Đạo hạnh của một người tu học Huyền Thuật là gì? Đó chính là việc giữ gìn giới luật của môn phái đó, và phát huy những kiến thức học được để cứu người, giúp đời, người nào giúp được càng nhiều người, gieo tạo được càng nhiều công đức thì Đạo hạnh càng cao sâu, tất nhiên bên cạnh đó họ cũng phải thực hành thường xuyên các pháp ấn, thủ lệnh để tạo giao thức với cõi giới vô hình

Đạo Hạnh không phải được đong đếm bằng thời gian nhập phái hay khả năng sử dụng thuần thục các pháp ấn bổn môn, mà nó chính là công đức và hạnh nguyện của vị Đạo sĩ đó. Nếu người nào làm việc ác nhân, dùng những kiến thức học được để hãm hại người ngay, mưu cầu tài vật thì đạo hạnh tự sẽ mất đi, khi đạo hạnh mất đi thì Linh Lực cũng không còn nữa.

Như vậy thì các thầy bà tuy miệng xưng hô mình là thánh này thần nọ mà mưu lợi bất chánh hay là hãm hại người ngay thì có tin được không? Hoàn toàn không thể tin được, bởi vì cho dù thật sự họ có học được vài ba tiểu pháp để mà giúp đời, tu tập đi nữa nhưng nếu dùng không đúng lúc, đúng chỗ thì nó cũng không có chút Linh Lực nào cả, cho nên chẳng cần phải lo lắng.

Thần Chú là gì? 

Đây là một dạng mật ngữ (ngôn ngữ bí mật), mà bên trên tôi đã có nói qua đó chính là dạng ngôn ngữ Đà La Ni.

Kỳ thực thì như đã nói ngôn ngữ Đà La Ni chính là dạng Tưởng Thức, tức là giao thức thông qua tâm tưởng thì sao lại có Thần Chú (một dạng của âm thanh), đó chính là bởi vì người dụng huyền thuật không phải ai cũng có thể học được ngôn ngữ này, cho nên các bậc Thánh, Thần mới truyền thụ một dạng Mật ngữ, mà khi đọc lên thì tâm thức của người đọc tự sẽ được chuyển hóa về theo lối mòn tưởng thức ứng tế.

Thí dụ thay vì gọi Sơn Thần thì người sử dụng huyền thuật có thể triệu Sơn Thần bằng các tưởng thức, tức vẽ Linh Phù dán vào tản đá, rồi tâm tưởng đến ông ấy xuất hiện ông ấy liền xuất hiện, nhưng nếu người đó dụng Mật ngữ, mà là người tu học Mật Tông thì có thể dùng câu chú:

Ọm, Cin cư hi ta, cin cư um ba hi ta, umbalama.

Tạm dịch là (Ấn, sơn thần ngự, sơn thần xuất ngự, chuyển).

Thần chú thì ngày nay khá phổ biến do trong Phật Giáo Mật Tông hay Đại Thừa Bắc Tông đều có rất nhiều bài chú như là ( chú đại bi, chú vãng sanh, dược sư tâm chú, bảo kiếp ấn đà la ni, hay như câu chú phổ biến nhất trong Mật Tông là “ọm pani pad me hùm”…v…v.).

Ngải là gì? 

Là phương thức sử dụng huyền thuật tổng hợp, giữa “Bùa” và “Chú”, thông qua một vật chất trung gian, người ta thường gọi đó là Ngải,

Ngải có thể là một phần động vật “như nanh heo, nanh hổ, sừng trâu, sừng hươu, có khi là râu hổ…v…v”, hoặc có khi là một phần của thực vật (như một nhánh lan rừng, địa lan, huệ, hay nghệ, rừng…v…v.. (đa phần người đời biết đến loại ngải này nhiều hơn).

Tuy nhiên người ta lại nghĩ rằng Cây Ngải tự nhiên sẽ có linh lực, và người muốn nuôi ngải lại xin nhánh, xin cây con về để mà trồng, có rất nhiều loại ngải, tùy từng mục đích khác nhau mà người ta trồng và luyện ngải khác nhau. Nhưng phần lớn là sự truyền miệng dân gian và sự thêu dệt, đồn thổi của nhiều người tự xưng là thầy bà, chứ còn việc luyện ngải kỳ thực vô cùng gian khó. Phần lớn chỉ do những người theo Ẩn Phái TulTra (Án Xiêm La) tu luyện để sử dụng trong các lần thi triển giữa các môn đồ vời nhau

Về sau thì người ta lại thổi phồng và thương mại hóa loại Huyền Thuật này thành các giai thoại về Ngải Yêu, Ngải Cầu Tài, Ngải Nghe, Ngải Nói …. …v..v.

Như vậy Ngải là việc người tu luyện yểm bùa vào vật trung gian (động, thực vật, hay có khi là các loại vật chất khác như vải vốc, đồ trang sức, son phấn nữa), sau đó họ trì chú cho ngải để kết nối linh tánh, các loại động thực vật họ chọn đều là loại có linh căn rất mạnh, việc trì chú cho Ngải đã được yểm bùa người ta gọi đó là “Luyện Ngải”.

