04/06/2021 11:40 View: 8478

Khát bóng vọng cầu khi hầu Thánh là gì?

Khi nói về đạo Mẫu, về hầu đồng, hầu Thánh thì khát bóng vọng cầu là tình trạng khá phổ biến của các tân đồng mới nhập đạo. Vậy khát bóng vọng cầu là gì? Khát bóng vọng cầu có phải là tân đồng đã sai sót ở đâu hay chỉ là thử thách? Làm sao để khi lên sập hầu Thánh không còn tình trạng khát bóng vọng cầu?

Hãy cùng Tamlinh.org đi tìm câu trả lời qua 10 pho Kinh văn tứ phủ do đồng thầy Tự Tuệ Trần biên soạn. 

khat bong vong cau khi hau thanh, hau dong

Khát bóng vọng cầu: Nỗi lo chung của các tân đồng khi lên sập hầu Thánh

Với các tân đồng, khi đã là con Cha con Mẹ, đã cắt tóc làm tôi nối đời làm con quy hàng Tứ phủ đều rất thèm và mong mỏi được Hầu Thánh mà mọi người vẫn hay bảo nhau là “ khát bóng vọng cầu”, trong tâm luôn mong mỏi đến ngày được ra hầu Thánh, bồi hồi xúc động nghĩ đến những giá hầu trước đã từng được hầu… nói chung là cảm xúc vô cùng vui mừng, mong ngóng được hầu cha hầu mẹ. Nhưng nếu quan sát ta sẽ thấy: có nhiều trường hợp trước khi lên hầu nóng lòng sốt ruột háo hức bao nhiêu, thì khi đến lúc được lên sập bắc ghế hầu Thánh rồi lại có tâm lí không muốn hầu, thậm chí không muốn bước chân lên sập?

Hoặc cũng có người lần đầu được bắc ghế thì chỉ hầu được mấy giá đầu đến giá các Quan, các Chầu là cảm giác thân tâm hoan hỷ, nhẹ nhàng, đến cuối các giá Chầu bà hoặc giá Hoàng là đã có cảm giác chán nản, mệt mỏi, muốn buông khăn và bước ra khỏi sập, trong khi trước đó chỉ vài giờ có khi vài phút thôi thì lại vô cùng háo hức, mạnh khoẻ, chỉ mong được hầu hạ nhà Ngài. ...

Như thế có phải là tân đồng sai sót ở đâu không ?

Tại sao lại khát bóng vọng cầu?

Trên thực tế, đây là tình trạng khá phổ biến của các tân đồng mới nhập đạo. Nhưng không có nhiều người dám mạnh dạn nói ra suy nghĩ chân thực của mình, khúc mắc lo lắng của mình với đồng thầy, để đồng thầy giải đáp.

Để hiểu cặn kẽ nguyên do chúng ta hãy tìm hiểu về bốn chữ “ khát bóng vọng cầu”. Mỗi tân đồng mới nhập đạo và được gọi là cô đồng, cậu đồng khi đã được thầy dẫn đạo mở thông bốn phủ đa phần đều khát bóng vọng cầu, lúc nào trong tâm cũng chỉ mong muốn được hầu Thánh. Như thầy Trần Thêm đã giảng cho các con đồng trong bản hội: 

Mỗi vấn hầu Thánh như một cuộc thi của con đồng, về bản chất là để cầu Chư Thánh giáng bóng dẫn mở kết nối với năng lượng vũ trụ và mài mòn các vết khắc nghiệp trong thần hồn chân linh của mỗi con đồng.

Gia tiên tác động, oan gia thúc đầy...khiến tân đồng "khát bóng vọng cầu"

Ở một ngôi đền, điện, phủ, hằng ngày có cả trăm, cả nghìn, cả vạn người kêu cầu bái vọng, biết bao nhiêu mong cầu, bao nhiêu ngưỡng lực, bao nhiêu sự tín tâm… đối với Chư Thánh cũng tạo ra sự kết nối năng lượng vũ trụ. Nhưng cả nghìn người kêu cầu với sự hỗn dung tín niệm như vậy cũng chỉ bằng cô đồng nhất tâm hầu một giá đồng. Trong khi đó, cả canh đàn biết bao nhiêu giá hầu thì bằng cả mấy chục nghìn người kêu cầu tín nguyện lực cô đồng hầu Thánh nhất tâm xuất ra và hướng về Chư Thánh cũng không hề ít.

