04/06/2021 11:46 View: 17872

Hầu đồng, trình đồng mở phủ hết bao nhiêu tiền?

Chi phí hầu đồng là điều mà rất nhiều người quan tâm. Một khoá hầu đồng hết bao nhiêu tiền? Chi phí khai hồ mở phủ, xuất thủ trình đồng hiện nay hết bao nhiêu? Tâm đức của người thầy? Đạo thầy trò trong đạo Mẫu?.. Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

chi phi hau dong, mo phu trinh dong

Đồng thầy phải có lệnh khai hồ mở phủ

Trên theo ý Thánh, người đồng thầy mở phủ phải có lệnh mở phủ nhà Thánh gọi là lệnh khai hồ. Lệnh này của nhà Thánh gia ân cho phép thì mới có thể soi căn nối quả, dẫn trình cho đệ tử gia nhập cửa Thánh (mở phủ). Rồi thì tuỳ duyên tuỳ nghiệp, tuỳ căn cơ người cậy sở, sau khi soi xét kỹ lưỡng mới làm lễ mở phủ trình đồng.

Người căn sâu quả nặng đa phần đều bị cơ hành nhiều bề, cơ âm cơ dương, cơ kinh tế ...đủ cả. Nên khi quyết định ra đồng đôi khi kinh tế cạn kiệt, sức khoẻ giảm sút, tinh thần suy sụp, rồi bệnh tật, oan gia kéo đến đòi nợ đủ kiểu... Để giúp cho những người này, đồng thầy đôi khi vì thương mà giúp, chứ tiền bạc nào mong, có khi còn mang tiền nhà ra giúp để con nhang mình có lễ mở phủ đủ đầy tươm tất.

Chứ căn quả có phải ai cũng dư dả tiền bạc đâu, đa phần là nghèo khó.

Cũng bởi ngày nay trong đàn lễ chỉ đơn sơ hay dù tốt tươi cũng bị so bì và chê bai thiếu nọ thiếu kia, lỗi nọ lỗi kia .... nên sợ con nhang sái tâm thành ra đành phải theo thời thế vậy.

Ra đồng: Xưa và nay

Thực ra xưa kia thời phong kiến các cụ cũng có hai loại con nhang:

  • - Một là giầu có và có địa vị họ căn quả và ra hầu họ có tiền và khi bắt sát là họ ra ngay.
  • - Và loại nữa là con nhang nghèo không có tiền may nổi cái áo bản mệnh mà hầu Thánh chứ đừng nói là ra mở phủ nhưng không còn cách nào, cơ đủ kiểu phải mở phủ mới yên. Những người này các thầy đều giúp, lấy chỗ cao cào chỗ thấp, mở cho dù đàn sơ lễ mỏng cũng ra và cũng biết nghiệp trọng căn thâm biết thân biết phận đâu dám so bì học đòi.

Còn bây giờ ra đồng quá dễ. Ở Hà nội thì khoảng 35 triệu mà ở quê chỉ cần 20 hoặc 25 triệu là ra đồng được.

Cũng chỉ hơn thu nhập của anh chạy xe Grap một chút là mở phủ được nên nhiều người ra đồng ngay không cần phải abc... hay quá nhờ vả thầy.

Cũng biết là khi nghèo cơ thì một đồng cũng không có chứ nói gì tiền chục triệu vì cơ thì có buôn bán làm ăn gì ra tiền đâu.

Nhưng cũng không phải tất cả. Cũng có kẻ luôn kêu nghèo khó không có tiền ra hầu..... nhưng ngày nào cũng cúng ông Facebook đi ăn đi chơi các kiểu, không chịu tiết kiệm khi biết mình căn quả mà cái thời bắc ghế kiểu gì cũng phải một mớ tiền. Chỉ nghĩ hoang phí đến khi không có tiền rồi cơ thì lại nghĩ đến và đổ cho căn quả.

Những loại ngày ăn cơm gà giỗ cha rau muống giờ nhiều lắm.

Với đồng thầy Trần Thêm khi dẫn đạo thì: Ai lên tôi nhờ mở phủ mà kêu không có tiền tôi bảo thầy kêu cho con yên một chút chịu khó đi làm Grap 3 tháng tiết kiệm rồi lấy tiền đó mà mở, thiếu thầy cho đừng kêu không có tiền mở phủ. Còn muốn mở ngay bây giờ không tiền thì tờ vàng cánh sớ mã tranh khẩu thịt lên đây tôi mở. Chỉ sợ không chịu được lại chỉ ba ngày có người bảo thiếu nọ thiếu kia thầy làm không đúng phép abc....rồi vẫn tính đó không đi làm hay không tiết kiệm chỉ muốn lộc ở trên trời rơi xuống hay cờ bạc... thì chả thay đổi được gì, rồi lại nghe người ta nói “mở phủ thiếu nọ kia”, “thế mà là mở phủ à???” ... rồi lại bỏ thầy sớm. Còn đã có đồng thời nay ai cũng khổ.

