04/06/2021 11:46 View: 6916

Cô hồn là gì? Các loại cô hồn? Tại sao phải cúng cô hồn?

Nhắc đến hai từ cô hồn người ta nghĩ ngay đến điều gì đó kinh khủng khiếp. Những điều khó lý giải, không nắm bắt và kiểm soát được thường khiến con người ta sợ hãi. Vậy Cô hồn là gì? Các loại cô hồn? Tại sao phải cúng cô hồn?... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

 

co hon dia phu

Cô hồn là gì? 

Các cụ xưa thường nói, con người sinh ra luôn có cả phần hồn và phần xác vì vậy dù đã chết đi nhưng nếu linh hồn được siêu thoát sẽ về chầu trời còn nếu linh hồn oan khuất, không được siêu thoát sẽ lang bạt nay đây mai đó trên dương gian.

Vì vậy, cô hồn theo quan niệm dân gian được hiểu là những hồn ma cô đơn, đây là những linh hồn chưa được siêu thoát vẫn còn vất vưởng trên thế gian. Và cô hồn dã quỷ theo dân gian là những hồn ma, quỷ lang thang cô độc không có nơi trú ngụ và thường ở nay đây mai đó.

Có bao nhiêu loại cô hồn? 

Mười hai loại cô hồn gồm có:

1. Lụy triều đế chúa (các vua chết vì phản loạn, tai nạn đổi đời)

Hay còn gọi là “Tiền vương hậu bá chi lưu”, là những vị vua chúa các triều đại chết do chinh biến, soán chủ thay ngôi. Đó là những vị vua đang trong cảnh thái bình nhưng bỗng chốc chiến hạm kéo đến, binh mã dấy lên và thế là cơ nghiệp nát tan. Các vị này mất đi thành cô hồn với oán hận ngút ngàn.

2. Quan tướng vương triều và Oai tướng phản thần.

Hay còn gọi là  “Anh hùng tướng soái chi lưu”. Những tướng lĩnh anh hùng cái thế, lừng lẫy một thời, xông pha trận mạc, vào sinh ra tử nhưng rồi tử trận, máu nhuộm sa trường, thây phơi đồng nội.

3. Bá quận danh thần.

Hay còn gọi là “Văn thần tể phụ chi lưu”. Các quan chức hành chánh huyện phủ, học hành đỗ đạt nhưng phụng mệnh phải nhậm chức xa nhà, chết nơi quê người đất khách.

4. Bạch ốc thư sinh.

Hay còn gọi là “Văn nhơn cử tử chi lưu”, đây là loại cô hồn thứ tư. Các hàng sĩ tử sinh viên học sinh dẫu học hành nhiều, đêm ngày đèn sách nhưng khi công chưa thành, danh chưa toại nửa chừng đã yểu mạng.

5. Xuất trần thượng sĩ

(Tức là hàng tu sĩ chỉ nói suông lời Phật dạy, không thực hành pháp và còn bị vướng mắc một cái gì đó ).

Hay còn gọi là “Ty y Thích tử chi lưu”. Một số vị Tăng sĩ, tuy ban đầu có chí xuất trần nhưng không đạt được mục đích của đời sống xuất gia. Chỉ đàm luận suông triết lý nhà Phật mà ít dụng công thực hành, không buông xả lại còn bám víu nên chẳng được siêu thoát.

6. Huyền môn đạo sĩ.

Đây là những người luyện linh đơn, tiên đoán cát hung, thiên văn địa lý, đoán mệnh cho người mà mệnh mình mờ mịt nên khi chết vẫn bị đọa lạc.

7. Thương gia lữ khách và kẻ buôn tảo bán tần.

Các thương gia xuôi ngược buôn bán rồi bỏ mạng trên đường kinh thương, không ít người trải qua bao bất trắc trên đường thủy, đường bộ.