Từ sự tín niệm này nhờ sự gia ân gia hộ của nhà Ngài, dẫn nguồn năng lượng từ vũ trụ, trước là xóa đi các vết khắc nghiệp trong chính thần hồn chân linh của cô cậu đồng là ghế đang hầu bóng Thánh, một phần nguồn năng lượng này để xóa đi các vết khắc của gia tiên nhiều đời nhiều kiếp của ghế, phần sau nữa là trả nợ cho oan gia trái chủ của bản thân ghế, của gia tiên dòng họ người đang hầu bóng Thánh đó…

Do vậy nếu bình thường sau khi đã được mở thông bốn phủ nhập đạo cửa Đình Thần ta, tân đồng nói riêng mới ra đồng vết khắc nghiệp còn nhiều, nợ oan gia còn lớn hay đến cả các con đồng trong đạo nói chung, đều muốn, đều mong mỏi được hầu Thánh. Con đồng mong mỏi, trông ngóng háo hức một thì gia tiên của con đồng cùng những vong hữu duyên nương tựa (Binh tổ/binh luyện/gia nô binh… với các điện có thờ và có binh đóng trú) mong mỏi mười, và oan gia của con đồng hay của gia tiên đã có chấp thuận nhận sự trả nợ bằng năng lượng khi con đồng hầu Thánh còn mong mỏi nhiều hơn nữa. Do vậy, gia tiên tác động, oan gia thúc đẩy… khiến con đồng càng muốn sớm được lên sập bắc ghế Tiên Thánh ngồi, bắc ngôi Tiên Thánh ngự là vì như vậy.

Căn sâu quả nặng, phúc dày nghiệp mỏng sẽ ít bị "khát bóng vọng cầu"

Trường hợp đặc biệt số ít người căn sâu quả nặng là căn tu căn nguyện lại đến, phúc dày nghiệp mỏng, các vết khắc nghiệp ít mà chủ yếu là những vết khắc cơ đạo trong thần hồn chân linh, những người này sau khi mở thông bốn phủ nhập đạo cửa Đình Thần hầu hạ luôn có sự nghiêm chỉnh trong lề lối phép tắc, hầu Thánh được giáng bóng dẫn chỉ hấp thụ năng lượng vũ trụ rất tốt, xóa rất nhanh những vết khắc nghiệp còn lại trong thần hồn chân linh, được khai tâm minh trí học đạo tiếp thu kiến thức đạo nhanh và hiểu cũng rất sâu.

Những người như vậy thần hồn chân linh vững mạnh, ít bị có cảm giác “khát bóng vọng cầu” mà thường hầu hạ hằng năm đủ khóa đủ kỳ đúng lề đúng lối để gia trì năng lượng và tiến tu dần dần trong tu tập mà thôi.

Gia tiên ngăn cản vì lo tà ma quấy nhiễu

Còn trường hợp những người vì lí do nào đó có làm lễ ra trình đồng mở phủ nhưng chưa được mở thông bốn phủ, nhà Thánh không nhận lính, thì gia tiên cũng sẽ ngăn cản không để cho con đồng hầu bởi có hầu được bao nhiêu đi chăng nữa, chút tín niệm lực mình xuất ra sẽ bị ma tà, vong ma, hay oan gia không thuận ý thỏa thuận âm để nhận trả nợ bằng năng lượng khi hầu Thánh kéo đến lấy hết, cho nên mới khiến con đồng đó không khát bóng vọng cầu, không muốn được bước chân lên sập hầu vì gia tiên lo lắng cô đồng đó bị ma tà quấy nhiễu, lấy hết niệm lực, chỉ lợi bất cập hại ....

