Trong pháp môn tu tập sơ cơ của đạo Mẫu, các đồng thầy có nhắc đến khái niệm “thiền động”. Vậy thực chất thiền động là gì ? Các đạo khác có tu tập bằng “ thiền động “ không? Và thiền động của đạo Mẫu có gì đặc trưng và khác biệt so với các đạo khác ?
Đây là những thắc mắc rất thực tế tuy chỉ một chữ Thiền thôi ta cũng khó trả lời cho thấu tỏ cho hết được, vì vậy trong bài viết này Tamlinh.org sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời về chữ Thiền trong đạo Mẫu.
Thiền trong tu hành rất khó giải thích.
Ý nghĩa về từ ngữ thì Thiền dịch ra là: phép tu, hay chuyên chú tâm vào một cảnh. Thiền là chữ viết tắt của Thiền tông (Zen Buddhism) trong Phật giáo là lấy thanh tĩnh và vô thức để xét tỏ chân lý nhìn thấy bản chất thật của sự tồn tại mà không có sự can thiệp của “cái tôi” gọi là thiền, là thiền định. Hay các phái tu cổ xưa lấy thanh tịnh vô vi hòa hợp với tự nhiên mà nhập định để tu gọi là thiền, hay lấy tư thế để tiếp dẫn đề mục và sự kiên trì (khổ tu giả ) hay yoga gọi là thiền …. nói chung tùy tôn giáo.
- Tóm lại thiền quan tâm đến bản chất thật hơn là những gì chúng ta suy nghĩ hay cảm nhận.
- Thiền có liên quan đến những sự vật như chúng đang có, mà không cố giải nghĩa chúng.
- Thiền chỉ ra điều gì đó trước khi suy nghĩ, trước tất cả những ý tưởng của ta, hay có thể nói thiền chỉ đơn giản là tự hiểu biết.
Nhưng nếu để tổng hợp trung từ thiền trong các tôn giáo thì:
- Thiền không phải là triết học hay tôn giáo mà là pháp môn tu tập tùy tôn giáo.
- Thiền cố gắng giải phóng tâm trí khỏi sự nô lệ của lời nói của ý và sự bóp nghẹt của logic hay khuôn khổ chịu đựng, khuôn khổ thành lũy của bản thân gây dựng lên.
- Trong nhiều tôn giáo coi thiền là tĩnh tâm. Thiền không tìm cách trả lời những câu hỏi chủ quan bởi vì đây không phải là vấn đề quan trọng (trừ khi vượt qua sơ thiền vào đề mục tu hành bậc cao của các tôn giáo).
Thiền thực sự suy ra là tự thấu những câu trả lời cho những câu ta không thể trả lời được vì khả năng hạn chế của con người. Trong cuộc sống chúng ta, nó ví như là một giấc mơ, một ảo ảnh vĩ đại mà chúng ta nhận thức được thông qua bộ lọc tham chiếu, kinh nghiệm và bản ngã của chúng ta.
Đặc biệt thiền không tìm cách trả lời những câu hỏi chủ quan liên quan đến vũ trụ, siêu nhiên hay đấng tạo hóa....trừ thiền đề mục bậc cao khế hợp với pháp Thiền của các phái Mật Tông hay Ấn giáo, Đạo giáo hay tín ngưỡng đạo ta ….
Còn Thiền đối với Phật giáo chính tông nhất là mới tu thì có nghĩa là Thiền đóng cánh cửa cho hiện tượng siêu hình? Thiền không thể khẳng định hay phủ nhận chúng. Trong thiền định nhà Phật, tâm trở thành một cái hồ tĩnh lặng không bị xáo trộn, kích động và sẵn sàng phản chiếu bản chất thật của sự vật, hiện tượng. Chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng khía cạnh chân thật của chúng khi chúng ẩn nấp dưới kiến thức thông thường và sự bồn chồn của lục căn ái dục.
Thiền làm thay đổi rất nhiều điều trong cuộc sống ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể chịu trách nhiệm về trạng thái tâm trí của chính mình và thay đổi cho chúng tốt hơn.
Theo đạo Phật, hay bà la môn đây là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm, và trong các hướng dẫn của đạo Phật và bà la môn dạy rằng đó là thuốc giải độc duy nhất cho nỗi đau, những lo lắng, sợ hãi, hận thù và những rối rắm xung quanh lẫn sung sướng và hạnh phúc quá đà.
