Theo cổ lệ, muốn cúng điều gì, trước hết phải cúng Táo Quân (vua bếp). Người Việt Nam quan niệm Định Phúc táo quân tức là táo quân định phúc đức cho gia đình. Phúc đức do sự ăn ở phải đạo hay trái đạo của gia đình. Nhưng chuẩn bị lễ cúng táo quân như thế nào cho đúng? Ý nghĩa thực sự của lễ cúng này là gì?
Táo quân gồm những vị nào?
Vua bếp chia ra làm ba ngôi là:
- Thổ Công (trông nom việc trong bếp)
- Thổ Địa (trông nom việc trong nhà)
- Thổ Kỳ (trông nom việc chợ búa).
Bài vị của ba vị là:
- - Bản gia đông trù tư mệnh táo phủ thần quân.
- - Bản gia thổ địa long mạch tôn thần
- - Bản gia ngũ phương ngũ thể phúc đức chính thần
Táo quân được tôn là “Đệ nhất gia tri chủ” nghĩa là vị chủ thứ nhất trong ngôi nhà. Vì vậy khi cúng lễ đều phải khấn cúng táo quân trước, và xin phép ngài để những vị được phối lễ có thể tới phối hưởng.
Ý nghĩa tục thờ táo quân
Tục thờ táo quân nhằm mục đích gửi gắm niềm tin của gia chủ vào các vị thần linh để bảo vệ, giúp đỡ và phù hộ họ khỏi những tai ương, hoạn nạn của cuộc sống và bảo vệ ngôi nhà mình ở thực sự an lành. Cho nên trong nhà có việc hiếu hỷ hay động thổ làm nhà… đều có biện lễ cúng thổ công.
Các cụ cũng quan niệm các vị thổ công cũng là các vị sứ giả của trời xuống trần gian ngự tại nhà để ghi lại những việc làm tốt xấu của gia chủ. Với quan niệm như vậy người Việt tin rằng mọi việc tốt xấu của gia đình đều được các vị thần linh ghi lại và dựa vào đó để đem phúc họa cho gia đình.
Trong bếp cần luôn đỏ lửa, ấm áp đoàn tụ gia đình ở mỗi bữa ăn, gia đình ông bà, bố mẹ gương mẫu con cháu thảo hiền. Trên dưới hòa thuận. Đi ra chợ mua bán thật thà, đoàn kết dân làng, ăn ở lễ độ đó đều là những đức tính tốt đẹp của một con người để xây dựng nên tổ ấm.
Khi gia chủ tin vào điều đó, tin vào những thứ mình làm đều được các vị thần linh biết đến để cố gắng sống lương thiện, tích cực làm thiện, phải đạo làm người, mong cầu những điều tốt đẹp đến gia đình mình. Như vậy, lễ cúng ông Công ông Táo thực sự đã mang tính giáo dục rất lớn để đưa con người tin vào tính thiện. Tin vào nhân quả “Làm thiện – hưởng phúc”
Hữu đức năng tu hỏa
Vô tư khả đạt thiên.
(Có đức trông coi việc lửa
Vô tư có thể lên trời)
Nhiệm vụ của các táo quân
Táo quân có nhiệm vụ ghi chép các việc lành giữ của gia chủ để đến ngày 23 tháng chạp các ngài cưỡi cá chép lên tấu với ngọc hoàng việc lành giữ của gia đình, để từ đó Ngọc Hoàng sẽ định họa phúc tương ứng với gia đình đó. Và trở về vào ngày 30 tết.
Ý nghĩa bộ mã mũ áo Táo quân
Mũ thổ công gồm một bộ 3 chiếc. Hai mũ đàn ông có cánh chuồn và một đàn bà mũ không có cách chuồn. Còn nếu chỉ thờ một cỗ mũ thì cỗ mũ đó là của thổ công.
Mũ thổ công mỗi năm có một màu, màu này phụ thuộc vào ngũ hành của năm đó như: Kim – Vàng, Mộc – Trắng, Thủy – Xanh, Hỏa – Đỏ, Thổ - Đen. Cỗ mũ được đặt trên một bệ bằng giấy, kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, dưới mũ đặt một trăm vàng thoi.
Mũ và bài vị thổ công được thờ từ 23 tháng chạp năm nay đến 23 tháng chạp năm sau mới hóa và cứ như vậy nối tiếp nhau từ năm này qua năm khác. Hiện nay do chúng ta không thờ ban táo quân riêng mà thờ chung với gia tiên nên để cho phù hợp thì vào dịp 23 tháng chạp mới mua mũ về cúng và đốt luôn.
Việc cúng táo quân 23 Tết nhằm mục đích
- Cảm tạ thổ công đã ở gia đình mình trong một năm, làm việc và phù trợ cho toàn gia.
