04/06/2021 11:48 View: 13848

Nên tỉa chân nhang bàn thờ gia tiên vào ngày nào?

Bát hương là nơi thần thánh, gia tiên ngự, cũng là nơi linh thiêng, sạch sẽ và ấm cúng nhất trong một gia đình. Chúng ta thường làm lễ rút tỉa chân nhang, bao sái bát hương cùng với ngày cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên, nên tỉa chân nhang bàn thờ gia tiên vào ngày nào thì tốt nhất? Nên tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông công ông Táo? Các bước tỉa chân nhang và bao sái ban thờ cho đúng? Những sai lầm cần tránh khi tiến hành rút tỉa chân nhang?

bao sai ban tho don tet

Rút tỉa chân nhang trước hay sau lễ cúng ông công ông Táo? 

Theo các cụ xưa: Lễ quan soái cần phải làm trước khi làm lễ cúng ông Công ông Táo. Có nghĩa là phải làm sạch lau bát hương, để lại 3 chân hương đẹp nhất lau sạch sẽ rồi cắm lại vào bát hương. Lễ quan soái một năm chỉ có 1 ngày đó là ngày 23 tháng Chạp, chứ không phải này nào cũng làm được việc này. Sau khi làm lễ quan soái xong, thì các gia đình chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công, ông Táo.

Tuy nhiên, tuỳ tập tục của từng vùng miền mà ngày rút tỉa chân nhang, lau dọn ban thờ có thể khác nhau. Các cụ xưa thì tục bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang sẽ làm trước lễ ông Công, ông Táo. Hiện nay công việc quá bận rộn nên đa phần mọi người vẫn chọn ngay sau lễ ông Công ông Táo (Tức ngày 23 tháng 12 âm lịch), hoặc từ ngày 24 đến ngày 29 âm lịch. 

Lựa chọn thời điểm sẽ phụ thuộc vào phong tục của các vùng miền, không có đúng hay sai và tiêu chuẩn cụ thể. Nếu bao sái ban thờ, tỉa chân nhang ngay sau lễ cúng Táo Quân thì gia chủ hãy cúng Táo Quân trước 12h trưa ngày 23 tháng chạp. Khi cúng thì xin phép các ngài được lau chùi và dọn dẹp ban thờ. Sau khi hóa vàng mã là gia chủ có thể tiến hành bao sái ban thờ.

Cách rút tỉa chân nhang gia tiên như thế nào là đúng? 

Người được lựa chọn làm công việc dọn dẹp ban thờ, rút chân hương cũng phải tắm rửa sạch sẽ, thực hiện nghi lễ với sự thành tâm. Sau khi thắp một nén hương xin phép trên bàn thờ, gia chủ sẽ rút từng chân hương một, cho đến khi còn lại một vài chân hương đẹp nhất thường là ở số lẻ: 3, 5, 7, 9.

Số chân hương đã rút đi này sau đó được mang hóa, tro đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Sau khi hoàn thành công việc, cũng phải có nén nhang cẩn báo với các cụ.

Quan niệm của người Việt cũng cho rằng, việc tỉa chân hương hay lau chùi ban thờ nên tuyệt đối giữ sự yên tĩnh cho bát hương, không được làm xê dịch, di chuyển.

Theo quan niệm cổ truyền, đây là việc của đàn ông trong nhà. Thực tế, ai cũng có thể bao sái được bát hương, song đích thân gia chủ bao sái, rút tỉa chân nhang là tốt nhất. Đó phải là người thành tâm và chân tay sạch sẽ.

Thời gian tốt nhất (Giờ tốt) để rút tỉa chân nhang

Thời gian tốt nhất để tiến hành bao sái ban thờ, tỉa chân nhang là

  • Từ 8 giờ đến 11giờ 55 trưa
  • Hoặc 1 giờ đến 5h55p chiều tối.
  • Nên tránh 1-12 giờ trưa và sau 6 giờ tối

Rút chân nhang bàn thờ gia tiên chuẩn chỉnh

Gia chủ đọc những hướng dẫn sau đây và ghi nhớ để có thể rút chân nhang đúng cách không phạm vào vào đại kị”

  • Bước 1: Sau khi dọn dẹp nhà cửa xong gia chủ nên mở hết các cửa nhà ra, chuẩn bị đầy đủ các đồ lễ nến, hương, hoa, quả, đồ cúng. Mách cho gia chủ một mẹo đó là lấy củ gừng vẫn còn nguyên vỏ mang đi rửa sạch và giã nát sau đó đổ vào trong rượu trắng cũng như ngâm khăn vào trong rượu khoảng 30 phút trước khi bạn tiến hành dọn dẹp sẽ giúp bạn dọn dẹp bàn thờ sạch hơn và có mùi thơm dễ chịu.
  • Bước 2: Gia chủ thắp hương lên bàn thờ và khấn để xin phép tổ tiên, thần linh về việc dọn dẹp bàn thờ và rút chân hương. Nếu không xin phép thì sẽ làm “động” tới thần linh cũng như gia tiên.
  • Bước 3: Hạ đồ cúng trên bàn thờ xuống cẩn thận để lau dọn. Gia chủ đặt một cái bàn to, sạch sẽ và phủ trên bàn là lớp vải hoặc giấy đỏ đặt ngay cạnh bàn thờ để có thể đặt toàn bộ đồ cúng xuống bàn đó ngay ngắn và không làm lẫn lộn đồ cúng. Gia chủ lau xong bằng khăn ngâm qua rượu gừng, lau, vệ sinh từng đồ cúng một, tuyệt đối không được kẹp đồ cúng vào nách, chân và háng. Bên cạnh đó, bạn nhớ để đồ cúng trang nghiêm và ngay ngắn tránh làm sứt mẻ đồ cúng.
  • Bước 4: Bao sái và rút tỉa chân nhang. Đối với việc bao sái và rút tỉa chân nhang thì đầu tiên, gia chủ nên rửa hai tay bằng rượu gừng. Một tay giữ chặt lấy bát hương, lấy khăn để lau toàn bộ những bụi bẩn ở bát hương xuống. Sau đó, lấy hai tay rút tỉa từng chân nhang cho tới khi chân nhang còn lại là số lẻ. Thông thường thì bát nhang cúng thần linh thường để 5 chân nhang, còn bát hương khác là để 3 chân nhang.
  • Bước 5: Đặt các đồ cúng vào đúng vị trí và thay hoa nước. Khấn báo cáo thần linh, tổ tiên công việc đã xong, mời chư vị ...an vị bát hương để con cháu được tiếp tục thành tâm thờ cúng.   