Thiền là một phương pháp để biến đổi tâm trí. Thiền quán trong Phật giáo là những kỹ thuật khuyến khích và phát triển sự tập trung, sự rõ ràng, tình cảm, và sự bình tĩnh để nhìn thấy bản chất đích thực của sự vật. Bằng cách tham gia vào một khoá thực hành thiền cụ thể, mọi người sẽ luyện tập thói quen trong tâm trí của ta, biến chúng thành những hành động tích cực trong cuộc sống.
Với thiền thường xuyên và sự kiên nhẫn, những trạng thái tâm dưỡng, tập trung của tâm trí có thể đi sâu vào các trạng thái tinh thần tích cực và tràn đầy sức sống. Những trải nghiệm như vậy có thể giúp chuyển đổi hoặc dẫn đến một sự hiểu biết mới về cuộc sống.
Thiền nhằm mục đích đưa tâm trí ra khỏi vòng luẩn quẩn tinh thần, từ đó có thể nhận thức rõ ràng và nhận ra chân lý và tâm của mình.
Những người hành thiền nhằm mục đích đạt được thông tỏ và minh tuệ thông qua cách sống của họ, bởi vì các hành động tinh thần tiếp cận chân lý mà không có tư tưởng triết học hay nỗ lực trí tuệ. Một số trường phái Thiền làm việc để đạt được khoảnh khắc giác ngộ bất ngờ, trong khi những trường phái khác thì thích một quá trình từ từ Thiền không phải là một lý thuyết, một ý tưởng hay một phần của kiến thức. Nó không phải là niềm tin, tín điều hay tôn giáo, mà đó là một thực hành kinh nghiệm thực tế.
Các lý thuyết siêu hình và pháp siêu hình, nghi thức siêu hình, phải là bậc Thiền Chân Sư có đạo hạnh của các tôn giáo mới nên quán.
Thiền trong mọi tôn giáo là một thực hành cần phải có kinh nghiệm và người hướng dẫn chứ không phải là một khái niệm mà ai cũng có thể trí tuệ hóa hay hiểu được thông qua một vài tư liệu vậy nên học tu thiền là phải có thầy dẫn.
Học tu thiền: Phải có thầy dẫn dắt
Này các tân đồng, “THIỀN”, thực ra không phải cứ nói đến thiền là ta nghĩ đến một kiểu ngồi một chỗ như kiểu kiết già hay bán kiết già hay xếp bằng trong không gian tĩnh lặng nào đó.
Nếu mới học thiền theo nhà Phật hay theo các đạo khác ngồi tư thế kiết già hay xếp bằng là khá khó khăn.
Ban đầu khi một người bước vào học thiền, cái khó nhất là có thể khống chế được suy nghĩ mông lung đủ loại vướng bận của sống thường nhật và khống chế cơ thể định được thoát khỏi ý và các cơ.
Trong thiền tĩnh, của các tôn giáo: hơi thở và quán sổ lẫn dẫn khí quan trọng trong thực hành kết hợp với tuệ tâm hay các pháp môn hành thiền chuyên sâu. Tất cả triết lý của các Đạo giáo Phật giáo hay Yoga…., thiền học đều khẳng định với chúng ta “Hạnh phúc đến từ tâm”. Làm sao để ta chuyển hóa tâm từ tiêu cực sang tích cực, từ ác sang thiện, từ đau khổ sang hạnh phúc? Các triết lý đó chỉ ra rằng cần phải học cách rèn tâm và hành tâm vào cuộc sống một cách đúng đắn.
Ví như từ xưa đến nay trong cuộc sống thường ngày chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy xã hội, phải lao động, học tập liên tục, đôi khi vì sức ép căng thẳng kéo dài cộng với những ô nhiễm môi trường xung quanh thâm nhập vào thân thể vào tâm trí, guồng máy cơ thể và linh hồn đã phải hoạt động quá mức bình thường.
Sự căng thẳng vẫn luôn tồn tại, nhưng thiền với người bình thường thì sẽ giúp chúng ta kiểm soát stress và duy trì trạng thái cân bằng.
Đó là phương pháp bổ sung, hỗ trợ rất tích cực trong việc giải tỏa những khó khăn, bức xúc trong lòng. Ngoài ra còn giúp đẩy “trung tâm cảm xúc” xuống toàn thân thể, giải tỏa áp lực từ thần hồn từ thần thức ý thức và tâm thức, để cho nó nghỉ ngơi, từ đó con người sẽ dùng nhiều hơn cảm xúc thật xuất phát từ trái tim, từ thân thể.
