04/06/2021 11:47 View: 9761

Thay ban thờ gia tiên mới cần làm những gì?

Trong văn hoá tâm linh người Việt, thay mới bàn thờ không chỉ là việc cần làm khi ban thờ đã quá cũ, hư hỏng mà còn được xem là sự thể hiện tôn kính với thần linh, tổ tiên, thể hiện sự quan tâm của gia chủ đối với chốn tâm linh của gia đình. Vậy thay ban thờ gia tiên mới cần làm những gì? Thủ tục thay ban thờ mới như thế nào? Sắm lễ thay ban thờ mới? Văn khấn khi thay ban thờ mới? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

thay ban tho moi

Khi nào cần thay ban thờ mới

Nếu bàn thờ gia tiên đã cũ, bị hỏng, mục nát không phù hợp với không gian thì nên thay ban thờ mới.

Gia đình chuyển nơi ở mà không thể mang theo bàn thờ cũ thì có thể hóa bàn thờ cũ và làm thủ tục thay bàn thờ gia tiên mới.

Sắm lễ cúng khi thay ban thờ gia tiên mới 

  • 01 con gà lễ hoặc thịt luộc: Gà lễ thường được chọn để thắp hương lên bàn thờ trong những việc quan trọng như thay bàn thờ mới, bốc, chuyển bát hương. 
  • 01 chân giò trước làm sạch luộc chín: Chân giò heo khi cúng được gọi là trư túc hay đồng âm với “chư” và “túc” nghĩa là cầu sung túc, no đủ.
  • 05 quả trứng gà ta (để sống) 2 lạng thịt vai (để sống). Lúc lễ xong thì phải luộc chín luôn
  • Đĩa xôi trắng hoặc xôi gấc tự nấu càng tốt.
  • Lễ: 3 lá trầu, 3 quả cau, rượu trắng, hương, đèn nến, tiền vàng.
  • 01 đĩa gạo muối (không trộn lẫn),
  • 03 chén nước
  • 05 quả tròn (táo hay lê…),
  • 09 bông hồng màu hồng son,
  • 01 lạng chè ngon + 1 bao thuốc lá,
  • 05 lễ vàng tiền,
  • 01 bộ quần áo quan thần linh đỏ, hia, mũ, ngựa đỏ, kiếm trắng,
  • 01 mâm cơm canh (không hành tỏi).

Quy trình thủ tục chuyển bàn thờ cũ của gia tiên sang bàn thờ mới

  • Bước 1: Bày mâm cúng trước bàn thờ
  • Bước 2: Thắp nhang
  • Bước 3: Khấn vái thành tâm
  • Bước 4: Hóa vàng mã
  • Bước 5: Chờ nhang tàn thì bái tạo, mang theo các đồ vật trên bàn thờ xuống
  • Bước 6: Quét bụi, lau dọn sạch sẽ bàn thờ, đồ thờ.
  • Bước 7: Cẩn thận xếp các đồ trên bàn thờ vào thùng và đóng gói chắc chắn.
  • Bước 8: Chuyển đến nhà mới, bài trí lại các đồ vật lên bàn thờ mới.
  • Bước 9: Làm lễ nhập trạch nhà mới, mời tổ tiên về tại vị
  • Bước 10: Sau khi chuyển bàn thờ cần phải thắp nhang liên tục trong 1 tuần vì theo quan niệm dân gian là để tổ tiên quen với nhà mới.

Văn khấn thổ công gia tiên khi thay ban thờ mới

Con nam mô a di đà Phật ( 3 lần, 3 lễ)

Con xin kính lạy:

  • Hoàng Thiên, hậu thổ, Chư vị tôn thần (1 lễ)
  • Ngài đương cái Thái tuế.... Vương Hành khiển, chí Đức tôn thần (1 lễ)
  • Bản cảnh thành hoàng đương xứ đại vương
  • Bản xứ thổ địa
  • Định phúc táo Quân,
  • Đông Trù Tư mệnh, phúc đức chính thần
  • Ngũ phương long mạch tiếp dẫn tài thần
  • Thần linh, Chúa đất, tiền hậu địa chủ, cùng các chư vị thần linh cai quản nơi này (1 lễ )

Con xin kính lạy:

  • Hội đồng gia tiên họ.... ( 1 lễ)
  • Cao tằng tổ khảo
  • Cao tằng tổ tỷ
  • Bá, thúc, huynh, đệ
  • Cô di, tỷ muội ....(1 lễ)

Con xin kính lạy :

