Trong truyền thống Thiền môn có một khoa thí thực rất hay, văn chương rất là sâu sắc, tên là Du Già Khoa Nghi, để sử dụng trong các đàn trai cúng cô hồn. Người ta thỉnh mười loại cô hồn về để nghe pháp và tiếp nhận thực phẩm của người dâng cúng.
Mười loại cô hồn có vua chúa, tướng sĩ, có học giả nhà văn, có người buôn bán, có người kỹ nữ, đủ loại cô hồn. Nhưng lạ thay trong mười loại cô hồn đó cũng có những người xuất gia, vì những người xuất gia đó không thành công trong đời tu của mình, do trong cuộc đời của họ chỉ biết đàm luận về giáo lý mà không biết áp dụng những giáo lý đó vào đời sống để chuyển hóa khổ đau của mình.
Chúng ta đã xuất gia rồi, đã thọ giới lớn nhưng chúng ta cũng có thể chỉ trở thành cô hồn mà thôi nếu chúng ta không biết thực tập , không có biết chuyển hóa những khổ đau trong ta. Trong bài kệ thỉnh đó có câu “Không đàm bí mật chơn ngôn, đồ thuyết khổ không diệu kệ ". “Không đàm bí mật chơn ngôn” tức là chỉ học rồi đàm luật mà không thực tập. “Đồ thuyết khổ không diệu kệ” tức là chỉ nói suông những bài kệ mầu nhiệm.
Sau khi đọc hai câu đó thì vị Pháp Sư nói lên:
- “ Ô hô! Kinh song lãnh tẩm tam canh nguyệt, thiền thất hư minh bán dạ đăng", tức là cả cuộc đời tu hành mà chẳng thành công chỉ thành cô hồn. Sau cái cửa sổ, ông Thầy tu đang ngồi học kinh, ngày xưa gọi là “kinh song”. “Lãnh tẩm tam canh nguyệt” là thấm vào một cách lạnh lùng ánh trăng của canh ba (giờ tý). Ý nói thức khuya để học kinh nhưng mà thất bại tại vì cái học này chỉ phục vụ cho đàm thuyết. “Thiền thất hư minh bán dạ đăng”, là trong thiền thất ngọn đèn nửa đêm nó mờ mờ ảo ảo, rất là buồn, vì là sự thất bại của người tu, thất bại ở đây là chỉ ưa thích đàm luật về kinh kệ giáo điển mà không có khả năng áp dụng những kinh kệ giáo điển đó vào đời sống hằng ngày.
Vì vậy, đứng về phương diện thực tập chánh ngữ, chúng ta đừng có học theo lề thói chỉ giảng kinh nói pháp để cho sướng cái miệng, để chứng tỏ mình học được những tư tưởng cao siêu trong Phật giáo và chỉ biết chia sẻ những tư tưởng cao siêu đó mà không biết áp dụng vào đời sống chuyển hóa khổ đau có sẵn của mình.
Điều này đúng với những người Phật tử trong Phật giáo và cũng đúng đối với những người của tôn giáo khác.
Cho nên, chúng ta có một loại cô hồn gọi là Cô Hồn Xuất Gia, không phải chờ tới người đó qua đời thì người đó mới thành cô hồn, người đó thành cô hồn ngay khi còn sống.
(Sư ông Làng Mai)