Thiền cơ bản giúp chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ
Thiền của các phái khác làm cơ thể tiêu hao ít năng lượng, thấy rõ nhất qua nhịp tim, nhịp thở đều giảm thấp xuống, hạn chế được sự tấn công của các gốc tự do, làm não yên tĩnh, có thể kéo dài tuổi thọ. Tư thế thiền kinh điển là kiết già. Ban đầu có thể ngồi bán già hoặc ngồi trên ghế tựa nhưng phải công phu và liên tục không gián đoạn nay tu mai bỏ.
Khi thiền, nhịp tim giảm 3 - 4 nhịp/phút nên kéo dài đời sống của tim. Một số trường hợp như huyết áp cao, biến loạn nhịp tim như ngoại tâm thu, thiền cũng giúp ổn định bệnh. Một số người bị hen, tập thiền sẽ điều chỉnh được hô hấp, cắt được cơn hen, lâu dài chữa được bệnh hen.
Người tập thiền định thâm hậu chỉ thở 3-4 nhịp/phút, có người chỉ thở 1 lần/phút. Để có hiệu quả, nên tập thiền ở nơi thoáng mát, yên tĩnh vào những giờ nhất định như sáng sớm hay tối trước khi đi ngủ (người tập thiền tốt rồi thì có thể tập ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào cũng có thể nhập thiền).
Theo y học phương Đông, thiền có tác dụng phòng bệnh do có thể tạo ra trạng thái cân bằng nội môi, cân bằng giữa cơ thể và môi trường sống, tăng cường miễn dịch, tăng đề kháng, tăng cường sức khỏe. Khi thiền, não trong trạng thái yên tĩnh, các ion của não chuyển động thấp và trật tự nhất, não lúc này dễ cảm nhận được những biến loạn cơ thể, giúp phát hiện bệnh sớm.
- Với thần kinh não bộ, thiền là một phương pháp thể dục vệ sinh tốt nhất đối với não bộ vì não được yên tĩnh, không tiêu hao nhiều năng lượng nên giảm gốc tự do, chậm lão hóa tế bào thần kinh não. Thiền giúp điều khiển một số biến loạn thần kinh não như nhức đầu cơ năng.
- Với hệ cơ xương, thiền chống được hội chứng chuột rút ở người già. Thiền lâu dài có thể chữa được bệnh đau xơ cơ tỏa lan, giúp đi lại vững chắc, không lập cập ở người già.
- Với cột sống, thiền tránh được đau cột sống lưng đối với hội chứng đau thắt lưng khi ngồi nhiều. Khi thiền với tư thế kiết già hay bán già, cột sống thẳng, không cong gấp.
- Với hệ tiêu hóa, tập thở kiểu thiền làm nhu động ruột được điều hòa, kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, tránh táo bón.
Đó là thiền hiểu một cách cơ bản, nhà Phật gọi là quán sổ, nhà Đạo gọi là quán khí, còn khi tu thiền bậc cao cấp có quán đề mục, quán liễu ngộ….. của nhà Phật hay của các tôn giáo khác để mở thông cánh cửa tâm linh với thế giới vô hình thì lại có ý nghĩa khác. Đó gần như ai trong các tân đồng khi tu tập thiền cũng hiểu.
Thiền Động là gì? Các loại thiền động?
Bản thân thiền động các tôn giáo khác cũng có chỉ khác nhau về phương pháp tu tập mà thôi.
Thiền động giống với tên gọi của nó, là dạng thiền nhưng cơ thể bên ngoài vẫn hoạt động.
Như các môn Khí công (ứng dụng vừa thiền vừa điều vận khí), Du già yoga cũng là thiền động (vừa thiền vừa tập trung năng lượng bằng các động tác, tư thế để cải thiện sức khỏe và đốt bỏ phần dư thừa).
Nhân điện cũng có thiền động (khi họ tập trung cho việc dồn năng lượng để kích hoạt điện sinh học trong người) hoặc một số dạng sa man khác của mật tông, của thần đạo nhật bản hay của vài tín ngưỡng Trung Hoa cổ sử dụng trong tu tập, trong tế lễ, trong võ thuật như thần quyền ... đó đều có thể coi là thiền động v..v… Như vậy, thiền động có rất nhiều, rất đa dạng trạng thái.
Thiền động của các phái nói chung là quá trình cơ thể tranh thủ tích lũy thêm năng lượng chung quanh (năng lượng đại địa là chủ yếu) nên đặc trưng của trạng thái thiền này là cơ thể rất nóng và các giác quan trở nên nhạy bén hơn bình thường rất nhiều, đồng thời quá trình trao đổi chất cũng hoạt động rất mạnh.
