04/06/2021 11:39 View: 126699

Hướng dẫn cách tụng chú đại bi tại nhà ĐÚNG nhất

Chú Đại Bi là một bài chú trong nhà Phật. Có rất nhiều quan niệm cho rằng tụng Chú Đại Bi hàng ngày sẽ được các vị thần bảo vệ và giúp chúng ta thoát khỏi những khổ nạn trong cuộc sống. Vậy quan điểm về sự linh ứng của Chú Đại Bi có đúng không?
Chúng ta nên trì tụng Chú Đại Bi tại nhà như thế nào để được chư thiên gia hộ?

nghi thuc tung chu dai bi tai nha

Chú đại bi là gì?

Thần chú Đại Bi được phát xuất từ kim khẩu của Bồ tát Quán Thế Âm. Thường được gọi là thần chú, linh chú. Bởi vì ai tin và thành tâm hành trì thần chú này thì bản thân người ấy đã có đủ Đại bi tâm.

Thần chú nầy do Bồ tát Quán Thế Âm nói ra và được chư Phật ấn chứng mà gần nhất là đức Thích Ca Như Lai Từ Phụ của chúng ta nghe và đức Thích Ca cũng ấn chứng. Chú Đại Bi có nhiều tên khác nhau như:

  • Quảng đại Viên mãn
  • Vô ngại Đại bi
  • Cứu khổ Đà la ni
  • Diên thọ Đà la ni
  • Mãn nguyện Đà la ni
  • Diệt ác thú Đà la ni
  • Phá ác nghiệp chướng Đà la ni
  • Tối siêu thượng Đà la ni,..

Những danh hiệu trên đây, đức Phật đã trực tiếp hướng dẫn cho ngài A Nan và Đại chúng biết. Nguyên Thần chú nầy tên rất dài: “Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát Quảng đại Viên mãn Vô ngại Đại bi tâm Đà la ni thần chú”. Bài chú gồm có 84 câu.

Căn cứ vào sự ghi chép trong kinh điển (kinh Đại bi tâm Đà La Ni, bản dịch Thích Thiền Tâm), lúc ấy Bồ tát Quán Thế Âm sau khi nghe đức Phật hướng dẫn, Ngài liền phát nguyện trì tụng liên tục bài chú và ngài phát đại nguyện: Cầu cho kiếp sau phổ độ hết thảy chúng sanh đều được an lạc và mong cho Ngài có được ngàn cánh tay, ngàn con mắt để cứu vớt muôn loài.
Sau khi phát nguyện xong, phút chốc, toàn thân ngài đã đầy đủ cả ngàn tay, ngàn mắt; tất cả mười phương đều chấn động và mưa hoa cúng dường. Chư Phật cũng phóng hào quang rực rỡ, soi khắp đó đây. Từ đó, Thần chú này mới có nhiều danh hiệu như vậy.

Đức Phật bảo ngài An Nan rằng: Kết quả có được của Bồ tát Quán Thế Âm là do sự phát đại thệ nguyện vì chúng sanh.

Tác dụng của thần chú đại bi?

Niệm Kinh, niệm Chú, niệm Phật cũng đều mục đích như nhau để tam nghiệp hằng thanh tịnh. Khi tâm mình thanh tịnh tức tâm bình, tâm bình tạo ra thế giới bình “tướng tự tâm sanh,” mây tan thì trăng tự nhiên hiển bày tỏa sáng.

Khi chúng ta niệm chú một cách nhất tâm thì sẽ đoạn trừ được phiền não.

Đây là kinh Chú Đại Bi
Oai linh thần chú chẳng chi sánh bằng
Trong kinh có nói rõ rằng
Ai trì tụng chú toại hằng ước mong

Ai đang vất vả long đong
Chí tâm tụng chú thong dong cuộc đời
Tám mươi bốn vị Phật Trời
Hoá thân ở tám bốn lời trong kinh

Không tụng thì chú chẳng linh
Tụng đi sẽ thấy thật minh vô vàn
Ngày đêm năm biến tàn tàn
Lâm chung được đến bến ngàn lạc bang

Mỗi lần gặp cảnh trái ngang
Tôi trì tụng chú bình an tới liền
Bà con ở khắp mọi miền
Hãy mau tụng chú thấy liền oai linh.!

