Ngày nay lợi dụng sự mở cửa và giao thoa văn hóa tín ngưỡng giữa các quốc gia, các dân tộc, một bộ phận tà đạo liên tục rao giảng lôi kéo tín đồ bằng những lí thuyết ma mị, những quan điểm dị giáo, phản tổ. Nhiều người trẻ tuổi đua theo sự dẫn dụ, sự lôi kéo, sính ngoại, đề cao ngoại tà đạo, bôi thấp Đạo Mẫu, đạo nội ông cha. Thực đáng trách nhưng cũng có phần đáng thương. Đáng thương bởi họ chưa được biết, chưa được hiểu về nội đạo Việt ta, về đạo của ông cha thiêng liêng cao quý.
Trong các câu hát văn của đạo Mẫu ta thường nghe:
“Cây có gốc nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn bể cả sông sâu
Người ta ăn ở bởi đâu
Nghĩa là tiên tổ ơn sâu khác thường”
Chốn linh thiêng gần gũi với người Việt nhất từ xưa là đền và đình chùa và cái lẽ sống là: “Sống cả mồ mả không ai sống cả bát cơm”.
Nhưng sống ở đời, ta cũng nghe:
“Có bệnh thì vái tứ phương
Không bệnh chẳng mất nén hương, tờ vàng”
Cuộc sống bình thường trôi qua thì không sao, đến cái lúc khó khăn nhất, bệnh tật thì chúng ta mới nhớ lại cái gốc, nhớ đến cái lời răn của ông bà để lại, nhớ về tiên tổ, về Thánh Thần để kêu cầu, chứ thời buổi mỳ ăn liền này “bát cơm” cũng có thể quên.
Nhưng quên gì thì quên, chứ nhất quyết không được quên đi lời ông cha đã dạy:
“Thứ nhất tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.
Cả nghĩ cứ theo đó để không đau không khó, cũng luôn NGHE, NGỘ VÀ THEO cho chính bản thân mình.
Trên đời này ai tốt với ta nhất? Ai chân Thành với ta nhất? Ai dậy ta nhiều nhất? Đó chính là bố mẹ ông bà và gia tiên máu mủ nhà mình.
Không cần nói, đã là người Việt đều biết đến tục thờ cúng tổ tiên từ bao đời nay. Đời con cháu nối tiếp đời cha ông để lại. Đến nhà nào cũng thấy có ban thờ gia tiên thờ cúng, sóc vọng tuần tiết, lễ Tết nếu là người dân bình thường và nói kiểu thời hiện đại: “tôn giáo không”.
Mà dù có tham gia bất cứ tôn giáo nào trong giáo lý của họ dù không có phần thờ cúng gia tiên thì về Việt Nam cũng vẫn phải giao thoa với tục thờ cúng đạo ông bà Việt cả.
- Kể cả đạo Phật nguyên thủy không thờ gia tiên nhưng khi về Việt Nam cũng phải thờ và gần đây là đạo Thiên Chúa các cha bây giờ cũng cho phép con chiên thờ gia tiên.
- Xuất gia lên chùa không thờ cúng giỗ chạp nhưng về Việt Nam ta cũng thờ cúng, giỗ chạp các tổ sư.
Cũng chẳng phải tự nhiên các cụ luôn dạy con cháu rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” để nói về tầm quan trọng của việc thờ - phục vọng gia tiên.
Thứ nhất tại gia – đó chính là tu tại gia đình mình, với cả người dương phần và cả mặt âm phần.
Ở đây tôi chỉ đề cập đến mặt âm phần: Thờ cúng tổ tiên là dành hết sự tôn kính, báo hiếu của con cháu sau khi các cụ đã tạ thế (lúc này chỉ có thể thông qua việc thờ cúng, hương khói, kêu cầu gia tiên).
- Trước là dùng sự tín tâm của mình giữ lại phần hồn cho những vong linh đã mất, tránh “hồn xiêu phách tán”, tạo tiền đề cho những vong linh này khi vẫn đang trong thời gian còn được thờ phụng trực tiếp bởi những đời con cháu gần nhất có đủ điều kiện nguyện lực gia trì tu tập (để được ngộ và làm sạch thân tâm - thần hồn chân linh nơi âm thế địa phủ).
- Sau là được luân hồi chuyển kiếp hoặc tu tiếp ở đường âm (bình thường tục thờ cúng tổ tiên sẽ được thờ trong 4 đời con cháu - tứ đại mai thần chủ, sau đó sẽ được nhập vào công đồng thờ chung tại nhà thờ tộc và hưởng sự tín tâm chung).
Ta vẫn thấy các cụ có câu nói với người đã khuất: “các cụ đón đi rồi”. Các cụ dưới đó đang tu ý chỉ người chết đang tu theo các cụ gia tiên.
Đừng để nghiệp lực quấn thân
Nói thêm về tu tập phần âm tức là loại bỏ dần dần những việc làm không tốt khi còn sống khiến nghiệp lực quấn thân tâm, thần hồn:
Ai sống chả có oán sát và nghiệp lẫn tiếc nuối mong cầu. Khi chết thì mang theo những oán sát và nghiệp này như hình với bóng. Vong chân linh khi chết nhiễm tạp, nhiễm bẩn bởi các nghiệp và oán cũng chưa ngộ ra để đủ điều kiện đi đầu thai thành người (nên nhớ là đầu thai về kiếp người mới chứ không phải bị đoạ).
