04/06/2021 11:38 View: 25148

Không cúng mụ cho bé có sao không?

Cúng mụ, cúng đầy tháng cho bé là một trong những nét đẹp văn hoá tâm linh truyền thống mà các gia đình vẫn đang gìn giữ. Nhưng có cần thiết phải tổ chức nghi lễ bày mâm cúng 12 bà mụ, ba Đức ông hay chỉ cần làm mâm cơm báo cáo tổ tiên, tỏ lòng thành và thông báo sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình là được? 

Khong cung mu cho be co sao khong, cung day thang, be trai, be gai

Ảnh: Yêu trẻ 

Không cúng đầy tháng có sao không?

Nhiều bạn mới lập gia đình hay mới sinh con thường thắc mắc liệu có nhất thiết phải làm mâm cúng Mụ vào các dịp đầy cữ, đầy tháng, đầy năm cho bé hay không? 

Một số khác thì cho rằng không cần thiết phải làm đúng theo dân gian, nếu có điều kiện và thời gian thì có thể bày mâm cúng 12 Bà Mụ và 3 Đức Ông với các đồ lễ truyền thống, nhưng nếu quá bận rộn và chưa có điều kiện thì chỉ cần bày biện mâm cơm tỏ lòng thành và thông báo sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình là được.

Vậy nếu không cúng đầy tháng cho bé có sao không? 

“Cái này không có sao đâu bạn. Bé đầu nhà mình cũng vậy đầy tháng gia đình cũng chỉ làm một mâm cơm đầy rồi thắp hương thôi . Không cần cầu kì gì mà. Cái quan trọng là cầu mong con bình an khỏe mạnh thôi chứ không phải lễ lạc gì to tát đầy sân. Gia đình mình vẫn hạnh phúc và vui vẻ 5 năm rồi nên bạn đừng nghĩ gì nhiều”, chị Lan chia sẻ.

“Con mình đứa đầu không cúng đầy tháng chỉ làm mâm cơm thắp hương và mời họ hàng thôi. Đứa thứ 2 giờ cũng sắp đầy tháng và cũng làm vậy", chia sẻ của chị Nhật Lệ.

"Theo mình cúng đầy tháng cho con như thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình, có nhiều lo nhiều, có ít lo ít. Có điều kiện thì cúng theo kiểu truyền thống cũng tốt, còn không thì cúng gia tiên đơn giản thôi là được. Mình không nghĩ vì cúng hay không cúng mà con mình làm sao cả. Tất cả cũng là tín ngưỡng thôi, thành tâm là được chứ không nên a dua theo ai cả", ý kiến của chị Hà về chủ đề này.

Như vậy, việc cúng đầy tháng cho bé hay không cũng không quá quan trọng, đặc biệt không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay sự phát triển của bé sau này. Tuy nhiên, phần đông mọi người cho rằng nên làm lễ đầy tháng cho con theo phong tục truyền thống để thể hiện sự tôn kính, biết ơn đến các Bà Mụ và ông bà tổ tiên, đồng thời đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời bé khi vừa chào đời.

Đây cũng là nghi lễ để đại gia đình cầu mong hạnh phúc, sức khỏe  cho trẻ và được sự giúp đỡ, bảo vệ từ mọi người xung quanh.

Lễ đầy tháng, cúng mụ cho bé làm vào ngày nào?

Theo quan niệm xưa, lễ đầy tháng sẽ được tính theo ngày âm lịch, không tính theo lịch dương. Bé trai và bé gái sẽ có cách tính khác nhau. Với quy tắc “gái lùi 2 trai lùi 1” của ông bà xưa, lễ cúng đầy tháng cho bé gái sẽ lùi 2 ngày so với ngày sinh âm lịch. Chẳng hạn, nếu bé chào đời vào ngày 20 tháng 11 âm lịch thì sẽ cúng đầy tháng vào ngày 18 tháng 12 âm lịch.