Những ai phát nguyện nhất tâm trì tụng thì sẽ được tiêu trừ tội chướng trong đời này và kiếp vị lai. Trong giây phút lâm chung, nếu mình tự niệm hoặc được thiện tín thành tâm hộ niệm thì sẽ được vãng sanh hoặc đến quốc độ mà mình muốn đến. Có đức Phật A Di Đà và chư vị Bồ tát thùy từ tiếp dẫn.

Tụng chú đại bi vào thời gian nào?

Hành giả nên tự mình sắp xếp thời khoá biểu thích hợp và cố định cho việc hành thiền tu tập của mình hằng ngày, vào buổi sáng hoặc buổi tối hoặc cả sáng lẫn tối. Đức Phật dạy rằng mỗi người nên hành thiền ngày hai buổi, buổi sáng sớm lúc mới rạng đông và buổi hoàng hôn lúc ngày chuyển qua đêm, còn nữa đêm thì nên thức dậy để đọc kinh. 

Đó là thời khóa biểu lý tưởng cho người tu tập, tuy nhiên nếu ta không có điều kiện thì chọn một thời khóa trong ngày cũng được. Thời gian lựa chọn để thiền định vào buổi sáng hay buổi tối rất quan trọng đối với mỗi cá nhân bởi vì có người chỉ hành thiền kết quả vào buổi sáng hoặc ngược lại. 

Kinh nghiệm cho thấy những người còn sống đời sống thế tục thì hành Thiền vào buổi sáng sớm kết quả hơn, bởi vì buổi tối sau một ngày làm việc, thể xác còn mệt mỏi, tâm hồn lại bị vướng mắc bởi bao nhiêu chuyện lo nghĩ từ chuyện gia đình đến chuyện sở làm … rất khó định tâm.

Ngoài ra, mỗi cuối tuần nên có một buổi hành lễ chung của những người trong nhóm; đây cũng là dịp để tự sám hối, trao đổi kinh nghiệm tu tập. Việc tu học sẽ tăng tiến nhanh chóng nếu ta có những bạn đồng tu, những thiện trí thức đúng nghĩa.

Nghi thức tụng chú đại bi đúng cách

Chuẩn bị trước khi tụng chú:

Một cách lý tưởng, để đạt được những công năng mà thần chú mang lại, trong thời gian trì tụng, hành giả phải giữ gìn giới hạnh, đặc biệt là sát, đạo, dâm, vọng. Phải kiêng cử rượu thịt, các thứ hành, hẹ, tỏi, cùng các thức ăn hôi hám. Tốt nhất là nên ăn chay.

Khi bắt đầu tụng chú, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh. Nghĩa là quý Phật tử phải thả lỏng tâm, đừng để cơ thể, đầu óc căng thẳng. Nếu quý Phật tử đang có suy nghĩ hận thù, ghét, khó chịu, vui thích, lo lắng, suy nghĩ về ai đó hay điều gì, trước khi tụng chú, cũng phải nên thả lỏng tâm, xả bỏ hết những suy nghĩ trong đầu, để tâm yên tĩnh. Phương pháp thả lỏng tâm rất dễ, quý Phật tử chỉ cần chú ý đến chỗ đang căng thẳng, chỗ đang ghét yêu giận hờn, suy nghĩ trong đầu, thả ra, buông nó ra, thì tự nhiên tâm được thả lỏng.

Nên tụng chú đại bi trước ban thờ Phật tại gia. Trên bàn thờ tuy không bắt buộc nhưng nên có hoa tươi, trái cây, lư hương để cắm nhang, nước cúng. Nên để đèn sáng mỗi khi hành lễ. Có thể sử dụng chuỗi hạt gỗ để trợ lực khi trì tụng. Nếu gia đình không có ban thờ Phật thì có thể tụng trước ban thờ gia tiên.