- Và tiễn ngài lên trời tấu đối công việc gia chủ.
Qua đó bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của gia chủ lên các ngài để các ngài soi sét tâu đối với thiên đình. Chứ không phải việc cúng táo quân là để cầu xin các ngài tấu toàn chuyện tốt và xóa đi chuyện xấu của gia đình. Đó là điều hoang đường và phi lí vì táo quân được suy tôn là thông minh chính trực tri thần.
Đồ lễ chuẩn bị cúng ông Công ông Táo:
Một bộ mũ táo quân. Gồm 3 mũ, 3 hia, 3 con cá chép giấy.
Bộ mũ táo quân thể hiện đầy đủ và trọn vẹn hình tượng của ngài. Mũ và hia thể hiện từ đầu đến chân của ngài, nó thể hiện sự có mặt của ngài. Nó mang tính biểu tượng chứ không phải giá trị sử dụng. Không phải đốt mũ và hia để cho các ngài dùng, chúng ta cần hiểu và nhìn nhận nó một cách đúng đắn như vậy”.
Cỗ mũ táo quân khi thờ phải cởi bỏ li-lông, bày trang nghiêm trên ban thờ gia tiên.
1 con cá chép. Cá chép được thả vào một thau nhỏ, đặt phía dưới ban thờ, không đặt trên ban thờ.
Ba con cá chép theo quan niệm là vật cưỡi của ba vị lên trời, qua đó thể hiện ước vọng đầy đủ và đỗ đạt của gia chủ theo tích cá chép hóa rồng. Nó cũng thể hiện một tấm lòng từ bi, tích một chút phước đức phóng sanh.
Cá chép không nhất thiết là cá vàng hay cá không vàng, to hay nhỏ, nó chỉ mang tính thẩm mỹ mà thôi. Sau khi cúng táo quân xong thì đem đi thả ra hồ, sông sạch sẽ. Việc cúng táo quân và thả cá chép phải kết thức trước 12h ngày 23 tháng chạp.
Các lễ vật gồm hương, hoa, đèn, nước quả và bánh kẹo.
Trong ngày 23 tháng chạp gia chủ nên làm một mâm cơm cúng táo quân. Nếu nhà có trẻ nhỏ thì gia chủ cúng thêm một con gà mới tập gáy luộc để cầu mong cho đứa trẻ lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang.
Tiến hành cúng ông công ông táo như sau:
Sau khi thắp hai tuần hương thì tín chủ thắp thêm 1 tuần nữa, xin phép hạ lễ, hóa mã và thả cá.
Hiện nay chúng ta không có ban thờ táo quân trong bếp mà thờ táo quân chung với ban thờ gia tiên nên cúng táo quân sẽ cúng trên ban thờ.
Mâm cơm cúng Táo Quân của bạn Thu Hằng. Mâm chay dâng Phật, Mâm mặn dâng thần linh, gia tiên
Văn Khấn Táo Quân
Kính lạy ngài hoàng thiên hậu thổ chư vị thôn thần
Kính lạy ngài thành hoàng bản cảnh, bản xứ thổ địa, bản gia táo quân
Bản gia đông trù tư mệnh táo phủ thần quân.
Bản gia thổ địa long mạch tôn thần
Bản gia ngũ phương ngủ thể phúc đức chính thần
Lai lâm chứng giám.
Nay nhân ngày 23 tháng chạp, năm .... , là ngày táo quân về trời tấu sớ
Tín chủ con là: …………………. Ngụ tại Việt Nam quốc – .... thành phố – ......quận – .....Phường – gia số ...........
Tuân theo tục lệ tín chủ con nhất tâm sửa soạn nén hương bát nước, phẩm vật rượu trầu, tiền vàng thoi bạc, nhất một lòng, tòng một dạ kính dâng chư vị thần linh, táo quân chứng hưởng.
Trần gian chúng con người trần mắt thịt, việc âm chưa tường, việc dương chưa tỏ, mắc lầm mắc lỗi cúi xin chư vị gia âm châm trước, dẫn bước mở đường chính giác.
Nguyện cầu chư vị phù hộ độ trì cho gia chung chúng con toàn gia an lạc, phú quý vinh hoa, lộc tài vượng tiến. Sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm, cúi xin chứng giám.
***************************************
Bài khấn này dành cho các gia đình bên lương (chỉ thờ ông bà tổ tiên, không quy y theo đạo Phật, không theo Thiên chúa giáo, không hầu đồng theo đạo Mẫu).
Tuỳ từng tôn giáo và tín ngưỡng các bạn có thể khấn theo nhiều cách khác nhau, nhưng thành tâm là được.
Tamlinh.org