Có các môn phái tu thiền động, và khi ở trạng thái thiền động, dù họ đang ngồi yên một chỗ cũng vẫn thoát mồ hôi rất nhiều:
- Mắt nếu mở sẽ nhìn rõ hơn và xa hơn bình thường (nếu nhắm sẽ thấy cơ mắt hoạt động nhiều hơn và hay nhìn thấy quầng sáng qua vách ngăn mí mắt)
- Tai có thể nghe thính hơn và phân biệt được những âm thanh rất nhỏ
- Mũi thính hơn và có phần thiên nhạy về hương thơm hơn (trái nghiệm cá nhân của mình, người khác có thể nhạy kiểu khác)
- Lưỡi và hệ tiết dịch trong miệng cũng nhạy hơn (nhạy ngọt hơn) và cảm giác toàn thân nhạy cảm hơn rất nhiều (bất cứ thứ gì thoáng qua chung quanh đều cảm nhận rất rõ ràng và chính xác)
- Hệ vận động trở nên dẻo dai hơn và ít mỏi mệt hơn
- Hệ tiêu hóa và các cơ quan nội tạng hoạt động ổn định hơn rất nhiều
- ......
Nói chung là ngũ căn ngũ giác đều tăng trưởng v..v... trạng thái thiền động có tác động mạnh đến cơ thể bên ngoài nên nếu biết kết hợp với các loại phương pháp chữa bệnh khác sẽ giải độc cho cơ thể rất hiệu quả.
Hầu đồng: thể cao cấp nhất trong thiền động
Thực ra không cứ phải lên đồng mới là thiền động mà bình thường con người nhiều lúc vô thức cũng đã bước vào thiền. Ví như làm hay suy tư lao động sáng tạo nhập tâm vào không biết mệt mỏi đó là thiền động.
Thiền nói chung giống như một chuyến du hành vào thế giới bên trong của mỗi con người. Mỗi lần thiền là một lần mới, một cuộc phiêu lưu mới. Thiền mang lại niềm vui, năng lượng mới, không gian mới, trạng thái mới.
Hầu đồng của nhà Thánh cũng là thiền động nhưng là một thể thiền nguyên xưa và cao cấp nhất trong thiền động. Lên đồng thiền động là cuộc phiêu lưu bất tận! Thiền động là “ chu du” trong tâm thức trong tiềm thức thần thức ý thức và các phách giác đạt mức cao là vô thức!
Hầu đồng thiền động như những đồng nhân hầu Thánh, với một khoảng thời gian hầu liên tục đủ dài tùy vào căn cơ mỗi người ít nhất cũng loại được:
- Những thúc ép tạo ra sự mất cân bằng ngày càng gia tăng trong cuộc sống là sự trì trệ tinh thần và cơ thể do suy nhược về tinh thần quá độ hay thay đổi đồng hồ sinh học làm ách tắc hệ thống kinh mạch. Khi khí huyết không được lưu thông, một số bộ phận trong cơ thể sẽ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, khí chất và dần dần cơ quan đó của cơ thể tất yếu sẽ sinh ra bệnh tật.
- Hơn thế nữa, hầu đồng khi đã bước vào thể thiền động là khởi nguồn của ngành y học về cân bằng thân thể và linh hồn, loại bỏ những âm ám không cân bằng âm dương trong thân thể và mặt vật chất không tích cực.
- Khi bước vào hầu đồng dù không có bóng Thánh bảo trợ chỉ với nguyên không gian và nhạc lễ cũng có thể dẫn dắt con người vào thể thiền và thu nhận được một phần khí - hay còn gọi là sinh khí, năng lượng của thể vi tế, nằm ở thể thứ hai trong ba thể của con người. Nó liên quan đến những nhu cầu sống của con người.
Khí hay năng lượng được đưa vào cơ thể qua 5 con đường:
- 1. Năng lượng mẹ truyền sang con;
- 2. Năng lượng từ ăn uống;
- 3. Năng lượng từ hơi thở;
- 4. Năng lượng từ yêu thương;
- 5. Năng lượng từ Vũ trụ
Một khi nguồn sống này yếu đi cũng sẽ làm cho sức sống của con người bị ảnh hưởng. Nhưng nếu nguồn khí này dồi dào, biểu hiện ra ngoài của cơ thể cũng trở nên sinh động, con người cũng có sức sống hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn.
Khi bước vào Thiền động lên đồng thì tâm sinh lý mọi mặt của con người được cải thiện cực cao.
Làm sao để lên đồng đạt hiệu quả vào thể thiền động nhất ?
