04/06/2021 11:48 View: 4645

Lễ cúng ông công ông Táo 2021: Sắm lễ, văn khấn, giờ cúng TỐT nhất

Vào ngày 23 tháng chạp, bên cạnh việc chuẩn bị lễ vật, mâm cơm cúng thì bài văn khấn ông Công ông Táo lên chầu trời là thứ không thể thiếu. Vậy năm 2021, cúng ông công ông Táo vào ngày mấy? Sắm lễ cúng ông công ông Táo như thế nào? Cúng ông Công ông Táo cần gì? Giờ cúng ông Táo tốt nhất? .... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.  

cung ong tao 2021

Lễ cúng ông Táo 2021 vào ngày mấy? 

Cúng ông Công ông Táo thường diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, nhưng nhiều nơi người dân quan niệm Lễ phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23, nên nhiều gia đình cúng từ ngày 22 vì quan niệm phải kịp giờ cho ông Táo về Thiên Đình. Ngày bắt đầu Lễ vào năm 2021 là ngày 4 tháng 2 năm 2021 dương lịch là ngày Ông Táo chầu trời 2021 (thứ Năm, âm lịch là ngày 23 tháng 12 năm 2020). 

Nguồn gốc và sự tích của Lễ cúng Ông Táo được lưu truyền dưới nhiều dạng câu chuyện khác nhau. Theo người xưa truyền lại, Táo Quân là vua bếp gồm có Táo bà và hai Táo ông, họ cũng chính là vị thần quyết định phúc đức của gia đình.

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Ông Công Ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian cả việc tốt lẫn việc xấu và những gì chưa làm được. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình.

Giờ đẹp cúng ông Công ông Táo 2021?

Vào năm 2021, ngày 23 tháng Chạp âm lịch sẽ rơi vào thứ Năm (04/2 Dương lịch) nhưng không nhất thiết cứ phải cúng vào trưa 23 tháng Chạp mà bạn có thể bắt đầu từ ngày 21 - 22 âm lịch và nhớ phải kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp nhé.

Thông thường, các gia đình thường làm lễ cúng Táo quân bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên năm nay, khung giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là từ 9 - 11 giờ. Giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là giờ mà Táo quân đã có mặt trên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Vì vậy dù vướng bận chuyện gì, các gia đình cũng cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.

Tuyệt đối không nên cúng muộn hơn 23 giờ đêm ngày 23 tháng Chạp bởi mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Theo dân gian thì nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế các gia đình không nên cúng sau ngày hăm ba.

Lễ cúng ông Công ông Táo cần gì? 

Lễ vật dâng cúng ông Táo gồm gì?

Đồ cúng ông Táo cần đủ 5 thứ:

  • Nến - để thêm lộc thêm lửa
  • Hương - để thắp nén tâm hương kết nối với thế giới tâm linh
  • Hoa - để mang hương thơm mát lành đến với gia đình, bậc bề trên
  • Quả - mang lại sự no đủ
  • Thực ( đồ ăn ) - để thụ lộc sau đó. Quan niệm cơ bản nhất. Trước cúng sau ăn. Lòng thành là được. Ăn gì thì cúng nấy. Muốn dâng gì thì chuẩn bị nấy.

Cỗ chay thì gồm có: hương, hoa, nến, đèn, chè, thuốc, bánh kẹo, đĩa hoa quả tuỳ tâm, nước ngọt, nước trắng, cỗ mặn thì có: bánh kẹo, xôi, gà, chân giò bánh chưng, bát canh măng nấm, rượu bia, thuốc lá, trầu cau

Ngoài ra, lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn, tiền vàng, 1 chiếc áo, 1 đôi hia bằng giấy và hình cá chép bằng giấy. Những đồ vàng mã này sẽ được đốt đi để gửi cho các vị thần sử dụng khi về trời. 

Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, tất cả đều bằng giấy bìa. Màu sắc của mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành: năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.

Sắm lễ, làm cơm cúng ông Táo

Ngày nay, mâm cúng ông Công ông Táo dường như đơn giản hơn nhiều, do các bà nội trợ không có thời gian. Theo phong tục, mâm cúng ông Công ông Táo gồm có:

  • - Gà luộc
  • - Đĩa xào thập cẩm
  • - Xôi (hoặc bánh chưng)
  • - Giò
  • - Canh măng, nấm, mọc

Mâm cúng ông Táo đặt ở đâu? 

