04/06/2021 11:34 View: 11462

Hướng dẫn cúng mụ, cúng thôi nôi, đầy tháng cho bé theo nhà Phật

Cúng mụ (dịp đầy tháng) và cúng thôi nôi (dịp đầy năm) từ xa xưa đã được xem là một trong những nét đẹp truyền thống của nền văn hóa dân tộc. Nhiều gia đình băn khoăn không biết cách bày biện, sắm sửa, cầu khấn... trong lễ cúng mụ, cúng thôi nôi, đầy tháng cho bé như thế nào là đúng nhất. Bài viết này, Tamlinh.org sẽ hướng dẫn cụ thể cách cúng mụ, thôi nôi, đầy tháng cho bé đúng và chuẩn nhất.

cung mu, cung day thang thoi noi cho be, huong dan

Cúng mụ, cúng thôi nôi, đầy tháng cho bé là gì?

Đây là những phong tục truyền thống từ lâu đời có nguồn gốc dựa trên quan điểm tôn thờ các vị thánh thần, nhằm tạ ơn bà Chúa Đầu thai hay còn gọi là 12 bà Mụ đã nặn ra em bé, đem em bé đến với gia đình và cho mẹ tròn con vuông.

Về nghi thức cúng mụ hay thôi nôi, truyền thống Phật giáo chính thống không có các hướng dẫn cụ thể để làm những việc này. Tuy nhiên, trong kinh Địa tạng, phần Chủ Mạng là vị Quỷ Vương phụ trách giúp việc sinh ra chết đi, tuổi sống lâu mau của con người, trình thưa với Đức Phật có đoạn:

“Khi sinh nở nên làm lành kiêng ác.

Người trong cõi Diêm Phù Đề lúc mới sinh, không luận là con trai hay con gái, khi sắp sinh ra chỉ nên làm việc phước lành thêm sự lợi ích cho nhà cửa, thời Thổ Ðịa vui mừng khôn xiết, ủng hộ cả mẹ lẫn con đều đặng nhiều sự an vui, hàng thân quyến cũng được phước lợi.

Hoặc khi đã hạ sinh rồi, nên cẩn thận chớ có giết hại sinh vật để lấy những vị tươi ngon cung cấp cho người sản mẫu ăn, cùng nhóm họp cả hàng quyến thuộc lại để uống rượu, ăn thịt, ca xướng, đàn sáo, nếu làm những việc trên đó có thể làm cho người mẹ đứa con chẳng đặng an vui. Vì sao thế? Vì lúc sinh sản nguy hiểm đó có vô số loài quỷ dữ cùng ma quái tinh mị muốn ăn huyết tanh.

Nhờ có con (Quỷ Vương) sớm đã sai các vị Thần Linh xá trạch Thổ Ðịa, bảo hộ mẹ con người ấy, làm cho được an vui mà đặng nhiều lợi ích. Người ấy thấy mình được an ổn, thời đáng lẽ nên làm việc phước lành để đền đáp công ơn Thổ Ðịa, mà trái lại giết hại loài sinh vật, hội họp thân quyến, vì lẽ này, đã phạm tội lỗi tất phải tự thọ lấy tai vạ, mẹ con đều tổn.”

Danh sách 12 bà mụ

Từ khi thụ thai cho đến lúc sinh nở có:

  • Bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai
  • Bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén
  • Bà Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào thai
  • Bà Lưu Thất Nương nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé.
  • Bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ
  • Bà Trần Tứ Nương coi sóc việc sinh nở
  • Bà Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.
  • Bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy

Sau khi em bé chào đời, các Bà Mụ vẫn tiếp tục công việc của mình:

  • Bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ
  • Bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh
  • Bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ
  • Bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ

cung mu, day thang, thoi noi cho be

Mâm lễ chay theo nhà Phật

Chuẩn bị mâm cỗ cúng mụ, thôi nôi, đầy tháng như thế nào? 

Do việc cúng lễ những dịp này không thực sự bắt buộc nên việc làm này tùy theo điều kiện của từng gia đình với nguyên tắc chung là đơn giản, không cần cầu kỳ, rườm rà mà thành tâm là chính. Đồ cúng nên hoàn toàn là đồ chay như chè, xôi, hoa quả, bánh kẹo, nước, nhang.

Đặc biệt, theo nhà Phật thì không nên sát sinh hại vật, vì như thế sẽ không tốt cho đứa trẻ mới sinh ra. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình vẫn chuẩn bị thêm đồ mặn để cúng gia tiên, vì không phải gia tiên nhà nào cũng ăn chay. Do đó, tuỳ theo phong tục và thói quen thờ cúng của gia đình để chuẩn bị mâm lễ cúng mụ cho bé các bạn nhé. 