Hầu đồng hết bao nhiêu tiền?

Nếu tính sơ sơ chi phí sẽ như thế này:

  • - Mã đẹp ít nhất 7.700.000 một dàn mở phủ bao gồm tất cả
  • - Mã xấu và thiếu 4.500.000 một dàn mở phủ bao gồm tất cả
  • - Nhà đền đồ cúng và cỗ ít nhất 2.000.000
  • - Cung văn 2.000.000
  • - Pháp sư cúng hai ngày 2.000.000
  • - Cau 300 đến 500 nghìn
  • - Hoa từ 200 nghìn đến 2.000.000 tùy từng loại
  • - Hoa quả rẻ 500 nghìn
  • - Mâm phủ rẻ 500 nghìn
  • - Phát tấu rẻ 500 k
  • - Cỗ cô 500 k
  • - Khăn áo bản mệnh tùy 250 k (loại rẻ liệu có mặc không hay phải mấy triệu)
  • - Lộc tùy nhưng cũng rẻ 1.500 k đắt thì không biết bao nhiêu.
  • - Tiền bàn loan dưới chiếu nữa, Hà Nội không ai hát mà về người không đâu, có nhờ cũng chỉ 1 vấn thôi....

Nói chung mở ở điện thì còn được chứ sang đền thì chi phí hết nhiều lắm. Ông thầy có tốt mấy thì tốt, không phải ai cũng cho tiền con nhang mà mở phủ.

Liệt kê ra vậy để các bạn thấy rằng, ở trung tâm Hà Nội giờ mà ai nhận mở phủ dưới 30 triệu là quá tốt rồi.

Vậy muốn mở phủ thì giờ này phải có tiền.

Nếu để con nhang đi vay nợ mà mở phủ thì lại không phải con nhà Thánh rồi.

Nên nhiều người thầy có đạo mà con nhang không có tiền ở các Thành phố lớn như Hà Nội thì không thể mở phủ được. Nên cũng chỉ kêu tấu cho an yên rồi khuyên đi làm ăn tiết kiệm, có đủ rồi ra.

Vậy mà lắm người thấy thầy nói vậy lại trách nọ trách kia, kêu thầy ham tiền hám bạc, thấy người nghèo chẳng mở giúp cho !!!???

Không chỉ vậy, khi đã chấp nhận mở phủ cho người, đồng thầy phải nỗ lực không chỉ là tốn công tốn sức, thời gian, tiền bạc, thậm chí phải đem cả công đức lực và tín ngưỡng lực của bản thân ra để đỡ bóng, kêu cầu tấu đối, phân định nghiệp lực oan gia cho con đồng. Cũng bởi vậy mà đa phần các thầy đều phải gánh một phần nghiệp của đồng con và gia tiên của con đồng, vì thế mà bị ảnh hưởng cả vận số, sức khoẻ của bản thân hay kinh tế tài vận gia đình đều vì thế mà bị ảnh hưởng không nhỏ, có khi nếu không tu tốt còn dẫn đến gia đình người thầy kiệt quệ khó khăn thậm chí không hạnh phúc.....

Ấy thế mà, ngày nay chẳng còn thiếu những con đồng thay thầy như thay áo, năm cha ba mẹ.

Thầy tà thầy tiền thầy lừa không có đạo không có gốc thì cũng thôi đi, không nói làm gì. Nhưng ngay cả thầy tâm đức có đạo dẫn đạo cũng khó tránh việc trong bao nhiêu đệ tử, có những người vẫn xoay khăn, thậm chí có cả những kẻ phản trắc, phản thầy hại bạn, tu không đến nơi tập không đến chốn rồi sau khi bỏ thầy thì quay ra nói xấu, bôi bác thầy mình.

Đó là sự vô ơn vô phép không thể tha thứ.

Chỉ nhắn những đồng nhân, những người còn chưa thể định tâm mà tu tập theo thầy hay còn đang loay hoay tìm thầy dẫn đạo rằng: Nghĩa thầy - trò Đạo Mẫu ta không phải chỉ một canh đàn mở phủ, không phải chỉ những lần đi lễ kêu cầu, những lần đỡ bóng khi hầu hạ dạ vâng mà là suốt quá trình tu tập của đồng nhân, một khi con đồng đủ tâm, đủ tín, đủ lễ, đủ hiếu, đủ khiêm nhường nỗ lực tu tập thì chẳng thầy nào không thương không quý, trên đường đạo ắt luôn có thầy hỗ trợ, giúp sức.

Còn khi đã không làm trọn được câu: “ Trên theo Thánh dưới theo Thầy”, lại càng không biết sai mà hối lỗi, mà tu sửa cho trọn vẹn thì bản thân tự làm tự chịu, đường tu khó tiến, đường đạo khó thành !

Đồng thầy Trần Thêm

Sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn và dẫn link từ website