Có người quan niệm Táo Quân là thần Bếp núc nên tiến hành cúng dưới bếp. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai. Mặc dù gọi là cúng Táo Quân nhưng đây là cách nói tắt, chứ thực ra lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng chạp là cúng chung ba vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp, dân gian thường gọi chung là Thần linh, Thổ địa, được thờ trên ban thờ.

Vì vậy, việc hành lễ phải được tiến hành tại ban thờ chính, là nơi trang trọng nhất trong nhà chứ không thể thực hiện ở bếp. Hơn nữa, bếp là nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm nên thường bị coi là nhếch nhác, nếu hành lễ ở đây sẽ thiếu trang trọng.

Văn khấn cúng ông Táo như thế nào? 

Theo quan niệm dân gian, bài văn khấn chính là phương tiện, là cách để con người giao tiếp với thần linh, giao tiếp với ông bà tổ tiên. Khi khấn ông Táo người ta thường không cầu xin phú quý hay no đủ mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt cho gia đình, tránh các điều không hay. Đây là một nét đẹp tâm linh người Việt với mong muốn hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.

BÀI KHẤN 1 (Dành cho các gia đình):

Nam mô A di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương!
Con kính lạy Ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật! (3 lần).

*********************************************************************

BÀI KHẤN 2: Dành cho các bạn muốn khấn lời hay ý đẹp, các bạn theo đạo Mẫu

Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần) 

Con kính lạy: 

  • - Chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. 
  • - Đông trù từ mệnh táo phủ thần quân, ngũ phương long mạch, tiền hậu địa chủ, tiếp dẫn tài thần. 

Tín chủ con là: ... đồng gia hiệp đẳng.
Ngụ tại số nhà: .... . 

Nhân ngày 23/Chạp năm ...... tín chủ con cùng toàn gia thành tâm sửa soạn hương hoa, đăng trà, quả thực, xiêm hài áo mũ, tịnh cúng phu trần, biện lên trước án, dâng hiến Tôn thần, đốt nén hương tâm, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính thỉnh: Ngài Đông trù từ mệnh, Táo phủ thần quân, Ngũ phương Long mạch, Tiền chủ Hậu chủ, chư vị Tôn thần, giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật, soi xét lòng trần, thùy từ chứng giám.

- Ngưỡng mong: Trong năm sai phạm, các lỗi các lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm trước, biến hung thành cát, cải họa vị tường, ban tài tiếp phúc, phù hộ toàn gia, nam nữ trẻ già, thân cung khang thái, mệnh vị diện trường, gia đạo hưng long, thương mại hanh thông, lộc tài quảng phát, công danh thành đạt, sự nghiệp viên thành. 

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

A Di Đà Phật (3 lần)

Bài khấn cúng Táo Quân: Dành cho các bạn muốn khấn thật đầy đủ các vị các ngài

Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật

Con xin cung thỉnh đức vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức vua cha Bát Hải, Đức vua cha Thủy Tề, Hội đồng đức vua cha. Quan nam tào bắc đẩu, tứ đại thiên vương, thiên long hộ pháp.

  • Con xin cung thỉnh Ngũ vị Hoàng tử, ngũ vị Tiên Ông.
  • Con xin cung thỉnh Đức Hoàng Thiên Quốc mẫu, Mộc Công thiên mẫu, Mẫu Bát Hải, Mẫu Thủy tề. Thánh mẫu Cửu trùng thiên.
  • Con xin cung thỉnh Đức phật a di đà dược sư lưu ly quang như lai Phật. Con xin cung thỉnh đức Phật thích ca mâu ni, giáo chủ cõi cực lạc sa bà như lai. Con xin cung thỉnh Đức Phật mẫu Chuẩn Đề quan thế Âm bồ tát. Con xin cung thỉnh Đức phật Hoàng Trần Nhân Tông, cùng muôn ngàn chư vị Phật, chư vị Bồ tát, các chư vị La hán, các đức Hộ pháp.

  • Con xin cung thỉnh các Vua, các Mẫu, các chầu các quan, Mẫu đệ nhất, Mẫu đệ nhị, Mẫu đệ tam, tam tòa đức Thánh mẫu.

  • Con xin cung thỉnh Tứ phủ chầu bà, Tứ phủ vạn linh, long thiên thánh chúng vị tiền.
  • Con xin cung thỉnh các vị tiên thiên, tiên thánh, tiên thần, Đức thánh Tản Viên Sơn Thần, Đức thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, các thánh cô, thánh cậu, hồn thiêng sông núi.