Ban đầu các đồng nhân có thể dựa vào Chư Thánh, vào nhạc lễ văn đàn, vào không gian tâm linh để làm đề mục mà đề mục này gần như bắt buộc và đảm bảo sẽ dẫn đến tư duy chế ngự những suy nghĩ không tập trung trong linh hồn và tâm trí cũng như thân thể. Về sau thông qua quá trình hầu hạ lâu dài rèn luyện tâm trí và tính tình, các đồng nhân sẽ dần làm chủ được cảm xúc của bản thân và không bị động tâm bởi những tác động từ bên ngoài không gian tâm linh.
Tập trung ý niệm: toàn tâm toàn ý về Chư Thánh
Thiền động hay hầu đồng thực chất là dạng vận động hay đúng hơn là trạng thái của tâm hồn, tinh thần và ý niệm và thần thức chân linh trong mỗi chúng ta. Các trạng thái này được phân biệt nhờ mức độ tập trung của ý niệm. Như đạo ta là tập trung tư tưởng, theo hành động có sẵn của buổi lên đồng và ở đây là Thánh nhân. Khi hầu Thánh chính là thiền động, hướng toàn tâm toàn ý về Chư Thánh, hành động học theo Thánh và ý niệm lúc này là lấy Thánh nhân làm đề mục.
Hướng toàn bộ thần thức tâm thức và ý thức các phách giác (tức là các dạng hoạt động tư duy trong toàn cơ thể và linh hồn) của chúng ta về các giá đồng, không để các suy nghĩ tạp luận, những vọng niệm làm nhiễu loạn.
Lúc này, các thần thức của ta bao gồm: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tị thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Tâm thức, Tiềm thức, Thần thức tập trung nhất, hoạt động cao độ nhất.
Con người có năm giác quan hay gọi là năm thức Nhãn, Nhĩ, Tị, Thiệt, Thân tương ứng với Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Cảm giác toàn thân.
Mỗi giác quan này là một cánh cổng giao tiếp, thông ra thế giới bên ngoài, ghi nhận những dạng thông tin đặc trưng khác nhau như: Hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, mùi hương, vị tính, nóng lạnh, thời gian không gian… nói chung là cảm giác để rồi sau đó biến các thông tin này thành tín hiệu đặc trưng và gửi về não bộ, nơi có thần hồn chân linh trú ngụ phần lớn và xử lý tín hiệu ấy thành các dạng ý niệm tương ứng gọi là ý thức.
Năm giác quan này là năm thức đơn giản nhất để đưa đến ý thức, phần chính trong chúng ta, đó là nơi suy xét, phân tích, lý giải, lập luận, ghi nhớ, hành động v..v.. những hoạt động chính của não bộ và thần hồn mà ta vẫn biết hàng ngày.
Phần ý thức này mang đặc trưng lý tính hay đại diện cho lý trí tuệ của mỗi người.
Ba thức của người theo đạo Mẫu
Năm thức cơ bản nhãn nhĩ ti thiệt thân hướng đến một thức là ý thức. Nhưng không phải con người chỉ có sáu thức đó (tương ứng với sáu căn nhà Phật) mà bản thân theo đạo Mẫu còn có ba thức nữa là tâm thức, tiềm thức và thần thức. Ba thức đó, đầu tiên là:
Thức thứ 7: Tâm thức của mỗi chúng ta hoạt động ở trạng thái cảm tính, tức là các tâm tư tình cảm đều nằm ở đây như yêu, ghét, tham, lạc, sân si, hỷ, nộ, ái , ố v..v… đều được tâm thức xử lý và đưa ra. Tâm thức là cái con người khó điều khiển nhất khó có thể dùng ý chí và tuệ lực mà điều khiển được tâm thức. Thực tế các bạn thấy mọi người khó dùng lý trí để điều khiển hoàn toàn các quyết định cảm tính của mình, nhỏ nhất như hạnh phúc hay đau khổ hay yêu, ghét, thù hận, kiệt sỉ, hay thoáng đãng, đi hay ở, làm hay phá, bạo động hay… điều này chính là nguyên nhân tạo ra một thế giới loài người đa dạng và phức tạp cũng chẳng ai giống ai như vậy.
Tiếp nữa thức thứ 8 gọi là tiềm thức, một dạng thức ẩn rất khó điều khiển hay làm chủ được nó. Nơi tiềm thức không diễn ra các hoạt động lý trí hay tình cảm hay tâm thức gì cả mà chỉ đơn giản là nơi lưu trữ những kết quả do các thức phía trước như nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức và ý thức, tâm thức chuyển lên.
