04/06/2021 11:43 View: 21133

Khi cầu cúng, nên vái (bái) lạy như thế nào là ĐÚNG?

Trong các nghi lễ thờ cúng hay đến đình chùa miếu mạo... chúng ta thường thấy mọi người cầu khấn và vái lạy. Vậy việc vái lạy như thế này có ý nghĩa gì? Tại sao lại phải vái lạy? Vái lạy thế nào là đúng? Cách vái lạy khi đến đình, chùa, khi đến đám tang...?

cach vai lay dung, vai lay trong dam ma

 Khi thắp hương lên ban thờ Gia Tiên hay thắp hương khi đi Đền Chùa các bạn vái lạy thế nào? Tay chắp thế nào, để vị trí ở đâu, quỳ chân tay như thế nào...?

Vái là gì? 

Vái thường dùng trong tư thế đứng (có thể quỳ), chủ yếu dùng khi lễ ngoài trời.

Khi Vái chắp 2 bàn tay các ngón tay này chạm vào ngón tay kia cân đối giữa 5 ngón tay từ thấp tới cao tựa như hình núi cao vững chãi, đặt ở trước ngực sau đó đưa lên ngang đầu đồng thời khom lưng xuống sau đó ngẩng lên đưa tay về lại giữa ngực (khi cúi xuống thì đưa tay lên giữa đầu còn khi ngẩng lên thu tay về trước ngực).

Tùy theo trường hợp cụ thể mà số lượng vái khác nhau.

Lạy là gì?

Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính biết ơn chân thành bằng tất cả tâm hồn và thể xác cùng hòa quyện vào đối với người quá cố và bậc trên của mình. Lạy có 2 tư thế đối với nam và nữ khác nhau:

Tư thế lạy của Nam khi cúng lễ 

Tư thế đứng thẳng nghiêm túc, chắp tay trước ngực giống như vái sau đó dơ cao lên trán, cúi người xuống đồng thời đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt đất thì xòe 2 bàn tay đặt nằm úp xuống. Đồng thời quỳ gối bên trái rồi quỳ gối bên phải xuống đất (chân nào thuận thì quỳ chân đó xuống trước, khi đứng lên cũng vậy), rồi cúi đầu xuống gần 2 bàn tay (thế phủ phục).

Sau đó cất người lên đưa 2 bàn tay lại chắp để trên đầu gối bên trái, nhấc đầu gối chân trái lên trước đồng thời nhấc chân phải lên đứng theo tư thế nghiêm như ban đầu. Cứ như vậy mà lạy cho đủ số lạy (tùy vào trường hợp mà số lạy khác nhau). Khi lạy xong thì vái 3 vái rồi lui ra.

Tư thế lạy của Nữ khi cúng lễ

Cách 1:

Tư thế khi lạy theo cách ngồi trệt xuống đất để hai chân vắt chéo về bên phải, bàn chân phải thường ngửa lên để ở phía đùi chân trái. Sau đó chắp 2 bàn tay lại để trước ngực, rồi đưa tay cao lên ngang tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó rồi cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm đất thì thì đưa 2 bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu chạm lên 2 bàn tay.

Sau đó dùng lực 2 bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp 2 bàn tay trước trán đưa xuống ngực như tư thế ban đầu. Cứ như vậy mà lạy tiếp cho đủ số lạy, khi lạy xong đứng lên vái 3 vái rồi lui ra.

Cách 2:

Tư thế quỳ 2 đầu gối xuống chiếu, đặt mông ngồi lên 2 gót chân và các bước tiếp theo làm giống như cách 1.

Cung bai vai lay

Ý nghĩa số lần vái và lạy

Vái lạy không chỉ dùng cho người đã khuất mà còn dùng cho những người đang còn sống, theo tục lệ ngày xưa ở miền Bắc thời còn phong kiến khi con dâu về nhà chồng phải lạy cha mẹ chồng, vái lạy quan trên hay vua chúa ngày xưa hoặc khi làm lễ mừng thọ sẽ có lễ người sống lạy người sống.

Hai lạy hai vái

Hai lạy: dùng để áp dụng cho người sống như trong trường hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ, đi phúng điếu, nếu là vai dưới của người quá cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em... ta nên lạy hai lạy.

