Một năm có 3 ngày là ngày vía Quán Âm thế Âm bồ Tát. Vậy trong năm 2020 Canh Tý, ngày vía Quan Âm là những ngày nào? Chúng ta nên làm gì, cúng như thế nào trong ngày vía Quan Âm?
Bồ Tát Quán Âm là ai?
Bồ tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara Bodhisattva) chỉ xuất hiện và xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Hoa nghiêm, Lăng nghiêm, Pháp hoa, Bát nhã Tâm kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà la ni, Chuẩn đề Đà la ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát. Ngài được xem là vị Đại bi (trong kinh Pháp hoa) nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và Đại trí (trong Bát-nhã Tâm kinh) liễu ngộ năm uẩn đều là không.
- Tượng Phật Quan Âm tại India, Nalanda
- Tượng Phật Quan Âm tại India, Nalanda
Các kinh điển trên đều nói đến Bồ tát Quán Thế Âm với hình tướng nam tính, nam giới chứ không phải nữ giới. Bồ tát tượng trưng cho từ bi và trí tuệ. Ngài nghe hết tiếng kêu khổ, tiếng niệm danh hiệu ngài, tiếng cầu xin ngài để được như ý muốn, được cứu độ khỏi khổ đau, tai nạn…
Bồ-tát Quán Thế Âm được quan niệm là hình ảnh phụ nữ, là mẹ, là Phật… có lẽ dính dáng đến nguyên lý Mẹ mà rất nhiều văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… theo đó đều có các thánh nữ. Đặc biệt, trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng có thờ thánh mẫu Tara gồm nhiều vị.
Truyền thuyết cho rằng vị Tara được sinh ra từ nước mắt của Đức Quán Thế Âm; rằng trong kiếp xa xưa, mẹ Tara đã là một vị công chúa quyết tâm tu, quyết giữ hình hài nữ giới cho đến khi thành Phật. Xin nói thêm, thánh nữ Tara còn được hiểu là hàng chục vị, có thể đến hơn một trăm vị, được phân biệt theo màu sắc của các tranh tượng. Tara màu xanh (Lục độ Tara) là vị tiêu biểu nhất.
- Ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.
- Ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.
Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, nêu rất rõ và rất ấn tượng về ý nghĩa cứu khổ cứu nạn vẫn được coi là tượng trưng cho hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.
Kinh cho ta thấy Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng nổi bật nhất của Đại Từ bi; những hóa thân của ngài gồm 33 hay 35 hình tướng để có thể thuận tiện cứu khổ cho chúng sinh. Lòng Đại từ bi ấy có thể xem như lòng mẹ đối với con cái, lại phù hợp với truyền thống của nhiều tôn giáo có một vị nữ được ví như là Mẹ của tất cả: Đức mẹ Kali, Đức mẹ Maria, Đức Mẫu… Do đó, mặc dù Bồ tát Quán Thế Âm có thể hóa thân thành Phật, Bích chi, Thanh văn, Phạm vương, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, Đại tướng quân, Tỳ sa môn Thiên vương… Tiểu vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn, nam nữ Tỳ kheo... nét nổi bật nhất của hóa thân ngài vẫn là hình ảnh phụ nữ, hình ảnh mẹ hiền.
Kinh điển Đại thừa, đặc biệt là kinh Pháp hoa, được truyền sang Trung Quốc, các bản dịch chính kinh và phụ kinh của kinh này được phổ biến khá rộng từ năm 255 đến năm 601. Và quan niệm Bồ tát Quán Thế Âm mang hình tướng nữ giới được hình thành dần dần, đến đời Đường (618-907) thì hình tướng này hình như hoàn toàn phổ biến, nhất là trong giới bình dân, tạo thành một tín ngưỡng quan trọng.
Ngày vía Quan Âm năm 2020 Canh Tý
Hàng năm, mọi Phật tử ở khắp mọi nơi đều thành tâm hướng về Ngài vào các ngày này:
- Ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày Quán Thế Âm Đản Sanh.
- Ngày 19 tháng 6 âm lịch là ngày Quán Thế Âm thành đạo.
- Ngày 19 tháng 9 âm lịch là ngày Quán Thế Âm xuất gia.