Con xin cung thỉnh các Quan thần linh bản địa, Thần hoàng bản thổ, Thần công thổ địa, Thần tài, Thần quân, Táo công muôn vàn chư vị thân linh đang cai quản nơi này…(Địa chỉ nhà mình).

Con xin cung thỉnh đức thánh tổ dòng họ bố hoặc (Nhà chồng) Bà cô tổ dòng họ…, các cụ tổ tiên hai bên nội ngoại, các hội đồng bà cô, ông mãnh, các vong linh, hương hồn dòng họ……, các cô bé đỏ cậu bé đỏ.

Hôm nay nhân ngày ông công, ông táo về trời Chúng con: (họ tên chồng, vợ rồi đến các con….)

Có nén hương, cùng hoa thơm, quả ngọt, bánh, kẹo, trầu cau, thuốc lá... mâm cơm đạm bạc với lòng thành kính dâng lên Trời, phật, các cung các cõi linh thiêng. Ông Công, ông Táo chủ thần quân. cùng xin các ngài cho gia tiên tiền tổ chúng con về cùng dự cho được thân mật được linh thiêng.

Kính thưa các ngài, các cung các cõi linh thiêng, cả năm vừa qua, Ông Công, Ông táo đã hết lòng chăm lo săn sóc về sức khỏe, lộc tài, sự an lành cho gia đình chúng con. Trước hết chúng con xin được tạ ơn, tấm lòng quảng đại, vị tha, sự quan tâm chu đáo của các ngài.

Là người trần nên còn nhiều tham, sân si. Chúng con đang ngày đêm, cố gắng tu sửa, bớt dần, thói hư, tật xấu.

Cầu xin các ngài về Trời, mở lòng từ bi, thương lấy chúng con. Báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Dù chưa được đức hạnh, nhưng chúng con vẫn đang đêm ngày, cố gắng tu sửa, đức, hạnh, hiếu nghĩa. Các ngài xin cho gia chung được âm phù, dương trợ, được trên kính, dưới nhường, được bạn bè người thân giúp đỡ, để công việc được thuận buồm xuôi gió. Cho chúng con nhà cửa yên ấm, bình an, vợ chồng hạnh phúc, các con khỏe mạnh. Có lộc, có tài, có điều kiện, có phương tiện, để làm phúc làm thiện, tích phúc, tích đức. Là những điều kiện để chúng con tu sửa, được nhanh hơn, tốt hơn. Mong các ngài đi đường, vui vẻ, mát lành.

Chúng con sớm mong được đón các ngài trở về đón Tết với gia đình.

Lễ mọn lòng thành xin các ngài, các cung các cõi linh thiêng chấp lễ, chấp lời cầu xin thỉnh nguyện. 

Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật

******************************************************

Những chú ý và kiêng kỵ khi cúng ông Táo

  • Nhà mình hay ở thuê cũng có thể lễ, nhưng không bắt buộc phải lễ. Hãy lễ khi bạn muốn, chứ đừng cưỡng ép bản thân.
  • Khi đã thắp hương cúng ông Táo, lưu ý quan niệm không xả nước khi đang lễ, tránh trôi lộc. Sau khi lễ xong dùng nước bình thường.
  • Khi lễ nên thắp nến cho soi sáng đàn lễ. Sau đấy thì có thể đợi nến tự cháy hết hoặc chủ động tắt nến. Một số quan niệm cầu kỳ cho rằng không nên thổi nến vì thổi thì bay mất lộc, hoặc quan niệm khác kiếp này thổi nến kiếp sau sứt môi.  Vậy nên thay vì thổi nến có thể lấy 1 cái đĩa nhỏ úp ngược lên cốc để dập nến
  • Khi khấn, nên khấn ra thành tiếng, không to quá không lẩm nhẩm, vì phải thành âm thanh thoát ra miệng thì mới dễ linh ứng
  • Khi hoá vàng, hoá sớ đầu tiên, rồi đến quần áo, rồi đến tiền vàng, khi cời cho cháy nhanh không chọc mạnh kẻo rách đồ mã.
  • Tuỳ theo vùng miền mà đồ mã có sự thay đổi khác, nhưng đồ mã chỉ là thứ yếu, không cần quá cầu kì.
  • Khi thả cá. Thả nhẹ nhàng. Không vứt cá đùng xuống nước. Cá dễ dập bụng mà chết.
  • Không vứt cả túi nilon xuống nước, ô nhiễm môi trường.
  • Chân nhang và tro đem hoá là được. Đừng đổ hết xuống ao hồ. Truyền thống là nên giữ nhưng văn mình cần phải phát huy cho hợp thời đại.

Tamlinh.org