04/06/2021 11:51 View: 11001

Sự khác nhau giữa dòng Đồng Nhà Trần và Đồng Tứ Phủ

Tục thờ Trần triều và thờ Tứ phủ là hai tín ngưỡng thờ cúng phát triển song song và đều là những di sản tâm linh quý giá đối với người miền Bắc Việt Nam. Vậy giữa đồng nhà Trần và đồng nhân Tứ phủ có sự khác biệt như thế nào? Hai dòng đồng này có điểm gì chung? Khả năng tâm linh của từng dòng đồng ra sao? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.  

kiem chi doi nuoc

Hiện nay, nhiều người ra nhập đạo Mẫu đều song song mở phủ Tứ Phủ và đội lệnh Nhà Trần, có người còn so sánh đạo cao thấp hay cho rằng đồng Nhà Trần và đồng Tứ Phủ là hoàn toàn khác biệt.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng:

Nhà Trần không phải một phủ.

Sự sắp xếp thờ phụng nhà Trần theo trật tự gia đình chứ không theo chức tước, hàng bậc như trong Tứ Phủ, trung tâm là Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương - Trần triều hiển Thánh).

Hưng Đạo Đại Vương (Trần Quốc Tuấn) hay dân gian vẫn gọi với cái tên quen thuộc mà tôn kính “Đức Thánh Trần” một vĩ nhân người Việt, một nhà quân sự đại tài của nhân loại, một vị thánh trong lòng nhân dân, một vị Thánh đứng đầu của một tín ngưỡng Việt Nam ta gọi là Đồng Nhà Trần.

“Nhà Trần” là gì?

Nhà có nghĩa là gia đình, chúng ta cũng thường nói là nhà ông A, nhà ông B nhà ông nọ nhà bà kia... Tất cả các vị Thánh thờ trong tín ngưỡng Nhà Trần là thuộc một gia đình. Đứng đầu là Đức Thánh Trần, trên đó là các vị Vương phụ, Vương Mẫu, rồi kế đến là Tứ vị vương tử, nhị vị vương cô, Đức Trung Quân đại vương Phạm Điện Súy, đến Lục bộ Thánh ông… Nhìn chung đều là người trong gia đình hoặc gia tướng gia binh và gia nô thân tín .

Ý từ “nhà” trong tín ngưỡng Nhà Trần đây là như vậy chứ không phải chỉ cả triều đại Nhà Trần.

Việc tôn vinh và thờ phụng Đức Thánh Trần và Nhà Trần trở thành đạo lý của nhân dân ta. Đức Thánh Trần là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc, ngài được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự và tấm lòng tín nghĩa. Cũng là biểu thị đức tin, niềm tin của nhân dân với một anh hùng dân tộc vừa là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.

Việc này hợp với tâm thức và ước nguyện của người Việt: Là Thần Thánh hóa người có công với nhân dân, với đất nước, cầu vọng được sự bảo vệ, hộ quốc an dân từ các vị Thần Linh của dân tộc.

So sánh Đồng nhà Trần và Đồng Tứ Phủ

Nay nói sơ qua về điểm giống và khác nhau giữa Đồng nhà Trần và Đồng Tứ Phủ:

Đồng nhà Trần và Đồng Tứ Phủ có điểm gì giống nhau?

Điểm giống nhau: Nhà Trần và Tứ Phủ tuy hai là một, tuy một lại là hai:

  • - Đều là tín ngưỡng thờ Thánh của dân tộc, cầu xin sự che trở, ban ơn và hướng đến cuộc sống tốt đẹp. Thời Nhà Lê các vị vua còn chuẩn tấu có chỉ dụ chấp thuận cho Đức Thánh là cha của các Thanh đồng. Vì vậy mới có câu tháng 8 giỗ cha (Đức Thánh Trần), Tháng 3 giỗ mẹ (Thánh Mẫu Liễu Hạnh)...
  • - Về tâm thức người Việt nói chung thì họ chỉ quan niệm nhà Trần chống và trấn trị ma tà bảo trở phần âm, còn Tứ phủ cho lộc lá, che trở cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Phần nữa là định hướng về tâm linh hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ (Noi gương, kính trọng các vị Thánh, sự từ bi, đức độ, tài năng của các vị Thánh …). Có thể hiểu: Tứ phủ là dẫn lối còn Nhà Trần là bảo trợ, giúp và hướng con người đến cuộc sống an lành, tốt đẹp hơn.
  • - Những đồng nhân Nhà Trần và Tứ phủ muốn nhập đạo đều cần dựa trên căn duyên và nghiệp, có thầy dẫn dắt ra mở phủ/ đội lệnh Nhà Trần.