Cách tụng chú: 

Có rất nhiều cách trì tụng chú đại bi nhưng nhìn chung thì có 3 cách cơ bản: 

  • Đọc rõ thành tiếng
  • Đọc nhép miệng, hoặc âm rất nhỏ chỉ người đọc nghe được
  • Đọc thầm trong tâm.

Mục đích của việc tụng chú là dùng âm thanh của chú, và cách đọc chú làm cho tâm trong sạch, không còn phiền não, không còn suy nghĩ lăng xăng trong đầu, nhờ đó tâm được định tĩnh. Khi tâm được định tĩnh, đây được gọi là giải thoát, nghiệp chướng tiêu trừ. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh lúc bắt đầu trì chú mà quý Phật tử có thể chọn 1 trong 3 cách trên.

Nghi thức ngồi để tụng chú đại bi:

Hành giả ngồi xuống theo tư thế kiết già nhưng nếu gặp khó khăn thì có thể ngồi theo cách thức bán già (ngồi xếp bằng, chân phải gác lên chân trái hay ngược lại), lòng bàn tay để ngửa hướng lên trên, bàn tay mặt để lên trên bàn tay trái, hai đầu ngón cái đụng vào nhau. Mắt nên mở hé, nếu nhắm hẳn thì dễ rơi vào trạng thái hôn trầm, nếu mở lớn thì khó định tâm. Điều chỉnh thế ngồi, lắc vai, lay chuyển thân thể chừng 5 lần, sửa xương sống cho ngay, chuẩn bị cho mình một thế ngồi thoải mái.

Rải ba tiếng chuông.

Lắng lòng thanh tịnh theo tiếng chuông ngân, hành giả thanh lọc nội tâm, tiêu trừ các tội chướng thân khẩu ý để bắt đầu bước vào nghi thức tụng chú đại bi.

Trước khi đến bàn Phật phát nguyện tụng thần chú Đại bi, người Phật tử đọc bài:

Kính lạy Quan Âm chú đại bi

Sức nguyện rộng sâu thân tướng đẹp

Ngàn mắt quang minh khắp chiếu soi

Ngàn tay trang nghiêm khắp nâng đỡ

Nơi tâm vô vi khởi lòng bi

Trong thể chân thật tuyên lời mật

Hay cho đầy đủ những mong cầu

Hay khiến dứt trừ nhiều tội nghiệp

Thiên long các thánh đều từ hộ

Muôn ngàn tam muội đã huân tu

Thân thọ trì là quang minh tràng

Tâm thọ trì là thần thông tạng

Rữa sạch trần lao khơi bể nguyện

Mở môn phương tiện đến bồ đề

Nay con khen ngợi thệ quy y

Nguyện chổ mong cầu được thành tựu

Nam mô Hiển Thánh Viên Thông Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (3 lần)

Tiếp theo tụng thần chú Đại bi: 

 

Khi dứt bài thần chú Đại bi, thì niệm:

Nam mô Hiển Thánh Viên Thông Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (3 lần, tiếp tụng bài kinh Bát nhã, niệm Phật, hồi hướng, tự quy y, lui ra khỏi bàn Phật) – Hết.

Nên niệm chú đại bi bao nhiêu biến? 

Tùy thuộc vào ý định và bổn nguyện tụng bao nhiêu biến chú của mỗi người, việc lựa chọn số lần tụng chú sao cho phù hợp. 

Thường thì thần chú Đại bi được các Phật tử cư gia đến trước bàn thờ Phật tụng từ 3 biến đến 21 biến. Số lần tụng chú không được quá nhiều và cũng không được quá ít. Tụng chú là quá trình điều khiển tâm từ đang loạn động, suy nghĩ lăng xăng trở nên định tĩnh, thư thái dễ chịu.

Tụng lớn tiếng (cao thinh trì), không có chuông mõ cũng được – nếu không có điều kiện thì niệm nhép miệng (kim cang trì), hay niệm thầm (niệm bằng tâm ý gọi là mặc trì), chủ yếu làm sao giữ thân trang nghiêm, khẩu đọc chú, ý không tán loạn để trì tụng thần chú sẽ đạt đến chánh niệm.