  • Hai vái: Trường hợp người quá cố còn để trong quan tài tại nhà, những người đến phúng điếu nếu là vai trên của người quá cố như các bậc cao niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì... của người quá cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi.
  • Ba vái: Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên là lời chào kính cẩn, chứ không có ý nghĩa nào khác.
  • Bốn vái: Khi quan tài đã được hạ huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố bốn vái. Theo nguyên lý âm dương, khi chưa chôn, người quá cố được coi như còn sống nên ta lạy hai lạy. Hai lạy này tượng trưng cho âm dương nhị khí hòa hợp trên dương thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy bốn lạy.

Ba lạy ba vái khi đi lễ Phật

Ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, và Tăng.

  • Phật ở đây là giác, tức là giác ngộ, sáng suốt, và thông hiểu mọi lẽ.
  • Pháp là chánh, tức là điều chánh đáng, trái với tà ngụy.
  • Tăng là tịnh, tức là trong sạch, thanh tịnh, không bợn-nhơ.

Bốn lạy bốn vái

  • Bốn lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm).
  • Bốn lạy bao gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú ngụ.

Bốn vái dùng để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp dụng thế lạy.

Năm lạy năm vái cho vua chúa ngày xưa

Năm lạy tượng trưng cho ngũ-hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, và thổ), vua tượng trưng cho trung cung tức là hành-thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý kiến cho rằng 5 lạy tượng trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung ương, nơi nhà vua ngự.

Ngày nay trong lễ giổ Tổ Hùng Vương, quí vị trong ban lễ thường lạy 5 lạy vì Tổ Hùng Vương là vị vua khai sáng giống nòi Việt. 5 vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thời gian để mỗi người lạy 5 lạy.

Hướng dẫn cách vái lạy đúng: 

Để ngắn gọn dễ hiểu hơn, Tamlinh.org xin hướng dẫn cách vái lạy đúng như sau:

  • + Lễ Phật: Vái (hoặc lạy) 3 lần tượng trưng lạy tam bảo: Phật - Pháp - Tăng.
  • + Lễ vong: (đã khâm niệm, chưa an táng) 2 lần tượng trưng cho Âm Dương nhị khí.
  • + Lễ vong: đã chôn dưới mộ: 4 vái (hoặc lạy) tượng trưng cho Tứ Đại: Thổ, Thuỷ, Phong, Hoả. Với ý nghĩa: thân tứ đại nay trả về cho tứ đại, trở về cát bụi.

Ghi nhớ: 

Khi vái lạy trong các nghi lễ thờ cúng hay trong đám tang, ma chay hiếu hỉ....không chỉ là bạn đang thực hiện nghi thức theo các cụ xưa, đây còn là đạo nghĩa của con người tiến bộ. Việc kính cẩn thành tâm vái lạy như một sự giao cảm với bề trên, tỏ lòng tôn kính, ghi ơn và tưởng nhớ. 

Cách vái lạy đúng mực không những có giá trị về hình thức mà đôi khi còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh. Ngay từ khi tu dưỡng đạo đức làm người, chúng ta đã phải học cách bái lạy. Đây được coi là một nghi thức, cũng là truyền thống cao đẹp, thấm sâu vào tâm thức con người Việt từ bao đời.

Tuy nhiên, cũng không quan trọng quá vào việc đi cúng ở đâu thì vái bao nhiêu vái, lạy bao nhiêu lạy? Nhỡ vãi nhiều hơn vài cái, lạy nhiều hơn vài lạy thì có thất kính, có gây tội gì không? KHÔNG, HOÀN TOÀN KHÔNG. 

Tâm thành, thiện lương dù không vái lạy cái nào cũng đều được chứng. Người sống là cái gốc. Khấn cầu lễ bái là cái ngọn.

  • Sống đủ đức đủ thiện, đủ cống hiến đủ nỗ lực. Thì khấn cầu sẽ đem lại những điều may mắn
  • Sống lỗi đạo sống thiếu đức sống ác sống vụ lợi. Thì khấn cầu sẽ chỉ mang bệnh vào thân.

Gốc táo sẽ mọc ra quả táo còn gốc cỏ thì sẽ luôn mọc ra ngọn cỏ. 

Tamlinh.org (tổng hợp)