**********************

Đây là những lí do có một số con đồng không có tâm mong muốn lên sập hầu. Còn trường hợp những người trước thì vô cùng phấn khởi, hào hứng, mong ngóng được hầu Thánh, đến khi hầu một số giá đầu vẫn tinh thần tốt như vậy, hoan hỷ như vậy. Tại sao đến ngang chừng lại chán nản, mệt mỏi, muốn buông khăn ngừng hầu và xuống khỏi sập hầu ?

Mỗi lần hầu Thánh: Như trải qua một kỳ thi

Ngày xưa ông bà ta hay có câu “khoá thi kỳ hội”, mỗi một lần các tân đồng bước chân lên sập hầu Thánh cũng như một lần trải qua một kỳ thi vậy đó!

Nhà Thánh thử tâm và thử thách rất nhiều. Khi hầu đồng, vong ma tà và oan gia sẽ tác động, sẽ ảnh vào tân đồng, khiến cho tân đồng mệt mỏi, uể oải, chán nản, hay buồn ngủ, khiến cho họ không muốn hầu hạ nữa, càng không thể nhận được nguồn năng lượng được chư Thánh dẫn chỉ xóa bỏ những vết khắc nghiệp, không những không thể có tiến tu mà còn sinh cơ thêm, để tân đồng vứt bỏ khăn áo và đi sai đường.

Các tân đồng cũng phải hiểu cho đúng nhé, mệt ở đây không phải là mệt về thể xác, mà chủ yếu là mệt tâm, mệt tinh thần, cái đó còn khó chịu hơn rất nhiều so với mệt về thể xác.

Tại sao lại có người nặng lòng đến mức độ ngày hôm nay tóc còn đen nhánh mà chỉ sáng ngày hôm sau thôi tóc đã bạc trắng đầu, hoặc có người suy nghĩ đến mức độ chảy máu dạ dày mặc dù ăn uống rất bình thường, đấy là mệt tâm, mệt tinh thần đấy các tân đồng ạ. Vậy nên đồng tân lính mới sẽ dễ bị sinh ra cái cảm giác chán nản, mệt mỏi không còn sức lực ấy.

Trong 3 năm đầu, chuyện đó xảy ra là hoàn toàn bình thường, không phải là tân đồng sai.

Khoá kỳ thi hội: thử lính, luyện lính, luyện đồng

Nhà Thánh không can thiệp vào việc vong ma hay oan gia quấy nhiễu đó, nhà Thánh cho phép. Các tân đồng bị thử thách càng nhiều, mà vượt qua được thì tân đồng đó sẽ tươi tốt lên, cứng bóng, vững vàng, đấy chính là “khoá thi kỳ hội”, là một kỳ thi, là bài sát hạch thử lính, và sau này là luyện lính, luyện đồng của nhà Thánh.

Các tân đồng có thấy không, có những cụ đồng 80, 90 tuổi, ở nhà thì đi không nổi, đứng cũng không xong, nhưng khi bước lên bắc ghế hầu Thánh lại vui tươi, khoẻ mạnh, hầu trơn tru từ đầu đến cuối, hầu xong lại mạnh khỏe ra. đấy là vì các cụ đã vượt qua bài kiểm tra đó từ lâu rồi.

Các tân đồng hãy nhớ. 

Vì sao các oan gia lại phá tân đồng trước, trong và sau mỗi khoá hầu? 

Vậy oan gia của con đồng và gia tiên con đồng, tại sao biết rõ nếu cứ để con đồng hầu Thánh thật tốt thì bản thân những oan gia đến đòi nợ này sẽ nhận được một phần năng lượng cho bản thân, để được trả nợ. Như vậy không tốt hay sao mà lại cùng hùa với ma tà phá hại làm nhiễu loạn con đồng cả lúc chưa lên sập lẫn lúc lên sập hầu ?