8. Chiến sĩ trận vong.

Đến loại thứ tám là cô hồn “Trận vong binh tốt chi lưu” tức những binh sĩ tử nạn trong chiến tranh. Trong vòng binh lửa, bom đạn tơi bời, mạng người như cỏ rác, máu chảy đầu rơi, xương tan thịt nát.

9. Sản phụ bất hạnh (lúc thai sản mất cả mẹ lẫn con).

Cô hồn thứ chín là “Huyết hồ sản nạn chi lưu”. Đó là những sản phụ và con chết trong khi vượt cạn. Sanh nở là thời khắc đau đớn và nguy hiểm, một số trường hợp gặp nạn dẫn đến tử vong.

10. Khuyết tật thiếu tu.

Thứ mười là loại cô hồn “Sân ngoan bội nghịch chi lưu” tức những người bị báo chướng sanh nơi biên địa, đui điếc câm ngọng, chết vì tai nạn lao động, ghen tuông hay bị đầu độc. Bởi kiếp trước họ không tu hành, khinh khi Tam bảo, ngỗ nghịch đối với cha mẹ, tạo nhiều tội nghịch nên nay phải trả quả báo.

11. Cung phi mỹ nữ và hạng buôn hương bán phấn.

Loại cô hồn thứ mười một là “Quần thoa phụ nữ chi lưu”. Những cung phi mỹ nữ, hàng khuê các giai nhân, các mệnh phụ phu nhân gặp lúc thất thế lâm vào khốn cùng, chết thảm.

12. Tù nhân tử tội.

Cuối cùng là loại cô hồn “Thương vong hoạnh tử chi lưu”, tức những hành khất, các tử tội, những kẻ chết do tai nạn nước, lửa, bị thú dữ ăn thịt và những người chết bất đắc kỳ tử do vô số tai nạn khác như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông…

Ngoài ra, còn phải kể đến kẻ chìm sông lạc suối, kẻ nằm cầu gối đất, kẻ cơ bần khất cái và kẻ gieo giếng thắt dây...” (Theo quyển sách “Cốt tủy Giáo lý Phật, Bốn tiến trình đi tới Hạ thủ Công phu” của tác giả Tâm Tịnh, trong phần Thay lời tựa viết cho một người khách đường xa)

Tóm lại, mười hai loại cô hồn kể trên chỉ là sự phân chia mang tính khái quát, đại diện cho các thành phần trong xã hội. Nếu xét về chi tiết thì trong mỗi loại cô hồn có vô vàn cá biệt, tùy theo nghiệp dĩ của mỗi người thuộc các thành phần chết đi mà thành.

Nói chung, những loại cô hồn này chịu nhiều khổ đau, vất vưởng và luôn bị đói khát hành hạ cho đến khi người thân trợ giúp về phước đức, hay chịu hết nghiệp mà đầu thai siêu thoát.

Truyền thuyết dân gian về tháng cô hồn

Ngày xá tội vong nhân bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ trở lại cõi trần và đến rằm thì tất cả phải trở về, cửa địa ngục đóng lại. Trong quan niệm của Phật giáo cũng có 2 truyền thuyết kể về sự tích tháng cô hồn.

Có chuyện kể rằng ngày trước, quỷ thường hay quấy phá, làm hại người, khiến họ không thể yên ổn làm ăn, khổ quá bèn kêu lên Phật. Đức Phật giúp con người trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục. Thế nhưng vì lượng cả từ bi, ngài cho phép chúng trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng 7. Một chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con Ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.

A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn.

Nhắc đến Ngạ quỷ các thuyết Phật giáo cũng có giải thích rằng, Ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.

Do đó, vào tháng 7 âm lịch, người ta quan niệm trên dương thế có rất nhiều quỷ đói nên phải cúng cháo, gạo, muối hối lộ cho chúng để chúng không quấy nhiễu cuộc sống bình thường. Thậm chí, nhiều nơi người ta còn gọi quỷ đói là “người anh em tốt”, “thần cửa sau” để lấy lòng những linh hồn quỷ này.

