04/06/2021 11:38 View: 46831

Cách tính ngày đầy tháng đúng nhất cho bé trai và bé gái?

Với rất nhiều phụ huynh, việc tính ngày bé trai và bé gái để tổ chức cúng mụ (đầy tháng) cho các bé thật sự khó hiểu. Nguyên tắc "nam trồi 2, nữ sụt 1" là như thế nào? Có cách nào tính chuẩn & đơn giản hơn để gia đình tổ chức cúng đầy tháng cho bé đúng ngày không?

Cach tinh ngay day thang cho be, cung day thang, cung mu

Đối với người làm cha, làm mẹ thì con cái chính là tài sản quý giá nhất, được nhìn con lớn lên, phát triển qua mỗi giai đoạn là niềm hạnh phúc không thể nào nói hết. 

Chính vì vậy, đầy tháng không chỉ là nghi lễ quan trọng đầu tiên đối với em bé vừa chào đời mà còn là dấu mốc rất ý nghĩa với các bậc làm cha mẹ. Không chỉ được xem là tín ngưỡng lâu đời, đầy tháng còn là dịp để gia đình chia sẻ niềm vui với họ hàng và hàng xóm.

Nguyên tắc "nam trồi 2, nữ sụt 1" khi tính ngày cúng mụ, đầy tháng cho bé 

Theo truyền thống của người Việt thì ngày đầy tháng của bé sẽ tính theo lịch âm chứ không dựa vào lịch dương. Bên cạnh đó nhiều nơi còn quan niệm tính ngày đầy tháng dựa vào giới tính của đứa trẻ theo nguyên tắc "nam trồi 2, nữ sụt 1". Cụ thể như sau.

Nếu là bé trai thì sẽ tính ngày đầy tháng trồi lên 2 ngày so với ngày sinh (theo Âm lịch). Ví dụ: Bé trai sinh ngày 18/3 Âm lịch thì trồi lên 2 ngày tức là sẽ làm đầy tháng cho bé vào ngày 20/3 Âm lịch.

Tương tự như vậy, nếu là bé gái thì tính ngày đầy tháng lùi lại 1 ngày tức là cùng ngày sinh 18/3 Âm lịch, lễ đầy tháng của bé gái sẽ được làm vào ngày 17/3 Âm lịch.

Ý nghĩa quy tắc tính ngày đầy tháng cho trẻ?

Cách tính ngày cúng đầy tháng “nam trồi 2, nữ sụt 1” này cũng mang những ý nghĩa tốt đẹp cho tương lai của bé.

  • Sở dĩ "nam trồi 2" là vì dân gian quan niệm rằng con trai phải luôn là người đi trước, đi tắt đón đầu, xông xáo, mạnh dạn tiến về phía trước thì mới dễ thành công.
  • Còn "nữ sụt 1" vì ông cha ta cho rằng con gái phải biết nhường nhịn thì gia đình mới êm ấm, phải biết khiêm tốn thì mới có được hạnh phúc.

Mặc dù quan điểm bình đẳng giới bây giờ đã khác xưa rất nhiều nhưng đây vẫn là những lời răn dạy không thừa mà người xưa muốn truyền đạt qua ý nghĩa của tập tục này. Vì vậy, nhiều gia đình ngày nay vẫn giữ cách tính ngày đầy tháng cho bé theo quy tắc trồi, sụt này.

Chọn giờ hoàng đạo để cúng đầy tháng cho trẻ 

Các gia đình làm lễ cúng đầy tháng cho bé cũng nên chọn giờ hoàng đạo, tránh giờ kị với tuổi hoặc mệnh của em bé theo quan niệm Á Đông.

Ví dụ như bé tuổi Thân không nên cúng đầy tháng vào những giờ Dần, Tỵ, Hợi vì thuộc vào tứ hành xung, có thể sẽ không tốt cho đứa trẻ.

Sự khác biệt giữa lễ cúng đầy tháng cho bé trai và bé gái ?

Người Á Đông có quan niệm phân biệt nam nữ rất rõ ràng. Trong tất cả các nghi lễ cúng bái, không ít thì nhiều giữa nam nữ đều có điểm khác biệt.

Đối với lễ cúng đầy tháng cho bé gái, chè được dùng để cúng thường là chè trôi nước. 

Cúng chè trôi nước trong lễ cúng đầy tháng cho bé gái hàm ý mong muốn con gái sau này dẻo dai nhưng ngọt ngào và thanh tao. Vị ngọt như những may mắn và an yên mà gia đình muốn con có được. Chè trôi nước tuy dễ làm dễ ăn, nhưng chính nhờ hương vị ngọt ngào khiến cho lòng người vương vấn mãi.

Cúng đầy tháng cho bé trai, gia đình phải cúng món chè đậu trắng.

Hạt đậu khi chưa nấu phải còn cứng, hạt tròn dài đều. Hạt đậu cứng cáp ấy chính là sự rắn rỏi của con trai, nhưng sau khi được “nấu chín”, trải qua nhiều thử thách để trưởng thành lại trở nên mềm dẻo. Vị ngọt của nước cốt dừa chan trên mặt bát chè đậu trắng như những lời chúc phúc ngọt ngào mà gia đình muốn gửi đến cho con trai

Kết luận:

Ngoài khác biệt trong cách chọn xôi chè trong lễ cúng và cách chọn ngày làm lễ theo quan niệm "nam trồi 2, nữ sụt 1" thì ý nghĩa và sự thiêng liêng của lễ cúng đầy tháng cho bé là như nhau. Đây chủ yếu là dịp để gia đình bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với các Bà Mụ, Đức Ông đã mang đứa trẻ đến với thế gian và thông báo cho những người thân quen biết sự có mặt của một thành viên mới trong gia đình để nhận được sự chúc phúc, che chở từ mọi người.

Tamlinh.org (tổng hợp)