Điều kiện để một vong hồn đầu thai thành người và có chân linh mạnh tu tập tốt phải do con cháu thờ cúng gia trì. Nhưng có vị quá nặng nghiệp khiến sau 4 đời theo luật vẫn chưa thể “tự tu” cầu xin được chuyển kiếp để thần hồn sạch sẽ đầu thai thành người. Một khi đã quá thời hạn ở lại cõi tứ đại thì phải có người gia trì tín ngưỡng lực tiếp khi con cháu không giỗ chạp và thờ cúng.
Phần này gọi là sự gia trì tín tâm của con cháu dành cho ông bà tổ tiên.
Thờ cúng ngoài có ý nghĩa tưởng nhớ gia tiên và người thân đã khuất còn là phương thức gia trì tín ngưỡng lực cho chân linh các cụ mạnh lên để các cụ tu tập
Sau nữa còn có ý nghĩa về mặt âm phù: Đó là phần phúc âm (phần thiêng) tức sự che chở, bao bọc, phù hộ độ trì cho con cháu trên nhiều mặt sức khoẻ, công việc, tiền tài và địa vị… giảm bớt phần nào những khó khăn, nhẹ nhàng hơn khi con cháu “gặp hạn”.
Chúng ta thường hay nghe mỗi khi gặp phải rủi ro không may xảy ra nhưng không sao như tai nạn mà vẫn lành lặn hoặc không nguy hại đến tính mạng thì thường được nghe câu nói đi kèm rằng: “đứa này phúc lớn mạng lớn”. Phúc này đầu tiên phải kể đến chính là phúc gia tiên, do gia tiên mang lại hoặc đi kêu cầu tấu đối. Kêu cầu tấu đối ở đâu phần sau tôi sẽ mạn phép phân tích tiếp. Hay thỉnh thoảng lại được nghe câu: “mày có bà cô tổ đỡ cho hay gia tiên đỡ hay giúp cho...”.
Tôi lớn lên trong môi trường của cái gọi là đạo ông bà như vậy.
Bất kể đạo nào phản bác lại việc thờ cúng tổ tiên thì đều nên cẩn thận
Hiện nay thời đại mới, mỗi ngày lại càng có nhiều loại đạo chính thống và cả không chính nhưng núp vào cái chính thống du nhập vào nơi ta sống, đang lao động, nơi nhiều đời Việt tộc lập nghiệp. Những điều từ bé được nghe các cụ nhà ta dậy và truyền lại mà bây giờ bị thay đổi nhiều quá dẫn đễn mất hết cả ý nghĩa linh thiêng.
Cũng bởi quá nhiều sự rao giảng của những kẻ vô đạo, phá đạo, đã và đang làm trái ngược lại với truyền thống vốn thực sự vừa gần gũi, vừa thiết thực, vừa ấm áp lại có dư tình cảm cội nguồn.
Bất kể đạo nào mà phản bác lại đạo ông bà, cha ông không thờ cúng thì dù giao giảng có hoa mĩ đến đâu hay nghe có vẻ đầy đủ sự nhiệm mầu và lý lẽ, nó đầy trái ngược thậm chí xa vời thực tế truyền thống bản địa. Bởi nó không có sự kết nối, tiếp thu hay giao thoa với tín ngưỡng tổ tiên của Việt tộc ta bao đời qua.
Thậm chí có những lí lẽ ảo vọng, loạn ngôn còn làm đảo lộn và cố tình chống phá hòng bỏ đi một tín ngưỡng truyền thống. Đó là quan niệm “chết là hết”, chết là về với thế giới của ai đó không có căn cứ, bởi khi chết linh hồn đâu có mất đi hay siêu thoát hay đi đầu thai ngay hay về cõi nào đó...(trừ những linh hồn nào bị hồn siêu phách tán do không được phụng thờ hay chết đường chết chợ, vong linh lang thang vất vưởng chưa về được nhà...). Đó là cái lí lẽ vô căn cứ và có thể chỉ đúng với lí luận gốc tại một thời điểm, một khu vực địa lý nào khác.
Còn với người dân Việt ta bởi có đạo riêng của dân tộc nên hoàn toàn khác biệt: Riêng người Việt khi đã thành vong hồn lang thang vẫn về báo được cho con cháu mỗi khi có sự việc gì trong gia đình, các cụ ứng báo, răn dạy…Đó hoàn toàn không phải là sự vấn vương trần tục mà là sự anh linh gắn liền với tình cảm máu mủ gần gũi, phần linh ứng báo vừa là giúp đỡ cho con cháu, vừa là để răn dạy, để con cháu biết đến phần âm.
Để biết rằng các cụ chết đi vẫn ở mồ mả và trên ban thờ gia tiên chứ không đi đâu cả.
Xin đừng nhầm với quan niệm của một số ngoại đạo cho rằng vong linh vẫn còn vương vấn cuộc sống trần tục, phải thế này thế kia cho họ siêu đi hay về một cõi hay nhà nước nào đó đầy cao sang nhiệm mầu, với vàng bạc, ngọc ngà, pha lê, xà cừ, mã não nào đó .... hay ảo vọng được làm bạn với vị nào đó nữa. Vì làm bạn được các vị đó thì trèo luôn lên ban thờ của vị đó ngồi hưởng lộc rồi.