Ngoài ra, mọi người còn tránh cho trẻ nhỏ hay người yếu bóng vía ra đường, sợ quỷ bắt mất, đồng thời làm các phép trừ quỷ như rắc vôi bột, treo vài nhánh tỏi trước nhà…

Xem ngay: Tháng 7 cô hồn cần KIÊNG KỴ những gì?

Tại sao nên cúng cô hồn?

Không chỉ nhằm mục đích tránh bị quấy phá, lễ xá tội vong nhân còn là việc làm mang tính nhân văn cao bởi đây là dịp giúp những linh hồn lạc lối, không nơi nương tựa có một ngày được tưởng nhớ, biết đến.

Con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, kết thúc mọi khổ đau.

Văn cúng của lễ này thường dùng bài "Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, bản văn này còn có tên là "Chiêu hồn thập loại chúng sinh”, nội dung của bản văn đã thể hiện sự kết hợp giữa giá trị nhân văn cao cả của người Việt với văn hóa Phật giáo.

Xem thêmTrọn bộ 17 bài văn tế thập loại CÔ HỒN

Trong Phật giáo lễ này có vai trò hết sức quan trọng bởi lẽ nó thể hiện một trong "Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: 1. Ân Cha Mẹ; 2. Ân Tam Bảo Sư trưởng; 3. Ân quốc gia xã hội; 4. Ân chúng sinh vạn loại.
Ân Cha Mẹ là ân đầu tiên trong tứ ân, Cha Mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành ra mình mà có thể hiểu là chúng sinh.

Bởi khi còn tại thế, một lần trên đường đi thuyết pháp Đức Thích Ca Mâu Ni gặp một đống xương khô, Người đã quỳ xuống bái, và Người đã giải thích cho các đệ từ rằng biết đâu người này kiếp trước là cha mẹ ta.

Những điều nên làm trong "tháng 7 cô hồn"

  • 1. Cúng các cô hồn trong tháng bất cứ ngày nào từ mùng 2 - 14 âm lịch
  • 2. Thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa hay vãng sanh đường trong chùa chiền lưu giữ các hũ hài cốt. Vì trong tháng cô hồn còn gọi là Tết của những người Âm.
  • 3. Trước khi dọn đồ ra cúng cô hồn, các bạn chưa kịp thắp nhang khấn vái thì có những người tranh nhau giật các đồ cúng từ trên tay bạn thì ngay lập tức nên buông thả đồ cúng ra khỏi tay bạn. Nếu bạn giật lại thì hậu quả nhận được là những điều tệ hại. Nếu khi bạn chưa làm lễ cúng mà đã có người chầu chực để giật có nghĩa là tín hiệu tốt.
  • 4. Nên hạn chế sát sinh các con vật.
  • 5. Nên cúng xe ô tô dù có kinh doanh hay không kinh doanh.
  • 6. Nên ăn chay để tránh điềm dữ.
  • 7. Nên làm phúc thiện mạnh mẽ trong tháng này.
  • 8. Nếu biết tụng kinh thì nên trì tụng (Chú Đại bi, chuẩn đề, vu lan báo hiếu, Địa tạng)
  • 9. Nên ăn nói nhã nhặn vui vẻ trong gia đình hay trong bạn bè đối tác.
  • 10. Nên tránh xa các cuộc xung đột.
  • 11. Nên cứu người khi gặp nguy cấp.
  • 12. Nên đi chùa chiền thắp nhang cầu xin sức khỏe, cầu siêu… (Xem Bài văn khấn cúng Rằm Tháng Bảy.)
  • 13. Khi các bạn cúng cô hồn xong thì 1 ngày sau đó hoặc cuối tháng 7 nên dùng bột trừ tà ma tiêu khử, tránh trường hợp các âm hương linh phảng phất vào nhà mình tụ ở lại và đồng thời vào đầu tháng 8 âm lịch thì nên dùng bột tẩy uế mà tẩy hoàn toàn trong căn nhà mình để có tác dụng cân bằng sinh khí trong ngôi nhà mình ở.