04/06/2021 11:38 View: 27021

Cúng mụ cho trẻ, mẹ cần chuẩn bị những gì?

Theo quan niệm xưa, việc cúng đầy tháng (cúng mụ, cúng thôi nôi) rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển và thành đạt sau này của trẻ. Do đó, việc chuẩn bị đồ lễ, bài khấn, kiêng kị, nghi thức ... cho nghi lễ này cũng rất được các bà, các mẹ chú ý. Vậy cúng mụ cho trẻ, mẹ cần chuẩn bị những gì? Nếu bạn còn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy đọc ngay bài viết dưới đây. 

cung day thang cho be, cung mu

Lễ cúng mụ, cúng đầy tháng: dấu mốc quan trọng của mẹ và bé 

Lễ đầy tháng, cúng mụ là một trong những nghi lễ đầu tiên trong cuộc đời của bé. Cũng trong ngày trọng đại này mẹ và bé sẽ được chính thức kết thúc thời gian ở cữ và có thể sinh hoạt bình thường.

Tùy theo mỗi địa phương, vùng miền sẽ có cách cúng đầy tháng với những phong tục, lễ nghi khác nhau và cũng có rất nhiều nguyên tắc cần phải biết và tuân theo khi muốn những lời cầu phúc cho bé thành hiện thực.

Theo tín ngưỡng dân gian thì nghi lễ cúng đầy tháng là nhằm để tạ ơn 12 bà Mụ đã có công nặn ra đứa bé và phù trợ cho "mẹ tròn con vuông". Bên cạnh đó cũng là lễ ra mắt giới thiệu bé với gia đình họ hàng, mong nhận được sự bảo bọc che chở, cầu mong những điều hạnh phúc tốt đẹp sẽ đến với bé.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý nghĩa ra mắt thành viên mới với họ hàng trong gia tộc và cầu chúc phúc lành cho các bé. Do đó, nếu gạt đi những yếu tố, nghi thức đậm tính tâm linh thì đây là một nét văn hóa đẹp trong dân gian.

Các lễ vật cúng đầy tháng cho bé trai và bé gái

Theo tín ngưỡng dân gian thì mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có 12 bà mụ trôm nom. Mỗi mụ bà sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc… Chính vì thế mà mâm cúng lúc đầy tháng nào cũng phải có đủ 12 chén chè nhỏ và 3 tô chè lớn.

Nhiều người cũng đồng tình rằng tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình mà cha mẹ chuẩn bị lễ cúng Mụ cho bé, tuy nhiên nhất thiết không thể thiếu những thứ sau đây.

  • - Chim (Gái 9 con, trai 7 con)
  • - Cua (Gái 9 con, trai 7 con)
  • - Ốc (Gái 9 con, trai 7 con)
  • - 13 nắm cơm nhỏ bằng gạo tẻ
  • - 13 miếng bánh đúc nhỏ hoặc bánh rán
  • - 13 miếng trứng hoặc 13 quả trứng chim cút
  • - 13 bông hoa
  • - 13 cái bánh kẹo nhỏ
  • - 13 miếng trầu têm cánh phượng
  • - 13 bộ quần áo (một bộ to dành cho Bà Chúa Đầu Thai và 12 bộ nhỏ cho 12 Bà Mụ)
  • - 13 nén hương
  • - 13 tờ tiền thật
  • - Một bát nước to

Xôi chè là lễ vật đầu tiên và không thể thiếu trong mâm cúng 12 bà mụ ngày đầy tháng cho bé. Mọi người thường thắc mắc không biết vì sao trong mâm cúng đầy tháng của các trẻ sơ sinh có khi thì thấy gia chủ sắp chè đậu nhưng có lúc lại là chè trôi nước. Thực ra, mỗi một lễ vật đều dành cho những đối tượng riêng với ý nghĩa khác nhau.

  • Đối với bé trai sẽ là xôi 3 tầng và chè đậu trắng, đậu đỏ. Sở dĩ mâm cúng đầy tháng cho bé trai thường sử dụng các loại đậu, đặc biệt là đậu trắng vì người xưa quan niệm “đậu” tượng trưng cho sự đỗ đạt trong học vấn, thành công trên con đường sự nghiệp sau này.
  • Đối với bé gái thì phải chọn chè trôi nước. Với mong muốn “những viên trôi nước” sẽ tượng trưng cho sự trôi chảy, tròn đầy, suôn sẻ trong tình cảm để sau này bé gái sẽ tìm được một mối lương duyên tốt đẹp.

Ngoài những lễ vật sắp cho mâm cúng, mẹ cũng cần phải chuẩn bị thêm cả các loại gai khác nhau. Số lượng gai sẽ phụ thuộc vào giới tính bé: con trai 7, con gái 9. Những chiếc gai này sẽ được nấu trong 1 chiếc nồi sạch với chiếc đinh hoặc một mảnh thép đã được nướng đỏ. Đây là nghi thức xua trừ điềm xấu, bảo vệ bé. Tuy nhiên, ngày nay nghi thức này đã được giản lược trong nhiều gia đình vì nó quá nặng về tâm linh và không còn phù hợp.

cung mu cho be trai, be gai, cung duc ong

Cụ thể cần sắm lễ cúng mụ, thôi nôi, đầy tháng cho bé như sau: 

Lễ vật cúng 12 Bà Mụ

  • 12 chén chè nhỏ
  • 12 đĩa xôi nhỏ
  • 12 chén cháo nhỏ
  • 12 ly nước
  •  2 đĩa bánh hỏi
  • 12 đĩa bánh dành cho trẻ con
  • 12 đĩa thịt quay
  • Ngoài ra còn phải chuẩn bị đồ vàng mã (giấy tiền).