Ta kính cái chân lý, ta trọng cái pháp môn tu hành và sự từ bi khi truyền lại cái chân lý và pháp môn tu hành của Phật, nên nếu người Việt nào tu xuất gia, tu theo chân lý và pháp môn đó ta cũng kính trọng.
Nhưng còn ta là người thường không xuất gia thì hãy học những điều phù hợp và tu theo pháp môn với người không xuất gia.
Bạn đọc hãy nhớ rằng không riêng gì tâm linh Việt mà đạo nào cũng vậy, luôn mang màu sắc của từng không gian - địa điểm lãnh thổ từng nơi và thời gian - lịch sử là hoàn toàn khác nhau.
Phát triển không phải là một đường thẳng mà là đường xoáy ốc!
Ví như ĐẠO PHẬT (đạo tâm linh) mà là chân lý và chỉ là chân lý không thì khó tồn tại.
Vì chủ tuệ sẽ mất linh.
Kể cả nơi nó sinh ra là Nê Pan cũng bị biến mất (Đạo Phật Nê Pan mới được các vị sư Việt sang đó dựng chùa lại có mấy chục năm, vô cùng kính ngưỡng, còn đối với người dân Nê Pan bản địa họ cũng coi như là một nguồn du lịch).
Còn những nước có tồn tại đạo Phật thì sao ?
- Sang Tây Tạng thì kết hợp với đạo Ponz và Bà La Môn thêm một chút Đại Thừa Trung Quốc thành cái gọi là Mật Tông.
- Sang Miến Điện thì kết hợp với tín ngưỡng Hắc Saman (phù thủy áo đen).
- Sang Thái Lào thì kết hợp với Mon Tra Vân Nam.
- Sang Nhật thì kết hợp với Thần đạo Nhật Bản thành cái gọi là Chân ngôn tông...
- Sang Trung Hoa thì tam giáo đồng nguyên nhưng thực ra thì phải là ngũ giáo đồng nguyên (vì có pháp tu của Bà la môn và Kỳ na giáo lẫn tín ngưỡng Tưhần đạo của Trung Quốc).
- Sang Việt Nam, kết hợp và giao thoa với tín ngưỡng thờ Thần Thánh người Việt cụ thể là Đạo Mẫu.
Phải nhớ rằng:
Ta tu Phật chủ về Tuệ
Mà chủ về Tuệ sẽ mất linh.
Các tín ngưỡng bản địa thì chủ về linh
Mà chủ về linh thì mất tuệ.
Vậy đó!
Đây là sự kết hợp của người Á Đông và Đạo Phật tồn tại bởi kết hợp với tôn giáo bản địa, bù trừ và song hành.
Đạo Phật có tam bất năng, mà đạo Mẫu lại có cái để bù đắp tam bất năng này.
Nhưng nếu Đạo Phật muốn tồn tại mà lại đi ngược truyền thống kết hợp bởi địa điểm không gian và sự thiếu hụt về linh hay chỉ muốn giao giảng chủ về cái tuệ thì vô cùng khó. Đạo Phật có thể chỉ biến mất trong vòng vài chục năm khi nó bỏ qua phần linh thiêng của bản địa.
Ví như Áp ga lít xan, Pa kit xan, Nê Pan, In đô nê xi a, Ma lay xi a.... những nơi từng là trung tâm Phật Giáo toàn dân tu Phật, chùa to nhất thế giới, mạn đà la to nhất thế giới, tượng Phật tạc nguyên cả quá núi là kỳ quan thế giới và toàn dân đều tu Phật và đều đề cao cái tuệ và giải thoát với cõi tạm ... Không có linh thiêng, không có những người đấu tranh giành không gian sinh tồn. Vậy một cơn gió đạo khác tiến vào đạo Phật mất tích ! Mất từ nơi sinh ra và nơi đã từng phát triển đánh bại mọi tôn giáo bản địa.
Như vậy, đạo Phật không sai, pháp Phật không sai, mà là do người hành đạo sai lầm.
Với đạo Phật và đạo Mẫu ở Việt ta, lịch sử có những lúc tưởng chừng như thụt lùi, như ngưng phát triển nhưng chưa bao giờ có các mặt mâu thuẫn, đối lập nhau, bài trừ nhau như hiện nay !
Những người thầy có tâm có tầm vẫn đang không ngừng đối lập, bài trừ các thầy “dởm”, thầy cơ hội, thầy lợi danh. Những kẻ lợi dụng sự nhiễu nhương của tâm linh Việt thời mở cửa, những kẻ khoe khoang đi học Tầu, học Đài Loan, Tây Tạng ... để về giao giảng cốt với mục đích vơ vét đệ tử, dẫn mê dân chúng, kiếm tiền, kiếm danh, kiếm lợi.
Đạo Phật nguyên thủy khác xa với cái mà một số thầy đang rao giảng, dẫn cho bách chúng nghi kỵ và mê mờ thêm, để bách chúng tưởng rằng có đạo nhưng lại thành không.
Kể cả những kẻ vô minh phất ngọn cờ bài trừ Đạo Mẫu, bản chất cũng là những kẻ hám tiền hám danh và kẻ vong bản không hơn không kém.