Không vừa lái xe, vừa học... vừa niệm chú

Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ yêu cầu chúng ta hai điều mỗi khi trì tụng chú Đại Bi, đó là thành tâm và không mưu cầu những việc bất thiện. Điều này cho phép hành giả có thể trì tụng bất cứ lúc nào mà điều kiện cho phép. Với tâm thành, tâm chúng ta lúc đó sẽ hòa nhập vào lời trì tụng để cùng thể nhập vào pháp giới, mười phương chư Phật. Bởi vì Bồ Tát đã cho chúng ta biết, mỗi lần trì tụng thần chú Đại Bi, thập phương chư Phật đều đến chứng minh.

Nhưng niệm chú là niệm chú, đi xe là đi xe, đó là 2 công việc – vừa niệm chú vừa đi xe là tạp niệm – không có lợi trong việc trì tụng thần chú đại bi. Tốt hơn hết là lái xe thì cứ giữ niệm lái xe tức là chánh niệm – tụng chú thì giữ niệm tụng chú đó là chánh niệm… như thế mới gọi là niệm chú Đại bi. 

Muốn cho các cháu nhỏ niệm chú đại bi: Ngoài giờ trì niệm, đến giờ học thì để cho các cháu học, dạy cho các cháu làm việc theo thời dụng biểu gia đình. Mỗi lần làm một việc, không nên cho cháu làm một lúc hai việc sẽ bị phân tâm, cháu sẽ bị rối mù lên và tâm loạn động, không còn thông minh nữa!

CON QUỶ NƠI CÂY ME

Hạnh Đoan lược kể

Bà Xuân mẹ ông Thanh đã già lắm rồi. Tuổi đại lão đáng lẽ chỉ hưởng nhàn và nghỉ ngơi. Vậy mà cả xóm xôn xao khi hay tin bà Xuân bị quỷ nhập: Con quỷ này cực kỳ hung dữ, mỗi lần nó nhập vào luôn cử động mạnh khỏe và chuyên môn đòi ăn gà.

Ông Thanh năn nỉ quỷ: Má tui già yếu lắm, không chịu nổi bị nhập hành hạ như vậy đâu, làm ơn xuất ra đi.

Con quỷ cười hô hố: Làm gà cho ta ăn rồi ta xuất.

Cực chẳng đã ông Thanh đành bảo vợ làm gà. Con quỷ ăn xong thì xuất ra. Nhưng rồi tuần nào nó cũng nhập vào bà Xuân, quậy tưng cả nhà và ồn ào đòi ăn. Nhẫn nhịn hết nổi, ông Thanh phản kháng và cương quyết không làm gà cho quỷ ăn nữa.

Thế là quỷ tuyên bố:

- Không chịu làm gà cho ta ăn thì ta sẽ giết chết gà nhà mi!

Sáng hôm sau, ông Thanh hãi hùng khi chứng kiến bầy gà mình nuôi bị lăn đùng nằm chết la liệt… chỉ còn gà con là được toàn mạng.
Con quỷ còn nhập vào xác mẹ ông, khoe khoang:

- Thấy chưa, ta vừa giết chết đám gà của nhà ngươi đấy!

Chịu hết thấu, ông Thanh đành đi thỉnh một thầy pháp chuyên trị ma. Nghe đồn thầy này rất giỏi. Thầy tới, con quỷ vẫn ngồi trên ván, tỏ vẻ ngông nghênh, ngó thầy nửa mắt, nó cất giọng đàn ông khàn khàn thách thức:

- Làm gì được ta nào? Ta không sợ trời, không sợ Phật. Trời đánh ta còn không chết, có phép gì giỏi hãy cho ta xem?

Con quỷ xưng nó là giao liên, bị địch treo lên cây me đầu làng xử bắn, khiến nó bị gãy một chân và chết. Giờ nó thành là quỷ cụt giò, không biết ngán hay sợ bất cứ gì.