Cụ thể chuyển sang dương lịch thì ngày vía Quan Âm năm 2020 Canh Tý đúng vào các ngày:
- Ngày 12/3/2020
- Ngày 8/8/2020
- Ngày 4/11/2020.
Hướng dẫn cách bày trí bàn thờ mẹ Quan Thế Âm
Vị trí đặt ban thờ
- Không đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát chung với các tượng thần khác. Điều đó sẽ có thể không tốt và không may mắn. Sở dĩ, vì do Phật bà vốn thanh tịnh, tinh khiết, ăn chay, khi đặt chung với các tượng thần khác sẽ không tốt khi cúng đồ ăn mặn.
- Nên đặt bàn thờ theo hướng “tọa Tây hướng Đông”. Tránh tuyệt đối không được quay tượng Quan Âm vào các hướng có nhà vệ sinh, cửa phòng ngủ và phòng ăn.
- Tượng được đặt nên tránh hướng cửa và hành lang để tránh xung khí.
- Không để bàn thờ Phật ngang hoặc dưới bàn thờ gia tiên.
Cách trình bày ban thờ
Trên bàn thờ chính giữa là tượng Phật và bát hương thờ dưới chân phật. Hai bên là hai cây đèn, hay bên đèn là hai ly nước. Hai bên phía sau là 2 bình hoa và 2 đĩa hoa quả.
Chú ý khi đặt bàn thờ Quan Âm tại nhà:
- Hai ly nước nên được thay hằng ngày. Nước nên là nước tinh khiết, nước lọc.
- Nhang cần được thay hằng ngày.
- Không để bàn thờ bụi bẩn.
Ý nghĩa tên của Quán Thế Âm Bồ tát:
- - Quán là chỉ về sự quan sát, tìm hiểu, biết rõ ràng về đối phương
- - Thế là thế gian, cuộc đời, suộc sống trong nhân gian
- - Âm là tiếng kêu cứu, thỉnh cầu của những chúng sinh đang đau khổ
- - Bồ Tát là độ thoát, cứu độ cho chúng sanh, giúp họ có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Vì vậy, vào ngày vía Quan Âm Bồ Tát, các Phật tử thường ăn chay, niệm kinh và có mâm lễ cúng chay dâng Phật. Các Phật tử cũng không quên niệm danh hiệu của ngài:
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát
Sắm lễ cúng dường ngày vía Quan Âm:
- Nên sắm các lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, đèn, oản phẩm, xôi chè.
- Không nên cúng dường các đồ ăn mặn như thịt, các món có tỏi, hành,...
- Hoa tươi lễ Phật như hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu,...
- Hạn chế chọn các loại hoa dại, hoa tạp
- Không nên bày bàn cỗ như yến tiệc để cúng dường Phật, ta chỉ cần hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái ngọt, nước trong là đủ.
Nếu không có điều kiện chúng ta chỉ cần thành tâm hướng về Ngài bởi Phật là ở trong tâm của mỗi chúng ta.
Nên làm gì trong ngày vía Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ?
Bồ tát Quan Thế Âm tương trưng cho sự yêu thương, cho sự đại từ, đại bi. Ở nơi đâu có khổ đau, có khó khăn thì Ngài luôn xuất hiện ở đó, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn của mình. Vậy nên trong những ngày vía của Ngài, chúng ta có thể làm gì để thể hiện lòng tôn kính của mình với Bồ tát Quan Thế Âm?