Chúng lừa gạt bách gia bởi những “thỉnh oan gia”, “ trả nợ oan gia”… nói trắng ra là thỉnh vong hay gọi hồn, có khi cũng là diễn mà lấy tiền thôi. Đạo Phật không có pháp môn thỉnh hay trả nợ oan gia này.
Người Việt ta:
Chết là về với tiên tổ, về với các cụ, quan niệm bao đời nay mới có cái linh thiêng.
Nay những kẻ phá đạo đang học trộm pháp đó là gọi vong gọi hồn chứ các cụ đã siêu thoát hay về cõi nào đâu, vẫn trên bàn thờ ở nhà đấy thôi.
Tôn giáo nào cũng lấy cái chết của con người và thế giới bên kia để truyền bá rao giảng đạo của mình, lấy cái thế giới có đi mà không một người quay lại kể và nói thật giả.
Thật đau lòng khi chúng ta bác bỏ và phủ nhận lối sống, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp. Phải chăng chúng ta đã bỏ đi những thứ an toàn nhất, bỏ cả những tình cảm đáng quý nhất, thân quen nhất của chúng ta mất rồi.
Ta lại nhớ câu của cụ Nguyễn Đình Chiểu: “Thà đui mà giữ đạo nhà còn hơn sáng mắt cha ông không thờ”.
Lại nói tiếp đến việc tu tập phần âm của các cụ? Ai nhìn thấy? Ai cảm thấy mà lại biết phần này bởi nó vô hình, không cầm nắm, sờ thấy hay ngửi thấy mà tin, mà tín?
Nhưng sự đời thực tế luôn lắm nỗi éo le, muôn sự tại thiên, vạn sự tại người. Trồng cây nào ăn quả nấy và “đời cha ăn mặn đời con khát nước”.
Con người khi sống làm gì có ai chỉ làm mỗi điều tốt đâu?
Chưa từng khẩu nghiệp hay không sát sinh đâu ?
Nặng hơn thì gây thù chuốc oán, trộm cắp, lừa gạt, tham lam, tham ô, làm sai thậm chí còn trọng tội trọng nghiệp. Có những việc làm thầm kín tưởng chỉ có thể mỗi bản thân mình biết chuyện nhưng vẫn không thể giấu kín, vẫn có người biết.
Các cụ vẫn nói: “Quỷ thần hai vai” đó ư?
Nhiều trường hợp là do đi xem bói bị lộ chuyện.
Vẫn có những việc đi gọi hồn, các cụ về nói những việc mà chỉ có những người trong gia đình, thậm chí trong nhà chỉ có 1-2 cụ được biết chứ con cháu cũng chưa đến lượt biết chuyện. Tại sao lại thế ?
Bởi gia tiên vẫn tồn tại!
Dù ai đó rao giảng hay khuyên ta làm gì đó như không khóc, không thắp hương hay không tưởng nhớ... Các cụ vẫn có siêu ngay đâu, đó là thực tế.
Cùng với sự “độ trì” bao bọc che chở của gia tiên trong nhiều lần đi theo con cháu, bên cạnh những việc tốt, việc xấu của bản thân, các cụ biết âu cũng là chuyện bình thường.
Ta gây việc xấu với người khác để họ chịu thiệt chịu oan khuất chịu khổ bởi việc ta đã tạo ra... thì chính những người này không có lý gì mà gia tiên nhà người bị hại không gây sự, không đi kiện tấu đối với Thành Hoàng bản cảnh (là những vị quản lý phần âm, quản lý chuyện âm ty địa phủ, là những vị Thần luôn phán xử công bằng mọi chuyện, lí lẽ trong địa bàn được phép cai quản. Hiểu đơn giản và đời thường ví như những vị quan tri phủ, tri huyện ngày xưa hay xóm trưởng, thôn trưởng bây giờ, cao hơn là các chủ tịch xã, quận huyện, tỉnh… ). “Trần sao âm vậy” một phần được hiểu theo ý này.
Có nợ phải trả, thế là đã bị ghi chép lại việc nợ nần, việc chưa tốt với một người mà trải qua nhiều kiếp ta hay gọi là “oan gia” sẽ được gọi là những người chủ nợ của ta. Những nghiệp này khi còn sống cố gắng ngộ nhận và tu sửa cho sạch sẽ, lúc “về với tiên tổ” vẫn phải tiếp tục tu tiếp, thậm chí trả nợ oan nghiệt nghiệp lực đã gây để làm cho mình thanh tịnh lại.
Rồi nữa:
Lại nói về việc “làm sạch thần hồn chân linh” bằng một số phương tiện nhưng trước hết phải nhờ sự gia trì tín tâm, thờ phụng của con cháu, để có tín ngưỡng lực và nguyện lực... sau là thông qua sự giúp đỡ gián tiếp như tụng kinh nhà Phật, kinh nhà Thánh hoặc sám hối, hồi hướng giúp các vong linh hiểu ra nghiệp đã gây khi sống, giúp nhanh “rửa sạch” và khi đó gọi là quá trình tu tập phần âm...
Bởi linh hồn luôn không mất đi, thuật ngữ “buông bỏ” là đã đang phủ nhận những nghiệp lực quấn thân, không chịu chấp nhận mà tu sửa, bỏ hoàn toàn đi những nợ nần mà đã là nợ nần thì phải trả, đã bẩn phải làm sạch, đã sai phải làm lại, không có chuyện bỏ đi trốn ở một chỗ mà đòi sự mát mẻ, an yên. Chỉ ra và ngộ ra được pháp môn này khi kết hợp với tu đạo của Bụt đã được cha ông truyền lại và chỉ của riêng người Bách Việt.