Đặc trưng quan trọng của tiềm thức này là nó ít khi mở ra và rất khó kiểm soát, đồng thời đây là nơi ghi nhớ ký ức ở dạng kết quả cuối cùng, một cách mặc định không do bất cứ tầng nào phía dưới quyết định được nó.
Tiềm thức còn có đặc điểm khác rất quan trọng, đó là sự gắn liền của nó với linh hồn chúng ta, các ký ức mặc định một khi đã lưu ở đây là đóng mở nhịp nhàng lên kết chặt chẽ với thần hồn chân linh.
Nó có hai dạng: 1 luân hồi tiềm thức được khắc ghi và 2 hiện tại kiếp này tiềm thức được khắc ghi.
Và một thức nữa cao nhất thức thứ 9 gọi là thần thức: Là bản nguyên thức cao nhất trói gọn toàn bộ các thức trước mà chúng ta gọi là thần hồn chân linh hay có tôn giáo gọi nó là nguyên thần, có tôn giáo gọi nó là linh hồn hay điểm linh quang ...
Khi thần thức bị tác động mạnh bởi ngoại lực hay nội lực hay một sự cố do tiềm thức không tự chủ hoặc tự chủ động do thần thức khắc ghi nhiều kiếp mà phát ra các ký ức lẫn lộn của nhiều kiếp luân hồi hay ký ức hiện kiếp làm rối loạn các giác, thức: nhãn - nhĩ - tỷ - thiệt - thân - ý - tâm thức đã nói trước và ảnh hưởng đến thần thức tất dẫn đến con người nhẹ thì ảo tưởng, nặng thì điên loạn (những người điên đa số bị ảnh hưởng do thần thức).
Tại sao lên đồng của đạo Mẫu là thể “Thiền động”?
Như đã phân tích ở trên, khi lên đồng đây là trạng thái mà ngũ căn thức hoạt động rất mạnh và được định hướng một cách duy nhất và thể thiền của chúng ta lại trái ngược hẳn với thiền tĩnh thiền định nói theo ngôn ngữ khoa học. Riêng hoạt động của mọi cơ quan tăng cao, mọi tế bào đều vận động, thậm chí nhịp tim cũng tăng cao nhất dẫn đến trao đổi chất rất lớn và loại bỏ các tế bào chết những cái cặn bã trong cơ thể rất nhanh chóng, vận động liên tục tập trung năng lượng bằng các động tác, tư thế để cải thiện sức khỏe và đốt bỏ phần dư thừa.
Nói đến Thiền người ta thường nói tới: Quan sát, Chứng kiến, Tách rời, Trống rỗng, vô thức, nhập định … rất nhiều kinh sách, rất nhiều phương pháp để người ta có thể ngộ ra những điều này.
Tuy nhiên lên đồng vào thiền động giúp con đồng có những cảm nhận nhanh và trực tiếp nhất:
Khi lên đồng chín thức trên hoạt động chỉ một hướng duy nhất, một đề mục duy nhất, một sự thăng hoa của các căn phách giác duy nhất, của ý thức, tâm thức, tiềm thức và thần thức duy nhất. Nó đạt đến sự sung sướng đốt cháy cặn bã và thăng hoa nhất, dung hòa chín thức cân bằng nhất, xả bỏ toàn bộ những cặn bã nhất, những đời thường nhất, dung tục nhất, hỷ nộ ái ố hay địa vị tình ái trắc trở, giận giữ thậm chí cả công danh lẫn lợi ích……. Tỷ thứ kể cả bệnh tật… đều được quên đi.
Lúc này, các đồng nhân có thể hòa quyện vào không gian tâm linh tiếng văn đàn … và thực hành những điệu múa tâm linh giải tỏa năng lượng tiêu cực và thu nhận năng lượng tích cực, mọi cái tiêu cực được tống ra ngoài và để lại khoảng trống bình an.
Càng thăng hoa, sự trống rỗng vô thức trong chín thức càng rõ ràng.
Các đồng nhân chỉ cần nhớ đơn giản thôi, các hành động hoạt động cao liên tục và nhiều thời gian như lên đồng mà do các phách thức giác quan ý thức chuyển đến thì rất mệt, nếu không trong buổi lên đồng khó có ai năm bẩy tiếng nhẩy múa liên tục như vậy.