Để trả lời khúc mắc này của các tân đồng, trước tiên các tân đồng hãy trả lời 2 câu hỏi sau:

- Nếu ai đó đã từng giết hại con, giết hại áp bức gia đình người thân con, đày đọa khiến con khổ sở oán hờn tận xương tủy, nỗi căm phẫn đó… sau bao lâu trải qua nhiều đời nhiều kiếp nay con mới tìm lại được kẻ thù để đòi nợ báo thù, để làm cho kẻ đó đau khổ, thậm chí muốn đòi mạng đổi mạng xưa,... nay có người đề xuất cho con tiền, cho con tài vật, cho con danh lợi để con bỏ qua cho kẻ thù kia… con có đồng ý không ?

Tất nhiên, đa số các bạn sẽ trả lời: Nợ phải trả. Mối thù sâu đậm như vậy sao có thể dễ dàng đồng ý được.

- Nếu như món nợ của con với người kia không quá lớn hoặc đã quá lâu nhiều đời nhiều kiếp, con cũng đã mệt mỏi với việc lang thang khổ sở lay lắt để đòi nợ. Nay người kia có chấp nhận trả nợ đi chăng nữa thì vì người đó không phải chỉ nợ có một mình con, sau bao nhiêu kiếp bao nhiêu đời đến nay người đó nghiệp quá dày, những chủ nợ khác cũng kéo đến đòi nợ, vậy nếu cứ chấp thuận chờ được trả nợ bằng cách này hay cách khác mà phải chờ đợi lâu hơn nữa, và cũng không biết kẻ kia có tu tốt để sau này đến lượt trả nợ được mình hay không hay vấp ngã giữa chừng, con lại không muốn chờ đợi nữa, con sẽ phá kẻ nợ con đó cho thỏa nỗi căm phẫn chờ đợi bao nhiêu lâu nay hay chịu đựng chờ đợi đến lượt được trả nợ mà không biết là khi nào ?

Câu hỏi này thực là khó. Đa phần theo lẽ thường chúng ta sẽ vừa muốn chờ đợi vừa muốn phá phách luôn cho thỏa cơn giận. Nhưng nếu người trả nợ kia “tiềm năng” trả nợ không cao, thì có lẽ ta sẽ nghiêng sang bên phá phách cho thỏa một lần cơn giận cho xong.

Các tân đồng thấy đó. Oan gia cũng như vậy thôi.

  • Có những oan gia sau khi thỏa thuận quy trình nhận trả nợ với gia tiên phần âm của con đồng hoặc sau khi được Chư Thánh dẫn lối, hiểu vào ân duyên của con đồng với cửa Thánh, lại hiểu ra rằng oan oan tương báo bao giờ mới dứt, đã chấp thuận buông tâm oán hờn để nhận lại năng lượng bù đắp nợ xưa từ con đồng khi hầu Thánh có bóng Thánh giáng. Đó là trường hợp các oan gia thúc đẩy con đồng ra hầu Thánh và không phá phách cản bước con đồng trên đường tu. Vì càng tiến tu càng hầu hạ chuẩn chỉ, càng nhất tâm của Thánh thì khi con đồng hầu Thánh được tiếp dẫn năng lượng vũ trụ, nợ của những oan gia này cũng được trả nhanh hơn.
  • Nhưng nếu oan gia của con đồng và gia tiên gia chung con đồng không chịu buông bỏ oán hận để chấp nhận tiếp nhận một phần nguồn năng lượng con đồng được nhận khi hầu Thánh giáng bóng, hoặc quá gấp gáp đòi nợ con đồng không muốn chờ đợi nữa, hoặc nhận thấy con đồng này quá “ yếu kém” và không có “đủ tâm đủ tín” để có thể tiến tu trên con đường đạo này, tự các oan gia sẽ nghiêng về lựa chọn phá hoại đường tu của con đồng, ngăn trở con đồng hay làm cho con đồng gặp nhiều chướng ngại trên cả cuộc sống, cả nhiễu loạn thâm tâm gây mệt mỏi thoái tâm trên chiếu hầu, để con đồng bị trượt khóa thi, bị cơ, bị lệch đường đạo… là cách oan gia coi như đã trả được thù, đòi được nợ.