Việt tộc ta đó chứ đâu xa. Sao phải đi du nhập những ngoại đạo, ngoại lai tín ngưỡng về Việt Nam qua các con đường này hay con đường kia?
Việc du nhập này, bản chất không sai bởi đều hướng con người đến mọi điều tốt đẹp nhưng chỉ nên xem là phương tiện giúp cho việc tu tập, làm sạch chân linh kể cả người sống và người đã mất trong truyền thống để lại của ông cha ta mà thôi. Còn nếu ngay đạo nhà chưa tỏ đã vội chăm chăm đi du nhập, học hỏi ngoại đạo, thậm chí tà đạo mà bác bỏ thậm chí phá hại đạo nhà là ngu dốt và vong bản.
Xin hãy phân biệt rạch ròi điều này!
Không phải ai cũng đắc đạo để thành Phật, Thánh, thần tiên: Giúp gia tiện tu tập để được đầu thai làm người
Ông cha ta chết đi nếu không phải là người chân tu đắc đạo để thành Phật Thánh hay Thần Tiên chắc chắn đều muốn đầu thai làm người. Vậy muốn đầu thai làm người phải có mấy điều kiện:
- Linh hồn phải mạnh để qua luân hồi
- Linh hồn phải thanh tịnh, không còn những oán nghiệp hay tiếc nuối...
Muốn linh hồn mạnh để tu tập thì con cháu phải thờ cúng gia trì tín ngưỡng lực.
Khi các cụ đã tích luỹ đủ sự tín tâm (lúc này đc gọi là tín nguyện lực từ con cháu) và phần hồn chân linh đã hun đúc tu tập loại bỏ nhiều phần tạp bẩn và biết về nghiệp cũng như buông bỏ, nếu các cụ chưa hết tứ đại mai thần chủ nhưng đã mạnh lên sẽ có một nguồn năng lượng nhất định có thể bảo trợ và độ lại cho con cháu mình.
Có những chuyện không giải quyết được các cụ sẽ đi kêu cầu cho con cháu. Cấp thấp nhất là tại các đình làng, sau là hệ thống các cấp cao hơn quản lý các vị thành hoàng bản thổ là các cửa đình tam tứ phủ theo đúng vùng miền. Đó có thể là miền sông nước, miền rừng, trên thiên hay dưới địa.
Trong các cung các tòa đó người quản lý ngoài nhà Thánh nhân Việt cùng các vị Thần linh còn có gia tiên của các dòng họ được làm người giúp việc nương tại các Cửa đình thần này.
Họ là những chân linh sống vì nước vì dân vì cộng đồng và những vị có đạo tu tập khi còn sống, hoặc các vị vong linh gia tiên chúng ta tu tập càng tốt sẽ được tiến cử vào giúp việc tại các cửa đình tam tứ phủ.
Nhớ rằng, các con các cháu càng tín tâm thì các cụ càng mạnh và tu càng tốt, càng có vị thế cao càng dễ độ che đỡ cho việc con cháu dương phần. Đo đó chúng ta hay nghe “gia tiên nhà này đi theo hầu ở cửa này hay cửa kia” là vì như vậy.
Câu “Âm phù dương trợ” chắc hẳn các vị đều đã từng nghe. Nguồn gốc cũng từ gia tiên mà ra.
Đấy là xét trong phạm vi nhỏ bé trong một gia đình và nhân tộc.
Xét cao hơn và rộng hơn nữa là tâm linh của dân tộc, tự nhiên hơn nữa, rộng lớn hơn nữa là những Cha Trời mẹ đất, mẹ nước, mẹ rừng, mẹ biển, mây mưa, núi đá rừng thiêng cây cỏ, động vật, sự vật cũng đều có nguồn có gốc. Từ văn hiến, từ tinh hoa nhật nguyệt, từ núi sông Việt, từ sự yêu giống thương nòi đấu tranh... vì con dân Việt giành không gian sinh tồn và hiển linh giúp người Việt.
Bao đời nay ông cha thờ phụng và hưởng sự hiển linh giúp sức của những người mẹ này.
Dựa vào những người mẹ hay nói cụ thể hơn chính là dựa vào gia tiên người Việt.
Chẳng phải tự nhiên mà các ông vua và chúa những người đứng đầu cả một dân tộc, những người có sứ mệnh quan trọng “tinh hoa, tinh tú của đất trời” công nhận, ban chiếu sắc phong công nhận, cho xây dựng đình đền, cho người dân Bách Việt nói riêng “nghìn năm hương hỏa” phụng thờ. Các bà mẹ từ nhân Thần đến tự nhiên Thiên Thần… được kính ngưỡng phụng thờ. Trong khi bản thân các vị vua chúa này cũng chưa chắc được phụng thờ và được người dân tôn lập cả nghìn năm sau.
Bởi những vị thần được thờ, những vị Thánh được sắc phong đều là những người mẹ lớn lao, hộ mệnh cho cả một dân tộc, cả một quốc gia mà bất cứ một loại đạo nào cũng không có được điều này khi du nhập về Việt Nam.