Ngượi lại, với bé trai sẽ lùi lại 1 ngày so với ngày sinh âm lịch. Xem thêm: Ý nghĩa tính ngày đầy tháng cho bé “gái lùi 2 trai lùi 1"?

Đa phần, lễ cúng đầy tháng cho bé sẽ được tổ chức vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, đây là hai khung giờ tốt để cầu an cho bé. Tuy nhiên, giờ giấc cũng tùy thuộc vào sự sắp xếp của mỗi gia đình.

Nên tổ chức cúng đầy tháng cho bé ở đâu?

Nhiều cha mẹ trẻ sắp chào đón đứa con đầu lòng có cùng thắc mắc là cúng đầy tháng cho bé ở đâu là hợp lý? Ở nhà nội hay nhà ngoại? Nếu hai vợ chồng ở riêng thì có nhất thiết phải về nhà nội hay nhà ngoại cúng đầy tháng cho con không? Tổ chức đầy tháng ở nhà hàng có được không?

Thực tế thì khi mang thai và sinh bé dù mẹ ở nhà ngoại hay nhà nội đều được nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo, tận tình như nhau vì đó là những bước đầu đời vô cùng quan trọng của đứa trẻ. Chính vì thế nên việc tổ chức lễ cúng Mụ cho bé tại nhà ngoại hay nội đều được, miễn là phù hợp và thuận tiện cho sức khỏe của mẹ và bé.

Hướng dẫn sắm lễ để cúng mụ cho bé 

Nhiều người cũng đồng tình rằng tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình mà cha mẹ chuẩn bị lễ cúng Mụ cho bé, tuy nhiên nhất thiết không thể thiếu những thứ sau đây.

  • - Chim (Gái 9 con, trai 7 con)
  • - Cua (Gái 9 con, trai 7 con)
  • - Ốc (Gái 9 con, trai 7 con)
  • - 13 nắm cơm nhỏ bằng gạo tẻ
  • - 13 miếng bánh đúc nhỏ hoặc bánh rán
  • - 13 miếng trứng hoặc 13 quả trứng chim cút
  • - 13 bông hoa
  • - 13 cái bánh kẹo nhỏ
  • - 13 miếng trầu têm cánh phượng
  • - 13 bộ quần áo (một bộ to dành cho Bà Chúa Đầu Thai và 12 bộ nhỏ cho 12 Bà Mụ)
  • - 13 nén hương
  • - 13 tờ tiền thật
  • - Một bát nước to

Cách đặt mâm cúng mụ

Bên cạnh đó các gia đình cũng cần lưu ý một chút trong cách đặt mâm cúng Mụ, cụ thể như sau.

  • - Một là đặt giữa nhà và quay ra cửa chính, cách này được nhiều người chọn nhất vì vừa rông rãi vừa thoáng khí, dễ bày trí, tiện để chụp hình lưu niệm.
  • - Cách thứ hai là đặt bàn cúng trong phòng bé, gần với chỗ bé nằm.

Dù là lựa chọn đặt mâm cúng ở đâu đi nữa thì cũng cần bày lễ một cách hài hòa, cân đối với những lễ vật dâng Bà Mụ chúa (Bà Chúa Đầu Thai) để ở chính giữa phía trên của hương án, lễ vật dâng 12 Bà Mụ phải chia thành 12 phần giống nhau, lễ mặn cùng hương, hoa, nước để ở trên cùng còn mâm tôm, cua để phía dưới.

Cách cúng đầy tháng, cúng mụ của mỗi vùng miền địa phương sẽ có chút khác biệt về mặt nghi thức tuy nhiên nhìn chung các nghi lễ này đều mang nét đẹp của tín ngưỡng văn hóa dân gian. 

Ý nghĩa cuối cùng của các buổi lễ vẫn là mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, bình an và may mắn đến cho bé.

Tamlinh.org (tổng hợp)