Nhưng vô thức bởi: tiềm thức, tâm thức và thần thức tự duy trì khi vào trạng thái đặc biệt đó thì rất nhẹ nhàng và sung sướng. Chân tự nó co lên, ấn xuống, tay tự hành động, mồm tự hú không do ý thức và trí của mình, mà do tiềm thức tâm thức thần thức tự điều khiển … hơi thở tự đi ra, đi vào ăn uống nói chuyện, nói chung mọi hoạt động …
Ví như :có người nhỏ nhất như ngửi mùi thuốc lá còn ho hay chạm hơi rượu cũng chạy mất hay khó chịu nhưng khi đã bước vào lên đồng thì khác, khó tự chủ bởi lục căn lục thức hay không biết hầu, biết múa đồng múa đao múa kiếm nhưng lên đồng thì lại tự: tâm thức, tiềm thức, và thần thức hành động được hết. đều không do ý thức và 5 phách thức làm chủ.
Đó là thiền bậc cao rồi, đó là trạng thái vô thức bất cứ thiền gia nào cũng muốn nhập định.
Hầu đồng: tiếp nhận nguồn năng lượng bản nguyên vũ trụ
Đạo Mẫu với pháp môn hầu đồng là thể thiền động bậc cao vậy nên theo nhiều đồng thầy thì một năm một hai vấn là đã quá đủ để loại bỏ cặn bã trong cơ thể và lấy được sự cân bằng cho cả linh hồn lẫn thân thể.
Khi hầu ngoài thiền động ra còn kết hợp một pháp môn tu tập cổ truyền. Lúc đó được nhà Thánh bảo trợ dẫn động Âm Dương và gia trì hư vô năng lượng bản nguyên chi lực kết hợp với nguyện lực và năng lượng tại đại địa gia trì vào, vì vậy những người hầu đồng để có thể thiền động đến mức giao cảm với Chư Thánh và nhận nguồn năng lượng bản nguyên vũ trụ thì đa phần cần có căn cơ, “căn xuất thiên địa sinh” là vì vậy.
Khi hầu Thánh giáng bóng dẫn nguồn năng lượng, con đồng toàn tâm toàn ý hướng về Chư Thánh nhân cửa Đình Thần, toàn tâm toàn ý vào giá đồng đang hầu, mọi tục sự quấn thân, mọi vướng mắc vui buồn sướng khổ đau ốm bệnh tật .. trong cuộc sống đều gác lại phía dưới sập hầu. Khi đó đồng nhân hầu Thánh thả lỏng toàn thân, tâm, ý,... để mặc cho thần hồn chân linh tiếp nhận nguồn năng lượng bản nguyên vũ trụ, tiềm thức lúc này thoát ra nguồn lực nội tại tác động ngược trở lại 8 thức còn lại, đó là ý thức, tâm thức, thần thức, ngũ căn giác thức và tác động lên chính tiềm thức. Khi đó toàn bộ thân, tâm, ý hành động theo sự điều khiển của nội lực tâm thức, tiềm thức, thần thức.
Các bạn có thấy rất nhiều trường hợp con đồng trước khi lên hầu Thánh có thể xem, đọc hay tìm hiểu nhiều, quan sát về cách hầu ra sao, hầu thế nào của nhiều đồng nhân khác, thậm chí còn tập sẵn ở nhà nhiều ngày nhưng khi lên hầu và đã tập trung toàn bộ vào giá hầu, khi tiềm thức thực sự khai mở thì những hành động động tác đã tập trước đó đều không ứng dụng được hay không thể thành thục như đã tập trước đó, hay nhiều con đồng bỡ ngỡ bước vào đạo có khi chưa biết gì về hầu đồng hay không có sự chuẩn bị tập luyện gì, lúc lên sập lại hành động dứt khoát từng động tác, hầu giá nào ra giá đó. Hàng quan thì oai nghiêm, hàng chầu thì nhẹ nhàng, hàng cô thì khoan thai, hàng cậu nhanh nhẹn hoạt bát…. lúc này toàn bộ cơ thể con đồng hành động đôi lúc khó kiểm soát (những hành động tay múa, chân đi, hoặc ánh mắt cử chỉ…) như “nhập thân” vào giá đồng, sau này nếu có dịp xem lại chính con đồng cũng khó nhận ra.
Hay những cụ đồng 80 - 90 tuổi bình thường đi lại khó khăn ốm yếu nhưng khi bước lên hầu Thánh giáng bóng, toàn tâm toàn ý vào giá hầu thiền động ngũ căn thức hoạt động mạnh bốn thức còn lại gia trì lại tiếp nhận năng lượng bản nguyên vũ trụ… sau khi hầu cơ thể khỏe mạnh hơn, nhanh nhẹn hoạt bát chứ không hề yếu ớt hay mệt mỏi.