Kết hợp giữa sắc phong, người thực việc thực, thần phả, thần tích được ghi chép và được các vị vua chúa công nhận rõ ràng, chúng ta thường nghe câu nói nổi tiếng của các vị vua nhà Lê, nhà Tây sơn, nhà Nguyễn sắc phong công nhận phủ Tiên Hương với Đức Thánh Mẫu Vân Hương làm chúa tể các vị thần hay “Thiên chủ tiên đình” hay “Mẫu nghi thiên hạ”- đại diện cho người mẹ Việt của cả dân tộc (bao trùm cả mẹ trời, mẹ đất...).
Nên nhớ, tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng hay đạo hãy luôn đi kèm với tình cảm thân thiết gần gũi, có liên hệ mật thiết với gia tiên của ta, đất nước, phong tục tập quán của ta. Tất cả những điều trên xứng đáng với tấm bia tại Huế ghi rõ: Đạo Mẫu.
Hoàn toàn xứng đáng, có giá trị và đáng trân trọng lắm!
Bởi nó là đạo được vua chúa và nhiều đời gia tiên của chúng tôi Việt tộc công nhận, là nguồn gốc của dân Việt ta nói chung và con người ta nói riêng, là linh khí và vận khí tại đất nước - nơi chúng ta sinh sống có giá trị hàng nghìn năm nay (Từ khi được hình thành với người tộc Việt cổ, người dân Bách Việt) chứ không phải lai căng và chịu du nhập, học tập theo bất kỳ một loại đạo nào.
Mười tôn giáo lớn nhất thế giới đều có hai điểm chung:
- - 1 là hương trầm và lửa (thắp bằng đèn hay nến hay đốt que hương hoặc xông bằng đỉnh bằng các vật dụng khác...).
- - 2 là cầu nguyện cho một ai, tôn thờ một ai đó
Hai điểm giống nhau này giá trị duy nhất là kính ngưỡng tưởng nhớ và kèm theo đó là tín ngưỡng lực. Gia trì cho một ai đó gọi là Thần chủ, dù đó là một đạo khác kể cả là ở một đất nước khác chứ không riêng gì Đạo Mẫu Việt Nam.
Người Việt ta cũng có đạo ông bà nằm trong cửa Đình Thần và cũng có hai điểm chung này.
Tôi trực tiếp thắp hương và nến cầu nguyện cho ông bà bố mẹ, gia tiên tôi. Nguyện lực tín ngưỡng lực tôi gia trì trực tiếp cho gia tiên và những vị Thần linh gia tiên tôi, không phải thông qua một tôn giáo hay vị giáo chủ nào cả.
Quay lại với câu: “Thứ nhất là tu tại gia thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa”.
Vậy tu tại gia về phần dương ta chưa nói nhưng phần âm thì các bạn đã châm nến, đốt đèn, châm hương, xông trầm để gia trì tín lực và nguyện lực cho gia tiên ông bà bố mẹ mình trong bốn đời chưa ?
Cái câu: “Tứ đại mai thần chủ” nó có nghĩa lắm đấy!
Khi thắp hương gia trì tín ngưỡng lực cho các cụ hay giỗ chạp chỉ nhớ tên bố mẹ mình đã khuất, ông nội đã khuất, cụ nội đã khuất và kỵ nội đã khuất là nhiều. Còn các con sao nhớ hết gia tiên nhà mình tên gì, là ai mà gia trì hương khói tín ngưỡng nguyện lực? Hoặc may ra nhớ thêm cụ nào đó có danh vị hoặc có tiếng tăm... có công với dòng họ (Ví như làm quan hay người có công danh giầu có). Còn đâu đa phần các con đều quên.
Các cụ ngoài tứ đại lúc đó cũng không cần các con gia trì tín ngưỡng lực đâu, bao đời vẫn thế. Khi đó:
- - Nếu cụ nào tu tập chưa đủ quả để chắc chắn khi luân hồi sẽ đầu thai làm người thì sẽ về với nhà thờ tổ để dòng họ tổ tiên và bà cô tổ hay vị Thần linh gia tiên lo cho.
- - Còn nếu chân linh quá bẩn và nhiều nghiệp, nhà thờ tổ của chi họ không đủ tín ngưỡng lực, không đủ công đức lực để gia trì cho các cụ tu dẫn đến chưa thể đi luân hồi được thì đã có cộng đồng lo cho rồi.
Cộng đồng ở đây là nói về âm phần, tương ứng với câu: “Tu chợ”.
Trần sao âm vậy. Chợ là nơi tập trung công cộng của người sống của khu vực thì đình làng là nơi công cộng của phần âm. Dù phố phường hay làng quê Việt ta cũng có câu: “Đất có thổ công, sông có hà bá”.
Đại diện làng quê phố phường ở đây là đình làng, là miếu thờ các vị Thành Hoàng, những vị Thần được cửa Đình Thần chấp nhận, được cộng đồng dương phần chấp nhận, được các nhà vua đại diện quốc gia sắc phong... Họ được dân cư nơi đó phụng thờ gia trì tín ngưỡng lực của cả cộng đồng.
Họ là những vị tổ tiên của Việt tộc khai hoang lập ấp hay những vị sống tài năng anh hùng thác anh linh hoặc những vị âm phù cho quốc gia xã tắc .... Đều là gia tiên ta cả.