Lễ vật cúng 12 Đức Ông

  • 1 con gà luộc
  • 1 tô cháo lớn
  • 1 tô chè lớn
  • 3 đĩa xôi lớn
  • 1 miếng thịt quay
  • 1 đĩa hoa quả
  • Đừng quên trầu cau, hoa, rượu, đồ vàng mã giấy tiền.

Thêm vào đó, chuẩn bị cho ngày quan trọng này cũng không thể thiếu một bình hoa, hương, trà, rượu, đèn, gạo, muối, muỗng và một đôi đũa hoa.

Cách sắp mâm cúng mụ cho bé

Khi đặt mâm cúng, các mẹ luôn phải tuân thủ theo nguyên tắc "Đông bình Tây quả", nghĩa là đặt bình hoa ở phía Đông và đặt lễ ở phía Tây.

Nguyên tắc sắp mâm cúng trong gia đình luôn phải đảm bảo tính cân đối và đủ số lượng các lễ vật theo tín ngưỡng dân gian. Thông thường đồ lễ cúng đầy tháng cho bé sẽ được xếp trên hai bàn:

  • Một bàn nhỏ và thấp hơn để bày lễ vật cúng kính Đức ông.
  • Bàn lớn còn lại bày lễ vật cúng kính 12 bà Mụ.

cung day thang, cung mu cho be trai, be gai

  • Trước khi tiến hành nghi thức cúng thì mọi người trong gia đình phải có mặt đầy đủ nhất là chủ nhà.
  • Lễ cúng đầy tháng thường được làm vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều…

Các nghi thức cúng gồm có những bước sau:

Bước 1: Nghi thức thắp hương và khấn

Sau khi bày lễ vật trang trọng lên bàn theo đúng chuẩn mực, một người lớn trong họ tộc sẽ làm nghi lễ thắp hương và khấn như sau:

“Hôm nay, ngày (mùng)… tháng… (âl), ngày cháu (nội hay cháu ngoại… ) họ, tên… tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật này, cung thỉnh thập nhị mụ bà và tam đức ông trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên… ) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc”.

Bước 2: Nghi thức khai hoa

Nghi thức khai hoa trong tiệc đầy tháng cho bé, hay còn được gọi với cái tên khác là nghi thức “bắt miếng”. Em bé sẽ được đặt giữa bàn, cha hoặc mẹ thắp nhang bàn thờ gia tiên xin phép khai hoa. Sau đó chủ lễ ẵm em bé lên, bồng trên tay đồng thời cầm một nhánh hoa quơ qua quơ lại quanh miệng em bé, và đọc những lời cầu chúc mang ý nghĩa tốt đẹp:

“Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người nhớ,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến…”

Bước 3: Nghi thức đặt tên cho con

Sau khi đọc lời khai hoa cho bé, chủ lễ sẽ làm nghi thức Xin keo. Cách làm như sau: Chủ lễ lấy 2 đồng tiền cổ làm bằng bạc thật và gieo nó vào một chiếc đĩa sâu lòng. Nếu có một mặt úp, một mặt ngửa thì chứng tỏ cái tên đã được tổ tiên chứng giám và ưng thuận. Ngược lại, nếu đều là 2 mặt úp hoặc 2 mặt ngược thì phải tiến hành gieo đồng tiền này lại. Nếu đã 3 lần mà vẫn chưa được thì phải đặt tên khác cho trẻ.

Ngày nay, khi sinh trẻ ra, mọi người thường đặt tên con ngay để làm các thủ tục khai sinh nên tập tục Xin keo này cũng không còn tồn tại. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn còn giữ tục này như một truyền thống gia tộc.

Song song với việc làm tiệc đầy tháng cho thành viên mới của gia đình thì trong ngày trọng đại này các mẹ cũng sẽ được làm tiếp nghi thức tẩy uế để kết thúc thời gian ở cữ. Lúc này mẹ sẽ hiểu vì sao ở trên bài có nhắc đến chuyện tìm gai và nấu gai với đinh thép. Theo đó, mẹ phải bồng con, bước qua một nồi nước sôi nấu gai và đinh thép.

Trong lúc đi, mẹ cố tình làm rơi đồng tiền để cầu mong cuộc sống của con sau này dư dả, đủ đầy. Ngày nay, nghi thức tẩy uế và trừ tà này đã trở thành hũ tục nhưng ở một số gia đình vẫn giữ để mong cầu điều tốt đẹp nhất cho bé.

Sau khi các nghi thức kết thúc, bé sẽ nhận được lời cầu chúc và lì xì của những người họ hàng trong dòng tộc cũng như các vị khách tham dự tiệc mừng.’

Tamlinh.org (tổng hợp)