  • Đồ ngọt: gồm xôi chè cúng, bánh kẹo trẻ em loại đủ màu sắc, bánh kem
  • Đồ mặn: gồm thịt heo quay bánh hỏi, gà luộc nguyên con, cháo, có thể thêm cơm và canh, tôm, cua hoặc ốc,…
  • Đồ cúng: trầu cau, vàng mã, nhang đèn và các loại hoa quả

Các lễ vật này phải được bày trí hài hòa trên mâm cúng. Món ăn mặn, ngọt, phải chia đều thành 12 phần nhỏ bằng nhau, đặt trong dĩa và chén xếp xung quanh bàn. Trầu cau có thể đặt trên cùng một dĩa hoặc chia ra để cạnh 12 phần xôi chè. Hoa quả và nhang đèn đèn chỉ nên bày ở giữa và phải sắp xếp theo quy tắc “Đông bình, Tây quả” của người xưa.

Bài khấn khi cúng mụ, cúng thôi nôi, đầy tháng cho bé tại nhà

Để có sự linh nghiệm, việc cầu nguyện, khấn vái cần xuất phát từ tâm thành kính, biết ơn tới những đối tượng linh thiêng mà chúng ta hướng tới. Chính vì thế, gia đình có em bé mới chào đời nên tự thực hiện nghi thức này hơn là mời thầy đến cúng hộ. Ngoài ra, gia đình nên thực hiện các việc làm tăng trưởng nghiệp lành để hồi hướng phước báo cho em bé và người mẹ mới sinh nở như niệm thần chú Om Mani Padme Hum, phóng sinh, cúng dường Tam Bảo, làm việc phước thiện...

KHẤN NGUYỆN

Các bậc cha mẹ, ông bà có thể tham khảo Văn khấn nguyện dưới đây khi làm lễ cúng mụ hay thôi nôi. 

Nam mô a di đà Phật  - 3 lần

Hôm nay, ngày … tháng … năm….

Con tên là: ……….. địa chỉ : ………………………………

Gia đình con sinh được con gái (trai) đặt tên là……………

Nay nhân ngày đầy tháng (đầy năm), gia đình con xin thành tâm sắm lễ hương hoa quả, bánh kẹo để tỏ lòng biết ơn đối với chư Phật, chư Bồ tát, các vị Hộ pháp, các quan thần linh thổ địa, gia tiên và các vong linh đang ngự tại nơi đây đã phù hộ cho gia đình con sinh ra cháu được mẹ tròn, con vuông.

Con cầu xin chư Phật, chư Bồ tát, các vị Hộ pháp, các quan thần linh thổ địa, gia tiên và các vong linh đang ngự tại nơi đây phù hộ độ trì cho cháu được ăn ngon, ngủ yên, hay ăn chóng lớn, vô bệnh vô tật, xinh đẹp, thông minh, sáng láng, lớn lên tích cực gieo trồng các nhân lành và mẹ cháu được mạnh khoẻ, bình an, hai mẹ con đều có nhiều thuận duyên tu hành tiến bộ dẫn đến giác ngộ và giải thoát hoàn toàn khỏi mọi đau khổ.