  • Hội đồng bà cô, ông mãnh (1 lễ)
  • Bà cô tổ, ông mãnh tổ, Cửu Huyền thất tổ
  • Các các bà cô, ông mãnh, các chi, các phái, các ngành cùng cô cậu bé đỏ tại gia (1 lễ)

..........
Hôm nay ngày... Tháng.... Năm...
Con ( chúng con) là... ..tuổi...
Thành Tâm tu lễ.... Huơng hoa, ..... thắp nén nhang thơm dâng lên hương án, trước bàn thờ gia tiên, tiền tổ, kính xin hội đồng thổ công, hội đồng gia tiên gia ân đại xá cho chúng con ... Thiết nghĩ rằng

Cây có gốc nở cành xanh lá
Nước có nguồn, bể cả, sông sâu
Nền nhân, cõi phúc từ đâu
Phận làm con cháu, nhớ câu báo đền

Thấy ban thờ, chưa khang, chưa đẹp
Lòng kính thành, áy náy trong tâm
Chúng con chưa biết lỗi lầm
Ơn trên phù hộ, ngàn lần xét soi

Dâng án mới, khang trang sạch sẽ
Cung thỉnh mời, tiên tổ, thần linh
Lai lâm phù hộ gia đình
Cháu con hiếu thảo, thông minh toàn tài

Cho gia đình, yên thân mát mệnh
Cho lộc tài, đi tốt về tươi
Đi năm người độ cho mười
Cho con bốn chữ thọ trường khang ninh

Nay con, người trần mắt thịt, chỉ có tấm lòng thành, đàn sơ lễ mọn, cúi xin phù hộ cho gia đình con ( hoặc cho con).....( muốn gì thì xin thêm)
Chẳng biết nói chi, chẳng biết nói gì... Con xin giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám....

Con Nam mô a di Đà Phật ( 3 lần 3 lễ )

 

Cách bày bát hương ban thờ mới

Cách bày bát hương:Để bát hương cách tường 5cm, bát hương thần linh ở giữa, bát hương gia tiên bên tay trái (theo chiều từ trong tường nhìn ra), bát hương bà tổ cô ông mãnh bên tay phải. Các bát hương cách nhau 10cm đến 15cm.

Cách thắp hương: Bát hương thần linh thắp 3 nén hương, hai bát hương còn lại thắp 3 nén hương. Thắp theo thứ tự Thần Linh ở giữa, Gia tiên bên trái rồi Bà cô Ông mãnh bên phải.

Bài cúng an vị bát hương

Chú ý: Thắp hương liên tục trong 7 ngày, (Nên thắp hương vòng, hoặc để liên tục 1 đèn đỏ), hằng ngày (trong 7 ngày đầu tiên) buổi sáng để 1 chén nước, một lọ hoa và khấn:

Tín chủ con:.........đã chuyển các quan thần linh, gia tiên, sang ban thờ mới.........từ ngày..........tháng/ năm. Kính cáo chư vị Thổ địa - Tài thần, Thượng trung hạ đẳng thần an tọa vào bát hương trên ban thờ ở đây, phù hộ độ trì cho con sức khỏe, khang ninh, bách sự toại tâm, vạn sự như ý.

Nếu như gia chủ có thời gian, trong lúc an vị bát hương Đọc Chú Đại Bi sau 3 lần (có thời gian thì có thể đọc kinh Dược Sư cầu an).

Xem thêm: Hướng dẫn cách tụng chú đại bi tại nhà ĐÚNG nhất

Cách xử lý bàn thờ cũ đúng cách

Thay bàn thờ mới đồng nghĩa bạn sẽ phải xử lí bàn thờ cũ chứ không thể để nguyên trong nhà được. Tuy nhiên, không phải bàn thờ cũ là muốn vứt bỏ thế nào cũng được bởi đó là vật linh thiêng. Do đó chúng ta cần phải xử lí đúng cách như sau:

Đối với bàn thờ gia tiên cũ được thay thế bằng bàn thờ gia tiên mới do nguyên nhân từ chất lượng tới không phù hợp với không gian. Trước đây cách xử lí bàn thờ cũ khi thay mới thường là bỏ hoặc vứt xuống sông với quan niệm cho mát mẻ.  Tuy nhiên đây là việc không nên vì có thể gây ảnh hưởng tới môi trường và khiến cho bàn thờ bị lộ thiên như một kiểu bị vứt bỏ rác thải, và đó là sự bất kính đối với tổ tiên.

Do đó chúng ta cần phân nhỏ bàn thờ cũ ra để đốt thành tro và lấy tro chôn xuống đất là tốt nhất hoặc giải tro xuống sông.

Tamlinh.org (Tổng hợp)