Oan gia phá phách: Thử thách con đồng

Lúc này Chư Thánh sau khi đã giáo hóa, khuyên bảo, gia tiên của con đồng cũng đã cố gắng thỏa thuận mà không được thì những oan gia này có quyền trong sự cho phép của Chư Thánh thử thách con đồng ngoài chiếu hầu cũng như khi bước lên sập hầu, nếu đã dùng các cách thức trả thù đòi nợ làm con đồng sái tâm đó mà:

  • Con đồng bị tác động không vững tâm bền chí, thiếu niềm tín tâm nơi Chư Thánh, bị sái tâm ngã tâm dẫn đến mệt mỏi tinh thần mà buông khăn áo, không hoàn thành và trượt bài thi ( khóa thi kỳ hội), thì oan gia coi như trả được thù được nợ phải theo nguyên tắc mà rời đi.
  • Nếu con đồng vững tâm vững lòng, hầu hạ nhất tâm thành tín, thấy khó không nản, thấy mệt mỏi tinh thần không dao động hoàn thành tốt bài thi thì lúc đó, những oan gia này cũng không được phép đòi nợ con đồng nữa. Chư Thánh đứng ra bảo hộ cho chính những con đồng nhất tâm nhất tính cửa Đình Thần đã vượt qua kỳ thi này.

Như vậy, dù là oan gia tác động theo hướng tốt, hướng xấu trước khi, trong khi lên sập hầu Thánh, cái quan trọng nhất vẫn là sự toàn tâm toàn ý vào vấn hầu, vào sự nhất tín nhất niệm vào Chư Thánh của con đồng. Thì “ khổ tận cam lai”, mỗi khóa thi vượt qua được là tinh thần con đồng thêm vững mạnh, là nợ oan gia được trả bớt, là gia tiên đều được hưởng chiêm quang Thánh đức.

Tân đồng cần vững tâm, vững chí, vững ý, vững lòng

Nhân đây cũng nhắc nhở các con đồng: Khi các bạn nhất tâm để được thắt lên đầu vành khăn bốn phủ, không phải vậy là hết, là xong mà lúc đấy bạn mới chính thức bước chân vào con đường tu tập, một con đường hoàn toàn khác và con đường này không hề bằng phẳng như các bạn từng nghĩ, mọi thử thách chỉ mới bắt đầu.

Thầy của các bạn chắc chắn đã giảng cho các bạn về các pháp môn thử lính của nhà Thánh, các bạn đã đọc và chắc cũng hiểu được ít nhiều, vậy nên cái tân đồng cần là gì bạn biết không? Là “vững tâm, vững chí, vững ý, vững lòng”, là “thật tâm, thật tính, thật lính,thật đồng”, là diệt bản ngã của mình.

Phải biết: Ta chẳng là ai cả, ta chẳng là gì cả, ta chỉ là hạt cát trong triệu triệu hạt cát trên sa mạc, ta chỉ là cỏ dại trong muôn vàn cỏ cây ngoài kia....Chỉ cần trong tâm luôn tín thành kính ngưỡng Chư Thánh, luôn nhất một lòng cửa đạo, luôn nỗ lực tu sửa bản thân cầu về với Chư Thánh thì mọi khó khăn các bạn đều có thể vượt qua, mọi thử thách các bạn đều giành phần thắng.

“Chấm đồng các Ngài lại thương đồng” nên các tân đồng không hề đơn độc, thử thách chỉ làm cho tân đồng thêm vững vàng hơn mà thôi. Bên cạnh tân đồng vẫn luôn có nhà Thánh, có gia tiên nhà các bạn, có thầy kề vai sát cánh chỉ đường cho con đồng lội, chỉ lối cho con đồng đi, đỡ bóng cho các tân đồng. Được thầy dìu dắt trở về với cửa đình thần Tam tứ phủ!!!!

“Ai ơi kính Thánh trọng thầy,
Nhờ thầy chỉ lối biết đường Phật Tiên
Trọng thầy phải giữ tâm hiền,
Tu nhân đắc đạo tâm liền thảnh thơi....”

Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Thêm – Tự Tuệ Trần.

Bản quyền thuộc về đồng thầy Trần Thêm - Tự Tuệ Trần

Không sao chép, trích dẫn, diễn đọc dưới mọi hình thức