Các cụ xưa vẫn có câu: “Cung văn là chồng, ông đồng là vợ”. Vậy câu này được hiểu như thế nào? Cung văn hiện nay có còn giữ được nếp xưa? Có biến tướng và lệch lạc làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của Đạo Mẫu? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.
Hát văn - Hầu đồng: Âm hưởng linh thiêng
Nghi lễ Chầu văn còn được gọi là Hát văn - hầu đồng, Hát văn - hầu Thánh, Bắc ghế hầu đồng, Ngự đồng, Loan giá ngự đồng…, là một nghi lễ quan trọng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)..., sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.
Là loại hình nghệ thuật ca hát cổ, chầu văn khá kén chọn người nghe. Hát chầu văn gắn với nghi thức hầu đồng, hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang tính nghi lễ, cần có không gian trình diễn riêng biệt.
Điệu hát văn vừa luyến láy, vừa nhấn nhá ngắt nhịp, lúc lên lúc xuống khiến người nghe vừa cảm nhận được sự mượt mà của câu hát mà lại mang âm hưởng rộn ràng của nghi lễ tâm linh.
Nghi lễ Chầu văn gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ
Nghi lễ Chầu văn của người Việt là một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng phức hợp gồm nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn hay hát chầu văn, do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) tiến hành trước các ban thờ ở các đền, điện, phủ, miếu, … gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ.
Trong nghi lễ hầu đồng, trước mỗi vấn hầu, những người tham gia phải chuẩn bị lễ vật, trang phục, đạo cụ trong múa hầu đồng phù hợp với từng giá hầu, phản ánh tính cách của từng vị thánh được hầu.
Lễ vật trong mỗi vấn hầu trước kia thường đơn giản. Vật phẩm cơ bản gồm xôi, thịt, hoa quả, trầu, cau, rượu, thuốc, vàng mã,… Ngày nay, lễ vật ngày càng phong phú, gồm cả những sản phẩm hàng hóa công nghiệp, thực phẩm đương thời, đắt tiền, dùng trong cả lễ mặn và lễ chay.
Trang phục của người trình diễn trong nghi lễ hầu đồng rất phong phú, đa
dạng, thể hiện tính cách và thị hiếu thẩm mỹ của từng cá nhân thực hành cũng như của tộc người và vùng miền mà các vị thánh đại diện, cai quản.
Mỗi vấn hầu được thực hành qua 4 bước: Mời thánh nhập hay Thánh giáng (ca ngợi công đức), phán truyền, ban lộc và đưa tiễn (Thánh thăng, cung văn hát điệu xa giá hồi cung, âm nhạc sôi động, náo nhiệt). Cũng có khi một vấn hầu chỉ gồm 3 bước: Phụ đồng (còn gọi là kiều bóng), bắt đầu hát câu vỉa ở thể lục bát, sau miêu tả diện mạo ông hoàng, bà chúa; bước 2 là Thánh nhập (hay dùng trà, thuốc, rượu) và bước cuối là Đồng thăng.
Mở đầu mỗi vấn hầu, thủ nhang/pháp sư thường đăng đàn cúng Phật, Thánh, sau đó người hầu đồng vào xin phép loan giá ngự đồng. Ông/bà đồng ngồi vào giữa bốn người hầu dâng và được người hầu dâng trùm lên đầu một vấn khăn màu đỏ, gọi là khăn phủ diện, và bắt đầu vấn hầu. Thường là mở đầu bằng giá Tam tòa thánh Mẫu. Tiếp theo đó, người có căn Đức Thánh Trần thì hầu giá Đức Thánh Trần. Trong nghi lễ hầu đồng, có tất cả 36 giá đồng, mỗi giá thờ một vị Thánh, nhưng một buổi hầu không phải bao giờ cũng hầu đủ 36 giá, mà thường là từ 8 đến 15 giá, tùy thuộc vào tâm nguyện của ông/bà đồng.
Tuỳ theo sự tích, công trạng, tính cách của từng vị thánh, thần mà ông/bà đồng thực hiện các điệu múa khác nhau, người ta gọi đó là múa đồng (múa thiêng) như: múa tay không, gồm: múa bắt quyết, múa ra ấn, múa tung nước thánh, múa ban lộc; múa có đạo cụ, gồm: múa mở hay khai quang (dâng nhang, dâng đèn), múa quạt, múa kiếm, múa long đao, múa kích, múa cung, múa hèo, múa lân...
Cung văn phục vụ trong mỗi cuộc hầu đồng thường gồm từ 03 đến 05 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, đồng thời là những người biết hát văn. Cung văn phải luôn nhạy bén, ứng tác kịp thời và phù hợp với các hành động của ông/bà đồng, góp phần tạo điều kiện cho sự thăng hoa của người hầu đồng. Hiện nay còn có nhiều nhạc cụ mới (nhị, kèn, sáo, đàn thập lục, trống cơm…) tham gia cung văn. Các nghệ nhân cao tuổi có kỹ năng hát và kỹ thuật vê đàn, rung trống, gõ thanh la điêu luyện, tạo âm thanh hòa quyện, rung động lòng người.
Trong Nghi lễ Chầu văn của người Việt, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. Về giá trị văn hóa, Nghi lễ Chầu văn của người Việt là tín ngưỡng bản địa, tích hợp các hình thức văn hoá dân gian khác nhau như: âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực... trong một thể thống nhất hữu cơ hoàn chỉnh, trong đó yếu tố “sân khấu” kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, phản ánh tư duy, nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng. Tín ngưỡng này vừa bảo tồn các giá trị truyền thống như "uống nước nhớ nguồn", vừa được cộng đồng tái tạo, tích hợp các giá trị văn hoá mới, để thích ứng với điều kiện cuộc sống hiện đại, vì vậy nó có sức hấp dẫn cao đối với mọi người, nhất là những người theo tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ.