Cụ thể xem tại Văn khấn trước và sau khi tỉa chân hương, bao sái ban thờ gia tiên đúng nhất

Nguyên tắc lau dọn ban thờ là lau từ trên cao rồi mới xuống đến thấp. Khi lau các bức tượng nên dùng khăn mềm để tránh tượng bị xước hoặc bay màu sơn. Nên dùng loại máy thổi hơi để thổi sạch các hạt bụi trong ngóc ngách thay vì chổi. Tuy nhiên, cần tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương. Trong trường hợp có sự cố bất khả kháng buộc phải xê dịch thì sau đó phải làm lễ thắp hương và di chuyển về đúng như vị trí ban đầu.

Về thứ tự lau dọn, nếu có bài vị thì hãy lau bài vị trước rồi đến bát hương sau đó mới đến các đồ cúng khác. Nếu thờ Phật thì lau dọn tượng Phật trước rồi mới lau đến bài vị gia tiên.

Nếu tro trong bát hương đã quá đầy thì cần bỏ bớt đi. Bạn hãy lấy thìa xúc ra từng thìa tro nhỏ để bỏ đi. Hãy giữ lại một ít tro và chân nhang, bởi việc đổ hết tro và chân nhang theo quan niệm của người xưa là gây hao tán tài lộc cho gia chủ.

Những đại kỵ cần tránh khi rút tỉa chân nhang, lau dọn ban thờ 

Dùng dụng cụ không sạch để lau dọn ban thờ

Luôn nhớ rằng ban thờ là nơi tôn nghiêm và linh thiêng, vì thế khi lau dọn ban thờ, tuyệt đối không dùng dụng cụ bẩn. Trước khi lau dọn, nên chuẩn bị các đồ mới như chổi quét, khăn lau. Nước dùng để lau cũng cần phải sạch. Theo quan niệm dân gian, nếu dùng chổi, khăn lau dọn chung, vốn mang nhiều uế tạp, thì sẽ không đảm bảo sự tôn nghiêm nơi thờ cúng.

Đặt bát hương chông chênh

Ban thờ gia tiên của người Việt thường có ba bát hương. Bát chính giữa là thờ quan thổ công, thổ thần, Táo quân... Hai bát hai bên thờ ông bà, tổ tiên của gia đình. Bát hương cần được đặt ở vị trí chắc chắn, không được để chỗ chông chênh vì có nguy cơ bị xê dịch. Trong quá trình lau dọn ban thờ, rút tỉa chân nhang, hạn chế di chuyển mạnh bát hương. Quan niệm dân gian cho rằng đặt bát hương chông chênh thì bát hương sẽ bị động, hàm ý mọi thứ sẽ không được ổn định.

Làm đổ vỡ đồ thờ cúng

Người Việt từ xưa vốn kiêng kỵ làm đổ vỡ đồ vật, vì đó là điềm báo điều xui xẻo sắp đến. Với đồ thờ cúng, cũng đại kỵ làm đổ vỡ. Đồ thờ cúng trên ban thờ thể hiện lòng thành của con cháu với người đã khuất và các vị thần linh. Vì thế nếu làm vỡ, người xưa quan niệm rằng đó là dấu hiệu tổ tiên không hài lòng điều gì đó hoặc điềm xấu sẽ tới.

Vì thế khi lau dọn ban thờ, cần thật cẩn thận, tiến hành nhẹ nhàng, tránh tuyệt đối đổ vỡ.

Bỏ cát vào trong bát hương

Ở miền Bắc thì bát hương cần được bốc bằng tro sạch, đốt từ rơm nếp hoặc rơm tẻ sạch, lọc kỹ để bỏ đi những tạp chất, nhằm đảm bảo tính trang nghiêm và thanh tịnh. Gia chủ không nên bỏ cát vào trong bát hương. Quan niệm dân gian cho rằng việc làm này sẽ khiến cho gia đình lục đục, gặp những điều không may mắn trong năm đó.

Tuy nhiên, nếu bạn ở miền Trung thì việc này hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng gì. 

Tùy tiện di chuyển bát hương

Bát hương không chỉ là nơi để con cháu thắp hương, nhớ về tổ tiên, ông bà, đây còn là nơi kết nối tâm linh giữa tổ tiên và gia chủ. Trong văn hóa tâm linh của người Việt, nếu tùy tiện di chuyển vị trí bát hương, sẽ không tốt cho công việc làm ăn, sức khỏe của mọi người trong gia đình. Để hạn chế di chuyển bát hương, gia chủ chỉ cần dùng khăn sạch, nhúng rượu rồi lau bát hương là được.

Tamlinh.org (tổng hợp)