Nguyễn triều năm Duy Tân thứ 7 nhằm ngày mồng 8 tháng 8.
Tại xã Đào Động huyện Phụ Dực, các già làng kế sao thần tích thần sắc y như trước đây đã có người biên chép theo chiếu chỉ vua ban cho xã phụng sự.
Trải qua các triều đại, tôn thần đã được phong tặng sắc văn nhưng không rõ vào ngày tháng năm nào như sau:
Hoàng triều Duy Tân ban một đạo sắc văn gồm thần tích, thừa tướng kế sao, các nơi tiếp sao.
Sắc chỉ lệnh cho xã Đào Động huyện Phụ Dực tỉnh Thái Bình y như lệ cũ phụng thờ " Dực Bảo Trung Hưng Bản Cảnh Thành Hoàng Chi Thần”. Cấp thêm mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Trường Giang Chi Thần”, giữ nguyên thần tích.
*THẦN TÍCH:
Thời Hùng Vương truyền đến vua Duệ Vương là đời thứ mười tám. Vua Duệ đại lược hùng tài hiền kiêm sáng suốt, có chí hưng công bình yên trong nước.
Vào thời gian này tại trang An Cố huyện Thụy An phủ Thái Ninh đạo Sơn Nam có nhà họ Phạm tên Túc, vợ Trần Thị Ngoạn. Hai vợ chồng chất phác hiền từ phúc đức nhưng chưa từng sinh đẻ. Một hôm Trần Thị ra ngoài đường chơi thấy một người con gái.Trần Thị hỏi cô gái người xứ nào? Cô gái rằng: Thần người nước phương bắc, nhà nghèo, cha mẹ đã mất, không có anh em nên phải tha phương tìm tới đây, thần thành thực xin làm con trong nhà.
Trần Thị bèn nhận nuôi gọi là dưỡng tử, đặt tên Qúy Nương. Ở được vài năm Phạm Công Trần Thị đều cùng mệnh chết. Qúy Nương chọn đất hành lễ mai táng song thân rồi về nhà cúng tế chịu tang ba năm.
Vào một ngày sau khi hết tang, Nương ra cửa biển tắm gội. Bỗng có một giao long áp quấn ba bốn vòng vào thân thể. Khoảng thời gian sau Nương tỉnh lại, tâm thần chuyển động cảm như có thai, Nương hoảng sợ trở về Hoa Giám Trang.
Mang thai 13 tháng đến năm Đinh Tỵ Nương sinh ra một cái bọc, thấy lạ liền mang bọc thai ra cửa biển thả. Bào thai trôi về Đào Động Trang. Ngoài sông lúc này có một người họ Nguyễn tên Minh nhà nghèo sinh sống bằng nghề đánh Cá, thấy bọc trôi ngang qua liền vớt lên rồi kêu rằng: "Cái bọc này quả là linh ứng", liền thành tâm lấy dao phanh mổ bọc, thấy ba xà đều là quần hùng dũng dược chạy phân đi các phương:
Xà thứ nhất vào ở Đào Động Giang, xà thứ hai bơi đến Thanh Do Trang, xà thứ ba bơi về Hoa Giám Trang nơi mẹ.
Các phụ lão và nhân dân trong vùng thấy sợ hãi biết đích thực đây là thủy thần xuất thế bèn cùng nhau hành lễ ở cửa sông chú rằng: “Qủa là thủy thần linh ứng như vậy. Xin làm thần tử thiết lập sinh từ phụng sự”. Từ đó cầu gió được gió cầu mưa được mưa, nhân dân vô cùng ngưỡng mộ.
Ba năm sau một hôm trời đất tối tăm mưa to gió lớn, các phương mù mịt, giữa ban ngày sấm sét liên thanh đánh vào cửa sông. Khi trời sáng lại phụ lão cùng nhân dân xuất hiện thấy cuối sông có tiếng thơ tụng rành rọt, thơ rằng:
“Sinh vi danh tướng tử vi thần
Vạn cổ danh hương nhật nhật tân.
Hà nhật binh đao nhi mãn địa
Thử thời ngô đẳng thủy thành nhân”.
tạm dịch:
Sống làm tướng chết làm thần
Muôn thuở tiếng thơm mãi mãi còn mới.
Ngày nào binh đao đầy khắp mặt đất
Lúc ấy chúng ta mới biến thành người
Cùng thời có vua Thục và vua Ai Lao liên kế nhau mưu đồ khai chiến. Duệ vương cùng kỳ lão bèn cử hai mươi hoàng nam đều là tiên du……………. phát động làm năm đạo thủy bộ quân ra chống giữ. Vẫn còn ưu tư, vương sai lập đàn cầu đảo trời đất cùng bách thần.
Canh năm đêm ấy thấy phía trước có sứ giả thiên đình mặc áo xanh hiện ra bảo rằng: “Giặc bắc tuy nhỏ vẫn phải coi là lớn. Thiên đình giáng nhiều tướng tài xuống giúp. Nay có ba vị thủy thần đã giáng xuống huyện Thụy Anh phủ Thái Ninh đạo Sơn Nam, một vị ở Hoa Giám Trang, một vị ở Thanh Do Trang, một vị ở Đào Động Trang. Hiện ba vị còn đang là xà. Bệ hạ hãy sai sứ giả đến các sở ấy triệu, ba vị thủy thần sẽ biến thành người hợp cùng Sơn thánh tất đến ngày định yên được giặc”.