Về mặt hành chính âm phần, các vị Thành Hoàng làng còn là người trực tiếp cai quản địa phủ và các vong linh khi sống và thác tại ngôi làng hay phố phường đó. Các sắc phong của hoàng đế hay Vua xưa đều ghi câu: “Trị nhậm âm ty địa phủ bảo ngã lê dân”. Không phải cõi nào bắt các vong linh gia tiên phải đi đến hết, vong linh gia tiên vẫn tồn tại và được quản lý phần âm bởi các vị Thánh Thần bản cảnh, bản địa. Để hiểu rõ vấn đề này các thanh đồng đạo Mẫu có thể xem phẩm 8 và 9 – Kinh Đạo Mẫu Tứ Phủ đình thần kinh thư dẫn tu cơ sở - có diễn giải nhiều vấn đề về âm phần.
Những vị thần đó có trách nhiệm quản lý trật tự chính về âm phần và cũng là có trách nhiệm để tổ chức cho những người quá nặng nghiệp được gia trì, tín ngưỡng lực, vừa là cải tạo tu tập vừa là giáo hoá cho họ.
Kể cả người mới chết nếu sống tạo quá nhiều tội nghiệp cũng sẽ phải chịu chế tài của các vị Thần hoặc cao hơn nữa là các vị Đô đại Thành hoàng và cao nhất là cửa Đình Thần tam tứ phủ.
Các thanh đồng đừng nghĩ rằng các vị Thần Thành Hoàng giam giữ gia tiên mình vì có tội. Mà là bởi trần sao âm vậy, việc giữ trật tự âm phần và giáo hoá là trách nhiệm của cả cộng đồng và các vị đó chỉ muốn tất cả con dân các chân linh Việt tu tập cho đủ điều kiện để đi luân hồi đầu thai thành người không bị đoạ.
Cũng nói thêm bởi thư tịch Việt bị giặc Minh đốt phá hết nhưng “luân hồi” không phải là sản phẩm riêng của tôn giáo nào từ đạo Hin Đu hay Bà La Môn, Kỳ na giáo hay đạo Phật hay Đạo giáo, thậm chí đến Trường ca luân hồi của những dân tộc thiểu số như người Tây Nguyên cũng có viết về luân hồi. “Luân hồi” là sản phẩm chung của loài người Á châu cổ đại.
Việc người tu đạo né tránh luân hồi là có. Bao nhiêu tôn giáo bao nhiêu tín ngưỡng đều tìm mọi con đường để thoát khỏi luân hồi đó thôi.
Và đến cuối cùng là tu chùa.
Chùa ở đây là tên gọi chung của tất cả các tôn giáo đã có trụ sở trên đất Việt Nam ta (cách gọi xưa kia của các cụ những nhà thờ Đạo hồi, đạo Bà la môn, Ba tư, Đạo Phật đều gọi là chùa - trước đây VN chưa có Thiên chúa giáo). Nhưng 99% các vong linh nặng nghiệp đều là chịu sự cải tạo giáo hoá về tội nghiệp mình đã gây ra trên dương thế. Bởi gia tiên và cửa Đình Thần Việt từ Thành hoàng trị nhậm âm ty địa phủ cho đến cao hơn chứ không một thế lực hay một tôn giáo ngoại lai nào nào có quyền phán xét hay giam giữ gia tiên Việt tộc.
Chỉ có Gia Tiên Việt tộc mới có quyền phán xét con dân con cháu mình!
Ta lấy ví dụ theo kiểu rao giảng mới của một pho kinh: Nếu có một người ăn cắp phạm tội ăn cắp bị nhà nước phạt tù ba năm vừa là trả giá cho tội ăn cắp vừa là cải tạo cho biết rằng đó là tội lần sau không mắc phải. Họ đã trả giá khi sống bị tù đầy, ngay gia đình họ cũng phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về tội họ gây ra (nhà ai có người bị phạt tù mới hiểu nhà có người thân bị dị tù ảnh hưởng thế nào). Rồi vẫn tội đó khi chết đi lại bị đầy xuống cái địa ngục nào đó như của một số tôn giáo ngoại lai rao giảng, còn bị chặt tay tùng xẻo vạc dầu … Ấy vậy mà khi người đó đầu thai thành người vẫn có tội vẫn phải trả nghiệp.
Sao phạm một tội đã chịu phạt của trần gian rồi sau lại chịu các hình phạt của cái gọi là địa ngục mà rồi kiếp này vẫn phải chịu tội?
Một tội trả đi trả lại ba bốn lần dù người đó đã biết tội đã cải tạo và hiểu ra ư?
Nghiệp là vẫn có khi phạm tội và gây nghiệp nhưng không phải giải thích kiểu kinh kệ như vậy.
Hãy nhớ câu nói của các cụ: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” và câu “Ăn mặn lắm thì khát nước ngay”.
Không phải ai gây người đó chịu đâu. Nếu ai gây người đó chịu sẽ dẫn đến hậu quả như hiện nay: “hy sinh đời bố củng cố đời con” và hệ lụy theo đó thì đã và đang ngấm.
Đối với Việt ta: Kẻ nào nhiều nghiệp kẻ đó sẽ phải trả giá và tu tập nhiều nhưng con cháu cũng phải trả giá và phải tạo ra công đức lực cho gia tiên mới mong đi luân hồi thành người được.