Có rất nhiều Phật tử phát nguyện ăn chay, có người lên chùa. Cũng có Phật tử nguyện trì tụng chú Đại Bi, có người vì tưởng nhớ đến công đức của Bồ tát mà in ấn kinh, làm từ thiện, phóng sinh để tạo thêm phước lành. Những việc làm trên đều rất tốt. Nếu như không có điều kiện và không biết làm gì thì bạn cũng chỉ cần không tạo thêm tội, giữ tâm ý trong sạch, không nói điều ác, không làm điều ác, tha thứ bao dùng cho tất cả mọi người. Hay cũng có thể chấp tay thề nguyện 3 điều sau:
- Xin nguyện yêu thương bản thân: Thương yêu bản thân là mình thương hết toàn thân tâm của mình, luôn chấp nhận con người thật, kể cả điều xấu lẫn điều tốt. Khi yêu thương bản thân mình thì bạn sẽ có thể giúp cho chính mình có cơ hội phát huy, bổ sung, hoàn thiện bản thân hướng đến những điều tốt đẹp. Từ yêu thương bản thân bạn sẽ nghĩ đến tất cả những người xung quanh mình. Từ đó sẽ luôn yêu thương họ, quan tâm họ, bao dung với họ nhiều hơn, rồi dần dần sẽ bỏ những điều không tốt, thói quen xấu của chính mình làm cho mọi người không phải lo lắng đến ta. Chính điều đó thôi, bạn đã làm được một việc rất tốt. Yêu thương bản thân mình giúp ta sửa chữa những điểm yếu, phát triển những điểm mạnh, quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh. làm được như vậy chính là ta đang theo đại nguyện lớn của Quan Thế Âm Bồ Tát
- Xin nguyện nhẫn nhục trước mọi thuận cảnh và nghịch duyên: Nhờ vào tâm nhẫn nhục mà Bồ tát đã vượt qua bao kiếp nạn. Thực tập tính nhẫn nhục của Ngài cũng là một chuyện rất tốt. Nhẫn nhịn giúp ta giữ được tâm điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh kể cả khi thuận cảnh và nghịch duyên. Nó không làm ta trở nên kiêu ngạo khi có người dành lời khen cho mình, tâng bốc mình. Và nó cũng không làm ta phải buồn phiền, đau khổ khi mọi điều không may xảy ra. Tuy nhiên chúng ta nhẫn nhịn để tâm ta được thanh nhàn chứ không nên nhẫn nhịn để nghĩ cách trả thù. Điều đó lại không phải là điều mà Bồ tát muốn chúng ta làm vậy.
- Xin nguyện lắng nghe sâu sắc nỗi thống khổ của mọi người xung quanh: Việc lắng nghe rất tốt, nó không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn về những nỗi thống khổ, buồn phiền của những người xung quanh ta giúp ta hiểu họ hơn mà nó còn giúp ta phát sinh tâm từ bi. Nhờ vậy, mà ta có thể giúp đỡ họ, xoa dịu những khúc mắc mà họ đang đeo mang hay ít nhất ta có thể giúp họ cảm thấy thoải mái khi được giải bày những chất chứa trong tâm hồn.
Tại sao Quan Âm lại đi lạy Quan Âm?
Một người đàn ông đang trú mưa dưới mái hiên, trông thấy Phật bà Quan Âm cầm dù đi ngang qua, bèn nói:
- "Quan Âm bồ tát, xin hãy phổ độ chúng sanh, giúp con đi một đoạn đường được không?".
Quan Âm trả lời:
- "Người đang dưới mái hiên, ta đang đứng dưới mưa, người cũng cần ta độ sao?".
Người đó liền chạy ra ngoài:
- "Bây giờ con đã đứng dưới mưa, xin Quan Âm phổ độ cho!".
Quan Âm nói:
"Chúng ta cùng đứng dưới mưa nhưng ta không bị ướt vì có chiếc dù. Còn người bị ướt vì không có chiếc dù, bởi vậy không phải ta độ cho mình mà là chiếc dù độ cho ta. Nếu người muốn không bị ướt thì không cần ta độ, hãy tự đi tìm một chiếc dù". Dứt lời, Quan Âm bước đi.
Hôm khác, người đàn ông trú mưa hôm nọ gặp nhiều chuyện phiền bực, khó khăn nên vào miếu Quan Âm cầu nguyện. Anh ta thấy một người phụ nữ đang quỳ trước tượng Quan Âm, có hình dáng rất giống Quan Âm, tiến lại gần hỏi:
- "Xin hỏi có phải Quan Âm không?".
Người phụ nữ trả lời:
- "Đúng, ta là Quan Âm".
Người đàn ông kinh ngạc:
- "Ô, tại sao Quan Âm lại bái lạy Quan Âm?".
Quan Âm cười đáp:
- "Ta cũng gặp những chuyện khó khăn nhưng ta hiểu, đi cầu sự giúp đỡ của người ta chi bằng tự mình giúp đỡ mình".
