04/06/2021 11:51 View: 13482

Cung văn và tầm quan trọng của cung văn khi hầu đồng?

Cung văn là gì? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu về cung văn và ý nghĩa của cung văn trong các canh hầu của đồng nhân tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ phủ?

cung van

Cung văn là gì?

Cung văn là người hát văn trong các giá hầu đồng tại các đền, phủ. Nghề hát nào cũng có thang bậc, hát hay là một chuyện, hát có nhập với các giá hầu, có ứng thí biến cải ngẫu hứng khiến thanh đồng hầu sát giá không lại là chuyện khác. Từ đó, thanh đồng mới “sang tay” tán lộc!

Chữ “Cung văn” có ý nghĩa đặc biệt. Thực ra chữ “Cung” 供 trong “Cung văn” có nghĩa là “cúng”, hay còn gọi chính xác là “cúng văn” nên xưa nay người ta mới gọi là “Thầy văn”, “Thầy pháp văn”. 

Chữ thầy nó trân trọng lắm khi xưa muốn bắc ghế các cụ đồng phải cau trầu lên điện thầy pháp văn có lễ thỉnh mời thầy có tịnh tài hẹn cọc để thỉnh thầy pháp văn xuống trợ duyên vào đàn bắc ghế.

Đặc biệt xưa kia muốn được dâng văn chúc Thánh thì cung văn phải có đồng và đã ra đồng, được chỉ dạy cẩn thận về lề lối phép tắc dâng văn. 

Các trường phái cung văn hiện nay

Trong giới hầu đồng cũng chia cung văn ra hai trường phái.

  • Hát văn theo lối Nam Định thô mộc, giản dị, mang đậm nét đặc trưng dân dã. Các cung văn thường không sử dụng nhiều hệ thống nảy, hạt trong thanh nhạc cổ truyền.
  • Hát văn theo phong cách Hà Nội sử dụng nhiều kỹ thuật, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm, tinh tế. Cách ém hơi gần với làn điệu chèo và mang âm hưởng ca trù. Tạo cảm giác thăng hơn trong các giá hầu của thanh đồng.

Thực tế cung văn ngày nay

Ngày nay bởi thời thế, bởi cung cầu, người ra đồng ồ ạt, căn nông căn sâu cũng ra đồng, đồng thật đồng giả đủ cả. Số lượng người hầu đồng lớn dẫn đến nhu cầu người hát văn cũng tăng theo, sinh ra việc hát văn trở thành “nghề kiếm ăn” mà những người không có đồng hay chưa ra đồng cũng đều tham gia cả. 

Trong giới hầu đồng cũng râm ran chuyện cung văn, họ trao đổi với nhau nhóm này, tốp kia hát nhập. Tuy vậy, giữa thanh đồng và cung văn còn có một mối lương duyên khác, nói như nhà Phật “nhân duyên” mới “khởi tầm”.

Nhà Thánh vẫn ân duyên cho những người hát văn nhất tâm và không bắt lỗi nặng về việc đã ra đồng hay chưa hay không có đồng nhưng gieo duyên cửa đạo bằng giọng hát văn thiên phú nhất tâm. Còn những kẻ a dua chạy theo thời thế lợi dụng kiếm chác mà biến văn chầu chúc Thánh thành loạn xạ thì là đang tự tạo nghiệp cho bản thân.

Đặc trưng riêng trong các bản hát văn mà cung văn thể hiện

Lại nói, bản chất khi cung văn hát những làn điệu nhạc tâm linh cho một buổi lên đồng thì hát văn có thể: ngoài những lối cách chính thì còn thêm vào các câu hát trên các làn điệu của dân ca gồm rất nhiều làn điệu dân ca như: cải lương, tuồng, chèo, chèo quảng, xẩm, những làn điệu xá, thậm chí ca trù, tỳ bà, quan họ, hò xứ nghệ, hò xé vải, cờn Huế…đều có.

Nhưng khi những làn điệu này được đưa vào trong hát văn thì nó không còn như nguyên gốc nữa. Tức là không phải đưa hết cải lương, hết ca trù, đưa hết hò quảng, hò huế… vào hát văn mà văn ca hầu Thánh là tổng hợp và cải biến những làn điệu này để trở thành những khúc văn ca tâm linh riêng biệt với chất mà ta hay gọi là hát chầu văn .

Ví dụ như điệu ca trù chẳng hạn nó không còn nguyên gốc mà nó pha thêm văn .... các làn điệu khác cũng vậy... biến những giai điệu dân ca bình thường Thành một lối hát đầy chất tâm linh với chức năng của nghi lễ tôn giáo phục vụ việc đồng nhân bắc ghế hầu Thánh được gọi là:
 giọng văn/ giọng hát cung văn.

Hát văn trong các giá hầu đồng là hát dẫn đường, tùy theo mỗi giá hầu đồng để cung văn ứng tác. Theo thời gian, có những tình thế, tình trạng thay đổi đòi hỏi khả năng ứng tác của cung văn. Hát văn là văn học dân gian nên cũng có những sàng lọc thay đổi phù hợp với thời gian, thời cuộc. Tuy vậy cũng có nhiều ứng tác bị lố với thanh đồng và bị thanh đồng phạt. Nghề hát văn đòi hỏi các cung văn phải hiểu cơ bản của cách hát và thuộc bài bản hát, tuy vậy, trong mỗi giá hầu đòi hỏi cung văn phải biết biến cải, điều này phụ thuộc vào trình độ của cung văn. 

Ý nghĩa của cung văn trong các canh hầu

Bao đời nay nhờ có các tiền bối cung văn nhất tâm dâng lên Thánh những bản chầu văn lời ca thanh thoát đúng lối đúng giọng, cùng với nến, hương và không gian đền phủ tạo nên bầu không khí tâm linh bao trùm, có vai trò quan trọng giúp cho ghế hầu đến gần hơn với việc kết nối âm dương, khai mở thần hồn, tiếp nhận Thánh ân giáng bóng và dễ nhập tâm vào vấn hầu hơn vào thể thiền động nhanh nhất.

Có thể nói, cung văn chính là “cầu nối tâm linh” trong vấn hầu và cũng thể hiện được vai trò một thầy pháp mời được Thánh và cũng tả được sự chân thiện mỹ của đạo Mẫu. 

Tamlinh.org (tổng hợp)