Đồng nhà Trần và Đồng Tứ Phủ có điểm gì khác nhau?

Điểm khác nhau cơ bản như sau:

1. Về phần âm dương giữa nhà Trần và Tứ phủ khác nhau thế nào?​

Bắt đầu từ thời Lê, toàn dân mặc định và nhất là những nhà vua phong kiến đều ra sắc phong cho Đức Thánh Trần là Hồng Huân Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Hiển Thánh Chúa tể Linh Thần Nam Việt cai quản thiên địa thủy bộ chư binh Nam Việt... Quyền hành của ngài đứng đầu về phần âm về mặt binh quyền.

(Khi các vị vua của phong kiến cũ và toàn dân đều sắc phong và công nhận Nhà Thánh cai quản toàn bộ các loại Thiên binh, Thủy binh, Địa binh ... chư binh về phần âm của Nam Việt chứ không phải ai khác có nghĩa là trên toàn cõi Nam Việt này ngài là người đứng đầu cai quản phụ trách toàn bộ các loại binh của thế giới bên kia, kể cả thiên binh.)

Như vậy nhà Trần hay Tứ phủ đều là những vị chính Thần có sắc phong của các vị vua đại diện toàn cõi Nam Việt, là một thể thống nhất. Chỉ là bên Nhà Trần chuyên phụ trách quản binh.

2. Nghi lễ nhập đạo giữa nhà Trần và Tứ phủ khác nhau thế nào?​

  • + Đồng tứ phủ: Trình đồng mở phủ
  • + Đồng Nhà Trần: Đội lệnh nhập đạo

3. Thức lễ mã man giữa nhà Trần và Tứ phủ khác nhau thế nào?​

  • + Đồng tứ phủ: Mã nội đàn, mã ngoại đàn, tòa sơn trang, thuyền thoi, voi ngựa, hình lốt...
  • + Đồng Nhà Trần: Vàng mã Nhà Trần không được quy định như bốn phủ vì không có nợ hay mở phủ Nhà Trần. Chỉ cần chục vàng lá, trăm vàng thiếc đại là hành lễ được.

Nếu Pháp sư (thầy phù thủy) tiến cúng nhà Trần thì tùy điều kiện từng người chọn một trong 3 đàn lễ (Đàn đại, Đàn trung, Đàn tiểu) để tiến dâng và xin binh quyền làm việc.

4. Một số khái niệm về đồng nhà Trần và đồng Tứ phủ khác nhau thế nào?

+ Đồng tứ phủ:

  • Đồng Tứ phủ còn gọi là đồng nhân, bậc cao nhất là Đồng Quan
  • Người thầy mở phủ gọi là: Đồng thầy, mẹ đồng, mẹ đồng quan…

+ Đồng nhà Trần:

  • Đồng nhà Trần hay còn gọi là thanh đồng, bậc cao nhất là Lính Thánh
  • Người thầy dẫn nhập đạo gọi là: Thanh Đồng Đạo Trưởng…

5. Cách thức lựa chọn, tu tập, rèn đồng luyện đồng nhà Trần và đồng Tứ phủ khác nhau thế nào?

+ Lựa chọn con đồng nhập đạo nhà Trần và Tứ phủ:

Theo căn cốt duyên nghiệp: Tức là có căn duyên với dòng tín ngưỡng nào, nào (Đồng Nhà Trần – Đồng Tứ Phủ hoặc cả hai) thì sẽ được thầy dẫn trình và dậy đạo cho phù hợp, sau đó mới có thể thực hành tín ngưỡng.

Thanh đồng của Nhà Trần được tuyển chọn khắt khe hơn và việc thực hành các nghi thức trong hầu Nhà Trần cũng có lề lối nghiêm ngặt hơn so với đồng Tứ Phủ.