Thầy lập bàn hương án, vẽ bùa, vòng tay đi đường quyền như các đạo sĩ hay diễn cách tập trung năng lực trong phim, rồi thầy hướng về phía con quỷ chưởng một cái… (lúc này mọi người bu xem đông nghịt ngoài cửa) ai cũng thấy tuy thầy chưởng vô hình, nhưng áo bà Xuân lai bị hất tung lên rất mạnh. Con quỷ liếc mắt nhìn chỗ bị chưởng trên thân mình, cười khẩy, rồi tỏ vẻ thản nhiên khinh thường.

Thầy bèn rút ra một lá bùa, vừa vẽ vừa đọc chú, xong thầy tiến tới đặt trên đầu bà Xuân.

Mọi người đều thấy khói đen bốc nghi ngút trên đầu bà Xuân, con quỷ hét một tiếng rồi xuất ra, bà Xuân ngã xuống xỉu, hồi lâu tỉnh dậy, bà lộ vẻ yếu lão như thường ngày và hoàn toàn không nhớ gì.

Thầy bảo gia đình ông Thanh:

- Con yêu tinh này do là quỷ lâu năm nên hung tợn lắm. Sức tôi không trị nổi hắn. Tạm thời bùa của tôi chỉ có thể trấn áp, cản không cho nó nhập vào bà Xuân khuấy phá trong mười ngày thôi.

Nhưng qua ngày thứ 11, con quỷ sẽ trở lại và nhập vào tác quái, chừng ấy quý vị hãy đi tới chùa X mà thỉnh chư Tăng đến thu phục nó.
Nói xong thầy cuốn gói từ giã, nhất quyết từ chối không chịu lấy một xu.

Đúng như lời thầy phán, sau mười ngày yên ổn thì con quỷ lại nhập vào tiếp. Lần này ông Thanh vội đến chùa X, kể lễ tình cảnh nhà mình và xin Sư trụ trì mở lòng từ bi cứu giùm mẹ ông.

Khi Sư trụ trì tới, con quỷ vẫn ngồi trên ván ngó Sư nửa mắt tỏ vẻ khinh thường và tuyên bố:

- Có phép gì giỏi thì bày ra hết đi! Ta đây không ngán ai, dù là trời hay Phật gì ta cũng chả sợ!

Thầy bèn gọi điện thoại, lịnh cho hai đệ tử mang tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và tượng Hộ pháp tới.

Khi hai đệ tử thỉnh tượng tới, cả ba thầy trò cùng lập bàn hương án, trân trọng làm lễ cung thỉnh chư Phật, Bồ tát, hộ pháp xong, thì đồng tụng chú Đại Bi. Mới đầu con quỷ còn tỏ vẻ ngông nghênh, sau đó nó hét lên:

- Trời ơi, nhức đầu quá! Đừng tụng nữa! Đừng đánh nữa! Tôi sợ rồi!

Lúc ấy con quỷ tỏ vẻ rất sợ hãi, hai tay nó ôm đầu, không ngừng rên rỉ, van xin thầy đừng tụng nữa.

Thầy hỏi: Bây giờ có chịu về chùa nghe kinh, tập tu… để siêu thoát không?

Con quỷ liền nhào tới trước tượng Quan Âm, lễ như giã gạo, mồm rối rít thưa:

- Con chịu! Con chịu! Con sợ rồi! Con xin theo Sư về chùa tu. Từ nay không dám quậy phá nữa, xin hãy tha cho con! Xin đừng tụng nữa!
Vừa nói nó vừa lạy tượng Quan Âm không ngừng.

Thế là con quỷ ngoan ngoãn theo quý thầy về chùa tu. Từ đó nhà ông Thanh được yên, cảnh quấy phá không còn xảy ra nữa.

(Kể theo tâm sự độc giả và lời thuật của My Su. Chuyện có thật nhưng tên các nhân vật đã tạm đổi và địa danh không tiết lộ)
Hạnh Đoan – Post 19/7/2019

Tamlinh.org (tổng hợp)