Thình lình sợ hãi, vua tức tốc sai sứ đi triệu.
Sứ phụng mệnh theo đến Đào Động Trang. Chợt gặp gió to mưa lớn. Có tiếng hét to như tiếng sấm ở cửa sông, từ đó có người hiện ra xưng tên là Vĩnh Công.
Vĩnh Công đầu mặt rồng mình dài tám thước, sức địch muôn người, hình dung khác lạ. Công cùng sứ giả quay về Hoa Giám bái yết thân mẫu rồi hội cùng huynh đệ về triều gặp vua.
Vua thấy ba người hình dung khác lạ, Vĩnh Công rằng: "Nay nước có sự, thần cùng các thủy thần xin hết lòng phò thánh giá. Thục binh bất quá cũng chỉ nửa tháng sẽ dẹp xong”.
Vua mừng lắm liền cử Sơn Thánh cùng ba vị thủy thần khâm lĩnh hai mươi vạn hùng binh, hàng vạn danh tướng, bái tạ tiền đường rồi tiến binh bày trận. Sơn Thánh làm tiền quân, Vĩnh Công trung quân, hai vị thủy thần hậu quân, thẳng đến bao vây vòng quanh đảo…Thục binh năm đạo vì thế tan tác đại bại, quân ta dâng biểu tấu trình vua đã bình xong giặc Thục.
Vua nghe tin tức thời cho triệu chư tướng hồi triều, hành lễ bái tạ thiên địa bách thần, khao thưởng úy lạo ba quân.
Tự thấy vua tôi hợp lực mới có sự bình yên, vua bèn gia phong cho các làng ấp dịch sở, tiếp sai phong Vĩnh Công làm “Binh Phủ Ngư Thượng Đẳng”. Vĩnh Công bái tạ nhưng không nhận.
Công dâng biểu xin về Thanh Đào Động Trang tổ chức các hộ lo việc dân binh. Vua chuẩn y cấp cho ruộng đất tại Đào Động Trang cao hưởng, lại chọn mười người trong dân theo làm thủ túc phục dịch.
Công trở về Hoa Giám Trang bái yết mẫu thân, lưu ở vài tháng thì bất hạnh đến, thân mẫu bị bệnh mất. Công chọn nơi đất tốt hành lễ an táng và phụng tế đủ hết ba năm. Hoàn tất việc tang Công trở về Đào Động Trang, thấy ven sông địa thế rộng rãi sơn thủy hữu tình liền thiết lập Long doanh, triệu phụ lão nhân dân đến thết đãi và bảo rằng: “Ta cùng mọi người làm nên việc tốt hẳn không chỉ một ngày, sao có thể nhãng quên mẹ?. Ta có sẵn tiền vàng thập đức, mọi người lấy tiền đổi mua ruộng đất làm lợi chung, Công trăm tuổi hưởng thần ấy là công của mọi người vậy”.
Ở được vài năm kịp đến mùa thu ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần, Công cùng mọi người tọa ở doanh sở, tự nhiên giữa ban ngày nổi cơn mưa gió trời đất tối om. Trời sáng lại mọi người trông xa thời Công đã hóa. Dân thấy kỳ lạ dâng biểu tâu vua.
Vua nghe tin nhớ Công trước trấn giữ Tây An Tam Kỳ bèn phong mỹ tự: “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Đại Vương Thái Thượng Đẳng Thần sắc chỉ ban hồi và … cho Đào Động Trang đón thần hiệu về, trùng tu miếu điện, lưu truyền phụng thờ hương hỏa cùng đất nước.
Thần tích tốt lành vậy thay
THÁNH HIỆU MẪU TẠI MAI GIÁM CHÍNH TỪ.
Nam Mô Long Đình Khải Thánh Thái Hậu Tôn Thần Đại Từ Tôn Kim Quyết Hạ. Tức mẫu sinh ba thánh. Mẫu giỗ ngày 15 tháng 3.
- +Đệ Nhất Vua Cha “Trấn Tây An Tam Kỳ Trường Giang Linh Ứng” sắc phong Bát Hải Đại Vương Ngọc Bệ Hạ. Đại vương sinh ngày 10 tháng Giêng, hóa giỗ ngày 22 tháng 8 tại Đào Động.
- +Đệ Nhị “Hỗn Xuyên Viên Tế Quốc, Tế Tây Bạch Thượng Đẳng Đại Vương” Ngọc Bệ Hạ. Vương trấn tại Bích Do, phụng thờ chính tại Hỗn Xuyên, sinh ngày 10 tháng Giêng. giỗ ngày 23 tháng 8.
- +Đệ Tam “Hoàng Giang Bích Ba Thượng Đẳng Đại Vương” Ngọc Bệ Hạ tại Mai Giám, sinh ngày 10 tháng Giêng giỗ ngày 25 tháng 8.
Tamlinh.org
Tổng hợp