Thường đồng Nhà Trần phải do các vị Thánh Nhà Trần chọn lựa và đánh dấu hay ban ấn son hoặc chỉ định nhắc qua các ứng báo. Thường là hay được mơ như đi bắt quỷ trừ tà làm pháp sự hay theo hầu các vị Thánh được thờ trong dòng tín ngưỡng nhà Trần hoặc đi độ âm độ vong.... hoặc là con cháu của những dòng tộc từng có người Theo đức Thánh thời sinh tiền hay từng thờ phụng Hầu Thánh hoặc pháp sư dòng Nhà Trần được các cụ gia tiên chọn lựa để chỉ định truyền thừa theo huyết tộc.

Đặc biệt, có người vừa là đồng Tứ Phủ lại vừa là đồng Nhà Trần gọi là đồng “Kiêm chi đôi nước”.

Khi đã được ứng báo là người có nghiệp đạo và căn duyên bên Nhà Trần thường thì nhờ bề trên một là bố hay chú bác hoặc các người trong họ đi trước thửa lễ đội lệnh nhập đạo và ban khăn ấn cũng như sắc lính và tên pháp tự riêng của đồng Nhà Trần.

+ Tu tập và học đạo giữa đồng nhà Trần và Tứ phủ:

Nếu người mới đời này mới được ân duyên nhập đồng mà nhà không có nơi thờ tự thì thường cũng sau ba năm đã thông thuộc đạo pháp là phải lập tĩnh đường (điện thờ Nhà Trần).

Ngày nay một phần do thiếu hiểu biết và những tuyên truyền chưa chính xác về đồng Nhà Trần, nhiều người nhập đạo Tứ Phủ cũng ồ ạt đội lệnh nhà Trần mà không hiểu rõ căn nguyên, cách thực nhập đạo và tu tập cùng những nguyên tắc tối kỵ của đồng Nhà Trần. Dẫn đến tình trạng loạn và đa phần làm lễ đội lệnh nhưng là về hình thức còn không được Nhà Thánh chấp thuận hoặc sau khi đội lệnh cũng không biết cách tu tập cho đúng đường lối, thành ra hành đạo và thực hành nghi lễ không đúng, thậm chí kệch cỡm và làm xấu hình ảnh của đạo.

Nên nhớ, đồng Nhà Trần có hai dòng pháp:

  • · Một là dòng phù lục
  • · Hai là dòng đồng đồ đằng dấu mặn.

(Bao gồm cả đồng kiêm chi đôi nước: đồng Tứ phủ có tên trong sổ lính Nhà Trần). Người căn kiêm chi đôi nước là những người lính của cửa đình Thần Nam Việt, là người đại diện tổng hợp nhất cho tâm linh việt cửa đình thần Việt.).

Nếu là thanh đồng Nhà Trần đã ra hành đạo phải tinh thông nho y lý số với một trình độ nhất định. Một số cơ cánh còn yêu cầu con đồng tính thông cả đạo Phật .

Sau quá trình ra trình đồng mở phủ, được dẫn đạo dạy đạo và tu tập cơ sở. Đến khi đủ cả về thời gian và kiến thức, kĩ năng cùng một số điều kiện cần thiết khác sẽ được làm lễ cấp sắc trước khi ra làm việc Thánh và tu tập ở bước tiếp theo: làm pháp sự hay trấn trạch sát quỷ trừ tà, trị bệnh âm, cắt trùng…

Đặc thù Nhà Trần quản về binh quyền, đồng nhân đội lệnh là người lính, tối kỵ nhất là phản Thầy phản đạo.

+ Hình thức hành đạo giữa đồng nhà Trần và đồng Tứ phủ khác nhau thế nào?

Đồng Nhà Trần thiên về đồng pháp sát quỷ trừ tà, chữa bệnh âm… Trong khi đồng tứ phủ thường là soi bói, gọi dí, chữa bệnh dương, cầu cơ… Cũng có làm đồng pháp nhưng đa phần là đồng kiêm chi đôi nước (Vừa là đồng nhà Trần- Vừa là đồng tứ phủ).