Bài học rút ra:
Đức Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu trưng của lòng từ bi, thương yêu, bảo bọc và che chở. Ngài có khả năng lắng nghe tiếng kêu bi thương của muôn loài để tìm đến cứu độ. Khi chúng ta trì tụng danh hiệu đức Quan Thế Âm Bồ Tát là khi đó sẽ tiếp xúc được với tình thương rộng lớn. Từ đó mở ra được nhiều năng lượng từ bi để ôm ấp, chuyển hóa những khổ đau trong ta. Nhưng xin đừng mù quáng.
Chúng ta không thể đùn đẩy hết mọi sự cho Bồ Tát trong khi đó chúng ta chẳng có sự cộng tác, cố gắng nào.
Ốm đau thì phải có thầy thuốc, phải đi bệnh viện. Ra khỏi nhà phải khóa cửa đề phòng trộm cắp. Khi lái xe thì phải cẩn trọng, chú ý, mùa dịch bệnh phải tìm cách bảo vệ bản thân, gặp khó khăn thì phải tìm hướng khắc phục dần… Chứ nếu ốm đau, dịch bệnh, hoạn nạn mà chỉ cầu xin Phật, xin Bồ Tát chữa trị trong khi mình không dùng các phương tiện trần thế để chữa trị, phòng chống thì đó quả là một Đức Tin mù quáng, thậm chí là sai lầm.
Giấc mơ:
"Nội em mất cách đây 5 năm rồi ạ, sau khi mất gần 100 ngày em có nằm mơ thấy nội, đúng vào cái hôm trước đêm cúng 100 ngày ấy ạ.
Em thấy nội bật dậy từ trong quan tài, nội bước ra, ốm nhong, trơ xương, đến mức đếm xương được ấy ạ, 2 con mắt nội thâm đen thui nhưng không thấy tròng mắt, nội đến nói với em là
- Nội sắp đi xa rồi, không quay về được nữa, nội muốn dẫn con đi tới chỗ này
Em hỏi nội là có dẫn ba mẹ, cô 6 đi không thì nội nói có, nhưng nội gấp lắm đã dẫn em đi trước, em thấy cô và ba mẹ đang mặc thêm áo vào định đi chung nhưng nội nói:
- Không kịp nữa rồi, không chờ tụi nó được nữa
Và thế là nội dẫn em đi, đến một tượng mẹ quan âm đứng trên đài sen khói hương nghi ngút, người ta thì khấn vái đông đến mức em muốn chen vào cũng không được. Bà nội liền đẩy em một cái thật mạnh, em lọt được vào đứng ôm dưới đài sen mẹ quan âm. Rồi nội nói:
- Thắp nhang đi con
Em lấy nhang, vừa thắp xong thì em lật đật ngoái lại nhìn sợ người đông lạc mất bà nội, lúc ấy em thấy nội khóc và dặn
- Ở trên này cố gắng sống tốt nghen con.
Đó là câu nói cuối cùng em nghe được và em thức giấc thì trời sáng?
Lúc đó em cũng đang khóc, khóc từ trong giấc mơ đến lúc tỉnh ngủ vẫn chưa kiềm chế được, giấc mơ thật đến nỗi em cứ lẫn lộn rằng rốt cục mình có phải mơ không. Đó cũng là lần cuối cùng em mơ thấy nội, từ đó đến giờ em không còn thấy nội một lần nào nữa
Bổ sung một chút là lúc nhìn thấy tượng mẹ Quan Âm em thấy rất quen, hình như em đã gặp ở đâu rồi nhưng không nhớ được. Một - 2 ngày sau em chợt nhớ có hôm em đi Đà Lạt, lên chùa VE CHAI, em có lên tháp chuông và viết lên giấy dán vào chuông cầu nguyện cho nội được vãng sanh cực lạc, tượng mẹ Quan Âm trong giấc mơ chính là tượng mẹ được làm từ hoa bất tử trong ngôi chùa Ve Chai ạ.
Không biết do em thương nhớ nội rồi mơ thấy hay thật sự nội về dặn dò em. Đến bây giờ kể lại trong lòng em không khỏi nhớ nội ... nhớ đến đau lòng" - Trần Chi
Tamlinh.org (tổng hợp)