04/06/2021 11:40 View: 48921

Các ngày đại tiệc Tứ phủ công đồng tháng 8 hàng năm

"Tháng 8 tiệc Cha, tháng 3 tiệc Mẹ" - Tamlinh.org xin cung nghinh tháng tiệc Cha. Vậy trong tháng 8 Âm lịch hàng năm, có những ngày đại tiệc nào của Tứ phủ công đồng mà chúng ta cần nhớ? Tháng 8 tiệc Cha đi lễ ở đâu?

vua cha bat hai, dao mau

Vua cha Bát Hải Động Đình

Nhang thành kính đôi lời giãi tỏ
Trước điện tiền lễ độ phục uy
Thoải đình Thánh Đế uy nghi
Quyền cai chính ngự ngọc trì bể Đông
Truyền thừa mệnh Long Cung Bát Hải
Thái Ninh từ chính đại quang minh
Ấy nơi tụ khí chung linh
Quyền cai thống lĩnh chư dinh thoải tề
Các cửa bể cửa sông Nam quốc
Một mối thông sau trước một nơi
Quy về long mạch chính ngôi
Đền Vua Bát Hải ở nơi Động Đình
Tòa thoải quốc nghê kình cai giữ
Tướng tam đầu cửu vĩ đôi bên
Long xà rẽ nước hiện lên
Thỉnh mời chư Thánh ngự đền Thủy Cung
Mở hội yến tòa trong chính điện
Ra lệnh truyền thủy tộc chư dinh
Bài sai các tướng thủy đình
Trấn an cửa bể giữ lành giúp dân
Thu bão táp ân cần tế độ
Dẹp an loài thủy quái yêu ma
Độ cho phong thuận vũ hòa
Dân an quốc thái nhà nhà an vui
Đội ơn đức muôn đời hằng nhớ
Gốc Lạc Hồng muôn thủa không phai
Hương thơm dâng trước đan đài
Vua cha ban phúc ban tài ban ân
Độ cho sở nguyện tòng tâm
Đa tài đa lộc thiên xuân thọ trường

Giỗ cha là giỗ ai? 

Đền Đồng Bằng thờ vua Cha Bát Hải Đại Vương thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo truyền thuyết, vua Hùng ra chiếu kêu gọi người hiền tài ra cứu nước khi có giặc xâm lăng, một con rắn lớn nhất hoá thành người đem đội quân gồm rồng, rắn, thuồng luồng cá sấu đi đánh giặc.

Chiến thắng trở về, ông được vua phong là Bát Hải Đại Vương, và được dân Đào Động lập đền thờ, tôn thành hoàng làng. Nơi đây, vào thế kỷ XIII là mảnh đất quê hương của dòng họ nhà Trần, là địa bàn hoạt động quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên nay để lại nhiều di tích.

Tương truyền, Trần Hưng Đạo cùng tướng lĩnh của mình như Phạm Ngũ Lão đã từng đến ngôi đền thờ vị Thuỷ thần này cầu xin phù trợ diệt giặc. Khi Trần Hưng Đạo mất, ngôi đền này cùng thờ Đức Thánh Trần và hàng năm mở hội giỗ Cha vào ngày 20 tháng 8 ÂL. Dân coi Đức Thánh Trần như vua cha, còn bên kia là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Trong lịch sử, ông là vị tướng tài, còn trong tâm thức dân gian, ông được hình dung là một vị thánh do Thanh tiên Đồng tử (em bé áo xanh) đầu thai, có Kim đồng ngọc nữ hộ vệ xuống phương Nam trừ hoạ giúp dân. Dòng dõi nhà Trần vốn là cư dân sông nước vạn chài, từng lập chiến công thuỷ chiến lẫy lừng với quân Nguyên Mông ở vùng sông nước, vì thế khi được phong Thánh, ông đã được quy về dòng Thuỷ thần có cội nguồn xa xưa là Long Vương - đó là điều hợp quy luật với tâm thức dân gian vùng đồng bằng sông nước.

Ở đền Đồng Bằng, trong hậu cung thờ vua Cha Bát Hải Đại Vương, còn hai bên tả hữu là điện thờ tam toà Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần cùng 10 vị hoàng tử con Long Vương. Trong những ngày hội "giỗ Cha" ở các đền Đồng Bằng, Bảo Lộc và Kiếp Bạc có các nghi thức lễ rước trên sông, mở hội đua thuyền, hát chầu văn kèm theo các nghi thức lên đồng của dòng thanh đồng để trừ tà ma.

Các ngày đại tiệc Tứ phủ công đồng trong tháng 8 hàng năm

  • + Ngày 03/8: Tiệc Đản Nhật Trần Triều Vương Tử Đệ Nhị Hưng Hiến Đại Vương
  • + Ngày 06/8: Tiệc Mẫu Đền Ghềnh Nguyên Phi Ỷ Lan (Ngọc Hân Công Chúa);
  • + Ngày 10/8: Tiệc Quan Hoàng Lục An Biên
  • + Ngày 15/8: Tiệc Chầu Bát Đông Nhung Đại Tướng Quân ( tiệc Đản Nhật)
  • + Ngày 21/8: Tiệc Mẫu Nhà Trần;
  • + Ngày 20/8: Tiệc Trần Triều Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn Kiếp Bạc-HD
  • + Ngày 22/8: Tiệc Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình ( Đền Đồng Bằng ):
  • + Ngày 22/8: Tiệc Quan Lớn Điều Thất Đào Tiên;
  • + Ngày 24/8: Tiệc Quan Lớn Đệ Nhất (tiệc đản nhật);

ngay gio duc thanh tran

20 tháng 8 Âm lịch: Ngày giỗ Đức Thánh Trần

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng: Tháng tám tiệc Cha là Đức ông Trần Triều chứ không phải Vua Cha Bát Hải Động Đình. Câu cổ: 

Tháng tám tiệc Cha
Tháng ba tiệc Mẹ

Là câu tục ngữ cổ của người dân vùng Sơn Nam Hạ để muốn tôn danh Nam Thần Thượng Thượng Đẳng tối linh là Đức Đại Vương Trần Triều. Và nữ Thần là Mẫu Liễu Hạnh để hai bên Thanh Đồng và Tứ Phủ tương xứng nhau. Đức Trần Triều Hoá năm 1300 đến năm 1443 thì Mẫu Liễu Hạnh mới giáng thế và thịnh nhất là thời Lê Trung Hưng.

Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý đức Đại Vương mất tại Vạn Kiếp, khắp xa gần đều khóc thương như mất cha mất mẹ, báo tin về triều bấy giờ Vua đang ngự trong phòng mới khóc lớn rằng :" Thượng Phụ vì muốn đất nước ta được kiên cố vững chắc, binh quyền hùng mạnh mà quét sạch giặc Hồ không còn dấu vết, khắc phục Thần Kinh vỗ về an lòng trăm họ,thương Vua yêu nước " triều thần nghe vậy tất cả đều rơi nước mắt, thôi việc triều chính 10 ngày.

Thượng Hoàng Nhân Tông và vua Anh Tông truyền chỉ bách quan mặc đồ tang phục màu trắng, cưỡi ngựa trắng về Vạn Kiếp chịu tang, thu góp các vật bằng đồng chôn trong vườn An Lạc. 

Xưa vua Thánh Tông đã ngự chế văn bia tại Sinh Từ để thờ sống đức Đại Vương như nhà Chu có ông Thái Công Thượng Phụ, nay Đại Vương mất lại ngự chế văn bia ban sắc làm Thái Sư Thượng Phụ Thượng Thượng Quốc Công Bình Bắc Đại Nguyên Súy Long Công Thịnh Đức Vỹ Liệt Hồng Huân Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, sắc cho các nơi thuộc Thiên Trường và Vạn Kiếp muôn đời được thờ cúng, sắc ban cho Đại Vương được tòng tự tại Vũ Thành Vương Miếu, nghi lệ thờ ngang hàng cùng với thờ đức Khổng Tử. 

Truyền cho lấy gỗ bạch đàn hương làm tượng truyền thần ngày đêm sớm tối phụng sự, nếu khi có việc quốc gia đại sự thì làm lễ cầu đảo, chư vị Công Hầu phụng chỉ xuất chinh đánh trận thời trước đó về ngôi đền tại 2 xã Vạn An - Dược Sơn bái yết cầu đảo chẳng bao giờ là không linh ứng. 

Các triều đại nếu có giặc thời mệnh quan về đền cầu đảo nếu thấy trong tráp đựng kiếm phát ra âm thanh thời sẽ đại thắng, các châu huyện xa gần nếu bị hạn hán bệnh dịch thời về cầu đảo sẽ qua khỏi, nếu ai bị tà ma hoặc bệnh tật thời xin rước kiếm về thờ ở nhà hoặc xin chiếu ở đền Kiếp Bạc về tà ma gặp phải sẽ tự tiêu tán, hoặc thỉnh tàn hương và đất tại đền hòa vào nước thanh thủy rồi uống bệnh sẽ giảm, hoặc có người khó khăn về đường tử tức con cái thời về cửa Đại Vương cầu đảo chẳng gì là không linh ứng tùy theo sở cầu sở nguyện... 

Các triều đại phong tặng Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Phúc Thần được vinh danh trong điển lệ thờ cúng của quốc gia muôn đời hương hỏa chẳng dứt !

Tháng 8, hầu Tứ Phủ tại Kiếp Bạc là rất phạm ?

Theo lính ghế nhà Trần thì những người hiểu Đạo và hiểu Sử bên hàng Tứ Phủ hầu Mẫu Liễu Hạnh tháng 8 không được phép về Kiếp Bạc để Hầu Tứ Phủ. Bởi vì như thế là rất "phạm" - bên phủ Nhà Trần (Thanh Đồng) và bên Tứ Phủ Tam Toà kỵ nhau. Nôm na ngày giỗ của cụ Trần Triều mà lại làm Lễ thần chủ Liễu Hạnh tại đó thì khác nào chọc tức cụ.

  • Nếu hầu Nhà Trần thì về Kiếp Bạc hoặc Mỹ Lộc, Trần Thương... còn Hầu Mẫu mà về đó là phải tội.
  • Nếu muốn hầu Mẫu Tam Toà thì về phủ Mẫu như Phủ Giầy, Phủ Bóng, Sòng Sơn...

Để đúng đạo và tâm linh thì chỉ được phép về lễ Đức Ông Trần Triều hoặc hầu Nhà Trần còn tuyệt đối không được hầu Mẫu và bên hàng Tứ Phủ tại đến Kiếp Bạc!

Giỗ một người mà đi dâng lễ và kính một người khác ngay tại nhà người ta thì chưa đúng. 

Tháng 8 tiệc cha đi lễ ở đâu?

Vấn đề trên còn rất nhiều các ý kiến khác nhau, tuy nhiên với danh sách những ngày lễ ở trên, chúng ta cũng sẽ biết được địa chỉ những nơi các đồng cô bóng cậu, tân đồng số lính hay lính ghế nhà Trần... nên đến lễ trong tháng 8. 

Tamlinh.org (Tổng hợp)