Hầu đồng: "Cung văn là chồng, ông đồng là vợ"
Hiện nay, số lượng cung văn rất đông đảo nhưng ít người còn giữ được nếp dâng văn xưa. Nhiều ý kiến cho rằng văn dâng Thánh ngày nay phần nhiều đã biến tướng, lệch lạc và gây ra ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của Đạo Mẫu.
Trên thực tế, hiện nay quả thực giọng văn, lời hát văn đã phần nhiều bị biến tướng không còn ý nghĩa cao đẹp và chức năng cúng văn của một loại hình tín ngưỡng tâm linh như xưa tuy rằng vẫn có rất nhiều thầy văn vẫn bảo lưu và gìn giữ truyền thống lề nối cách điệu xưa nhưng giờ đa phần người ta đưa những lời hát, những âm thanh điệu nhạc lai căng vào khiến văn ca dâng Thánh chẳng còn ý nghĩa kết nối âm dương kết nối tâm linh mà còn loạn đạo, loạn hầu hạ.
Hầu đồng và người đồng nhân nay cũng hỏng nhiều, cũng có lỗi bởi cung văn phần nhiều.
- Những người hầu Bác Hồ, hầu Ngọc Hoàng, hầu Quan Âm… hầu những giá hầu quái dị… cung văn không hát liệu đồng có hầu?
- Những kẻ điên dại múa loạn trên sập, hầu Thánh mà như lên bar lên sàn… nhiễu loạn chốn đền phủ. Nếu lúc đó cung văn không hát không đàn, không a dua theo bởi nhạc tân thời thậm chí nhạc sàn, nhạc remix… nếu cung văn giữ đúng phong cách nhạc chầu văn nguyên bản, tôn nghiêm đầy tính tâm linh của văn ca dâng Thánh … liệu con đồng có dám làm loạn tiếp hay phải tự dừng lại?
Cung văn dâng Thánh ai cũng biết, đã là nhạc tâm linh thì nhị, thập lục, sáo …những nhạc cụ dân tộc có thể cho vào văn được, còn những ghi ta điện, những đàn organ trống điện tử … sao cho vào văn ca dâng Thánh, sao tạo được không khí tâm linh khi hầu Thánh? Việc lựa chọn đưa các nhạc cụ đó vào cũng là một vấn đề mà cung văn chân chính luôn rất khắt khe, chọn lọc. Không phải cứ hiện đại, cứ mới là đua theo. Cái tân tiến hiện đại phải được áp dụng phù hợp với bối cảnh và mục đích. Dâng văn hầu Thánh khác với show diễn ca nhạc tuy nhạc dân tộc chỉ có 5 cung còn vay hai cung của tân nhạc, nhưng không có hai cung đó và chỉ cần 5 cung cũng vẫn đủ thể hiện được các lối cách làn điệu Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú rầu (phú dầu), Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Xá, xá lệch, chênh, Kiều Dương, Hãm, Dồn, điệu kiều thỉnh, Hát Sai, nói nối tỳ bà cung bắc kể cả là các điệu hát then, hò Huế, cải lương, quan họ chèo quảng .......
Lại nói, đàn Nguyệt hay còn gọi là “Quân tử cầm”. Xưa quan niệm tất cả những người cầm đàn đó phải là bậc quân tử, cầm vào đàn Nguyệt tượng trưng cho người quân tử, đã là quân tử là phải thẳng lưng, đầu phải ngẩng cao. Sao có chuyện không biết phép tắc mà ngồi ghế bệt dựa dâng văn như ngày nay?
Trong canh hầu của các cụ xưa, chỉ ghế hầu được phép ngồi ghế tựa với một số giá, hay đồng già 70-80 tuổi được phép dùng ghế tựa khi hầu, đồng non thì không được phép chứ không nói đến người dâng văn, dâng văn không được ngồi ghế dựa như ngày nay. Cung văn dâng văn hầu Thánh xưa phải biết phép tắc lễ nghĩa chuẩn chỉnh. Cũng giống như tay hương tay khăn, cung văn dâng văn cũng là đang hầu Thánh, gọi là hầu văn ở chỗ này phải biết “Kính Thánh trọng đồng”.
Xưa các cụ hay nói: “Cung văn là chồng, ông đồng là vợ”.
Thực ra về nguyên tắc người hát văn phải dâng Thánh, nhà Thánh hầu như thế nào thì cung văn phải dâng như thế. Nhưng không phải là để cho người lên sập hầu thích làm gì thì làm. Cung văn dâng văn cũng phải biết đúng biết sai, biết đâu là người hậu hạ đúng phép nhất tâm, đâu là biến tướng, hầu hạ loạn xạ…
Tất nhiên cũng không thể đổ lỗi cho hát văn nhưng các cụ xưa đào tạo người cung văn cẩn thận lắm phải đủ tư cách làm thầy mới được cho đi hát chính.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt nói chung đã trải qua những giai đoạn thăng trầm và đang phục hồi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Những cung văn, ông/bà đồng có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều lời văn, làn điệu cổ vẫn đang truyền dạy, chỉ bảo tại chỗ theo phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác. Tuy vậy, những cung văn, ông/bà đồng có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều lời văn, làn điệu cổ… phần lớn đã tuổi cao, sức yếu nhưng kinh nghiệm, vốn kiến thức của họ chưa được khai thác kịp thời, tình trạng thương mại hoá, lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”, hiện tượng "đồng đua", mua sắm nhiều lễ vật đắt tiền, đốt vàng mã nhiều gây tốn kém và ô nhiễm môi trường còn tồn tại khiến nghi lễ này có nguy cơ bị biến dạng, hát văn cũng lệch lạc đi nhiều....
Tổng hợp