+ Thực hành nghi lễ giữa đồng nhà Trần và đồng Tứ phủ khác nhau thế nào?

 Đồng Nhà Trần khi bắc ghế hội đồng hay kiều bóng Thánh thượng đồng làm việc thường vất vả nhiều hơn dòng đồng tứ phủ, lấy dấu mặn, xiên lình… và rất hiếm khi hầu vui.

+ Luyện đồng nhà Trần và đồng Tứ phủ khác nhau thế nào?

  • · Đồng Tứ Phủ: luyện đồng qua các nghi lễ hầu hạ, hành đạo hằng ngày trong suốt quá trình tu tập, có thể gọi là luyện đồng mở (bách gia có thể biết được: Dự hầu, tín chủ đến cậy nhờ hành đạo như xem bói, gọi dí…)
  • · Đồng Nhà Trần: Luyện đồng tách biệt với hành pháp, thông quá các vấn hầu luyện đồng. Khi luyện đồng, đồng Nhà Trần phải luyện kín, chỉ người trong bản hội dòng đồng mới được biết hoặc dự. Trong quá trình luyện đồng thông qua các vấn hầu luyện đồng, chư Thánh giáng bóng trực tiếp đúc vào căn mệnh của Thanh đồng (không chỉ mài vết khắc nghiệp mà còn song song với luyện cốt trực tiếp). Do vậy, đồng Nhà Trần sau khi luyện đồng có thể hành pháp, làm việc trấn quỷ, trừ tà nhờ nội lực tự thân. Việc luyện đồng có thể nhiều lần trong năm (tùy căn cơ và công việc được giao phó), không bị giới hạn số lần hầu (mài vết khắc nghiệp) như đồng Tứ Phủ.

Tuy nhiên việc này cũng có mặt bất lợi, đặc biệt là giai đoạn bao cấp hoặc những thời kỳ đạo nội bị chống phá, bài xích. Luyện đồng Nhà Trần không để người ngoài biết và khi đó rất ít đồng nhân trong một bản hội có thể tự do tập trung lại để luyện đồng, nhiều phép luyện đồng cổ xưa vì vậy mà bị mai một đi phần nào.

Hiện nay, số lượng người ra đồng ồ ạt, căn nông căn sâu cũng ra đồng hầu hạ.

Có người không có căn duyên bên Nhà Trần cũng làm lễ đội lệnh, gần như 10 người đến 9 người nhận mình là “Kiêm chi đôi nước”, vừa là đồng Tứ Phủ, vừa là đồng Nhà Trần. Dẫn đến về nghi lễ hầu hạ thì loạn xạ, xiên lình, lên đai thượng bừa bãi vô thưởng vô phạt, lỗi đồng, loạn bóng loạn đồng.

Về hành pháp thì không đúng phép, chỉ học vẹt, học mò mỗi chỗ cóp nhặt một ít hoặc chỉ dựa vào dị năng, âm truyền. Trong khi nếu là đồng Nhà Trần thì bắt buộc phải học (Đồng sáng: Có kiến thức, được chỉ bảo, dạy dỗ, được luyện đồng trực tiếp…), chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào dị năng .

Hiện nay, tuy thời thế thay đổi nhưng vẫn còn những đồng thầy tâm đức, những dòng đồng có gốc, do được rèn dũa từ những kiến thức cơ bản nhất nên vẫn giữ được những nghi thức nghi lễ truyền thống, quy tắc lễ nghi hầu hạ rất chuẩn chỉ, việc lựa chọn, rèn đồng luyện đồng cũng vẫn rất nguyên tắc, lề lối.

Các đồng nhân, thanh đồng phải nhớ: Đồng Nhà Trần và Đồng Tứ Phủ, dù là bên nào cũng là đạo nội thuần Việt ta. Người sắp nhập đạo và sau khi nhập đạo phải hiểu đúng, hiểu đủ về quy củ, lễ nghi… Con đồng có hiểu đạo, có kiến thức và nỗ lực tu tập mới mong có tiến tu và hành đạo chính pháp được.

Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Quốc Thêm – Tự Tuệ Trần.

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web và trích nguồn đầy đủ