CẦU NGUYỆN CÁT TƯỜNG

OM!
Con xin đảnh lễ chư Phật, Pháp và Tăng đoàn cao quý
Tất cả chư vị an trụ trong những cảnh giới cát tường khắp mười phương,
Nơi mọi sắc tướng và sự hiện hữu hoàn toàn thanh tịnh, có bản tính toàn thiện tự nhiên.
Mong tất cả mọi việc đều tốt lành với chúng con!
Các Đức Phật:
Nhiên Đăng Vương Phật
Dũng Lực Thành Tựu Phật
Từ Nghiêm Đức Phật
Thiện Danh Xưng Hạnh Phật
Ức Trì Nhất Thiết Quảng Đại Danh Vương Phật
Như Tu Di Sơn Danh Thắng Kiết Tường Phật
Mẫn Chư Chúng Sinh Từ Bi Thánh Danh Phật
Mãn Nguyện Chúng Sinh Hạnh Danh Cát Tường Phật
Con xin đảnh lễ Tám đấng Thiện Thệ
Chỉ cần nghe hồng danh của các Ngài cũng giúp chúng con tăng trưởng sự cát tường và thành tựu!
Các vị Bồ Tát:
Đức Văn Thù Sư Lợi trẻ trung, Đức Kim Cương Thủ quang vinh,
Đức Quán Thế Âm quyền uy, Đức Bảo trợ Di Lặc từ ái,
Đức Địa Tạng, Đức Trừ Cái Chướng, Đức Hư Không Tạng, và Đức Phổ Hiền cao quý.
Thật trang nhã, các Ngài cầm những biểu tượng là: Hoa sen xanh, Chày kim cương, Hoa sen trắng, cây Naga, Ngọc báu, Mặt trăng, Thanh kiếm và Mặt trời!
Con xin đảnh lễ Tám vị Bồ Tát
Siêu việt trong việc ban cho sự cát tường và thành tựu.
Con xin đảnh lễ Tám vị Thiên nữ Cát tường:
Sắc đẹp, Tràng hoa, Hát ca, Vũ điệu, Bông hoa, Trầm hương, Ánh sáng và Hương thơm!
Các Ngài cầm tám biểu tượng cao quý thù thắng, cúng dường chư Phật ở khắp mười phương và ba thời:
Lọng báu, Cá vàng cát tường thù thắng, Bình thiện lành như ý của Thiên nữ, Hoa sen đỏ thanh tú, Ốc thanh danh, Nơ thịnh vượng vinh quang, Cờ chiến thắng vĩnh cửu và Bánh xe uy quyền.
Xin đảnh lễ những bậc tạo ra niềm hoan hỷ
Chỉ nghĩ tới những phẩm chất tinh túy của các Ngài là đủ để sự thành tựu càng lúc càng tăng trưởng!
Các vị Hộ Pháp:
Maha-brahma, Shiva, Vishnu, và thần Indra ngàn mắt,
Tứ Hộ Vương: Trì Quốc thiên vương, Tăng Trưởng thiên vương, Quảng Mục thiên vương vua của loài rồng, và Đa Văn thiên vương.
Mỗi vị cầm một biểu tượng thiêng liêng: Bánh xe, Đinh ba, Cây thương, Chày kim cương, Đàn tỳ bà, Gươm báu, Bảo tháp, và Cờ chiến thắng!
Con xin đảnh lễ Tám vị Hộ trì thế giới,
Những bậc làm cho sự cát tường và thịnh vượng tăng trưởng trong ba cõi!

Với tất cả các chướng ngại và những ảnh hưởng gây hại đã được bình ổn.
Cầu mong các công việc chúng con đang sắp bắt đầu sẽ không ngừng phát triển viên mãn và thành tựu.
Và mang đến phước báu, thịnh vượng, hạnh phúc và bình an!

(Đọc 3 lần cả bài hoặc 3 lần khổ cuối từ “Với tất cả các chướng ngại…”)

NIỆM TÂM CHÚ CỦA ĐỨC QUAN ÂM BỒ TÁT

OM MANI PADME HUM (niệm 108 lần hoặc càng nhiều càng tốt) (Đọc là: Ôm mani pê mê hung)

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Con xin hồi hướng tất cả các công đức con đã tích tập được qua hành động này, trong ngày hôm nay, trong cuộc đời này, trong tất cả các đời quá khứ và tương lai cho sự hạnh phúc và giác ngộ của tất cả chúng sinh, trong đó có con (cháu)………và mẹ cháu là...…Cầu mong cho con (cháu) được mạnh khỏe, bình an, ăn ngon, ngủ kỹ, xinh đẹp, thông minh, sáng láng và mẹ cháu được mạnh khoẻ, bình an, hai mẹ con đều có các duyên lành gặp được Phật pháp dẫn đến giác ngộ và giải thoát. (Gia đình có thể hồi hướng thêm công đức cho người sống được mạnh khỏe, bình an và người mất có tái sinh tốt đẹp, gặp được các duyên lành dẫn đến giác ngộ và giải thoát)

Ngoài các lễ vật cúng mụ đầy tháng, gia đình có thể chuẩn bị thêm bàn cúng Đức Ông. Mâm cúng Đức Ông gồm có xôi chè để trong tô lớn, 1 con vịt luộc để tréo cánh cùng 1 tô cháo lớn. Mâm cúng Đức Ông đặt trên bàn nhỏ hơn và cách bàn cúng 12 Bà Mụ chừng 10 phân.

Việc cúng mụ hay thôi nôi là một truyền thống dân gian tốt đẹp nhưng không bắt buộc phải thực hiện nếu như hoàn cảnh không cho phép. Tuy nhiên, khi thực hiện, chúng ta nên dựa theo đúng tinh thần lời dạy từ Kinh Phật, việc tổ chức cúng lễ này nhằm biết ơn Chư Phật, Bồ tát, thần linh, thổ địa và gia tiên đã giúp cho mẹ tròn con vuông và đặc biệt nên làm điều lành, tránh xa điều ác. Đây cũng là một dịp đại gia đình hoan hỷ thông báo sự có mặt chính thức của một thành viên mới chào đời vừa vượt qua được giai đoạn đầu tiên của cuộc đời.

Tamlinh.org