Vậy nên, người căn sâu quả nặng, có căn cơ duyên nghiệp sâu dày với Chư Thánh cửa Đình Thần, đồng thời khi lên hầu có bóng Thánh giáng mọi cử chỉ hành động, ánh mắt đều hiện lên sự oai linh rõ nét. Có muốn diễn muốn học cũng không cố ý mà học được.
Dị năng của con đồng trong quá trình tu tập
Đặc biệt trong pháp môn lên đồng thiền động thì nhà Thánh là siêu hình, vậy nên dẫn động những cái vô hình gia trì vào thần hồn - Đạo Mẫu tứ phủ Đình thần kinh thư dẫn tu cơ sở - Phẩm 4: Pháp môn hầu đồng tu hành cơ sở - đã viết là “sẽ có những người căn sâu quả nặng nẩy sinh một số năng lực dị năng khỏi phải bàn”.
Dị năng chỉ là sản phẩm phụ của các phép tu trong quá trình tu tập, trong đó có lên đồng thiền động.
Khi lên đồng hầu có bóng Thánh giáng dẫn nguồn năng lượng bản nguyên vũ trụ làm xóa các vết khắc nghiệp đồng thời thúc đẩy các vết khắc cơ đạo, một số dị năng của tiền kiếp phát tiết ra hoặc một số dị năng mới được ân hưởng và đồng nhân sau khi hầu Thánh có thể sử dụng dị năng này.
Tuy nhiên nếu tu sai pháp hoặc bản thân đồng nhân không đủ vững tâm, tín tâm thì ma tà thường dẫn dụ ban cho đồng nhân một chút dị năng cơ sở bậc thấp hòng lôi kéo, làm sái tâm con đồng bằng sự ngã mạn, ảo tưởng bản thân… dần dần biến đồng nhân thành tay sai cho chúng.
Tự tu thiền động có khó không?
Trong cuộc sống nếu muốn tự tu thiền động thực ra không khó, không phải nhất thiết phải giả nhập một tôn giáo hay tín ngưỡng hay trường phái nào hay phải học biết các động tác này nọ hoặc cần phải tụng kinh niệm chú gì thì mới là thiền.
Nên nhớ lên đồng để thực tu ngoài đạt đến thiền động còn cần đến cốt yếu là pháp môn tu đồng nhà Thánh truyền mà các đồng thầy đã dậy chứ không đơn giản là thiền động không.
Thiền động cơ bản bình thường: Đơn giản đây là việc tập trung cho ý thức mà thôi, khi đạt trạng thái thiền thì tam thức còn lại chủ động xử lý, các hiện tượng của cơ thể (như kể trên) đều tự động diễn ra không cần sự điều khiển nào của ý thức cả. Cách dễ dàng nhất là ta có thể ngồi (hoặc nằm) cho cơ thể ổn định và sau đó tập trung đếm từng hơi thở của mình, mỗi nhịp hít vào – thở ra sẽ dần đưa ý thức vào các mức độ tập trung nhất định, cho đến khi nào ý niệm của ta chỉ quan tâm tới mỗi sự vận động đơn giản trong nội tại cơ thể thì sẽ đạt trạng thái thiền cơ bản này. Đây là dạng thiền rất khuyến khích mọi người thực hành vì không cần phải tu hành hay học hỏi theo môn phái nào cả, trong cuộc sống bình thường ta cũng có thể bố trí thời gian cho việc này nhằm cải thiện sức khỏe của chính mình có thể gọi nó là thiền động dưỡng sinh.
Thể thiền động không theo tôn giáo này nên để ý nếu có hoạt động tay chân cũng cần rất chậm rãi, càng chậm càng tốt.
Chỉ lưu ý các tân đồng bắc ghế đang hầu thực sự nhất là lúc múa đồng tế hương và khai quang nên cần có sự cách ly giao tiếp với bên ngoài nhất định vì một lý do đơn giản: Giao tiếp với bên ngoài (người khác) sẽ khiến ta mất tập trung trong ý niệm ngộ pháp tu nhà Thánh của mình, khó đạt trạng thái tập trung của thiền động.
Khi trên sập đồng nhân quá chú trọng đến hầu người đời, không hầu ông Thánh thì mất đề mục của đạo ảnh hưởng đến chính đồng nhân đó. Một khi còn trao đổi với bên ngoài không tập trung vào hầu hạ nhà Thánh thì chưa thể gọi là thiền động được.
Các tân đồng nhớ có bài thơ rất hay:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Bài thơ đó cũng đã nói lên một phần thiền động đấy.
Bản quyền thuộc về đồng thầy Trần Quốc Thêm - Tự Tuệ Trần
Không sao chép, trích dẫn, diễn đọc dưới mọi hình thức