Các cụ Việt vẫn nói: “sống đừng để nghiệp cho con cháu”, cũng có câu “nhà mày lắm nghiệp hay nhà mày nhiều nghiệp”… đó là chỉ gia tiên có nghiệp và con cháu phải chịu. Hoặc câu: “nhà này có phúc nhỉ” đó là do gia tiên nhiều đời tích đức con cháu được hưởng. Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy.
Đó, đạo Việt ta là thế đó !
Và nữa đối với ngoại quốc. Tác giả rất thích câu nói đánh giá của người Mỹ: “Trên thế giới có hai dân tộc đó là Việt Nam và Do Thái có hai đạo cha và đạo mẹ” chỉ đạo Do Thái và Đạo Mẫu là không bị đồng hoá và đàn áp bởi các dân tộc và tôn giáo khác. Hai dân tộc này có hai đạo nguyên thủy không lai tạp và luôn song hành đi liền với cội nguồn dân tộc mình nên khó bị đánh bại.
Đó họ nói đó, dù là giáo hoá yêu nước hay tình thương con cái người Việt ta không ai qua nổi người mẹ.
Và sự chịu đựng hay hy sinh trong chiến tranh cũng như thời bình cũng không ai hơn người mẹ Việt Nam, những bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Từ xa xưa dù Thánh Mẫu chưa giáng sinh thì đạo của Mẫu cũng đã có rồi, chỉ chờ Mẫu giáng sinh để hợp thức hóa mà thôi.
Như sắc phong của các vị Vua cho Mẫu là “Thiên chủ tiên đình” hay “Mẫu nghi Thiên Hạ”.
Và nơi cuối cùng để cải tạo giáo hoá và giúp các chân linh mang nhiều tội nghiệp là cửa Đình Thần, nơi cuối cùng che chở để được cải tạo gia trì tín ngưỡng lực để tồn tại và tu tập hướng đến luân hồi thành người kiếp sau không phải đọa vào đâu cả là ngôi nhà của Mẫu.
Nhà của những bà Mẹ Việt.
Nơi quản lý và cũng là nơi cao nhất của cái đạo gia tiên người Việt, dù là ai cũng do mẹ sinh ra hết.
Kể cả Phật Tiên Thánh Thần, anh hùng hay tiểu nhân... đều phải có mẹ sinh. Trên đời không ai không có mẹ cả.
Bởi vậy, để thắp hương cầu nguyện đối với người Việt từ ngàn xưa dù vẫn cư ngụ tại nơi mình sinh ra hay đi làm ăn xa xứ khi về nhà trước là bàn thờ gia tiên sau đến thắp hương cho Thành Hoàng và rồi đến chùa lễ Phật, lễ Thánh Mẫu.
Nhân đây ta cũng nhắc một số bạn trẻ đang vơ bèo bọt tép nghe mấy kẻ tu hành sính ngoại giảng những giáo lý ngoại lai ảo vọng phải nhớ rằng:
Đạo Mẫu cửa Đình Thần là tín ngưỡng thuần Việt mà cả thế giới trân trọng. Lễ các vị Thần linh hay Thành Hoàng hay các anh hùng Việt được thờ phụng. Đó là truyền thống tâm linh của dân tộc. Ta lễ hay gia trì Thành Hoàng hay lễ Mẫu cũng là gia trì tín ngưỡng lực và lễ gia tiên ta mà thôi.
Trong gia đình bạn, người có nguồn năng lượng và được hưởng nhiều năng lượng tín ngưỡng nguyện lực gia trì nhất trong một dòng họ thường là bà cô - ông mãnh tổ của dòng họ do được nhiều đời thờ phụng, cúng bái. Họ cũng là những vị thường âm phù che chở cho con cháu nhiều nhất.
Các thanh đồng đạo Mẫu đừng nghĩ tu cái gì cao sang hay đạo nào đó mà không phải thắp hương hay cầu nguyện lễ bái. Nó cũng chỉ là hình thức gia trì tín ngưỡng lực mà thôi. Hãy bớt nói những điều động chạm đến gia tiên và nguồn gốc của dân tộc Việt mình.
Nhớ rằng ai chết đi cũng thành ma nên mới có câu đám ma. Đối với anh thì là vong linh hồn gia tiên hay bố mẹ anh, nhưng đối với hàng xóm hay người không trong họ anh thì chỉ là con ma con quỷ mà thôi. Vậy ma quỷ là ai ??? Mở mồm ra là rao giảng ma quỷ !!!
Và cũng nhớ câu các cụ dạy: “Ông Phật cũng tranh nhau nén hương”. Các cụ ta không nói “Ông BỤT” đâu nhé!
Thắp hương hay quỳ lạy hay nguyện gì cho đạo nào, cho ai cũng phải nhớ quỳ lạy, nguyện và gia trì tín ngưỡng lực cho gia tiên và các vị anh linh đã truyền lại văn hóa truyền thống văn hiến, đã chiến đấu hi sinh dành không gian sống cho dân tộc trước tiên cái đã.
Chính những vị gia tiên, những vị Thần Thánh Việt tộc đó đã và vẫn đang trực tiếp gia hộ, bảo vệ cho con dân Việt bao đời nay dù bị nhiều người mang danh tu hành thiếu hiểu biết gọi là “ma quỷ” !
Bản quyền thuộc về Đồng thầy Trần Thêm – Tự Tuệ Trần