Như vậy thì bản thân của cái cây Ngải, hay Miếng ngải là hoàn toàn không có ý nghĩa gì, cái chậu địa lan vẫn là chậu địa lan, chậu huệ vẫn là chậu huệ, không phải hễ mang nó về đốt nhang khấn vái này nọ là nó đã là ngải đâu, điều này là mê tưởng, mọi người nên thấu suốt lẽ này mà đừng tin nghe các ông thầy bùa, thầy ngải thêu dệt lừa gạt trục lợi. Việc luyện ngải ra sao tôi sẽ để cập ở phần sau.

Linh Căn là gì?  

Linh Căn hay Linh Tánh, cũng có khi người ta gọi là Tánh Linh, tức là chỉ đến khả năng giao thoa giữa người nào đó, hoặc vật nào đó với thế giới vô hình.

Thí dụ người ta nói loài Linh Miêu có Linh Tánh rất mạnh, loài Chó Mực có Linh Căn rất mạnh nên có thể cảm thụ được sự tồn tại của các vong linh, cái đó gọi là Linh Căn.

Ấn là gì? 

Nói tới Ấn người ta nghĩ ngay đến Thủ Ấn (tức là việc kết ấn bằng tay), nhưng kỳ thực đó chỉ là sơ ấn (loại ấn sơ căn), còn việc dụng ấn của các vị đại pháp sư, tu luyện đắc hạnh người ta dụng ấn bằng (Nhãn ấn, Tâm Ấn).

- Thủ Ấn là gì? 

Là việc dụng hai tay để kết lại thành một biểu tượng hoặc một ký hiệu riêng biệt của từng môn phái, từng loại huyền thuật khác nhau sẽ có thủ ấn khác nhau, thủ ấn vô cùng phong phú, đa dạng, mục đích của thủ ấn không chỉ là ký hiệu bên ngoài để phân biệt được đó là tông phái nào, đang sử dụng loại pháp thuật nào, mà nó còn là cách để kết tinh linh khí bên trong người vị pháp sư đó.

Nếu bình thường thì oai lực thần khí trong thân thể không được kết nối lại, người tu học vẫn chẳng khác người phàm phu, nhưng khi kết ấn lại, dụng tâm tưởng tổ, hay dụng tâm tưởng pháp thì linh khí trong thân thể được hội tụ người đó đã có thể sử dụng oai lực, linh lực để thực hiện một loại huyền thuật nào đó. Trong Mật Tông cúng có rất nhiều loại Thủ Ấn này, nhưng phổ biến nhất là Đạo Giáo – Tiên Gia.

- Nhãn Ấn là gì?

Là việc kết ấn bằng nhãn quang, tức là khi đó người tu luyện sẽ dùng thần nhãn để kết ấn bằng cách vẻ một hình ảnh bằng ánh mắt trên nền khói của nén hương hay ngọn lửa, ấn kết lại thành hình để hội tụ thần khí, linh căn bên ngoài. Nếu như việc Thủ Ấn là để hội linh bên trong thì việc kết Nhãn Ấn được hiểu là để hội linh bên ngoài (Tức là để hiệu triệu quỷ thần, binh tướng về mà thực hiện một việc nào đó.

- Tâm Ấn là gì? 

Đây chính là thượng đẳng linh ấn, kết ấn bằng tâm thức, hội tụ cả linh tánh bên trong và thần khí bên ngoài, xưa nay chỉ có bậc truyền thừa của Tông Phái đó mới được truyền dạy các kết Tâm Ấn, ngoài ra nó còn phụ thuộc vào đạo hạnh và sự lĩnh hội của người được trao truyền Tâm Ấn.

Một người được truyền Tâm Ấn chính là người được chư vị Tổ Sư chọn làm người kế thừa đời tiếp theo, ngược lại nếu một người được chọn làm người kế thừa môn phái mà chưa lãnh hội được Tâm Ấn thì xem như đó chỉ mới là người giữ giáo để truyền lại đời sau, khi có người ngộ nhập được Tâm Ấn đó thì mới chính thức được coi là vị Tổ tiếp theo của Tông Phái Huyền Môn ấy 

Các khái niệm khác: 

  • Huyền Sinh: Cách gọi các môn sinh của các Tông Phái Huyền Thuật.
  • Huyền Môn: Chính là cách gọi chung của các môn phái có sử dụng huyền thuật. Tuy nhiên, nếu chỉ mới là sử dụng huyền thuật thì chưa thể được gọi là huyền môn, mà Tông phái đó phải có THỜ TỔ, HIỆU KỲ, ẤN PHÁI nữa mới gọi đó là Huyền Môn.
  • Tổ Sư: Tức là người sáng lập Tông Phái và những đời kế thừa tiếp theo gọi chung là Chư Tổ, một môn phái được gọi là huyền môn thì phải có Chư Tổ gia hộ, có thờ tổ sư như là bậc thượng tôn chính yếu của bổn giáo.
  • Hiệu Kỳ: Tức là cờ hiệu của giáo phái đó, nhìn cờ biết đó là môn phái nào, hiệu kỳ xuất hiện trên các lễ pháp và trong các loại Linh Phù như một loại ký hiệu riêng của môn phái đó.
  • Ấn Phái: Đây là một cách thủ ấn hoặc tâm ấn, nhãn ấn riêng biệt của môn phái đó, thí dụ Mao Sơn có cách thủ ấn riêng khác hơn so với Thất Sơn trong nghi thức Bái Tổ - lạy chào Tổ Sư khi bắt đầu một việc nào đó có liên quan đến huyền môn.

Trích - Huyền Môn Yếu Lược